Bỏ qua

Kinh tế học Phật Giáo

Kinh tế học Phật giáo (Buddhist economics) là một cách tiếp cận của Phật giáo đối với kinh tế học. Kinh tế học Phật giáo khảo sát đặc điểm tâm lý của trí óc con người, và những ưu tư, khát vọng, và cảm xúc vốn thúc đẩy hoạt động kinh tế. Cách hiểu về kinh tế học của Phật giáo nhắm đến việc làm rõ những gì là có hại và những gì là có ích trong những hoạt động của con người liên quan đến sản xuất và tiêu thụ, và nhất là cố gắng làm cho con người trưởng thành về mặt đạo đức.

Kinh tế học Phật giáo cho rằng những quyết định duy lý thực sự chỉ có thể có được khi chúng ta hiểu điều gì đã tạo nên sự bất duy lý. Khi hiểu điều gì tạo ra ham muốn, con người nhận ra rằng tất cả của cải trên thế gian này cũng không thể thỏa mãn được ham muốn đó. Khi con người hiểu được tính phổ quát của sợ hãi, họ trở nên có lòng trắc ẩn hơn với mọi sinh linh. Như vậy cách tiếp cận đối với kinh tế học này không dựa trên lý thuyết và mô hình mà dựa trên sức mạnh của sự cảm quan, sự thấu hiểu, và sự kiềm chế.

Lịch sử

Thuật ngữ “Kinh tế học Phật giáo” do E. F. Schumacher sử dụng vào năm 1955, khi ông đến Miến Điện với tư cách là cố vấn kinh tế cho Thủ tướng U Nu. Thuật ngữ này đã được sử dụng trong bài tiểu luận của ông có tên “Kinh tế học Phật giáo”, được xuất bản lần đầu tiên vào năm 1966 tại Asia: A Handbook, và được tái bản trong tuyển tập có ảnh hưởng của ông Nhỏ thì đẹp (Small Is Beautiful) (1973). Thuật ngữ này hiện đang được sử dụng bởi những người hậu bối của Schumacher và bởi các tác giả Phật giáo Nguyên thủy, chẳng hạn như Prayudh Payutto, Padmasiri De Silva và Luang Por Dattajivo.

Hội nghị lần thứ nhất của Nền tảng Nghiên cứu Kinh tế học Phật giáo được tổ chức tại Budapest, Hungary từ ngày 23–24 tháng 8 năm 2007. Hội nghị lần thứ hai được tổ chức tại Đại học Ubon Ratchathani, Thái Lan từ ngày 9–11 tháng 4 năm 2009.

Quan điểm kinh tế

Không giống như kinh tế học truyền thống, kinh tế học Phật giáo xem xét các giai đoạn sau khi tiêu thụ một sản phẩm, điều tra xem các xu hướng ảnh hưởng như thế nào đến ba khía cạnh gắn bó với nhau trong sự tồn tại của con người: cá nhân, xã hội và môi trường. Ví dụ, nếu có sự gia tăng tiêu thụ thuốc lá, các nhà kinh tế học Phật giáo cố gắng giải mã sự gia tăng này ảnh hưởng như thế nào đến mức độ ô nhiễm trong môi trường, tác động của nó đối với người hút thuốc thụ động và người hút thuốc chủ động, và các nguy cơ sức khỏe khác nhau đi kèm với việc hút thuốc; do đó có tính đến khía cạnh đạo đức của kinh tế học. Khía cạnh đạo đức của nó được đánh giá một phần bởi kết quả mà nó mang lại và một phần bởi những giá trị phẩm chất dẫn đến nó.

Quan điểm của Phật giáo đối với cho công việc của người chia làm ba chức năng: cho con người cơ hội sử dụng và phát triển năng khiếu của mình; để giúp người ấy vượt qua sự tự cao tự đại của mình bằng cách tham gia với những người khác trong các nhiệm vụ chung; và mang lại những hàng hóa và dịch vụ cần thiết cho một cuộc sống tốt đẹp hơn.

Điểm khác với kinh tế truyền thống

  • Trong khi kinh tế học truyền thống tập trung vào lợi ích cá nhân, thì quan điểm của Phật giáo thách thức nó bằng cách thay đổi khái niệm về bản thân thành Anatta hay vô ngã. Nó cho rằng tất cả những gì cảm nhận được bằng giác quan của một người không thực sự là “tôi” hay “của tôi” và do đó, con người phải tách mình ra khỏi cảm giác này. Các nhà kinh tế học Phật giáo tin rằng cách tiếp cận dựa trên cơ hội và lợi ích cá nhân sẽ luôn thất bại. Theo các nhà kinh tế học Phật giáo, sự hào phóng (genorosity) là một mô hình kinh tế khả thi của sự tương hỗ lẫn nhau (mutual reciprocity) giữa người với người, bởi vì con người có những người có xu hướng đáp lại tình cảm (tích cực hoặc tiêu cực), có đi có lại bằng cách cho lại nhiều hơn những gì được trao cho họ.

  • Các nhà kinh tế học truyền thống nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tối đa hóa lợi nhuận và lợi ích cá nhân, trong khi nguyên tắc cơ bản của kinh tế học Phật giáo là giảm thiểu đau khổ (tổn thất) cho tất cả các sinh vật sống hoặc không sống. Các nghiên cứu được thực hiện bởi các nhà kinh tế học Phật giáo cho thấy con người thể hiện sự nhạy cảm với sự mất mát hơn (loss) là lợi ích (gain), và kết luận rằng mọi người nên tập trung nhiều hơn vào cái đầu tiên.

  • Có một sự khác biệt đối với khái niệm ham muốn. Kinh tế học truyền thống khuyến khích sự giàu có vật chất và ham muốn trong đó mọi người cố gắng tích lũy nhiều của cải hơn để thỏa mãn những ham muốn đó. Ngược lại, trong kinh tế học Phật giáo chú trọng vào việc đơn giản hóa ham muốn của con người. Theo các nhà kinh tế học Phật giáo, ngoài những nhu cầu cơ bản như thức ăn, chỗ ở, quần áo và thuốc men, những nhu cầu vật chất khác nên được giảm thiểu. Các nhà kinh tế học Phật giáo nói rằng hạnh phúc tổng thể sẽ giảm đi nếu mọi người theo đuổi những ham muốn vô nghĩa; mong muốn ít hơn sẽ mang lại lợi ích cho con người, cộng đồng họ đang sống và thiên nhiên nói chung.

  • Quan điểm về thị trường cũng khác nhau. Trong khi nhiều nhà kinh tế ủng hộ việc tối đa hóa thị trường đến mức bão hòa, thì các nhà kinh tế học Phật giáo lại nhắm đến việc giảm thiểu bạo lực. Kinh tế học truyền thống không tính đến “các thành phần kinh tế (stakeholder) theo thời gian”, như các thế hệ tương lai và thế giới tự nhiên vì ảnh hưởng của họ không được tính đến trong sức mua (purchasing power) hiện tại. Các nhà kinh tế học phật giáo cho rằng các thành phần kinh tế khác như người nghèo và những người bị thiệt thòi ít được đại diện vì sức mua của họ không đủ và ưu tiên được dành cho thành phần kinh tế mạnh nhất. Vì vậy, họ cho rằng thị trường không phải là nơi khách quan mà thực tế là đại diện cho nền kinh tế. Do đó, các nhà kinh tế học Phật giáo ủng hộ ahimsa hay bất bạo động. Ahimsa ngăn cản làm bất cứ điều gì trực tiếp gây ra đau khổ cho bản thân hoặc người khác và thôi thúc tìm ra giải pháp theo cách có sự tham gia của mọi người. Nông nghiệp hỗ trợ cộng đồng là một ví dụ về các hoạt động kinh tế dựa vào cộng đồng. Các nhà kinh tế học Phật giáo tin rằng nền nông nghiệp do cộng đồng hỗ trợ sẽ thúc đẩy niềm tin, giúp xây dựng các cộng đồng dựa trên giá trị và đưa mọi người đến gần hơn với đất đai và nguồn thực phẩm của họ. Để đạt được sự bền vững và bất bạo động này đòi hỏi phải tái cấu trúc các cơ cấu thống trị của doanh nghiệp hiện đại. Điều này dẫn đến việc không nhấn mạnh vào tối đa hóa lợi nhuận như là động cơ sau cùng mà chú trọng vào việc giới thiệu các hoạt động kinh tế thực chất, có thể thích ứng với quy mô nhỏ tại địa phương.

  • Các nhà kinh tế học truyền thống cố gắng tối đa hóa việc sử dụng công cụ trong đó giá trị của bất kỳ thực thể nào được xác định bằng đóng góp cận biên của nó vào sản lượng sản xuất trong khi các nhà kinh tế học Phật giáo cho rằng giá trị thực của một thực thể đã không được nhận ra cũng như không được coi trọng. Các nhà kinh tế học Phật giáo cố gắng giảm bớt việc sử dụng công cụ và thành lập các tổ chức chăm sóc sẽ được tưởng thưởng bằng sự tin tưởng giữa ban quản lý, đồng nghiệp và nhân viên.

  • Các nhà kinh tế học truyền thống có xu hướng tin rằng lớn hơn là tốt hơn và nhiều hơn là thịnh vượng hơn, trong khi các nhà kinh tế học Phật giáo tin rằng nhỏ thì đẹp (small is beautiful) và ít hơn là nhiều hơn.

  • Kinh tế học truyền thống coi trọng tổng sản phẩm quốc nội GDP trong khi kinh tế học Phật giáo coi trọng tổng hạnh phúc quốc gia (GNH).

Các khía cạnh khác

Các nhà kinh tế học Phật giáo tin rằng chừng nào công việc còn được coi là một điều bất lợi cho người lao động và người lao động là điều xấu xa cần thiết đối với người sử dụng lao động, thì tiềm năng thực sự của người lao động và người sử dụng lao động không thể đạt được. Trong tình huống như vậy, người lao động sẽ luôn thích có thu nhập mà không cần làm việc và người sử dụng lao động sẽ luôn thích có sản lượng mà không có nhân viên.

Theo họ, con người không cảm thấy được giải thoát không phải vì của cải mà vì họ quá bám víu vào của cải. Theo cách tương tự, họ nói rằng chính sự thèm muốn (craving) những món đồ trang sức thú vị chứ không phải niềm vui từ chúng đã kìm hãm con người.

Các nhà kinh tế học Phật giáo không tin vào việc đo lường mức sống bằng lượng tiêu dùng vì theo họ, đạt được mức sống tối đa nhờ mức tiêu dùng tối thiểu quan trọng hơn là đạt được mức sống tối đa nhờ mức tiêu dùng tối đa. Do đó, họ cho rằng khái niệm “khá giả” do mức tiêu dùng cao hơn không phải là thước đo hạnh phúc thực sự.

Kinh tế học Phật giáo cũng coi trọng các nguồn tài nguyên tự nhiên, có thể tái tạo và không thể tái tạo. Họ cho rằng các nguồn tài nguyên không thể tái tạo chỉ nên được sử dụng khi cần thiết nhất và sau đó cũng phải hết sức thận trọng, lập kế hoạch sử dụng một cách tỉ mỉ. Họ tin rằng sử dụng chúng quá mức là bạo lực và không phù hợp với niềm tin bất bạo động của Phật giáo. Theo họ, nếu toàn bộ dân số dựa vào các nguồn tài nguyên không thể tái tạo để tồn tại, thì người ta đang hành xử như những người ăn bám, săn lùng tư liệu sản xuất thay vì thu nhập. Thêm vào đó, họ cho rằng sự phân phối không đồng đều này và sự khai thác tài nguyên thiên nhiên ngày càng gia tăng sẽ dẫn đến bạo lực giữa con người với nhau.

Họ cũng tin rằng sự hài lòng không nhất thiết chỉ được cảm nhận khi nhận lại một thứ gì đó hữu hình để đổi lấy việc cho đi một thứ gì đó hoặc đạt được thứ gì đó vật chất, như đã nêu trong kinh tế học hiện đại. Họ nói rằng cảm giác hài lòng có thể đạt được ngay cả khi một người từ bỏ một thứ gì đó mà không nhận lại được bất cứ thứ gì hữu hình. Một ví dụ là khi một người tặng quà cho những người thân yêu của họ chỉ vì họ muốn họ được hạnh phúc.

Các nhà kinh tế học Phật giáo tin rằng sản xuất là một thuật ngữ rất dễ gây hiểu nhầm. Theo họ, muốn tạo ra cái mới thì phải phá bỏ hình thức cũ. Vì vậy, sản xuất và tiêu dùng trở nên bổ sung cho nhau. Xem xét điều này, họ ủng hộ phi sản xuất trong một số trường hợp nhất định vì khi một người sản xuất những thứ ít vật chất hơn, họ sẽ giảm khai thác tài nguyên của thế giới và hướng đến cuộc sống của một công dân có trách nhiệm và ý thức.


Nguồn: Wikipedia

Buddhist Economics