Địa phương hoá: Tiến đến một nền kinh tế hạnh phúc
Giới thiệu
Đôi khi chúng ta có cảm giác rằng những tin tức xấu lan tràn khắp mọi nơi: biến đổi khí hậu, sự diệt chủng của các loài, nghề nghiệp bấp bênh, nghèo đói hay những xung đột bạo lực. Vì thế thật không khó để cảm thấy quá tải, chán nản và bất lực. Nhưng nếu bạn nhìn sâu hơn, bạn sẽ thấy được những lý do để hy vọng. Phần lớn những vấn đề chúng ta gặp phải đều có cùng một nguyên nhân mang tính hệ thống. Điều đó đòi hỏi, thay vì xử lý từng vấn đề một cách riêng biệt, chúng ta có thể bắt đầu giải quyết tất cả những cơn khủng hoảng cùng một lúc.
Những quan sát và nghiên cứu của tôi nhiều nơi trên thế giới — từ những nơi sống tối giản cho đến các quốc gia phát triển — đã thuyết phục tôi rằng những vấn đề chính yếu nhất nằm ở chỗ chúng ta thiếu nhận thức đầy đủ về cách thức hệ thống kinh tế của chúng ta đang vận hành. Bằng cách cho phép những ưu tiên kinh tế méo mó có chỗ trong tất cả những tính toán, chúng ta đã vô thức ủng hộ cho một nền kinh tế toàn cầu phát triển quá lớn với quá nhiều quyền lực, không chỉ đe doạ sự sinh tồn của chính chúng ta, mà của tất cả sự sống trên Trái đất. Đó là hệ thống kinh tế trọng công nghệ (techno-economic), đã thương mại hoá tất cả những khía cạnh của thế giới xung quanh ta — kể cả cuộc sống. Nó phát triển dựa trên sự ngăn cách, chia cắt mỗi người trong chúng ta và giữa chúng ta với tự nhiên. Nhưng mọi chuyện không nhất thiết phải đi theo hướng đó, và sự thay đổi đã bắt đầu ngay từ lúc này. Thoát ra khỏi những định chế quyền lực cũ, một phong trào quần chúng (grassroot) đã xuất hiện. Trên khắp các lục địa, người dân đang cùng chung tay bảo vệ hệ sinh thái địa phương và cộng đồng bằng cách xây dựng những cấu trúc kinh tế tại địa phương mình. Những sáng kiến này đang phát triển với một quy mô cho phép những giá trị văn hoá và sinh thái định hướng nền kinh tế, chứ không phải theo hướng ngược lại. Chúng là những bằng chứng cho thấy sức mạnh, sự bền bỉ và thiện chí của mọi người, có khả năng nhân rộng ra rất nhanh, để chuyển đổi viễn cảnh kinh tế và chính trị trong những năm sắp tới.
Trong gần 40 năm, tôi và tổ chức của mình đã nâng cao nhận thức về sự cần thiết phải chuyển hướng từ toàn cầu hoá (globalisation) tiến gần hơn đến địa phương hoá (localisation) - một cách tiếp cận mang tính chiến lược, hiệu quả và dễ hiểu nhất để đảo ngược những thiệt hại gây ra bởi nền kinh tế toàn cầu. Tăng cường kinh tế địa phương đưa đến sự thay đổi “bên trong” mỗi cá nhân, cũng như “bên ngoài”, môi trường chính trị. Ở cấp độ chính trị, địa phương hoá là cách thức vận hành kinh tế vừa công bằng vừa bền vững, bởi nó thu hẹp đáng kể khoảng cách giàu nghèo, trong khi làm giảm bớt ô nhiễm và lượng điện năng tiêu thụ. Ở cấp độ cá nhân, địa phương hoá là kinh tế học của sự hạnh phúc, bởi nó kết nối chúng ta với cộng đồng và tự nhiên.
Câu chuyện Ladakh
Tôi đã nhận thức được tất cả điều này khi ở Ladakh, một “Tiểu Tây Tạng”, nơi tôi đến vào năm 1975, cũng như khi chứng kiến nơi đây mở cửa với nền kinh tế toàn cầu. Là một nhà ngôn ngữ, tôi nhanh chóng thành thạo tiếng Ladakh. Điều này giúp cho tôi có thể trải nghiệm từ bên trong nền văn hoá cổ xưa, lấy tự nhiên làm nền tảng. Qua một thập kỉ tiếp theo, tôi đã chứng kiến tận mắt những hệ quả tàn khốc do sự phát triển kinh tế. Tôi đã thấy nền kinh tế của chúng ta tập trung quyền lực và sự cạnh tranh khốc liệt như thế nào, bằng cách tạo ra sự khan hiếm giả tạo những cơ hội học tập và việc làm; cùng lúc đó nhồi nhét vào tâm thức trẻ, biến đi những nhu cầu căn bản về tình thương và sự thừa nhận, thành nhu cầu tiêu thụ. Ở Ladakh, nó đã chứng tỏ đây là một hệ thống chí tử, dẫn đến một thập kỉ suy nhược và tự vẫn, những xung đột đẫm máu và sự tàn phá thiên nhiên.
Kinh tế địa phương hoá
Tôi rất nung nấu để chia sẻ những quan sát này. Nhờ nói được bảy ngôn ngữ, tôi đã được mời nói chuyện với những người làm chính sách và những người đến từ phong trào quần chúng ở rất nhiều quốc gia. Động cơ của tôi được thúc đẩy mạnh mẽ hơn khi tôi nhận ra rằng có biết bao nhiêu người có chủ đích tốt đều ủng hộ một cách thiếu thận trọng một hệ thống kinh tế mà trong đó, không chỉ tàn phá môi sinh mà còn đe doạ đến chính phúc lợi của họ. Tôi đã thấy bằng cách nào những ý tưởng về sự tiến bộ, giáo dục, chủ nghĩa cá nhân lại biến thành sự ủng hộ mù quáng cho sự phát triển kinh tế; bằng cách nào chủ nghĩa lý tưởng và thiện chí đi đến chỗ phục vụ cho sự lãng phí, chủ nghĩa tiêu thụ, thất nghiệp và sự bấp bênh, thiếu niềm tin vào cuộc sống.
Tư duy của tôi đã được củng cố bởi những đồng nghiệp ở Scandinavia, những người đã phản đối việc gia nhập Liên minh Châu Âu EU. Họ nhận ra rằng liên minh đó thực chất có ý nghĩa kinh tế: nó được thúc đẩy bởi những tập đoàn kinh tế hùng mạnh, cho rằng sự khác biệt của Châu Âu về tiền tệ, văn hoá và ngôn ngữ - hay nói cách khác, tính đa dạng - là một trở lực lớn cho lợi nhuận và tính hiệu quả của các doanh nghiệp. Những người bạn của tôi lo ngại về tác động của một Châu Âu “không biên giới” bị ám ảnh bởi thương mại, đối với văn hoá, nền dân chủ và môi trường. Đây cũng là mối quan ngại của riêng tôi về việc Ladakh đã mở cửa với nền kinh tế toàn cầu.
Quan điểm này một lần nữa được củng cố bởi tập hợp những ghi chép của E.F. Schumacher, “Nhỏ thì đẹp” (Small is Beautiful). Qua đó, tôi đã nâng cao nhận thức về nhu cầu cấp bách cần phải chuyển đổi từ những cấu trúc kinh tế ngày càng tập trung, quy mô lớn và thay đổi nhanh chóng, sang một nền kinh tế phi tập trung hay ở cấp độ địa phương, chú trọng vào con người. Ban đầu, ngay cả truyền thông và các tổ chức chính thống cũng bày tỏ sự quan tâm. Tôi được mời đến nói chuyện ở Havard và Oxford, được phỏng vấn bởi những nhà xuất bản lớn, được xuất hiện trên truyền hình và gặp gỡ những thành viên nội các, thậm chí một vài Thủ tướng.
Tuy nhiên, vào đầu những năm 1990, khi những hiệp định thương mại tự do như NAFTA và GATT đã cho phép nền kinh tế toàn cầu hoá cất cánh, những ý tưởng về phi tập trung hoá và địa phương hoá ngày càng bị cho là thứ yếu. Những nghiệp đoàn khổng lồ và tổ hợp truyền thông đã cổ vũ cho vô vàn lợi ích mà toàn cầu hoá đem lại, với quyền lực và sự thịnh vượng quá lớn, có thể định hình không chỉ chính sách chính phủ mà còn những ý kiến quần chúng và những thảo luận của trí thức. Thế lực của chúng đối với những phong trào về môi trường đã dẫn đến sự thoái thác những đòi hỏi thay đổi căn bản về chính trị, mà chỉ tập trung vào những giải pháp thị trường như tiêu dùng xanh (green consumerism), đầu tư đúng mực (ethical investment) và mua bán khí nhà kính (carbon trading).
Vào những năm gần đây, niềm tin vào thị trường đã bị suy yếu, cũng như nhận thức đã được nâng cao hơn về những hậu quả về môi trường và xã hội gây ra bởi nền kinh tế toàn cầu. Khủng hoảng kinh tế năm 2008 là một ví dụ, đã mang lại sự hiểu biết cặn kẽ hơn về những hệ quả của việc đầu cơ mù quáng, thiếu trách nhiệm. Trong khi ấy, người dân trong các phong trào quần chúng đã và đang làm việc hăng say để tái thiết cộng động và nền kinh tế nơi địa phương họ. Không được thừa nhận bởi truyền thông chính thống và không được hỗ trợ bởi chính phủ, những nỗ lực này tuy nhiên đang mang đến niềm hứng khởi lớn khắp nơi trên thế giới. Chúng nhắm đến việc làm thu hẹp khoảng cách giữa nơi sản xuất và nơi tiêu dùng, cũng như xây dựng nền kinh tế địa phương, kinh tế vùng, và kinh tế quốc gia đáng tin cậy. Chúng mang thị trường và công việc kinh doanh xuống một phạm vi mà ở đó cho phép tính minh bạch và trách nhiệm giải trình được thực thi. Những nỗ lực này tôn trọng và tương thích với thế giới tự nhiên xung quanh chúng ta - và đã cho thấy rằng, hoạt động của con người không nhất thiết phải gây mâu thuẫn với những đòi hỏi của tự nhiên.
Những đổi thay đã xuất hiện không chỉ là những chỉ trích sâu sắc và rộng rãi về chủ nghĩa tư bản doanh nghiệp (corporate capitalism) và sự tiêu thụ đồng nhất (consumer monoculture), mà còn là một phong trào địa phương hoá toàn cầu, mở ra cơ hội cho những giải pháp thay thế và lâu dài.
Địa phương hoá không phải là chủ nghĩa biệt lập (isolationism): trên thực tế, những bước chính sách cần thiết để chuyển dịch từ toàn cầu hoá sang địa phương hoá những hoạt động kinh tế đòi hỏi có sự phối hợp mang tính quốc tế. Chúng ta cần những hiệp ước liên kết để bảo vệ môi trường, hơn là những hiệp ước về tự do thương mại khi mà chúng chỉ bảo vệ lợi nhuận của các tập đoàn và ngân hàng toàn cầu. Ngay cả với những phong trào quần chúng, việc cấp bách là chia sẻ thông tin và phối hợp hành động với nhau trên mọi cấp độ — trong cộng đồng địa phương, trong quốc gia và trường quốc tế. Địa phương hoá không phải là phương thuốc cứng nhắc. Ngược lại, đó là một quá trình thích nghi của các hoạt động kinh tế ở nhiều nơi đa dạng và phong phú về môi trường và con người. Tôi gọi đó là “nền kinh tế theo đúng nghĩa của nó” (“bringing the economy home”).
Lợi ích của địa phương hoá vượt xa hơn những lợi ích kinh tế. Ở cả bán cầu nam và bắc, những nền kinh tế địa phương không chỉ đảm bảo vấn đề việc làm tốt hơn, sự thịnh vượng và khoảng cách thu nhập được thu hẹp, chúng còn cung cấp một khuôn khổ cần thiết để hỗ trợ mạnh mẽ về phía cộng đồng, từ đó đảm bảo sức khoẻ cá nhân — cả thể chất và tinh thần. Sau cùng, địa phương hoá làm mới lại những kết nối của chúng ta — với nhau và với cộng đồng, với thế giới sống xung quanh ta. Điều này làm thoả mãn những ước muốn sâu xa của chúng ta về mục đích sống và tính liên đới, về tương lai vững bền cho chính chúng ta và con em chúng ta.
Tác giả cũng là nhà làm phim Helena Norberg-Hodge là người đi đầu trong phong trào kinh tế địa phương.Qua những bài viết và diễn thuyết trước công chúng trên ba lục địa, bà đã tích cực vận động cho nền kinh tế tập trung vào hạnh phúc của con người, xã hội và sinh thái trong hơn 4 thập kỉ.
Localization: Essential steps to an economics of happiness
Cuốn sách đã được dịch toàn bộ ra tiếng Việt bởi team Sống Bền Vững. Các bạn có nhu cầu xin vui lòng liên hệ qua email [email protected]