Hiến chương quốc tế vì Trái đất và nhân loại
Chúng ta sẽ để lại hành tinh nào cho con mình? Chúng ta sẽ để lại những đứa con nào cho Trái đất?
Hành tinh Trái đất cho đến nay là ốc đảo duy nhất có sự sống mà chúng ta biết ở trung tâm của một sa mạc không gian rộng lớn. Chăm sóc, tôn trọng tính toàn vẹn về thể chất và sinh học, sử dụng các nguồn tài nguyên của Trái đất một cách có chừng mực, thiết lập hòa bình và đoàn kết giữa con người với nhau, tôn trọng mọi dạng sống, là dự án thực tế nhất, sinh động nhất.
Suy ngẫm: Trái đất và nhân loại đang bị đe dọa nghiêm trọng
Huyền thoại về sự tăng trưởng vô thời hạn
Mô hình công nghiệp và sản xuất mà thế giới hiện đại dựa vào áp dụng hệ tư tưởng “luôn luôn nhiều hơn” và tìm kiếm lợi nhuận không giới hạn trên một hành tinh hữu hạn. Việc tiếp cận các nguồn tài nguyên đạt được thông qua cướp bóc, cạnh tranh và chiến tranh kinh tế giữa các cá nhân. Phụ thuộc vào quá trình đốt cháy năng lượng và dầu mỏ, mà nguồn dự trữ đang cạn kiệt, mô hình này không thể nhân rộng cho tất cả mọi người.
Sức mạnh tối thượng của tiền bạc
Là thước đo độc quyền về sự thịnh vượng của các quốc gia được phân loại theo GDP (Tổng sản lượng quốc nội) và GNP (Tổng sản lượng quốc gia) của mỗi nước, tiền bạc toàn quyền kiểm soát vận mệnh chung của nhân loại. Vì vậy, bất cứ thứ gì không có mang lại tiền tệ tương đương đều không có giá trị và mỗi cá nhân sẽ bị xóa sổ về mặt xã hội nếu người đó không có thu nhập. Nhưng nếu tiền có thể đáp ứng được mọi ham muốn thì nó vẫn không thể mang lại niềm vui và hạnh phúc cho cuộc sống hiện tại.
Thảm họa của nông nghiệp hóa chất
Quá trình công nghiệp hóa nông nghiệp, với việc sử dụng rộng rãi phân bón hóa học, thuốc trừ sâu và hạt giống lai, cũng như cơ giới hóa quá mức, đã hủy hoại nghiêm trọng đất đai giàu dưỡng chất và văn hóa nông dân. Không thể sản xuất mà không phá hủy, nhân loại sẽ phải đối mặt với nạn đói chưa từng có.
Nhân loại trong sự vắng mặt của chủ nghĩa nhân văn
Trong khi tài nguyên thiên nhiên hiện đã đủ để đáp ứng nhu cầu cơ bản của tất cả mọi người thì tình trạng thiếu hụt và nghèo đói vẫn tiếp tục trầm trọng hơn. Không tổ chức được thế giới theo chủ nghĩa nhân văn, dựa trên sự công bằng, chia sẻ và đoàn kết, chúng ta phải dùng đến chủ nghĩa nhân đạo mang tính xoa dịu. Logic có đám cháy mới cần người cứu hoả người đã trở thành chuẩn mực.
Ngắt kết nối giữa con người và thiên nhiên
Phần lớn các đô thị, đời sống hiện đại đã xây dựng một nền văn minh “không dựa vào đất đai” (hors sol), tách rời khỏi thực tế và nhịp điệu tự nhiên, điều này chỉ làm trầm trọng thêm tình trạng của con người và những thiệt hại gây ra cho Trái đất.
Ở miền Bắc cũng như miền Nam, nạn đói, suy dinh dưỡng, bệnh tật, bị ruồng bỏ, bạo lực, bất hạnh, bất an, ô nhiễm nguồn đất, nước, không khí, cạn kiệt tài nguyên thiết yếu, sa mạc hóa, v.v., tiếp tục gia tăng. Những thực trạng này thách thức mạnh mẽ lương tâm của chúng ta, kêu gọi trách nhiệm và hành động khẩn cấp để ngăn chặn những diễn biến khôn lường khiến tương lai chúng ta và các thế hệ tiếp theo ngày càng trở nên bất ổn.
Đề xuất: Sống và chăm sóc cuộc sống
Thực hiện những điều không tưởng
Xã hội không tưởng (l'utopie) không phải là ảo ảnh mà là “một nơi không chốn” (non-lieu) của mọi khả năng. Đối mặt với những giới hạn và bế tắc trong mô hình tồn tại của chúng ta, nó là động lực sống, có khả năng biến những điều mà chúng ta cho là không thể thành có thể. Những điều không tưởng của ngày hôm nay chính là giải pháp của ngày mai. Điều không tưởng đầu tiên phải được thực hiện trong chính mỗi con người chúng ta, bởi vì sự thay đổi xã hội sẽ không xảy ra nếu không có sự thay đổi của con người.
Trái đất và chủ nghĩa nhân văn
Chúng tôi nhận thức về Trái đất như nơi nuôi dưỡng những lợi ích chung của nhân loại và là bảo đảm duy nhất cho sự sống và sự sống còn của mình. Chúng tôi cam kết một cách có ý thức, dưới cảm hứng của chủ nghĩa nhân văn tích cực, góp phần tôn trọng mọi dạng sống cũng như hạnh phúc và sự viên mãn của toàn thể nhân loại. Cuối cùng, chúng tôi coi vẻ đẹp, sự tỉnh táo, công bằng, lòng biết ơn, lòng nhân ái, sự đoàn kết là những giá trị thiết yếu để xây dựng một thế giới khả thi và đáng sống cho tất cả mọi người.
Logic của cuộc sống
Chúng tôi cho rằng mô hình thống trị hiện tại là không bền vững và việc thay đổi mô hình là điều cần thiết. Điều cấp bách là đặt con người và thiên nhiên vào trung tâm mối quan tâm của nhân loại và dùng tất cả các nguồn lực và kỹ năng của mình để phục vụ cho điều này.
Tính nữ (Le féminin) đặt ở trung tâm của sự thay đổi
Việc phụ nữ phải lệ thuộc vào một thế giới nam tính thái quá và bạo lực vẫn là một trong những trở ngại lớn đối với sự tiến hóa tích cực của loài người. Phụ nữ có xu hướng bảo vệ cuộc sống hơn là hủy diệt nó. Chúng tôi tri ân những người phụ nữ, những người bảo vệ sự sống và lắng nghe sự nữ tính tồn tại trong mỗi người.
Nông nghiệp sinh thái (Agroécologie)
Trong tất cả các hoạt động của con người, nông nghiệp là hoạt động hàng đầu không thể thiếu, bởi không một ai có thể sống được nếu không có lương thực. Nông nghiệp sinh thái mà chúng tôi đề xuất giống như một nền đạo đức sống với kỹ thuật nông nghiệp cho phép người dân lấy lại quyền tự chủ, an ninh và an toàn lương thực, đồng thời tái tạo và bảo tồn di sản nuôi dưỡng của họ.
Hạnh phúc tỉnh thức (Sobriété heureuse)
Đối mặt với cái “luôn luôn nhiều hơn” một cách vô hạn đang hủy hoại hành tinh vì lợi ích của một thiểu số, sự tỉnh thức là một lựa chọn có ý thức được lấy cảm hứng từ lý trí. Nó là một nghệ thuật và một đạo đức sống, một nguồn thỏa mãn và hạnh phúc sâu sắc. Nó có một vị thế chính trị và như một hành động phản kháng vì đất đai, sự chia sẻ và công bằng.
Địa phương hoá (Relocalisation) nền kinh tế
Sản xuất và tiêu dùng tại địa phương là một nhu cầu tuyệt đối cần thiết để đảm bảo an ninh cho người dân về các nhu cầu cơ bản và chính đáng của họ. Nếu không nhất thiết phải trao đổi bổ sung hàng hoá, các lãnh thổ khi đó sẽ trở thành những cái nôi tự trị thúc đẩy và chăm sóc các nguồn tài nguyên địa phương. Nông nghiệp ở quy mô con người, nghề thủ công, doanh nghiệp nhỏ, v.v., cần được phục hồi để càng nhiều công dân càng tốt có thể trở thành chủ thể của nền kinh tế một lần nữa.
Một nền giáo dục khác
Chúng tôi mong muốn bằng tất cả lý trí và bằng cả trái tim mình một nền giáo dục không dựa trên nỗi lo sợ thất bại mà dựa trên sự nhiệt tình học tập. Đó là là những ai biết buông bỏ tư duy “mọi người vì mình” để đề cao sức mạnh của tình đoàn kết và tương trợ lẫn nhau. Đó là những ai biết sử dụng tài năng của mọi người để phục vụ tất cả mọi người. Một nền giáo dục cân bằng giữa sự cởi mở của tâm trí và kiến thức trừu tượng với trí thông minh của đôi tay và sự sáng tạo cụ thể. Một nền giáo dục kết nối trẻ em với thiên nhiên, nơi mà ai cũng dựa vào và sẽ luôn mang ơn vì đã đem lại sự sống; và điều đó đánh thức người ta về vẻ đẹp cũng như trách nhiệm đối với cuộc sống. Bởi vì tất cả những điều này đều cần thiết cho việc nâng cao ý thức nhân loại.
Pierre Rabhi
Để cây cối nảy nở, để các loài động vật được nuôi dưỡng từ đó sinh sôi, để con người được sống, Trái đất phải được tôn vinh.
Tác giả: Pierre Rabhi. Nông dân, nhà văn và nhà tư tưởng người Pháp gốc Algeria, Pierre Rabhi là một trong những người tiên phong về nông nghiệp sinh thái ở Pháp (1938-2021)