Bỏ qua

Lược sử về lối sống đế quốc

Giới thiệu

Lối sống đế quốc này đã bắt nguồn từ đâu và phát triển như thế nào? Chương này cung cấp một cái nhìn tổng quan về lịch sử từ quan điểm châu Âu châu, tiết lộ lịch sử vừa đặc trưng bởi tính sáng tạo, phát triển vật chất và sự giải phóng cũng như sự áp bức, bóc lột và bạo lực.

Lối sống đế quốc (The imperial mode of living)—về cơ bản tương đương với khả năng tiếp cận không giới hạn các nguồn lao động và tài nguyên trên qui mô toàn cầu—đã phát triển trong suốt 500 năm qua. Lúc đầu chỉ là một thứ xa xỉ dành cho tầng lớp đặc quyền đặc lợi châu Âu và châu Bắc Mĩ, nó đã trở thành tiêu chuẩn của tầng lớp trung lưu và thượng lưu. Ban đầu, các mối quan hệ quyền lực và chính trị toàn cầu được biểu hiện cụ thể dưới các hình thức chuyên chế (chủ nghĩa thực dân (colonialsm) và chủ nghĩa đế quốc (imperialism)). Nhưng rốt cuộc chúng được thay thế bởi các hình thức bóc lột tinh vi hơn (bị phụ thuộc và dàn xếp bởi thị trường toàn cầu). Ngày nay, lối sống đế quốc được ủng hộ bởi sự đồng thuận rộng rãi trong xã hội và thường xuất hiện một cách có vẻ tự nhiên. Hệ thống này duy trì các sự phụ thuộc và ràng buộc xã hội, từ đó ngăn chặn một cách hiệu quả con đường dẫn đến một xã hội mang tính sinh thái-xã hội (socio-ecological society).

1. Chủ nghĩa thực dân: giai đoạn đầu của lối sống đế quốc

Cùng với gian đoạn chuyển tiếp từ thời Trung Cổ (the Middle Ages) đến thời hiện đại, sự bành trướng của người châu Âu đã diễn ra vào cuối thế kỉ 15 và 16. Các yếu tố khác nhau đã khuyến khích sự phát triển này. Quyền lực kinh tế đã trỗi dậy vào cuối thời Trung cổ, với sự phát triển của ngân hàng và các công ty thương mại lớn. Phong trào cải cách tôn giáo ở Tây Âu thế kỉ 16 (Reformation) đã tạo thêm đà cho nền kinh tế, với nhiều cá nhân có trình độ cao không còn bị ràng buộc vào nhà thờ và có thể đảm nhận các công việc thế tục. Điều này thúc đẩy đổi mới trong hành chính, công nghệ và khoa học. Lòng nhiệt thành truyền giáo đạo Cơ Đốc hay Kitô (Christian) đã tiếp tay cho chủ nghĩa bành trướng châu Âu sẵn sàng thực hiện giết chóc và bạo lực. Cụ thể, vương quốc Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha—nơi xuất phát điểm của những nỗ lực “chinh phục thế giới”—từ lâu đã có chiến tranh với người Hồi giáo (Muslims) và người Do Thái (Jews). Phong trào cải cách tôn giáo sau đó đã tạo ra sự phân ly trong lòng giáo hội Kitô và dẫn đến hàng loạt các cuộc chiến tranh tôn giáo. Trong bối cảnh này cùng với các xung đột quân sự khác, nhiều vương quốc nhỏ hơn đã bị chinh phục và sát nhập vào các thuộc địa lớn hơn. Những thể chế chuyên chế xuất hiện ở châu Âu ngày càng phụ thuộc vào nguồn tiền lớn để duy trì các biểu tượng quyền lực tốn kém và tài trợ cho nhiều cuộc chiến tranh. Sự kết hợp giữa đổi mới công nghệ trong các lĩnh vực đi biển và chế tạo vũ khí, sự cần thiết về tài chính, một văn hoá bạo lực và sự nhiệt thành truyền giáo đã tạo nên một thứ hỗn hợp có sức công phá lớn sắp sửa được giải phóng ra trên phần còn lại của thế giới.

Châu Âu bành trướng...

Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha là những vương quốc đầu tiên bắt đầu tìm kiếm các con đường mới dẫn đến sự giàu có và các thị trường ở phương Đông, từ đó dấn thân vào các lãnh thổ chưa được khám phá, nhất là “Tân Thế giới”. Các quốc gia châu Âu khác, trong đó có Hà Lan và Anh, sớm nối gót. Ở những miền viễn xứ này, tình hình chính trị thương ưu đãi công cuộc bành trướng của người châu Âu: những khoảng trống quyền lực ở những vùng nhất định tạo ra các cơ hội mà quyền lực của người châu Âu có thể tận dụng. Tình trạng tương tự diễn ra ở Đông Nam Á, nơi Trung Quốc có quyền lực chi phối nhưng chỉ mới đây đã cắt đứt các quan hệ ngoại giao và giải tán hạm đội hùng hậu của mình. Những người châu Âu cũng có thể lợi dụng các xung đột địa phương hay xuyên khu vực. Ở những nơi khác trên thế giới, như ở châu Mĩ, một trong những lí do chính khiến người châu Âu có thể nhanh chóng áp đặt sự thống trị của mình là do những căn bệnh mà họ mang đến, như bệnh cúm, đã nhanh chóng giết hại người dân bản địa. Tuy nhiên, điều quan trọng nhất là thực tế rằng những người xâm lược châu Âu có công nghệ quân sự tối tân hơn, nhất là về mặt súng ống (trong đó đại bác chỉ là một ví dụ), giúp cho họ có thể vươn lên một cách tàn bạo ở nhiều vùng trên thế giới, dù không phải tất cả (đế chế Ottoman hùng mạnh vẫn là một đối thủ đáng gờm đến tận thế kỉ 17). Những sức mạnh của người châu Âu không phải là mối đe doạ nghiêm trọng đối với đế chế Trung Hoa hay các hoàng đế Hồi giáo Mông Cổ (Mughal) của Ấn Độ. Người Châu Âu vẫn còn tụt hậu trong nhiều lĩnh vực kĩ thuật, khoa học hay kinh tế1. Một yếu tố then chốt trong chủ nghĩa bành trướng của người châu Âu đó là sự phụ thuộc vào bạo lực và bóc lột tàn nhẫn con người và thế giới tự nhiên. Những người bản xứ—nhất là từ châu Phi—bị ép trở thành người lao động và nô lệ, làm việc dưới những điều kiện thảm khốc và hàng ngàn người đã thiệt mạng. Những người chủ thực dân đương đầu với sự phản kháng bằng sức mạnh tàn bạo và đã tàn sát nhiều bộ lạc và nhóm dân tộc thiểu số. Đến tận đầu thế kỉ 20, quân đội Đức còn tiến hành diệt chủng trên các vùng đất Herero và Nama, thuộc địa phía Tây Nam châu Phi của Đức.

Những chủ thể nhà nước và tư nhân đã thông đồng chặt chẽ với nhau để bắt thế giới phải phục tùng. Các chính phủ quân chủ (monarchic) hay thuộc chính trị đầu sỏ (oligarchic) của những nhà nước thực dân đã tạo ra các động cơ, cung cấp các khuôn khổ thể chế, tạo ra tính chính hợp pháp cho các hiệp ước hay tố quyền để bảo vệ các “pháp nhân”, và sử dụng lực lượng quân sự khi cần thiết. Đổi lại, họ nhận được nguồn thu quan trọng, ví dụ thông qua thuế. Các chủ thể tư nhân và bán tư nhân, như công doanh nghiệp, thủ hiến (governors), hay công ty đại chúng—mà công ty Đông Ấn của Anh là một ví dụ nổi tiếng—ngược lại sẽ tài trợ cho chủ nghĩa thực dân và thường phụ trách “những phi vụ bẩn thỉu” (dirty work). Họ (và những cổ đông) nhận được phần lớn lợi nhuận từ các hoạt động bóc lột. Nhà nước biến công ty thương mại quốc doanh thành các nhà độc quyền, trao quyền cho chúng để gây chiến và thực thi “các biện pháp trừng phạt.” Không lâu sau cổ phiếu và trái phiếu cấp vốn cho hoạt động bành trướng này. Trên thực tế, hệ thống thị trường chứng khoán và ngân hàng trung ương hiện đại có nguồn gốc từ những mô hình này vốn được tạo ra để cấp vốn cho hoạt động bóc lột; nó cũng được gọi là “chủ nghĩa tư bản chiến tranh” (war capitalism).

... và sinh ra thị trường toàn cầu đầu tiên

Với tàu chiến trang bị vũ khí hạng năng, những thương nhân châu Âu “đẩy các đối thủ cạnh tranh ra khỏi thị trường và [...] săn lùng công nhân theo đúng nghĩa đen.” Họ tiếp quản các tuyến đường thương mại quốc tế hiện có và tạo ra các tuyến mới. Một hệ thống thương mại khổng lồ bị thống trị bởi quyền lực châu Âu và được duy trì bởi lực lượng vũ trang đã phát triển. Thị trường toàn cầu đầu tiên đã xuất hiện và được định hình bởi một nhóm đặc quyền đặc lợi châu Âu tìm mọi cách để bảo toàn lợi ích của mình. Trong một sự kiện, công ty Đông Ấn Hà Lan đã sát hại khoảng 15.000 người—gần bằng toàn bộ dân số trên một nhóm đảo—để giành quyền kiểm soát việc buôn bán nhục đậu khấu đầy lợi nhuận trước khi thiết lập một nền kinh tế đồn điền dựa vào nô lệ. Để đảm bảo hệ thống bóc lột cho một thiểu số đặc quyền đặc lợi, người châu Âu đã thiết lập những “thể chế khai thác” ở khắp nơi trên các thuộc địa. Ở nhiều quốc gia miền nam (Global South)2, di sản của các thể chế này vẫn tiếp tục có những ảnh hưởng mang tính tàn phá đến hệ thống kinh tế và chính trị. Tuy nhiên đối với những người chủ thực dân, đây không chỉ là biện pháp bình ổn và bành trướng bá quyền mà còn gia tăng lợi nhuận từ thương mại và bóc lột, và do đó họ tiếp cận được nhiều hàng hoá hơn từ khắp nơi trên thế giới. Thị trường thế giới này trở thành xương sống của lối sống đế quốc trong giai đoạn sơ khai. Để đổi lấy số bạc họ cướp từ các thuộc địa và “lợi tức” thu hoạch từ việc buôn bán nô lệ, giới đặc quyền đặc lợi châu Âu có thể mua những hàng hoá được săn đón ở châu Á (chủ yếu là từ Trung Hoa và Ấn Độ), như trà, kim loại, đá quý, đồ gốm, lụa và vải sợi bông. Và người Mĩ đã cung cấp cho họ thuốc lá, đường cùng những mặt hàng khác. Đáng chú ý, trong khi sản xuất đường tập trung ở Brasil và Caribe, mặt hàng này hầu như chủ yếu được tiêu thụ bởi người dân châu Âu và Bắc Mĩ. Những người thu nhập thấp giờ đây cũng có thể mua đường—thứ hàng xa xỉ vốn vượt xa tầm với họ giờ đây đã có giá phải chăng hơn. Cuộc sống của họ cũng thường không khá hơn cuộc sống của người dân bản địa ở thuộc địa. Mãi đến nhiều năm sau trong thế kỉ 20, việc tiếp cận hàng hoá trên toàn cầu vẫn là một đặc quyền mà phần lớn người dân châu Âu không thể có được.

Tri thức thực dân định hình thế giới

Sự bóc lột thậm tệ đã được hợp pháp hoá không chỉ bằng sự phân biệc chủng tộc rõ ràng, đã tạo nên nền tảng trí thức căn bản của lối sống thực dân. Những người bản địa “hoang dã” được cho là gần với động vật hơn là người, từ đó có thể bị đối xử và bóc lột như vậy. Từ thời Trung Cổ đã có niềm tin sâu sắc rằng các tôn giáo ngoài đạo Cơ-đốc cần phải bị chống đối. Người châu Âu coi thành công vĩ đại của mình trong việc chinh phục, tàn sát và cướp bóc các dân tộc khác là phước lành trời ban. Điều này khiến cho các cường quốc thuộc địa và nhóm đặc quyền đặc lợi đầu tư vào các công nghệ và khoa học—những thứ mà sự gia tăng của cải, thành công, và khả năng khai thác thế giới của họ phụ thuộc vào3. “Câu chuyện thực dân thành công” và lối sống đế quốc vì thế được khắc sâu vào lý thuyết và thực tiễn của khoa học phương Tây và tiếp tục thấm nhuần trong cách hiểu và xét đoán của chúng ta khi đương đầu với thế giới. Đối với những dân tộc bị khuất phục và bị bóc lột, sức mạnh và của cải của các công chủ thực dân ngoại quốc thường được xem là minh chứng của “tính đúng đắn khách quan” trong thế giới quan và phương pháp của họ. Vì thế sự thành công chỉ có thể đạt được thông qua việc sử dụng cách tiếp cận tương tự. Điều này làm mất giá trị các nên văn hoá ngoài châu Âu và tri thức của họ—mà thương có lợi cho các khái niệm phương Tây— (Xem chương Giáo dục và Tri thức).

2. Công nghiệp hoá và Chủ nghĩa đế quốc

Sự thống trị toàn của của châu Âu chỉ hình thành sau làn sóng bành trướng thực dân lần thứ hai vào thế kỉ 18 và 19, và vào thế kỉ 20, nó dẫn đến sự phân chia thế giới thành các quốc gia “phát triển” và “kém phát triển”. Trong nhiều thế kỉ, chính các quốc gia ngoài châu Âu như Trung Hoa, Ấn Độ và vài nước khác (mà ngày nay được gọi là “các nước đang phát triển”) mới chiếm phần lớn nhất trong thu nhập toàn cầu (Hình 2.1). Tuy nhiên, điều này đã thay đổi nhanh chóng. Các cường quốc thực dân cạnh tranh nhau mở rộng sự kiểm soát tài nguyên toàn cầu—đất (xem chương Thực phẩm và Nông nghiệp), lao động (nô dịch cưỡng bức và nô lệ) và nguyên liệu thô—và phân chia thế giới giữa các cường quốc một cách bạo lực. Thời đại này, khi châu Âu chinh phục và đàn áp phần lớn thế giới, được gọi là Kỉ nguyên của Chủ nghĩa đế quốc (Age of Imperialism). Chủ nghĩa đế quốc đã thay đổi một cách căn bản quan hệ quốc tế và những ảnh hưởng của vẫn còn kéo dài trong nhiều khía cạnh đời sống ngày nay. Trong khi các quốc gia miền Nam vẫn kiểm soát 63% thu nhập toàn cầu vào đầu thế kỉ 19, tỷ trọng này đã giảm xuống chỉ 27% vào giữa thế kỉ 20.

Công nghiệp hoá và khía cạnh thực dân của nó

Nông nghiệp từ lâu đã là một ngành chủ lực; nhưng qua thế kỉ 18 và 19, cách ngành công nghiệp, việc buôn bán, thương mại và vận tải dần thay thế nó. Những ngành này giờ đây dẫn dắt tăng trưởng kinh tế và sự phát triển của xã hội. Cơ giới hoá và tiếng xì xầm nhịp nhàng của động cơ hơi nước ngày càng thúc đẩy sản xuất và đảm bảo tăng trưởng năng suất ngày càng tăng của các nhà máy mới xuất hiện. Ví dụ như khung dệt cơ khí, khiến cho vải sợi có thể được sản xuất nhanh hơn bao giờ hết, trong khi tàu thuỷ và tàu hoả chạy động cơ hơi nước có thể vận tải người và hàng hoá với tốc độ chưa từng có. Các công nghệ mới và nhiên liệu hoá thạch (fossil fuels)—ban đầu chủ yếu là than đá—đã giải phóng sản xuất khỏi những ràng buộc của tự nhiên. Sản xuất có thể được thực hiện nơi có nguồn công nhân dồi dào. Đây là khởi điểm của kỷ nguyên hoá thạch.

Phương Tây thường xuyên lí giải rằng sự phát triển này như là một hệ quả hợp lí của tính sáng tạo và tinh thần khởi nghiệp vượt trội của phương Tây. Tuy nhiên, quan điểm này đã bỏ qua thực tế rằng công nghiệp hoá theo kiểu châu Âu không phải chỉ là kết quả của đổi mới công nghệ thuần tuý. Trên qui mô toàn cầu, đây là kết quả lao động của hàng triệu nô lệ, người lao động bị cưỡng bức, và các cu-li (lao động ban ngày) đã giúp mang lại sự phát triển kinh tế cho các cường quốc đế quốc. Họ còn cung cấp nguồn nguyên liệu thô giá rẻ cho các ngành công nghiệp phương Tây. Việc bãi bỏ chính thức chế độ nô lệ không làm thay đổi điều này4. Trong nhiều trường hợp, công nghệ châu Âu đã dựa vào tri thức chiếm đoạt được từ các dân tộc khác. Ngành dệt may của Anh—một biểu tượng cuối cùng của chủ nghĩa tư bản công nghiệp—đã do thám các nhà sản xuất dệt may hàng đầu của Ấn Độ và đã sao chếp nhiều kĩ thuật và kiểu mẫu của họ. Mặc dù những hàng hoá chủ lực trong giai đoạn đầu của chủ nghĩa thực dân là bạc, đường, trà và gia vị (xem ở trên), quá trình công nghiệp hoá đã tạo ra nhu cầu ngày càng tăng đối với sợi bông (cho ngành công nghiệp dệt), cao su (cho bánh xe và lốp xe hơi) cũng như quặng sắt, thiếc, và các kiem loại khác (như sản xuất thép), đặc biệt là trong thế kỉ 19.

Xã hội có tầng lớp mới của châu Âu

Chủ nghĩa tư bản công nghiệp đã dẫn đến một trật tự xã hội có đặc điểm cơ bản là lao động làm công ăn lương và những bất bình đẳng xã hội mới. Một giai cấp tư sản nhỏ và giàu có hơn bao giừ hết, sở hữu vốn và tư liệu sản xuất, như các nhà máy, phải đối mặt với số lượng gia tăng nhanh chóng những người lao động phụ thuộc vào tiền lương, vốn không có gì khác ngoài sức lao động của mình. Những người đàn ông, phụ nữ và trẻ em đã làm việc dưới điều kiện khắc nghiệt nhất ở trong các nhà máy—thường làm việc từ 12 đến 16 tiếng một ngày mà không có chăm sóc sức khỏe hay lương hưu—để đổi lấy một khoản thù lao rẻ mạt. Lao động chân tay nặng nhọc là một thực thế khắc nghiệt của tầng lớp thu nhập thấp ở châu Âu, cũng giống như người dân ở các thuộc địa. Thường thường, người dân không có lựa chọn nào khác ngoài làm việc trong các nhà máy. Ở vương quốc Anh, giới quý tộc đã đuổi phần lớn dân cư nông thôn ra khỏi đất canh tác thuộc sở hữu chung để sử dụng nó cho việc sản xuất len có lợi nhuận cao hơn. Kết quả là, nhiều người dân sống ở nông thôn không còn có khả năng nuôi sống gia đình của họ và đã di chuyển lên thành phố để ít nhất kiếm được một mức lương xoàng xĩnh trong các nhà máy đang mở rộng. Với phụ nữ, điều này nhân đôi gánh nặng cho họ. Họ không chỉ phải làm việc trong các nhà máy dệt, hay trong các hộ gia đình tư nhân, với mức lương thấp hơn nhiều so với đồng nghiệp nam, mà họ vẫn phải làm việc nhà, vốn được coi là công việc tự nhiên của phụ nữ; đó là công việc không được trả thù lao cũng như không được đánh giá cao (xem chương Chăm sóc sức khoẻ).

Giai đoạn đầu của xã hội tăng tưởng

Từ thế kỉ 18 trở đi, dân số và nên kinh tế đều tăng trưởng nhanh chóng, với yếu này thúc đẩy yếu tố kia. Chỉ giữa năm 1700 và 1800, dân số châu Âu tăng gần gấp đôi. Sự phát triển này đóng góp vào việc lan rộng của lối sống đế quốc, đặc biệt là làn sóng di cư hệ trọng nó tạo ra. Để đạt được thành công kinh tế, hay đơn giản là chạy chốn khỏi áp bức, hàng triệu người đã di cư từ châu Âu đến các vùng khác của thế giới và lan toả lối tư duy cũng như thói quen kinh tế của phương Tây. Tăng trưởng dân số ở châu Âu cũng cũng cấp cho các nhà tư bản một khối lượng lớn nhân công tìm kiếm việc làm. Điều này cũng làm gia tăng nhanh chóng áp lực cải thiện cơ sở hạ tầng và cung ứng thực phẩm có giá phải chăng, từ đó thúc đẩy đổi mới trong nông nghiệp. Sự cải tiến và việc giới thiệu các hình thức canh tác mới, phân bón và cây trồng nông nghiệp (như ngô, khoai tây, và bí ngô từ Bắc và Nam Mĩ) đã kích thích tăng trưởng dân số hơn nữa và gia tăng năng suất nông nghiệp. Đến cuối thế kỉ 18, một cuộc cách mạng trong vận tải đã diễn ra. Việc xây dựng kênh đào vận tải bùng nổ—trước hết ở Vương quốc Anh, và sau đó là lục địa châu Âu và ở Hoa Kì. Một số lượng hàng hoá ngày càng tăng từ thương mại khu vực và toàn cầu được vận chuyển từ thông qua các tuyến đường thuỷ trên đất liền, đã cung cấp các cầu nối giữa các trung tâm đô thị mới. Trong nửa sau của thế kỉ 19, đường sắt đã cách mạng hoá vận tải chở người và hàng hoá khi chúng thay thế hình thức vận tải phụ thuộc vào các tuyến đường sông. Việc này rất quan trọng từ cả hai quan điểm kinh tế và quân sự. Và vì thế các nhà nước hỗ trợ nhiệt thành sự phát triển các cơ sở hạ tầng mới này, thậm chí còn thực thi các biện pháp trước chống lại sự kháng cự của người dân địa phương. Vốn cần thiết để đầu từ thường có nguồn gốc từ việc khai thác thuộc địa. Đến cuối thế kỉ 19, việc xây dựng đường sắt đã trở thành ngành kinh tế lớn nhất ở châu Âu và Bắc Mĩ—và vì thế trở thành động lực của công nghiệp hoá theo hai cách, trong khi nó đã tạo ra một phương thức liên lạc, cung ứng, và vận tải hoàn toàn mới, chính nó cũng đã trở thành một lĩnh vực kinh tế bùng nổ. Một bộ phận lớn người dân và hệ sinh thái đã phải trả giá đắt cho kỉ nguyên công nghiệp vì sự gia tăng năng xuất và tính linh động (của các yếu tố sản xuất) mới được khám phá này phụ thuộc nặng nề vào việc khai thác trên qui mô lớn và năng lượng hoá thạch—ban đầu là than và sau đó chủ yếu là dầu mỏ vào thế kỉ 20.

3. Chủ nghĩa Ford: Sự giàu có dành cho tất cả mọi người?

Trong những giai đoạn đầu của công nghiệp hoá, hầu như chỉ các thành viên của nhóm đặc quyền đặc lợi, chẳng hạn như các chủ nhà máy, mới được hưởng lợi. Tuy nhiên, theo thời gian, các công đoàn đã giành được mức lương cao hơn và ngày làm việc ngắn hơn cho người lao động thông qua các cuộc đấu tranh khốc liệt. Sự hình thành nhà nước thịnh vượng cũng đã phụ thuộc phần lớn vào sức mạnh đến từ lợi ích được thiết lập chung của dân làm công ăn lương. Đồng thời, đổi mới công nghệ và cải tiến qui trình làm việc (chẳng hạn như các công việc trên trên dây chuyền sản xuất) đã tăng năng suất, dẫn đến giảm chi phí trên mỗi đơn vị và từ đó giảm giá thành sản phẩm. Đối với nhiều công ty, việc nhà nước quản lí thị trường vẫn còn được chấp nhận chừng nào nó tạo ra lợi nhuận cao hơn. Hơn thế nữa, đến cuối thế kỉ 19, ngành quảng cáo mới ra đời đã thúc đẩy văn hoá tiêu dùng mà trong suất thế kỉ 20 đã ảnh hưởng đến đa số người dân.

Một đặc điểm nổi bật của xã hội tiêu dùng mới này đó là việc nó không chỉ đơn thuần bao gồm những người đặc quyền đặc lợi về kinh tế, chính trị và tôn giáo, mà còn “phần lớn dân số đã được tiếp cận với những hình thức tiêu dùng mới này”. Một phần đông dân lao động ở các nước miền Bắc được hưởng một lối sống đế quốc và thu lợi từ phần của cải mới này, vốn vẫn dựa trên việc chiếm đoạt và khai thác lao động và tài nguyên. Hãy lấy xe hơi làm ví dụ. Vào cuối thế kỉ 19, chúng chỉ là những phương tiện dành riêng cho giới thượng lưu; nhưng sang thế kỉ 20, chúng đã được sản xuất hàng loạt. Giai đoạn sản xuất hàng loạt và tiêu thụ hàng loạt được gọi là chủ nghĩa Ford, được lấy tên từ nhà sản xuất xe hơi Henry Ford5. Vì giai đoạn này cũng chứng kiến các công nghân trở thành người tiêu dùng, vài người cho rằng đây là “sự giải phóng của tầng lớp vô sản”, nhờ đó các cá nhân nghèo hơn có thể thực hiện lối sống đế quốc bên cạnh sự bất bình đẳng vẫn tiếp diễn.

Mặt trái của sự thịnh vượng mới

Tuy nhiên, hoa trái của sự phát triển này chủ yếu chỉ dành cho dân số người da trắng. Đặc biệt là ở Mĩ—“quốc gia mới không có đối thủ” trong nền kinh tế toàn cầu—sự đấu tranh bình quyền trở thành yếu tố thiết yếu trong đời sống hàng ngày của người da màu. Thêm nữa, vai trò giới truyền thống ban đầu dường như cố định. Lĩnh vực chăm sóc sức khoẻ vẫn là lĩnh vực của phụ nữ và không được công nhận là công việc thực sự. Nền kinh tế thị trường xã hội thường được nhìn nhận dưới góc độ tích cực; tuy nhiên nó chỉ có thể hoạt động—và thực tế này thường không được đề cập đến—“với cái giá phải giả là sự độc lập của phụ nữ và cơ hội tiến bộ của họ.” Đến tận năm 1977, phụ nữ đã kết hôn ở Đức bị cấm kí hợp đồng lao động nếu trước hết không có sự đồng ý của chồng. Trong nhiều trường hợp, các nhà hoạt động đấu tranh cho phụ nữ có quyền được bầu cử, học tập tại trường đại học hay kể cả tham gia cuộc đua ma-ra-tông.

Cho dù Chủ nghĩa Ford phầp nào đã giúp lối sống đế quốc trở nên phổ biến, nhìn chung, xu thế này vẫn chỉ giới hạn ở các nước cường quốc đế quốc trước đây (Hoa Kì, Vương quốc Anh, Đức, Pháp, Hà Lan, Bỉ và Nhật Bản). Sau Thế chiến II, nhiều xã hội ở các nước miền Nam chủ yếu dành sức lực cho những cuộc chiến đấu giành độc lập từ những nước cường quốc trên (đặc biệt là từ Pháp và Anh). Các cuộc tranh đấu chống lại sự bất công dai dẳng này gần như không được nhiều thành phần dân chúng Đức quan tâm trong giai đoạn hậu chiến—người Đức chỉ bận tậm đến ý tưởng về sự thịnh vượng cho tất cả dựa trên tăng trưởng.

Tăng trưởng là mục tiêu trung tâm chính sách kinh tế

Vào những năm 1950 và 1960, Đức đã trải qua cái gọi là “hiệu ứng thang”: Nói chung, bất bình đẳng không giảm nhưng phát triển kinh tế đã dẫn đến tinh trạng nơi mọi người dân thuộc đủ các tầng lớp xã hội gia tăng của cải vật chất—về tổng thể, ”xã hội đã leo lên một mức thang mới”. Bần cùng trên diện rộng, vốn là một đặc điểm của giai đoạn đầu công nghiệp hoá, gần như đã bị xoá bỏ. Vì lí do này, tăng trưởng kinh tế tiếp tục là mục tiêu cao nhất trong chính sách kinh tế ở Đức và ở hầu hết các xã hội khác. [Ngày nay] nó vẫn đang là mục đích được chấp nhận rộng rãi. Nó đã tạo ra các nhu cầu mới và đưa đến niềm tin vào sự cần thiết của tăng trưởng vô hạn. Ở nhưng quốc gia công nghiệp hoá sớm nhất, lối sống đế quốc đã trở thành một hiện tượng đại chúng: gần như tất cả mọi người đạt được sức mua hàng hoá và dịch vụ, từ đó thông qua trung gian các thị trường toàn cầu và công việc kinh doanh, đã tiếp cận được với lao động và hệ sinh thái ở các quốc gia miền Nam. Sau giành độc lập, các chế độ thương mại tân thực dân thường phát triển các thị trường toàn cầu, coi các quốc gia miền Nam chủ yếu là nơi cung cấp tài nguyên, lượng thực và lao động cho các quốc gia miền Bắc. Phần lớn các thuộc địa cũ đã phát triển chiến lược công nghiệp hoá để đạt được mức độ giàu có tương tự như các quốc gia miền Bắc. Nhưng luật lệ của nền kinh tế toàn cầu vẫn được viết bởi các nước thực dân cũ. Từ những năm 1960, sự khác biệt giữa mức độ công nghiệp hoá6 giữa các quốc gia miền Bắc và miền Nam đã giảm dần. Tuy nhiên, khoảng cách khác biệt lớn giữa các quốc gia này được thể hiện trong thu nhập. Chỉ đến khi sự thống trị của Chủ nghĩa Ford suy yếu trong những năm 1970, các “giới hạn về tăng trưởng” mới được đưa ra tranh luận công khai. Hậu quả của việc tiêu thụ hàng loạt và sản xuất hàng loạt với mức thâm dụng tài nguyên và phát thải cao đã trở nên quá rõ ràng. Việc di chuyển tiếp tục phụ thuộc nhiều và nhất là vào dầu mỏ, bên cạnh than đá. Hơn nữa, số lượng sản phẩm được làm từ nhựa ngày càng tăng. Xi-măng, thép, cát và sỏi đều cần thiết cho công cuộc phát triển nhanh chóng các cơ sở hạ tầng đường xá mà khi so sánh với đường sắt, đòi hỏi nhiều diện tích hơn gần gấp mười lần. Dưới Chủ nghĩa Ford, ngành giao thông vận tải đã trở thành nhà tiêu thụ năng lượng lớn nhất, thậm chí còn đứng trên các ngành công nghiệp.

Phương tiện để tăng trưởng, ví dụ như công nghiệp hoá ngành nông nghiệp dựa trên độc canh và việc sử dụng quá mức thuốc trừ sâu và phân bón hoá học, đã phá huỷ độ phì nhiêu và sự đa dạng sinh học của đất. Những phương pháp mơi này thường dẫn đến những cuộc di dân, sự bần cùng hoá và sự phá huỷ ngày càng tăng các hình thức canh tác sinh thái, theo vùng và phi công nghiệp. Sau thập niên 1960 và 1970, việc này dẫn đến sự phổ biến của các phong trào xã hội mới, tìm kiếm những hình thức tiêu dùng và sản xuất thay thế không tạo ra gánh nặng cho con người và môi trường. Tuy nhiên, những ý tưởng này không bao giờ được áp dụng trên quy mô toàn cầu.

3. Toàn cầu hoá theo Chủ nghĩa kinh tế tự do mới

Làn sóng toàn cầu hoá vào thập niên 1980 đã tạo điều kiện cho đại đa số trong tầng lớp trung lưu và thượng lưu của thế giới—thậm chí vượt ra bên ngoài lãnh thổ của những cường quốc thực dân cũ—có thể tận hưởng lối sống đế quốc. Hầu hết các vật dụng hàng ngày, như giày thể thao, máy tính hay các mặt hàng thực phẩm trong siêu thị, giờ đây không chỉ là sản phẩm tiêu chuẩn được sản xuất bởi một hãng duy nhất, mà xuất phát từ một mạng lưới cung ứng và sản xuất phức tạp trải rộng ra trên nhiều địa điểm khắp nơi trên thế giới. Sự thay đổi này không chỉ liên hệ với quá trình phi công nghiệp hoá tương đối của các quốc gia miền Bắc và sự vươn lên của Trung Quốc trở thành ‘công xưởng của thế giới’, nó còn đi kèm với các thị trường toàn cầu, thống trị bởi một số các nghiệp đoàn xuyên quốc gia và sự chấp nhận rộng rãi của một hệ tư tưởng trong chính sách kinh tế: Chủ nghĩa kinh tế tự do mới.

Các chính trị gia có ảnh hưởng như Tổng thống Mỹ Ronald Reagan hay Thủ tướng Anh Margaret Thatcher đã trở thành biểu tượng của một học thuyết kinh tế trính trị đặt sự tự do và hiệu quả của thị trường vào trung tâm mọi chương trình nghị sự chính trị và cũng chi phối phần lớn tư duy học thuật (đặc biệt là trong lĩnh vực kinh tế) và xã hội dân sự (xem Giáo dục và Tri thức). Ngay cả các đảng dân chủ xã hội (social democratic), vốn trước đây tỏ ra bảo vệ lợi ích của người dân làm công ăn lương, cũng đi theo xu thế mới như tư nhân hóa (privatisation), bãi bỏ quy định (deregulation) và giảm bớt trách nhiệm của nhà nước (đặc biệt là liên quan đến việc cung cấp phúc lợi (welfare provision)) giờ đây được coi là thuốc chữa bách bệnh cho mọi căn bệnh kinh tế. Thay vì thúc đẩy việc kiểm soát theo hướng dân chủ đối với các thị trường—ở một mức độ nhất định cũng là đặc trưng của kỉ nguyên Ford—các nhà lý thuyết kinh tế tự do mới lại ủng hộ “nền dân chủ phù hợp với thị trường”. Sau sự tan rã của Liên Xô (Soviet Union) và Chủ nghĩa xã hội Thực chất (Real Socialism), khái niệm này đã có bước đột phá vào những năm 1990.

‘Phát triển’—nhưng cho ai?

Bị thuyết phục bởi khả năng tự điều chỉnh của thị trường, các nhà cung cấp hỗ trợ tài chính có ảnh hưởng, chẳng hạn như Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), Ngân hàng Thế giới hay Nhóm G8, đã thực hiện cái gọi là chương trình điều chỉnh cơ cấu (structural adjustment programmes) như một hình thức “viện trợ phát triển” trong những năm 1980 và 1990. Họ nhắm đến việc mở cửa nền kinh tế làm lợi ích cho kinh tế tư nhân của các tập đoàn xuyên quốc gia, thúc đẩy một nền nông nghiệp định hướng xuất khẩu (xem chương Lương thực và Nông nghiệp) và giảm can thiệp nhà nước vào các lĩnh vực chẳng hạn như chăm sóc sức khỏe và giáo dục (xem phần Chăm sóc). Hơn nữa, kể từ những năm 1990, để củng cố xu hướng này thông qua thể chế hoá và trao cho các nhà đầu tư tư nhân quyền hợp pháp có thể đem ra thực thi, nhiều hiệp định thương mại tự do quốc tế đã được ký kết7. Đối với các quốc gia miền Nam—trong đó rất nhiều nước chỉ mới giành được độc lập gần đây dưới ách thực dân—các chính sách kinh tế tự do mới đã dẫn đến sự phụ thuộc mới—vào các nhà tài trợ quốc tế dưới hình thức các quỹ tài trợ khổng lồ các khoản nợ phải trả (xem chương Tiền và tài chính), cũng như vào sự biến động của thị trường toàn cầu. Trong nhiều trường hợp, điều này làm tê liệt toàn bộ các ngành kinh tế địa phương. Nhiều người—đặc biệt là những người ở khu vực nông thôn, buộc phải rời bỏ nhà cửa và tìm kiếm triển vọng mới cho bản thân và gia đình họ—đảm nhận những công việc bấp bênh như di cư lao động trên các cánh đồng cũng như trong các nhà máy hay trong các hộ gia đình trong một thế giới toàn cầu hóa (xem chương Thực phẩm và nông nghiệp, Số hóa và Chăm sóc sức khoẻ).

Trích dẫn

Từ hơn 30 năm trở lại đây, quá trình ‘Toàn cầu hoá từ trên xuống’ đã làm trầm trọng thêm bất bình đẳng trong thu nhập và của cải toàn cầu, mà ngày nay đã lớn hơn bao giờ hết kể từ Thế chiến II.

Kể từ những năm 1990, sự bất bình đẳng đã gia tăng đặc biệt ở hầu hết các quốc gia, cả ở miền Nam cũng như miền Bắc. Nhìn chung, nền kinh tế toàn cầu đã tăng trưởng, chủ yếu là do tầng lớp trung lưu và thượng lưu mới nổi ở các quốc gia như Trung Quốc, Ấn Độ và Brasil mô phỏng lối sống đế quốc của các nước miền Bắc. Tuy nhiên, tăng trưởng không nhất thiết dẫn đến sự giàu có, nhất là nó không dành cho tất cả mọi người. Thay vì mang lại lợi ích cho toàn bộ dân số toàn cầu, như lý thuyết kinh tế chủ đạo hiện nay dự đoán, toàn cầu hóa đã làm tăng sức mạnh của giới đặc quyền đặc lợi và tạo ra tình trạng bần cùng hóa và bấp bênh đối với phần lớn dân số ở nhiều quốc gia trên thế giới. Ngày nay, những người giàu nhất chiếm 1% dân số toàn cầu sở hữu gần một nửa tổng tài sản toàn cầu.

Quy luật (hàng ngày) của thị trường

Những bất bình đẳng ngày càng gia tăng này ít nhất là do sự phát triển của thị trường tài chính. Các chính sách toàn cầu hóa kinh tế tự do mới không chỉ “giải phóng” thương mại toàn cầu mà còn dẫn đến các mô hình kinh doanh trong đó ngày càng nhiều tập đoàn thường đưa ra quyết định dựa trên việc chúng sẽ ảnh hưởng như thế nào đến giá cổ phiếu của công ty và ngày càng tham gia nhiều hơn vào thị trường tài chính. Đối với người giàu, việc đầu tư vào nền kinh tế thực kéo theo việc làm và tiền lương thường ít mang lại lợi nhuận và là một lựa chọn kém hấp dẫn. Điều này tạo ra động lực đầu tư vào các sản phẩm tài chính mới (xem chương Tiền và tài chính). Kể từ cuộc khủng hoảng của Chủ nghĩa Ford và sự sụp đổ của hệ thống tỷ giá hối đoái cố định vào đầu những năm 1970 (được gọi là Cú sốc Nixon), tài chính đã chuyển từ vị thế “người hầu” của sản xuất công nghiệp sang thành một ngành nắm mọi quyền quyết định trong kinh tế toàn cầu.

Kể từ đó, logic của thị trường (tài chính) ngày càng thống trị nhiều khía cạnh trong cuộc sống của chúng ta. Từ khả năng tiếp cận lao động và nguồn lực vốn là nên tảng của lối sống đế quốc, sự chuyển dịch này đặc biệt đã làm tăng chiều sâu thâm nhập của logic này cùng với tính linh hoạt của nó.

Trích dẫn

Dù đó trong giáo dục, trong cuộc sống gia đình, trong thời gian rảnh hay trong mối quan hệ của chúng ta với thiên nhiên, gần như tất cả các lĩnh vực trong cuộc sống của chúng ta ngày nay đều dựa trên logic của lợi nhuận và được tổ chức thông qua thị trường.

Do đó, có những tiếng nói phê phán đang nói về một ’nền văn minh thị trường’. Hàng trăm nghìn thanh niên ngày nay rời trường đại học với một khoản nợ mà họ sẽ phải mất nhiều năm mới trả được (xem chương Tiền và tài chính). Các quỹ hưu trí trở thành các nhà đầu tư tổ chức đầu cơ vào thực phẩm (xem chương Thực phẩm và nông nghiệp), và chúng ta bị buộc phải tin rằng lượng phát thải CO_2 có giá trị tương đương tiền mà chúng ta có thể đơn giản ‘thanh toán’ mỗi khi bay (xem chương Di chuyển). Chúng ta gần như không thể thoát khỏi sự kìm kẹp của thị trường. Tiền thậm chí còn thâm nhập vào những lĩnh vực căn bản nhất của cuộc sống, chẳng hạn như chăm sóc cho những người thân yêu của chúng ta (xem Chăm sóc sức khoẻ).

5. Lịch sử là do chúng ta tạo ra

Tổng quan ngắn gọn này về lịch sử của lối sống đế quốc đã nêu bật sự gắn bó chặt chẽ giữa bóc lột và đổi mới, tăng trưởng và bất bình đẳng, sự giàu có và bạo lực—kéo dài ngay cả cho đến ngày nay. Tổng quan lịch sử này không chỉ cung cấp thông tin nền quan trọng để phân tích các yếu tố riêng lẻ sẽ được trình bày sau này mà còn là chìa khóa để phát triển quan điểm về một tương lai đáng sống cho toàn nhân loại. Ngay cả của cải tích lũy trong quá khứ cũng gây nguy hiểm cho bất kỳ xã hội thực sự bền vững nào do cần có những lượng lớn nguồn lực để biến điều đó thành hiện thực. Trên toàn cầu, khối lượng công nghiệp sản xuất đang mở rộng và có thể còn phát triển hơn nữa trong tương lai không xa nhờ vào công nghiệp 4.0 (xem chương Số hóa). Nhưng bất chấp những dự đoán u ám này, sự chuyển đổi sang một xã hội toàn cầu mang tính xã hội và sinh thái khác vẫn có thể xảy ra. Những bất công lịch sử được mô tả ở đây luôn không thể chấp nhận được, và con người đã liên tục đấu tranh để cải thiện cuộc sống của mình, đạt được những tiến bộ to lớn và để lại dấu ấn trong lịch sử toàn cầu (việc xóa bỏ chế độ nô lệ chỉ là một ví dụ). Suy cho cùng, lịch sử là kết quả của hành động, đấu tranh và thảo luận của con người. Lịch sử đang được viết. Bởi chúng ta.


  1. Cho đến thế kỉ 18, ngành dệt của người Anh vẫn tiếp tục sao chép mô hình của người Ấn Độ và các quốc gia châu Âu chỉ có thể biết cách sản xuất gốm sứ khoảng 900 năm sau Trung Hoa. Trước đó, trong thời Trung cổ, người châu Âu đã sử dụng các kĩ thuật mà họ học được ở “Trung Quốc” để sản xuất lụa, giấy và thuốc súng. 

  2. Các quốc gia miền Bắc (Global North) và các quốc gia miền Nam (Global South) là thuật ngữ chỉ cách phân nhóm quốc gia dựa trên các đặc điểm xác định về kinh tế xã hội và chính trị. Theo Hội nghị Liên hợp quốc về Thương mại và Phát triển (UNCTAD), các quốc gia miền Bắc nói chung bao gồm châu Phi, châu Mỹ Latinh và Caribe, châu Á ngoại trừ Israel, Nhật Bản và Hàn Quốc, và châu Đại Dương ngoại trừ Úc và New Zealand. Hầu hết các quốc gia miền Nam thường được nhận diện bằng những thiếu thốn trong tiêu chuẩn sống, bao gồm mức thu nhập thấp hơn, mức nghèo đói cao, tốc độ tăng dân số cao, thiếu nhà ở, cơ hội giáo dục hạn chế và hệ thống y tế thiếu hụt, cùng nhiều vấn đề khác. Ngoài ra, các thành phố của các quốc gia này có đặc điểm là cơ sở hạ tầng nghèo nàn. Đối lập với các quốc gia miền Nam là các quốc gia miền Bắc, mà UNCTAD mô tả chung là bao gồm Bắc Mỹ và Châu Âu, Israel, Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc và New Zealand. Như vậy, hai thuật ngữ này không đề cập đến Bắc bán cầu hoặc Nam bán cầu, vì một số quốc gia ở miền Nam lại nằm ở Bắc bán cầu. 

  3. Chẳng hạn như kỹ thuật công nghệ, khoa học trái đất, khảo sát đất đai, đóng tàu và khoa học hàng hải, cũng như đặc biệt là công nghệ vũ khí và quân sự hay số lượng lớn các bộ sưu tập và sắp xếp kiến thức bách khoa toàn thư về các nơi khác nhau trên thế giới. 

  4. Điều tương tự cũng đúng với Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư (xem chương Số hoá). 

  5. Các công nhân của ông được cho là có khả năng mua một chiếc xe hơi chỉ sau vài tháng làm việc. 

  6. theo tỉ trọng các ngành sản xuất so với GDP 

  7. Như vào năm 1991, sự thiết lập Mercosur đã tạo ra một thị trường nội địa Nam Mĩ Latinh, theo sau bởi Thoả thuận tự do thương mại Bắc Mỹ (NAFTA) vào năm 1994 và vào năm 1995, Tổ chức thương mại quốc tế WTO đã được thành lập như một thể chế chính trị toàn cầu về tự do thương mại.