Chương 9: Được tạo ra để tồn tại lâu dài (Made to last)
A. Vòng đời của một bộ yukata
Ngày nay, bạn nghe thấy từ “tái chế” (recycle), chủ yếu liên quan đến việc thu thập và tái sử dụng những món đồ cũ không mong muốn, ở mọi nơi bạn đến. Với việc thiếu nơi xử lý rác thải ở Nhật Bản ngày nay, bạn có thể cho rằng việc tái chế càng nhiều càng tốt là hợp lý, nhưng điều đó không có nghĩa đó là giải pháp tốt nhất.
Ví dụ, chai nhựa PET, là sản phẩm của một số quy trình công nghiệp rất phức tạp, chỉ được sử dụng một lần, sau đó được tái chế bằng cách nấu chảy và chuyển thành sợi. Đây có thể là một cách tốt để giảm lượng chất thải đưa vào lò đốt, nhưng khi bạn xem xét năng lượng dùng để vận chuyển và tái chế các chai dưới dạng các sợi nhựa xơ thì đó là một quá trình rất lãng phí. Nếu có thể, tốt hơn hết bạn nên tái sử dụng (reuse) chai PET nhiều lần như chai sữa hoặc chai bia.
Ở các thời đại trước, khi hàng hóa được sản xuất có giá trị hơn nhiều so với hiện tại, mọi người đã sử dụng đi sử dụng lại nhiều lần nhất có thể, tái chế chúng mà không hề nghĩ đến việc họ đang làm được gọi là tái chế, rất lâu trước khi khái niệm tái chế ra đời theo cách gọi ngày nay. Khi bạn sống chỉ bằng năng lượng mặt trời, việc tận dụng tối đa mọi thứ bạn có đều có ý nghĩa.
Khi ở nhà vào những ngày hè, tôi thường mặc yukata, một loại kimono bằng vải bông (cotton) đơn giản dùng cho mùa hè. Trên thực tế, gần đây việc mặc yukata để đi chơi vào mùa hè đã trở thành một xu hướng, và việc sử dụng chúng như trang phục hàng ngày vào mùa hè của tôi dường như đã lỗi thời, nhưng trước đây yukata được mặc thường xuyên và dễ dàng sau khi tắm buổi tối thay vì mặc như quần áo ban ngày. Các hình minh họa thời Edo cũng mô tả mọi người mặc yukata chủ yếu khi rảnh rỗi, chẳng hạn như khi tận hưởng buổi tối mát mẻ.
Nghĩ về điều đó, tôi nhận ra rằng bộ yukata bằng vải bông là một điển hình trong sách giáo khoa về cách một nguồn tài nguyên đã từng được sử dụng cho đến khi nó thực sự không còn dùng được cho bất cứ mục đích gì nữa; vì thế, tôi muốn tập trung vào mô tả vòng đời của một chiếc yukata ngày đó là một ví dụ về cách người dân thời Edo sử dụng đồ vật.
Ngày nay hầu hết mọi người đều mua yukata may sẵn, nhưng trước Thế chiến thứ hai và thậm chí cho đến những năm 1960, việc yukata thường có nghĩa là mua chất liệu để may yukata. Ngày đó chắc chắn tồn tại nơi nào bạn có thể mua yukata may sẵn; nhưng ở thời đại mà hầu hết phụ nữ đều biết cách may yukata, một món đồ may sẵn có ít giá trị gia tăng hơn nhiều so với ngày nay, và tôi nghi ngờ rằng rằng yukata hiếm khi được bán may sẵn ngoại trừ quần áo cũ.
Trong những gia đình có trẻ em, thông thường các bà mẹ sẽ may yukata cho con mình. Suy cho cùng, để người khác làm việc đó sẽ tốn kém; hơn nữa, việc mặc cho con mình những bộ yukata do chính mình tự tay may được coi là một trong những niềm vui của tình mẫu tử, và đơn giản là việc cần làm. Trẻ em phát triển nhanh chóng, và do việc may một bộ yukata mới cho phù hợp mỗi khi một đứa trẻ trở nên lớn hơn bộ quần áo của mình là điều không thể tránh khỏi, nên những bà mẹ đã cố ý may những bộ yukata rộng ở vai và thắt lưng, xắn lên ở phần vai và eo. Khi đứa trẻ lớn lên, mẹ nó sẽ thả lỏng vai và eo để phù hợp với sự phát triển. Khi bộ quần áo đã trở nên chật chội và đứa trẻ đã không còn mặc vừa yukata nữa, nó sẽ được dành cho những đứa trẻ nhỏ hơn. Tôi đã dành phần lớn thời thơ ấu của mình để mặc đồ cũ của anh trai mình, nhưng điều đó chưa bao giờ khiến tôi bận tâm.
Yukata được truyền từ anh sang em thường có dấu hiệu hao mòn, rách và phải sửa chữa nhiều lần. Trong gia đình chúng tôi, chúng trở thành quần áo ngủ khi trông đã quá tồi tàn để mặc ra ngoài. Tôi đã sử dụng những bộ yukata cũ làm đồ ngủ cho đến khi tôi hai mươi tuổi. Chất liệu của bộ yukata mới may vẫn còn dày dặn, rất lý tưởng để mặc như yukata, nhưng lại thiếu đi sự mềm mại trên da mà người ta mong muốn ở trang phục ngủ. Chất vải bông cũ của bộ yukata đã mặc lâu đủ mềm mại và dẻo dai để trở thành lý tưởng để mặc khi ngủ.
Sau một thời gian được sử dụng làm quần áo ngủ và ngày càng cũ kỹ, những bộ yukata cũ sẽ được biến thành tã lót. Độ mềm mại của bông ở những bộ yukata cũ khiến nó trở thành chất liệu tã lý tưởng; và theo phong tục, khi một em bé chào đời, các hộ gia đình trong khu phố và họ hàng sẽ tháo những bộ yukata cũ ra và mang tặng. Ngay cả vào đầu những năm 1960, không có gì lạ khi nhìn thấy những hàng tã làm từ những bộ yukata cũ được phơi khô trên các cột giặt ở các khu dân cư, một dấu hiệu nhận biết rằng có một em bé trong nhà. Không có tã dùng một lần như bây giờ—bạn chỉ cần giặt và tái sử dụng cùng một loại tã hết lần này đến lần khác.
Một chiếc tã làm từ chất liệu yukata cũ thường được dùng làm vải trải sàn. Vào thời điểm khăn tắm vẫn chưa được biết đến, khăn lau sàn thường được làm từ khăn che mặt cũ hoặc chất liệu yukata cũ, thể hiện những họa tiết màu xanh đậm như thời xưa. Vải trải sàn làm từ yukata cũ thấm nước và dễ sử dụng; đây là sự tái sử dụng cuối cùng của loại vật liệu này, và sẽ không dùng được lâu.
Tuy nhiên, những tấm vải trải sàn như vậy không bị vứt đi. Trước khi khí ga hoá lỏng (LPG) và khí đốt trong thành phố trở nên phổ biến, mọi ngôi nhà đều có lò đốt củi hoặc lò tắm, và bất cứ thứ gì có thể đốt được đều được sử dụng làm nhiên liệu. Những tấm vải trải sàn cũ làm bằng yukata sẽ được dùng làm nhiên liệu, vải bông một lần nữa được chuyển hoá do quá trình đốt thành tiền chất của nó là CO2 và nước.
Nhân tiện, những ví dụ trên không phải là những trường hợp đặc biệt chỉ liên quan đến những hộ gia đình đặc biệt nghèo hoặc bần cùng. Tôi không biết những người thực sự giàu có đã làm gì với những bộ yukata cũ, vì chúng tôi không có người quen nào như vậy, nhưng thậm chí tận năm mươi năm trước, việc ngay cả những hộ gia đình khá giả cũng sử dụng đồ theo cách này cũng là điều bình thường.
Vải bông mới dệt hiện đại có sự chắc chắn giống như yukata, nhưng không phù hợp làm quần áo ngủ, và càng không thể dùng làm tã lót. Mặt khác, một chiếc tã cũ lại rất lý tưởng để tái sử dụng làm khăn trải sàn. Và thậm chí là nhiên liệu, vải bông không thải ra bất kỳ loại khí độc hại nào. Mỗi giai đoạn trong vòng đời của yukata đều vô cùng thiết thực.
Tác giả: Eisuke Ishikawa, nhà văn chuyên viết về các vấn đề môi trường và sinh thái thời Edo (1603-1867). Ông cũng là giảng viên tại Đại học Nghệ thuật Musashino. Những cuốn sách gần đây của ông giới thiệu sự khôn ngoan về cuộc sống bền vững trong thời kỳ Edo từ các góc độ công nghệ, năng lượng, quản lý tài nguyên và hệ thống tái chế của thời kỳ đó.