Bỏ qua

Phản tăng trưởng (Degrowth)

1. Sự ám ảnh chết người về tăng trưởng kinh tế

2. Phản tăng trưởng: Đã đến lúc sống tốt hơn và [tiêu thụ] ít hơn?

3. Phản tăng trưởng không phải là thắt lưng buộc bụng

Lời dẫn

Việc áp dụng mô hình phản tăng trưởng có thể đảm bảo sự sung túc cho đa số.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron gần đây đã tuyên bố sau một mùa hè chứng kiến nhiều khu vực ở châu Âu bị tàn phá bởi cháy rừng, nắng nóng và hạn hán chưa từng thấy: “Chúng ta đang sống qua ngày cuối cùng của sự sung túc”. Trong khi đó, các quan chức tại Ngân hàng Trung ương châu Âu và Cục Dự trữ Liên bang đã cảnh báo về một “sự hy sinh” lớn hơn sẽ cần thiết để “chế ngự lạm phát gia tăng”.

Ngôn ngữ mà các nhà lãnh đạo kinh tế và chính trị đang sử dụng để gửi một thông điệp tới công chúng rằng họ nên chuẩn bị để chấp nhận sự kết thúc của sự sẵn có vô hạn của các sản phẩm và tài nguyên nghe có vẻ khá quen thuộc đối với một số người.

Ngôn ngữ này được sử dụng sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, cuộc suy thoái đầu những năm 1990 và thậm chí là cuộc khủng hoảng dầu mỏ năm 1973, khi các chính trị gia cảnh báo rằng người dân nói chung sẽ cần thắt lưng buộc bụng và chấp nhận cắt giảm các dịch vụ và phúc lợi xã hội.

Nhưng quá khứ không cần phải lặp lại. Trong bối cảnh gia tăng sự đổ vỡ sinh thái và khủng hoảng kinh tế, phong trào phản tăng trưởng đang ngày càng phát triển. Dựa trên một lượng lớn nghiên cứu khoa học, những người ủng hộ phản tăng trưởng cho rằng nhu cầu tăng trưởng không giới hạn của chủ nghĩa tư bản đang phá hủy hành tinh. Chỉ có các chính sách phản tăng trưởng mới có thể khắc phục điều này bằng cách nhanh chóng thu hẹp quy mô sử dụng năng lượng và vật liệu của chúng ta, làm chậm quá trình sản xuất và chuyển đổi sang một nền kinh tế tập trung vào nhu cầu, sự quan tâm và chia sẻ của cải.

Phản tăng trưởng có phải là “công thức cho sự khốn khổ và thảm họa”?

Thuật ngữ phản tăng trưởng lần đầu tiên được đặt ra vào năm 1972 bởi nhà lý thuyết chính trị người Pháp André Gorz như một phản ứng khiêu khích đối với báo cáo Giới hạn tăng trưởng (Limits to Growth) của Câu lạc bộ Rome. Vào những năm 1990, nó được giới thiệu lại như một "từ ngữ dẫn đường" (missile word) chống lại hệ tư tưởng thống trị lúc bấy giờ về phát triển bền vững (sustainable development) và tăng trưởng xanh (green growth): một hệ tư tưởng đang được các chính phủ và tổ chức quốc tế sử dụng để tẩy xanh (greenwash) các chính sách không hiệu quả, tấn công vào các dịch vụ công và cho vay nặng lãi .

Kể từ đó, mức độ phổ biến của phản tăng trưởng đã tăng nhanh, với các hội nghị thường xuyên với hàng nghìn người tham dự được tổ chức và hàng chục cuốn sách được xuất bản về chủ đề này. Gần đây nhất, cuốn sách Tư bản trong thế Nhân loại (Capital in the Anthropocene) của Kohei Saito, một học giả người Nhật theo chủ nghĩa Mác, đã bán được hơn nửa triệu bản và trở thành sách bán chạy nhất ở Nhật Bản.

Không có gì đáng ngạc nhiên, phản tăng trưởng đã vấp phải sự chỉ trích gay gắt từ các chuyên gia, các nhà kinh tế chính thống và giới thượng lưu Davos thường xuyên đi lai bằng phi cơ. Ví dụ, trong một chuyên mục vào tháng 3 năm 2020, một thành viên của nhóm chuyên gia cố vấn bảo thủ của Anh đã tuyên bố rằng “cuộc khủng hoảng vi-rút corona cho thấy sự khốn khổ của phản tăng trưởng” (được đánh đồng với sự suy thoái), rằng phản tăng trưởng sẽ khiến suy thoái trở thành vĩnh viễn hoặc đó sẽ là “công thức dẫn đến sự khốn khổ và thảm họa”.

Thật vậy, đây là cách mà nhiều người hiểu phản tăng trưởng: như một lời kêu gọi thắt lưng buộc bụng và là nguyên nhân dẫn đến suy thoái. Trong thực tế, phản tăng trưởng có nghĩa hoàn toàn ngược lại.

Trước tiên, tình trạng thắt lưng buộc bụng luôn bị áp đặt vì lợi ích của tăng trưởng. Từ nửa thế kỷ nay, chúng ta đã bị thuyết phục rằng việc cắt giảm các dịch vụ công là tốt cho mọi người vì nó sẽ tăng khả năng cạnh tranh, cân bằng ngân sách và cuối cùng dẫn đến tăng trưởng. Ngược lại, phản tăng trương lập luận rằng chúng ta có thể và nên rời bỏ một nền kinh tế chỉ phụ thuộc vào tăng trưởng kinh tế.

Trong khi chính sách thắt lưng buộc bụng làm gia tăng bất bình đẳng bằng cách hạn chế các dịch vụ công cộng và mang lại lợi ích cho người giàu thông qua cắt giảm thuế và tư nhân hóa các dịch vụ của chính phủ, thì các chính sách phản tăng trưởng phát triển tập trung vào dân chủ hóa sản xuất, hạn chế sự giàu có và tiêu dùng quá mức của người giàu, mở rộng các dịch vụ công cộng và tăng cường bình đẳng trong và giữa các xã hội.

Phản tăng trưởng cũng không phải là suy thoái: suy thoái thường không phải là một hệ quả có chủ đích, trong khi phản tăng trưởng có kế hoạch và có chủ ý. Suy thoái làm cho sự bất bình đẳng trở nên tồi tệ hơn, phản tăng trưởng đảm bảo mọi người đều được đáp ứng nhu cầu của họ. Các cuộc suy thoái thường khiến các chính sách táo bạo về tính bền vững bị từ bỏ để khởi động lại tăng trưởng, trong khi phản tăng trưởng công khai ủng hộ chuyển đổi nhanh chóng và dứt khoát.

Tăng trưởng: Thắt lưng buộc bụng cho người nghèo, sung túc cho người giàu

Hầu hết các cuộc khủng hoảng mà chúng ta đang trải qua hiện nay—từ mức độ bất bình đẳng vô lý đến cú sốc chuỗi cung ứng, lạm phát và sự tàn phá sinh thái—đều do nền kinh tế tư bản chủ nghĩa trọng tăng trưởng gây ra. Do lợi nhuận dựa trên việc làm cho lao động và thiên nhiên càng rẻ càng tốt, nên chính cơ sở của lợi nhuận luôn gặp rủi ro, chẳng hạn như do thiếu lao động hoặc tắc nghẽn nguồn cung. Do đó, việc mở rộng kinh tế liên tục cũng sẽ chứng kiến ​​các cuộc khủng hoảng liên tục.

Những cuộc khủng hoảng này tạo cơ hội cho vốn. Như Naomi Klein đã lập luận trong cuốn sách Học thuyết gây sốc (Shock Doctrine), các cuộc khủng hoảng thường bị các chủ sở hữu tư bản lợi dụng vì chúng có thể phá vỡ luật pháp xã hội và sinh thái, do đó làm giảm chi phí tiền lương và tài nguyên, đồng thời tạo ra lợi nhuận trời cho thông qua lạm phát.

Tất cả những điều này đi đôi với việc chuyển gánh nặng chi phí khủng hoảng cho người nghèo và môi trường: các dịch vụ của chính phủ bị cắt giảm để giảm nợ chính phủ, tiền lương bị cắt giảm để tăng lợi nhuận và các ngành công nghiệp khai thác được khuyến khích để kích hoạt tăng trưởng.

Ngày nay, chúng ta được hứa hẹn bởi nhiều nhà lãnh đạo chính trị, đặc biệt là ở phương Tây, rằng tăng trưởng kinh tế sẽ “xanh”. Tuy nhiên, các dự án cơ sở hạ tầng sẽ đảm bảo việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch trong nhiều thập kỷ tới tiếp tục được xây dựng và mở rộng, trong khi các ngân hàng, công ty năng lượng và công ty đa quốc gia tham gia vào các ngành công nghiệp gây ô nhiễm và sử dụng nhiều carbon được cứu trợ bằng tiền công và được chính phủ ký các hợp đồng béo bở.

Trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế toàn cầu, nguồn vốn dựa trên nhiên liệu hóa thạch và các ngân hàng lớn—nắm giữ cổ phần lớn trong ngành dầu mỏ—đang tận hưởng mức lợi nhuận kỷ lục. Trong khi đó, chúng ta đang chứng kiến sự sụt giảm nghiêm trọng về tiền lương ở châu Âu.

Trên toàn cầu, lần đầu tiên sau nhiều thập kỷ, có sự sụt giảm nghiêm trọng về các chỉ số phát triển. Một báo cáo gần đây của Liên Hợp Quốc cho thấy 9 trong số 10 quốc gia trên toàn thế giới đã tụt hậu về tuổi thọ, giáo dục và mức sống. Trong nhiều thập kỷ, các tổ chức quốc tế đã hứa hẹn sẽ chống lại sự bất bình đẳng và nghèo đói toàn cầu bằng tăng trưởng—nhưng kết quả không mấy hứa hẹn.

Trong số tất cả của cải được tạo ra từ năm 1995 đến năm 2021 trên toàn cầu, 1% những người giàu nhất chiếm 38 phần trăm, trong khi 50 phần trăm dưới cùng chỉ chiếm 2%. Đồng thời, gánh nặng chi phí xã hội và chi phí sinh thái của sự tăng trưởng nghèo nàn này—bằng chứng là hạn hán, hỏa hoạn và lũ lụt trên khắp thế giới—phần lớn do người nghèo gánh chịu.

Những người ủng hộ phản tăng trưởng thấy rõ rằng nỗi ám ảnh về tăng trưởng của các chính phủ luôn dẫn đến việc hy sinh người nghèo. Đó là lý do tại sao họ tranh luận về việc thoát khỏi sự phụ thuộc vào tăng trưởng để đáp ứng nhu cầu an sinh của người dân nói chung.

Phản tăng trưởng có nghĩa là sự sung túc của người dân

Làm thế nào điều này sẽ được thực hiện? Một phần quan trọng sẽ là các chính sách đảm bảo khả năng tiếp cận “các dịch vụ cơ bản phổ quát” như nhà ở, thực phẩm, chăm sóc sức khỏe, di chuyển và chăm sóc trẻ em cho người dân nói chung, bằng cách đưa những hàng hoá dịch vụ này ra khỏi thị trường [để có thể mua bán những hàng hoá dịch vụ này].

Đã có những ví dụ về các chính sách như vậy mang lại kết quả tích cực. Thử nghiệm ba tháng của Đức với vé tháng 9 Đô-la Mĩ cho tất cả các phương tiện giao thông công cộng trong khu vực và thành phố có thể là một ví dụ. Nó không chỉ giảm lượng khí thải CO2 1,8 triệu tấn—tương đương với việc cung cấp điện cho khoảng 350.000 hộ gia đình trong một năm—mà còn giúp giảm thiểu tác động của tỷ lệ lạm phát cao, tăng quyền tự do di chuyển cho tất cả mọi người và khá được ủng hổ bởi công chúng.

Chính sách này là một ví dụ tuyệt vời về những gì chúng tôi nêu ra trong cuốn sách của mình, Tương lai là Phản tăng trưởng: Hướng dẫn về một thế giới bên kia chủ nghĩa tư bản, nền chính trị về “sự sung túc của công chúng”: một nền kinh tế mà mọi người đều có đủ để đáp ứng nhu cầu của họ và hơn thế nữa, dựa trên dịch vụ công cộng và tài sản chung do cộng đồng quản lý.

Điều này sẽ trông như thế nào? Chúng ta có thể biến hàng triệu ngôi nhà và căn hộ trống—vốn tồn tại dưới dạng tài sản đầu cơ thuần túy—thành hợp tác xã hoặc nhà ở xã hội. Chúng ta có thể mở rộng phương tiện giao thông công cộng để mọi người đều có thể di chuyển, bất kể giá nhiên liệu. Chúng ta có thể làm cho các mặt hàng năng lượng thuộc sở hữu công động, vận hành dân chủ, thực sự bền vững và có giá cả phải chăng.

Chúng ta thậm chí có thể thành lập các quán ăn tự phục vụ cung cấp thức ăn cho mọi người với chi phí thấp ở mọi khu vực lân cận—điều mà nhiều quốc gia, bao gồm cả Anh, đã từng thực hiện trong thời kỳ khó khăn. Và chúng ta có thể chấm dứt sự lỗi thời có kế hoạch (planned obsolescence)1 làm cho—máy in, điện thoại thông minh đến quần áo—hỏng sớm, cố tình làm giảm hiệu năng sử dụng hoặc làm lỗi mốt.

Từ các thư viện công cụ—nơi chúng ta có thể lấy các dụng cụ như máy khoan hoặc máy may từ thư viện thay vì mọi người phải tự mua—đến các cơ sở chăm sóc trẻ em—chẳng hạn như các cơ sở ở Quebec, có sẵn với chi phí thấp cho mọi phụ huynh—chúng ta có thể đảm bảo rằng những điều cơ bản của cuộc sống, cũng như những điều thú vị trong cuộc sống, có sẵn cho tất cả mọi người.

Điều này có nghĩa là sống một cuộc sống “bền vững” sẽ không chỉ dành cho những người có đủ khả năng mua ô tô điện hoặc thực phẩm hữu cơ. Ngoài ra, việc áp dụng các chính sách như vậy sẽ thực sự làm giảm đáng kể việc sử dụng năng lượng và số lượng hàng hóa chúng ta sản xuất, vì mọi người sẽ có ít nhu cầu hơn về năng lượng. Chúng ta sẽ đáp ứng các tiêu chuẩn phúc lợi đồng thời giảm thiểu chất thải và cường độ vật chất của nền kinh tế mà chúng ta đang dựa vào.

Và ngày càng có nhiều nghiên cứu cho thấy điều này có thể thực hiện được. Ví dụ, một bài báo nghiên cứu năm 2020 về khả năng cung cấp năng lượng cho thấy có thể cung cấp một cuộc sống đàng hoàng cho toàn bộ dân số toàn cầu với 40% mức sử dụng năng lượng hiện tại, bất chấp sự gia tăng dân số cho đến năm 2050.

Mặc dù các chi tiết có thể được tranh luận, nhưng rõ ràng là việc giảm sử dụng năng lượng và tài nguyên dư thừa của người giàu và làm cho các thiết kế hiệu quả hơn trong khuôn khổ của một nền kinh tế tuần hoàn (circular economy) thực sự có tiềm năng rất lớn để giảm nhu cầu. Ví dụ, ước tính có khoảng 57 triệu tấn thiết bị điện tử đã bị vứt bỏ vào năm 2021. Con số này lớn hơn cả Vạn Lý Trường Thành của Trung Quốc. Nếu chúng ta có thể thiết kế điện thoại thông minh, TV và các thiết bị khác với tuổi thọ dài hơn gấp đôi so với hiện tại, thì chúng ta có thể giảm một nửa việc sản xuất ngay lập tức mà không làm giảm sự sung túc (nhưng có thể làm giảm lợi nhuận).

Một nền kinh tế phản tăng trưởng sẽ hiệu quả hơn nhiều trong việc chuyển tài nguyên và năng lượng vốn ngày càng cạn kiệt thành mức độ phúc lợi cao. Nó có thể được cấp vốn thông qua tái phân phối và ngân sách, tái cấu trúc hệ thống tiền tệ và tài chính để chúng ta không còn phụ thuộc vào vốn tư nhân để đầu tư vào hàng hóa công cộng.

Chắc chắn cuộc sống sẽ khác đi rất nhiều với nhiều người có thể sẽ sở hữu ít vật chất hơn—nhưng hầu hết sẽ được tiếp cận với các dịch vụ tốt hơn và xã hội sẽ bền vững, công bằng, vui vẻ và viên mãn hơn. Về bản chất, phản tăng trưởng hướng tới một xã hội trong đó phúc lợi ít được tạo ra qua trung gian các giao dịch thị trường tư bản chủ nghĩa, giá trị trao đổi hoặc tiêu dùng vật chất mà nhiều hơn nữa bởi các hình thức cung cấp tập thể, giá trị con người được chia sẻ và các mối quan hệ xã hội có ý nghĩa. Như một khẩu hiệu của một nhà phát triển đã tuyên bố: “moins de biens, plus de liens!” (“ít thứ hơn, nhiều mối quan hệ hơn!”).

Một nền kinh tế phản tăng trưởng sẽ ngược lại với thắt lưng buộc bụng. Đối với đa số, nó có nghĩa là một lối sống phong phú hơn, vui vẻ hơn, đầy đủ hơn. Đối với một số ít người giàu có, điều đó có nghĩa là sự kết thúc của sự sung túc cá nhân, lối sống phát thải nhiều khí nhà kính và quyền lực tập trung. Đối với nhân loại, đó có thể là cơ hội duy nhất của chúng ta về một tương lai đáng sống.


Tác giả: Matthias Schmelzer: nhà sử học kinh tế, nhà lý thuyết xã hội và nhà hoạt động khí hậu. Ông đã xuất bản Sự bá quyền của Tăng trưởng (Hegemony of Growth) và biên tập cuốn sách Phản tăng trưởng trong (các) Phong trào (Degrowth in Movement(s)) || Aaron Vansintjan: nhà nghiên cứu sau tiến sĩ tại Đại học Vermont, đồng thời là người đồng sáng lập Uneven Earth, một trang web tập trung vào chính trị sinh thái.

Degrowth is not austerity—it is actually just the opposite


  1. Trong kinh tế học và thiết kế công nghiệp, lỗi thời có kế hoạch (còn gọi là lỗi thời tích hợp hoặc lỗi thời sớm) là một chính sách lập kế hoạch hoặc thiết kế một sản phẩm có thời gian sử dụng hữu ích (useful life) ngắn lại một cách giả tạo hoặc thiết kế kém chất lượng một cách có chủ ý, để nó trở nên lỗi thời sau một thời gian nhất định với việc giảm dần chức năng hoặc đột ngột ngừng hoạt động, hoặc có thể được coi là lỗi mốt. Lý do đằng sau chiến lược này là tạo ra khối lượng bán hàng dài hạn bằng cách giảm thời gian giữa các lần mua hàng lặp lại (được gọi là "rút ngắn chu kỳ thay thế"). Đó là việc cố tình rút ngắn tuổi thọ của một sản phẩm để buộc mọi người phải mua [nhiều lần hơn] các sản phẩm thay thế có chức năng tương tự.