Bỏ qua

Cây cỏ Việt Nam

Thực vật chúng Việt Nam có lẽ gồm vào khoảng 12.000 loài. Đó là chi kể các cây có mạch, chứ không kể các Rong, Rêu, Nấm.

Nước ta có một trong những thực vật chúng phong phú nhất thế giới. Pháp chỉ có khoảng 4.800 loài, Âu Châu 11.000 loài, Ấn Độ, theo Hooker, có khoáng 12-14.000 loài. Với một diện tích to hơn nước ta đến ba mươi lần, Canada chỉ có khoảng 4.500 loài, kể cả loài du nhập. Cả Bắc Mỹ, rộng hơn nước ta gần 65 lần, chỉ có hơn 14.000 loài một ít mà thôi. Á Châu, một lục địa 23 lần rộng hơn nước ta, mới có số loài cao hơn: số loài phỏng định vào 25.000 (nhưng hiện biết chỉ 5.000).

Nguyên nhân của sự phong phú ấy phức tạp. Trước hết, Việt Nam nằm trong vùng nhiệt đới, thuận hợp cho sự sinh sôi nẩy nở của cây cỏ. Việt Nam không có sa mạc. Lại nữa, Việt Nam nằm trên khối Indosinias của vỏ Trái đất bền vững từ mấy triệu năm nay, lại không chìm ngập dưới biển bao giờ. Rồi vào Nguyên đại đệ tứ, Việt Nam không bị giá băng phủ xua đuổi các loài, có khi không trở lại được như ở nhiều nơi. Sau rốt, Việt Nam lại đã là đường giao lưu hai chiều giữa thực vật chúng phong phú của miền Nam Trung Quốc, của Malaysia, Indonesia, và trong quá khứ gần đây, Philippines còn được nối liền với ta. Nên, nếu ở rừng Amazon, trung bình ta gặp được vào 90 loài/ha (héc-ta), ở Đông Nam Á, ta đếm được 160 (loài/ha)!

Sự phong phú ấy là một diễm phúc cho dân tộc Việt Nam

Vì như tôi đã viết (1968) “Hiển hoa là ân nhân vô giá của loài người: Hiển hoa cho ta nguồn thức ăn căn bản hằng ngày; hiển hoa cung cấp cho ta, nhất là người Việt Nam, nơi sống an khang. Biết bao cuộc tình duyên êm đẹp khởi đầu bằng một miếng Trầu, một miếng Cau. Hồi xưa, mấy ai trong chúng ta đã không chào đời bằng một mảnh tre để cắt rún, rời nhau? Lúc đầy nguồn sống, lúc nhàn rỗi, chính hiển hoa cung cấp cho loài người thức uống ngon lành để say sưa cùng vũ trụ. Lúc ốm đau, cũng chính cây cỏ giúp cho ta dược thảo hiệu linh...”

Các điều ấy rất đúng hơn với chúng ta, người Việt Nam, mà ở rất nhiều nơi dân còn sống với một nền văn minh dựa trên thực vật.

Những ân nhân của chúng ta ta ấy đang bị hiểm hoạ biến mất, tuyệt chủng, vì rừng nước ta đã bị đầy lùi đến dưới mức độ an toàn, đất màu mỡ đã bị xói mòn mất ở một diện tích lớn, và cảnh sa mạc đang bành trướng mau lẹ. Đã đến lúc, theo tiếng nhạc của một bài ca, ta có thể hát: “Thần dân nghe chăng? Sơn hà nguy biến. Rừng dày nào còn, xói mòn đang tiến... Đâu còn muôn cây làm êm ấm núi sông...” Kho tàng thực vật ấy chúng ta có phận sử phải bảo tồn. Sự bảo tồn và phục hồi thiên nhiên ở nước ta rất là cấp bách. Chúng ta có thể tự thực hiện, vì mỗi người của chúng ta, dù lớn dù nhỏ đều có thể góp phần vào sự bảo tồn ấy. Yêu nước không phải chỉ cầm súng chiến đấu, hiến thân vì Tổ quốc mà thôi. Thời bình, người kinh doanh, tạo ra nhiều công ăn việc làm mới cho nhân dân, cũng đáng phục, đáng ca tụng? Và chúng ta? Bằng những cử chỉ nhỏ hàng ngày, sự đóng góp của chúng ta quan trọng không kém: Không quăng bậy một tia lửa, một tàn thuốc, là ta đã góp phần tránh nạn cháy rừng. Không đốn bậy một cây, là ta đã bảo vệ thiên nhiên của ta. Trồng cây không những là phận sự của Nhà nước, hay của các công ty lâm nghiệp. Chung quanh nhà chúng ta, chúng ta có thể tìm trồng một cây lạ, đặc biệt, hiếm của vùng hay chỉ có ở Việt Nam. Nhân dân ta yêu cây cảnh, hoa kiểng, nhưng những ai nhàn rỗi cũng có thể trồng cây lạ hoặc một cây nào đó vào khoảng đất trống, là một nghĩa cử, mà cũng là một thú tiêu khiển không kém hay, đẹp. Các thôn, làng, thị xã nên có một công viên, hay vườn Bách thảo, không lớn thì nhỏ, để khoe các cây lạ, cây quí của vùng mình, không bắt buộc là cây hữu ích hay đẹp. Cây Dó đâu có gì lạ? Những nó là niềm tự hào cho dân tộc vì từ thời Hồng Bàng, dân ta đã biết lấy trầm từ nó. Bạn có biết rằng, cả ngàn cây khác chỉ có ở Việt Nam mà thôi! Các cây này có thể trồng như là cây che bóng mát dựa lộ, quanh nhà... Các làng, các quận huyện, các tỉnh nên tạo phong trào trồng nhiều loại cây lý thú như vậy. Ta không cần đợi đến các phong trào trông cây gây rừng, những đợi các lâm viên, lâm trường, khu dự trữ để bảo vệ tài nguyên quí báu cho các thế hệ mai sau, mà ta cũng có thể chính mình, trong mọi lúc góp phần vào sự bảo vệ thiên nhiên ấy. Trồng các cây lạ, đặc biệt ấy còn là một yếu tố quyến rũ du khách quan trọng: Lan thuỷ tiên hường (Dendrobium amabile) của ta, chỉ có một vườn Bách thảo ngoại quốc trồng được và họ tự hào đến đỗi đã ghi trong “Sách Guinness thế giới” (1988)!

Hằng năm, ta có thể tuyên dương nhà nào, nơi nào đã trồng cây hay, lạ. Tất nhiên là công lao ấy tuy không bằng những ai đã đem vi khuẩn nốt sần Rhizohium vào để tăng năng suất đậu nành, đã trồng được cây Dó tạo trầm, đã du nhập lúa Thần nông, hay nho... Nhưng nế cả ngàn người, cả triệu người đóng góp cho non nước những “kế hoạch nhỏ” ấy, cả triệu cái nhỏ chắc chắn trở nên một khối đồ sộ.

Thực vật chúng ta với cả vạn cây cỏ như vậy nhưng mỗi loài đều có tên tuổi và nhiều đặc tính riêng của nó vô cùng lý thú. Dù bạn ở nông thôn hay thành thị, mỗi ngày, một khi bước ra khỏi nhà, bạn đều sẽ gặp, không cây này thì cỏ nọ, có khi nào bạn nghĩ rằng mình cần phải biết tên của chúng không? Rất cần đó bạn ạ, nếu ta biết mặt, biết tên của một cây, một cỏ, và rồi khi chúng ta đi đâu đó, chúng ta sẽ gặp lại nó, như gặp một người bạn thân quen, có phải sẽ đỡ lẻ loi và chuyến đi ấy sẽ có ý nghĩa hơn không? Cây cỏ, như đã nói, không phải “cây cỏ vô loại” mà là những ân nhân nuôi dưỡng chúng ta, che chở, bảo vệ cho chúng ta, thậm chí còn chữa bệnh cho chúng ta nữa... Hy vọng rằng tập sách nhỏ này sẽ giúp cho các bạn trẻ nhận biết và làm quen nhiều hơn với những người bạn thiên nhiên hữu ích này.


Tác giả: giáo sư tiến sĩ Phạm Hoàng Hộ

Trong cuộc đời nghiên cứu khoa học của mình, GS. Phạm Hoàng Hộ đã cho ra đời nhiều công trình quý giá về thực vật học Việt Nam như: Cây cỏ miền Nam Việt Nam (1960), Sinh học Thực vật (1964, 1966), Tảo học (1967), Hiển hoa bí tử (1968), Rong biển Việt Nam (1969), Thực vật ở đảo Phú Quốc (1985), Cây cỏ Việt Nam (1999), Cây có vị thuốc ở Việt Nam (2006),… Trong đó, có thể nói, tác phẩm tâm huyết nhất trong cuộc đời nghiên cứu khoa học của giáo sư chính là “Cây cỏ Việt Nam”.

Đọc thêm về tác giả

Link tải sách