Bỏ qua

Giới thiệu

Lời dẫn

Sách Năng lượng và tham vọng của con người trên một hành tinh hữu hạn đã được team Sống bền vững chuyển soạn một phần để cung cấp cái nhìn toàn cảnh về mối quan hệ giữa năng lượng, biến đổi khí hậu, kinh tế, dân số, và những giới hạn vật lí của hành tinh, v.v. Hi vọng cuốn sách này sẽ được sử dụng như một giáo trình hay tư liệu để giảng dạy song song trong nhà trường để chúng ta có cái nhìn vừa toàn diện vừa chi tiết về các thực trạng thế giới con người đang phải đối mặt trên hành tinh.

Lời tác giả

Tên tôi là Tom Murphy. Tôi là giáo sư vật lý tại đại học California San Diego. Tôi đã dành phần lớn sự nghiệp của mình để nghiên cứu vật lý thiên văn (astrophysics) nhưng gần đây đã đổi hướng một chút và viết một cuốn sách giáo khoa mới về [vai trò] năng lượng đối với môi trường có tên là Năng lượng và tham vọng của con người trên một hành tinh hữu hạn (Energy and human ambitions on a finite planet). Sở thích nghiên cứu của tôi cho đến bây giờ tập trung vào thuyết tương đối rộng và kiểm chứng các ý tưởng vật lý thiên văn bằng cách sử dụng các phát minh về chế tạo kính thiên văn và sau đó khám phá vũ trụ. Đó là một hành trình tuyệt vời, thú vị và đem lại nhiều niềm vui. Vật lí thiên văn thường xem xét bức tranh rộng lớn và tổng quát về toàn thể vũ trụ, vẽ ra những giới hạn xung quanh toàn bộ hệ thống và để hiểu những gì có thể và không thể, những điều mà vật lý cho phép. Đó là một cách tư duy về hệ thống và tôi có thể nói với tư cách là một người đo lường và chế tạo thiết bị đo đạc, tôi học cách nhận biết được điều gì có thể hay không thể hoạt động được trong thực tế, và chú ý đến những giao thoa (compromise) giữa chúng. Vì vậy khi tôi tiếp cận chủ đề giảng dạy trong giáo dục phổ thông về năng lượng trong môi trường, tôi nghĩ rằng mình sẽ liên kết các mảnh ghép với nhau để hình dung xem viễn cảnh tương lai tươi sáng của chúng ta sẽ kết hợp các công nghệ tái tạo khác nhau như thế nào và cho phép chúng ta về cơ bản tiếp tục việc phát triển như bình thường (business-as-usual) nhưng theo cách tốt đẹp hơn. Và điều tôi phát hiện ra trong quá trình này là mọi việc không dễ dàng như vậy. Có một số vấn đề căn bản chống lại những triển vọng đó và một số giả định sau cùng lại gây ra nhiều bất ổn. Sự tăng trưởng [tiêu thụ] tài nguyên năng lượng, nạn phá rừng và bất kỳ thiệt hại nào đối với hệ sinh thái là những thứ nằm ngoài tầm kiểm soát và không bền vững về lâu dài. Vấn đề cốt lõi mà chúng ta đang phải đối mặt liên quan đến tăng trưởng và việc sử dụng tài nguyên, sự hữu hạn của nhiên liệu hóa thạch và tài nguyên khoáng sản khác trên hành tinh về cơ bản giống như tài sản thừa kế. Và chúng ta đang sử dụng tài sản thừa kế này thực sự theo cách nhanh nhất mà con người có thể theo nghĩa đen. Và đó không phải là một kế hoạch tốt trong dài hạn vì những tài nguyên này là hữu hạn. Giai đoạn sắp tới (timescale) [mà xã hội con người có thể tiếp tục phát triển], quãng thời gian chúng ta cần thực sự để tâm đến, không dài như nhiều người nghĩ. Chính trong thế kỷ này, chúng ta sẽ vấp phải những giới hạn thực sự với tham vọng của mình. Nếu chúng ta muốn thành công trong dài hạn, [cuộc sống] con người phải trở nên bền vững hơn. Biến đổi khí hậu là một vấn đề trong câu chuyện này nhưng đó chỉ là phần nổi của tảng băng trôi. Đó là phần có thể nhìn thấy, trong khi phần tảng băng làm tổn thương con tàu titanic lại chìm dưới nước và không quan sát được. Tôi muốn xem toàn bộ câu chuyện này như một màn trình diễn pháo hoa nơi chúng ta được sinh ra từ đó (ý nói việc phát triển thiếu kiểm soát). Đây là tất cả những gì chúng ta từng biết qua nhiều thế hệ, đây là tất cả chúng ta đã từng thấy. Đó là một mô hình không thực tế. [Việc phát triển như thế sẽ] không thể tiếp tục mãi mãi và sẽ không tiếp tục mãi mãi. Vật lý nói rằng nó sẽ không thể tiếp diễn. Và càng sớm nhận ra chúng ta càng sớm [có thể] lập kế hoạch theo hướng mới. Đó là lý do tại sao tôi viết sách giáo khoa này để trình bày hệ quả vật lý cho biết những khả năng nào có thể và khả năng nào không thể xảy ra. Hiểu biết về những gì chúng ta không thể làm cũng quan trọng không kém. Hầu như không có sinh kế (hay phương thức sinh sống) nào hiện giờ phù hợp với sự tồn tại của loài người kéo dài thêm 10.000 năm nữa. Tôi đang nói về tài sản thừa kế (ví dụ như nhiên liệu hoá thạch) mà chúng ta đang chi tiêu nhanh nhất theo cách con người có thể và đó không phải là giải pháp chúng ta cần.

Vì vậy, sau cùng khi nói đến thành công, nếu chúng ta muốn, có nghĩa là giai đoạn con người biết sống theo cách hoàn toàn bền vững. Bất cứ điều gì không bền vững đều dẫn chúng ta đến sụp đổ. Do đó, hầu hết mọi thứ chúng ta làm ngày nay thực chất đang đào sâu hơn [mồ chôn chính mình] và đưa chúng ta đến gần hơn một bước với sự sụp đổ bại của tập đoàn con người (human enterprise).Đó là điều mà tôi không muốn thấy xảy ra. Vì thế, con người phải chú ý đến cách sống của mình trong dài hạn bởi chúng ta có khả năng gây hại cho bản thân và hành tinh này. Và tôi nghĩ con người hiện tại giống như đang gặm nhấm sợi dây nguồn dẫn đến cỗ máy hỗ trợ sự sống gọi là trái đất và các hệ sinh thái vốn giúp chúng ta sinh tồn và khỏe mạnh. Tôi hy vọng rằng cuốn sách này mà tôi viết có thể tiếp cận những độc giả mới và khiến họ đánh giá lại các giả định và hành động của mình như một gáo nước lạnh để phá vỡ bùa chú của sự chìm đắm vào trong một giai đoạn rất bất thường của lịch sử loài người, để chúng ta có thể sử dụng các công cụ khoa học, vật lý và toán học để hiểu những gì chúng ta đang làm là không thể tiếp tục làm, những gì khó có thể bền vững lâu dài; và cũng để minh họa rằng nhà ảo thuật cũng chỉ có thể rút ra từ trong chiếc mũ kì diệu của mình một số thỏ nhất định mà thôi (ý nói những phát minh, giải pháp sáng tạo của con người).

Tóm tắt nội dung

Ít nhất các bạn hãy đọc các đoạn giới thiệu và các phần Kết luận ngắn ở cuối mỗi chương để có một cái nhìn toàn diện về thông điệp trong chương đó. Sau đây là tóm tắt logic toàn bộ cuốn sách:

  • Vật lý cho biết sự tăng trưởng liên tục với tốc độ bình thường hiện hay là không khả thi sau vài thế kỷ (chương Tăng trưởng).

  • Tăng trưởng kinh tế và dân số phải chấm dứt, thậm chí giảm mạnh do sự hiện diện phổ biến của phản hồi tiêu cực bị trì hoãn (delayed negative feedback) (chương Kinh tếDân số).

  • [Khám phá] không gian là một giai đoạn tuyệt vời, nhưng điều này không đưa ra giải pháp hữu hình và thực tế cho các vấn đề trên (chương Không Gian).

  • Nhiên liệu hóa thạch có nhiều thuộc tính kỳ diệu khó thay thế. Chúng có thể tạo ra sự tăng trưởng bùng nổ, nhưng nhất thiết sẽ lụi tàn và có thể châm ngòi cho các cuộc chiến tranh tài nguyên mang tính hủy diệt trong giai đoạn thoái trào (Chương Nhiên liệu hoá thạch).

  • Biến đổi khí hậu, hệ quả của việc đốt cháy nhiên liệu hóa thạch, là một mối đe dọa nghiêm trọng, nhưng cũng chỉ là một [gạch đầu dòng] trong danh sách dài các tệ nạn gây ra cho các hệ sinh thái và tài nguyên hữu hạn (chương Khí hậu).

  • Các công nghệ năng lượng thay thế gặp khó khăn trong việc duy trì kỳ vọng, do đó không chỉ sự tăng trưởng sẽ dừng lại: chúng ta rất có thể phải đối mặt với sự suy giảm năng lượng sẵn có (các chương về năng lượng thay thế: Nhiên liệu tái tạo, Thuỷ điện, Năng lượng gió, Năng lượng mặt trời, Sinh khối, Hạt nhân, Năng lượng khác).

  • Tâm lý con người và các thể chế chính trị/kinh tế biến tình thế khó khăn về mặt kỹ thuật (technically difficult predicament) thành một cái bẫy gần như vô vọng (hopeless trap). Sự khuyến khích áp dụng những giải pháp thiên về ngắn hạn một cách cực đoan đi kèm sự thiếu hiểu biết về mối nguy hiểm trong tương lai. Sự lạc quan phổ biến thường dựa trên đánh giá (lịch sử) khi nhìn về những giai đoạn trước và tâm lí “lạc quan tếu” “cho đến nay vẫn tốt” (so far so good), “con người thật tuyệt vời và sẽ giải quyết mọi vấn đề” và “mọi thứ luôn trở nên tốt hơn” thay vì đánh giá khách quan bằng các công cụ toán học và khoa học để làm sáng tỏ những hậu quả không thể tránh khỏi của việc tiếp tục tăng trưởng và sử dụng tài nguyên (chương Nhân loại, Kế hoạch?, và Phần kết).

  • Đáng tiếc là chúng ta không được trang bị đầy đủ để đánh giá đúng sự bất thường của thời đại này và đưa ra một bức tranh chính xác hơn về “sự bình thường” trong dài hạn sẽ trông như thế nào. Không làm như vậy sẽ dẫn đến sự sụp đổ... không kiểm soát được. Sự tiến hóa có thể đã phát hiện ra—mặc dù bằng những thí nghiệm thường ngẫu nhiên của nó—giới hạn trí thông minh của một loài thành công (Phần kết, Phụ lục D.5D.6).

Tóm lại, chúng ta có thể bỏ qua các dấu hiệu cảnh báo và kiên quyết duy trì quỹ đạo [phát triển] hiện tại, chỉ chấp nhận những điều chỉnh nhỏ miễn là không gặp hay ít gặp sự bất tiện nào. Nhưng để làm gì? Nếu cách tiếp cận đó dẫn đến sự sụp đổ của nền văn minh, liệu nó có còn là sự lựa chọn đúng đắn? Chúng ta đủ thông minh để đào một mồ chôn ấn tượng cho chính mình. Chúng ta có đủ khôn ngoan để nhìn qua xẻng của mình để hiểu điều này sẽ kết thúc ở đâu và thay đổi hành vi đủ quyết liệt để tránh số phận tồi tệ nhất không? Tôi luôn hy vọng một cách phi lý (irrationally) rằng chúng ta sẽ làm được như vậy, nhưng vẫn khao khát có được bằng chứng chắc chắn.


Nguồn: Phỏng vấn tác giả & bài viết 1, 2, 3, 4

Tom Murphy là giáo sư vật lý tại Đại học California, San Diego. Là một nhà thiên văn học nghiệp dư ở trường trung học, học chuyên ngành vật lý tại Georgia Tech và nghiên cứu sinh tiến sĩ vật lý tại Caltech, Murphy đã dành nhiều thập kỷ say mê nghiên cứu vật lý thiên văn. Ông đã lãnh đạo một dự án kiểm tra Thuyết tương đối rộng bằng cách dội các xung laze ra khỏi gương phản xạ do các phi hành gia Apollo để lại trên Mặt trăng, đạt được độ chính xác đến từng milimet. Murphy rất quan tâm đến các chủ đề năng lượng bắt đầu bằng việc giảng dạy một khóa học về năng lượng và môi trường cho các chuyên ngành phi khoa học tại UCSD. Được thúc đẩy bởi những thách thức chưa từng có mà chúng ta phải đối mặt, ông đã áp dụng các kỹ năng [về thiết kế và chế tạo] thiết bị của mình để khám phá năng lượng thay thế và các kế hoạch đo lường liên quan. Theo bản năng tự nhiên muốn giáo dục của mình, Murphy mong muốn khiến mọi người suy nghĩ một cách mặt định lượng những trường hợp trong đó việc con người theo đuổi quy mô cuộc sống ngày càng lớn hơn sẽ phải đối mặt với những thách thức to lớn và những rủi ro đáng kể.