Bỏ qua

Chương 2: Những giới hạn của tăng trưởng kinh tế

econ-0

Ảnh chủ đề hài hước: điều vật lý (trường hấp dẫn) thấy có giá trị hơn: một đô la bạc thật so với một tờ $100. Nguồn: Tom Murphy

Chương 1 đã áp những định luật vật lí và logic toán, cho thấy tiến trình tăng trưởng không ngừng với chỉ vài phần trăm một năm sẽ trở nên phi lí chỉ trong vài trăm năm. Trong chương này, chúng ta sẽ khám phá những hệ quả của một khái niệm ít gắn với vật lí hơn: tăng trưởng kinh tế, vốn là nền tảng của xã hội hiện đại. Kế hoạch đầu tư, cho vay, nghỉ hưu hay an sinh xã hội đều căn cứ vào tăng trưởng kinh tế không ngừng. Chương này đưa ra kết luận rằng tăng trưởng kinh tế sẽ không thể nào tiếp tục nếu thế giới vật chất không tăng trưởng tương ứng—vốn là việc bất khả thi như chúng ta đã xem xét ở chương trước. Điều này kéo theo nhiều sự chỉ trích từ phía các nhà kinh tế học, mặc dù bằng sự kiên nhẫn, chúng ta có thể khiến cho họ hiểu1. Sau đây là những luận điểm chính.

1. Lịch sử sự phụ thuộc của kinh tế vào tài nguyên năng lượng (Coupling)

Trong thời đại cần sinh tồn, người ta giá trị thực phẩm và đồ dùng thiết yếu hơn sản phẩm mang tính thẩm mĩ: như người ta không thể ăn cũng như sưởi ấm bằng tượng điêu khắc2. Lương thực, dụng cụ và tài nguyên như gỗ và động vật cung cấp sức chuyên chở là đáng giá nhất. Khi những nhu cầu sinh tồn đã được đáp ứng, vàng và đồ trang sức có thể là những mặt hàng được hướng đến tiếp theo—nhưng ngay cả chúng cũng là những tài nguyên vật chất.

Nông nghiệp đã giải phóng một phận cá nhân trong xã hội để họ có thể tư duy và sáng tạo. Nền kinh tế bắt đầu có chỗ nhiều hơn cho nghệ thuật và sự sáng tạo: những sản phẩm của trí não, không chỉ là lao động tay chân. Trong thời kỳ Phục Hưng, những người chủ sẽ hỗ trợ những nghệ sĩ và nhà khoa học, vì sản phẩm của họ sẽ không có nhiều chỗ đứng trong nền kinh tế. Trong thế giới ngày nay, một nền kinh tế phức tạp phân phối các tài sản tài chính cho một lớp rộng rãi quần chúng tương ứng với giá trị xã hội mà mỗi người tạo ra.

Nhưng tài nguyên vẫn luôn là yếu tố quyết định. Hoa Kì sở dĩ thịnh vượng một phần lớn là do nước này sở hữu rất nhiều những tài nguyên giàu có. Khai khoáng và thuộc da là những ngành tiên phong, cũng như nông nghiệp (thuốc lá, bông, ngô và lúa mì). Vào giữa thế kỉ \(20\), Hoa kì là nước xuất khẩu dầu mỏ lớn nhất thế giới (Pennsylvania được khai thác đầu tiên, sau đó ở California và Texas)3. Sau Thế chiến thứ II, với cơ sở hạ tầng nội địa dường như nguyên vẹn, nước này đã tập trung vào khả năng sản xuất công nghiệp khổng lồ. Cùng với quan điểm “tất cả đều có thể” (can-do attitude), người Mĩ đã tỏ ra vượt trội ở mọi lĩnh vực. Là một nhà sản xuất hàng đầu trong khoảng giữa thế kỉ \(20\), tài nguyên thô cùng với lực lượng lao động được đào tạo bài bản đã dẫn dắt sự sáng tạo và sản lượng công nghiệp ở Mĩ. Không phải là ngẫu nhiên mà rất nhiều người Mĩ ao ước được trở lại thời kì “vàng son” này4; tuy nhiên, chúng ta không thể làm được như vậy, vì một phần tài nguyên gốc đã bị cạn kiệt.

Những điều trong quá khứ vẫn còn nguyên giá trị đến tận bây giờ: tài nguyên như dầu mỏ, thép, kim loại, các sản phẩm nông nghiệp, máy móc hạng nặng tiếp tục có giá trị cao trên thị trường quốc tế. Tài nguyên làm nên tảng cho sự thịnh vượng. Đó không phải là nguồn lực duy nhất, những là một bộ phận vô cùng thiết yếu và đáng tin cậy. Hình \(\textbf{2.1}\) cho thấy mối liên hệ phụ thuộc rất lớn giữa qui mô kinh tế vào sản lượng năng lượng sử dụng.

Energy-Capita-Light Energy-Capita-Dark

Hình \(\textbf{2.1}\) Năng lượng sử dụng theo đầu người là một hàm của GDP theo thang logarit (mỗi vạch chia gấp 10 lần). GDP theo đầu người là tổng sản phẩm quốc nội chia cho số dân trong nước đó, có thể xem như thu thập trung bình hàng năm. Tốc độ mỗi người sử dụng năng lượng được biểu diễn qua công suất, tính theo Watts. Tồn tại một mối liên hệ này khá chặt chẽ xuyên suốt các quốc gia: những nước giàu sử dụng nhiều năng lượng hơn, theo đầu người. Một số quốc gia điển hình được chấm đỏ 🔴. Kích cỡ các chấm được tỉ lệ theo qui mô dân số.

Để hình dung được mối liên hệ giữa các hoạt động kinh tế với thế giới vật chất, chúng ta có thể biểu diễn năng lượng tiêu thụ gắn với mỗi Đô-la (hay bất kì loại tiền tệ nào) tiêu dùng. Độ thâm dụng năng lượng (energy intensity) theo mức kinh tế (xem Định nghĩa 2.1) của một quốc gia là năng lượng tiêu thụ của toàn xã hội chia cho tổng sản phẩm quốc nội GDP.

GDP được đo theo giá trị tiền tệ của tổng sản phẩm và hàng hóa sản xuất bởi một quốc gia trong một năm.

Định nghĩa \(\textbf{2.1}\): Độ thâm dụng năng lượng

Đo lường mức năng lượng một xã hội sử dụng so với qui mô kinh tế của nó—một khái niệm giống như hiệu năng tiêu thụ (điện). Nó có thể sử dụng để biểu diễn lượng tiêu thụ tài nguyên nói chung, được tính bằng:

\[ \text{Độ thâm dụng năng lượng} = \frac{\text{Năng lượng tiêu thụ}}{\text{Tiền tệ tiêu dùng}} \tag{2.1}\label{2.1} \]

Trong một thế giới hữu hạn tài nguyên (hữu hạn về tài nguyên vật chất và khả năng cung ứng năng lượng), độ thâm dụng năng lượng thấp hơn sẽ dẫn đến năng lượng tiêu thụ ít hơn đối với cùng một sản lượng kinh tế, hay ngược lại, cho phép một sản lượng kinh tế cao hơn đối với cùng một mức tiêu thụ năng lượng. Ở qui mô nhỏ hơn, cúng ta có thể nói, ví dụ, tiêu \(\$100\) vào một chuyến bay có độ thâm dụng năng lượng lớn hơn nhiều so với việc tiêu cùng một số tiền vào dịch vụ pháp lí.

Độ thâm dụng năng lượng vì thế cung cấp một thước đo cho mức độ thâm dụng tài nguyên của một quốc gia theo qui mô kinh tế quốc gia đó. Ví dụ, Hoa Kì sử dụng \(10^{20}\) Joules (\(J\)) năng lượng mỗi năm và có GDP khoảng \(20\) nghìn tỉ Đô-la. Chia ra ta có độ thâm dụng năng lượng \(5 \times 10^6\) \(J/\$\), hay \(5\) \(MJ/\$\) (có nhiều biến thể đơn vị khác nhau). Thế giới nói chung sử dụng khoảng \(4{,}5 \times 10^{20}\) \(J\) một năm với ước tính \(\$90\) nghìn tỉ GDP, chia ra cũng được \(5\) \(MJ/\$\). Sự khác biệt về con số này giữa các quốc gia phát triển không quá lớn—thường ở mức một con số \(MJ/\$\).

Energy-Intensity-Light Energy-Intensity-Dark

Hình \(\textbf{2.2}\): Độ thâm dụng năng lượng của các quốc gia, trình bay trên thang logarit ở cả hai trục. Trục đứng cho biết mức độ "ngốn" năng lượng của mỗi quốc gia theo sản lượng của nền kinh tế, trong khi trục nằm ngang sắp xếp các quốc gia theo thu nhập trên đầu người. Một số quốc gia được làm nổi bật bởi chấm đỏ 🔴. Diện tích chấm này được tỉ lệ theo số dân của nước đó. Những quốc gia giàu có thường có độ thâm dụng năng lượng thấp hơn, một phần do chuyển dịch công nghiệp chế tạo sang nước khác.

Hình \(\textbf{2.2}\) biểu diễn độ thâm dụng năng lượng của tất cả các quốc gia trên thế giới. Những yếu tố dẫn dắt mức độ sử dụng năng lượng: địa lí (quốc gia rộng hơn đòi hỏi việc vận chuyển trên quãng đường xa hơn), khí hậu (quốc gia lạnh đòi hỏi nhiệt lượng sưởi ấm nhiều hơn), hiệu quả sử dụng năng lượng, và phong cách tiêu dùng. Nga, Canada, và Hoa Kì đều có lãnh thổ rộng lớn, và hai quốc gia đầu tiên cần nhiều năng lượng sưởi ấm hơn hầu hết các quốc gia. Ngược lại, Thụy Sĩ có lãnh thổ nhỏ và thuê ngoài hầu hết các ngành công nghiệp nặng. Bạn có thể xem thử tại sao Venezuela lại có độ thâm dụng năng lượng lớn như thế không?

2. Phát triển kinh tế không phụ thuộc vào tài nguyên (Decoupling) và Sự thay thế (Substitution)

Khi nền kinh tế vượt ra khỏi giai đoạn sinh tồn, một phần lớn các hoạt động giờ đây có thể tập trung vào các lĩnh vực "không thiết yếu", như nghệ thuật và giải trí. Sự thâm dụng năng lượng của các hoạt động này khá nhỏ. Đơn cử như một nhà sưu tập nghệ thuật có thể trả \(1\) triệu Đô-la cho một bức tranh đáng mơ ước. Năng lượng cần cho giao dịch này rất thấp. Bức tranh này có thể đã được vẽ từ rất lâu, có thể vẫn còn được trưng bày ở địa điểm cũ—chỉ có tên chủ sở hữu là thay đổi. Các giao dịch tài chính cũng không đòi hỏi việc chế tạo, vận tải, và tiêu tốn nhiều năng lượng, được coi như đã "không phụ thuộc" (decoupled) vào tài nguyên vật chất. Nhiều ví dụ như thế tồn tại trong xã hội, được các nhà kinh tế học lấy làm dẫn chứng cho việc chúng ta có thể tăng trưởng nên kinh tế mà không cần khai thác sử dụng nhiều tài nguyên hơn5.

Định nghĩa \(\textbf{2.2}\): Không phụ thuộc (Decoupling)

Là khái niệm cho rằng các hoạt động kinh tế không nhất thiết phải phụ thuộc vào những điều kiện vật chất (hay năng lượng), làm sao cho độ thâm dụng năng lượng trở nên vô cũng nhỏ. Mức độ các hoạt động kinh tế giảm hay không phụ thuộc vào tài nguyên hình thành một thang đo liên tục, sao cho sự thâm dụng cao về năng lượng và tài nguyên vật chất (như sản xuất thép) ở một đầu, còn đầu kia là các giao dịch nghệ thuật6. Cách duy nhất một nền kinh tế có thể duy trì tăng trưởng trong bối cảnh tăng trưởng của các ngành dựa vào khai thác và sử dụng nhiều tài nguyên bị chững lại, đó là gia tăng mức độ không phụ thuộc vào tài nguyên.

Ước mơ: nhờ vào sự phát triển liên tục, độ thâm dụng năng lượng trong nên kinh tế có thể giảm dần (ngày càng không phụ thuộc vào tài nguyên) sao cho lượng tiền tệ lưu thông lớn hơn nhiều hơn so với mỗi đơn vị năng lượng sử dụng. Nếu nền kinh tế có thể không phụ thuộc vào nhu cầu năng lượng, chúng ta sẽ không bị hạn chế gì nữa để tiếp tục tăng trưởng kinh tế, khiến các nhà đầu tư và các chính khách hài lòng. Nói chung, sự dịch chuyển này cũng có nghĩa là nền kinh tế sẽ ít tập trung vào các ngành công nghiệp/phát triển tiêu thụ nhiều năng lượng và tài nguyên, mà thay vào đó là các ngành dịch vụ7.

Do các nước trên thế giới áp dụng nhiều chính sách và phương pháp phát triển khác nhau, như những "thí nghiệm", Hình \(\textbf{2.2}\) có thể được xem là con đường dẫn sự không phụ thuộc vào tài nguyên sử dụng.

Câu hỏi là: khi các quốc gia phát triển và trở nên thịnh vượng hơn, độ thâm dụng năng lượng có thật sự giảm, như chúng ta ao ước như một tín hiệu của việc giảm dần phụ thuộc vào tài nguyên? Trên diện rộng, ta thấy hiệu quả thực ra rất khiêm tốn. Từ Ấn Độ cho đến Hoa Kì, độ thâm dụng năng lượng tốt hơn hai lần, trong khi sự tiêu dùng cá nhân lại tăng đến 30 lần (theo thu nhập đầu người trên GDP)8. Thật là lợi bất cập hại.

Với những nước có thu nhập cá nhân cao (phía bên phải của Hình \(\textbf{2.2}\)), chúng ta có thể thấy một xu hướng đi xuống. Nhưng ta cũng cần cẩn thật để không bị "lỗi hái anh đào" (cherry picking)—chỉ lựa chọn những sự kiện phù hợp với quan điểm của mình mà không chú ý đến các dữ kiện khác—vì những điều kiện cần thiết để có được xu hướng này không thực tế ở nhiều quốc gia khác. Không phải quốc gia nào cũng có vùng lãnh thổ địa lí và nền kinh tế tập trung chủ yếu vào ngành tài chính như ở Thụy Sĩ. Tương tự, nếu Hoa Kì tự nhận là hình mẫu cho các quốc gia khác noi theo, độ thâm dụng năng lượng ở Châu Âu trên thực tế sẽ tăng nếu người dân các nước này tiêu dùng với thói quen của người Mĩ. Nói chung, chúng ta không có bằng chứng chứng tỏ rằng một quốc gia nào đó có khả năng giảm mức thâm dụng năng lượng xuống 4 lần so với mức trung bình \(4\) \(MJ/\$\) của các nước phát triển. Đặt trong bối cảnh chúng ta đang đánh giá tương lai dựa trên vấn đề tăng trưởng với cấp số nhân (như trong Chương \(\textbf1\), có vẻ như sự giảm phụ thuộc vào tài nguyên của nền kinh tế đã không xảy ra.

Định nghĩa \(\textbf{2.3}\): Sự thay thế

Sự thay thế đề cập đến khả năng có thể thay thế một tài nguyên nào đó khi nó trở nên khan hiếm hơn hay một dạng tài nguyên khác tốt hơn được tìm thấy. Sự thay thế này thường được đưa ra để chống đối các quan điểm về sự khan hiếm. Một ví dụ sinh động cho định nghĩa này: thời kì đồ đá không kết thúc bởi vì chúng ta hết đá để dùng—trên thực tế, ta đã tìm ra đồng.

Những ví dụ về sự thay thế có rất nhiều trong quá khứ (Định nghĩa \(\textbf{2.3}\)). Hãy cùng xem xét sự phát triển của công nghệ chiếu sáng từ lửa cho đến đèn bằng sáp ong rồi dầu cá voi đến đèn lồng khí đốt rồi đèn điện dây tóc đến đèn huỳnh quang rồi công nghệ đèn LED (light emitting diode, đèn đi-ốt phát quang). Mỗi bước tiến về công nghệ này đều đáng kể, nên không có gì ngạc nhiên khi cho rằng câu chuyện phát minh tương tự sẽ tiếp tục xảy ra trong tương lai.

Qua ví dụ này, chúng ta có thể thấy sự thay thế và giảm phụ thuộc vào tài nguyên có thể kết nối với nhau: hiệu suất tăng thông qua sự thay thế, đòi hỏi ít năng lượng hơn cho cùng một giá trị chiếu sáng.

Hộp \(\textbf{2.1}\): Câu chuyện về Hiệu quả Chiếu sáng

Có một cách để đánh giá tiến bộ về đèn chiếu sáng: sử dụng hiệu quả phát quang (luminous efficacy) của ánh sáng, với đơn vị là Lumen / Watt. Trong thế kỉ \(20\), bóng đèn sợi đốt quá phổ biến đến nỗi chúng ta có một thói quen (không tốt) gán cho độ chiếu sáng bằng lượng điện năng tiêu thụ bởi bóng đèn, đơn vị là Watt. Vì thế có những thế hệ đã quen với việc đánh đồng độ sáng của một bóng đèn với “\(100\) \(W\)” hay “\(60\) \(W\)”. Khi công nghệ thay đổi, chúng ta chuyển sang việc sử dụng “Lumen” (\(lm\)), đơn vị phản ánh chính xác độ sáng của một nguồn sáng được tiếp nhận bởi mắt người.

Bảng \(\textbf{2.1}\)Hình \(\textbf{2.3}\) trình bày sự tiến triển của hiệu quả chiếu sáng khi nguồn sáng được nâng cấp. Xu hướng này có thể tiếp tục mãi chăng? Không. Mỗi photon ánh sáng cần một mức năng lượng tối thiểu dựa vào bước sóng (wavelength) của nó. Để photon có thể truyền đi theo dải ánh sáng nhìn thấy (tạo ra thứ ánh sáng mà ta tiếp nhận như ánh sáng trắng), giới hạn lí thuyết là \(300\) \(lm/W\)9. Với giới hạn này, năng lượng không bị hao phí và chuyển hoàn toàn \(100\%\) thành ánh sáng. Các kĩ sư hiếm khi đạt được mức hiệu suất lí thuyết này, bởi tồn tại rất nhiều những thử thách trong thực tế. Vì thế sẽ không có gì ngạc nhiên nếu hiệu suất chiếu sáng không còn được nâng cao so với hiện tại, ví dụ như gấp 2 lần, kết thúc xu thế từ nhiều thế kỉ trở lại đây.

Luminosity-Light Luminosity-Dark

Hình \(\textbf{2.3}\): Tiến bộ về hiệu quả chiếu sáng trong lịch sử theo thang logarit, sử dụng những đoạn thẳng để biểu thị khoảng thời gian sử dụng và hiệu suất chiếu sáng. Đường gạch nối ở phía trên đồ thì trình bày hiệu suất lí thuyết cao nhất có thể đạt được đối với ánh sáng trắng (không có nhiệt hao phí). Đường chấm chấm biểu thị hiệu năng chiếu sáng tăng gấp 10 lần mỗi thế kỉ (với \(2{,}3\%\) tăng trưởng hàng năm). Lưu ý rằng đường này cắt hiệu suất cao nhất vào khoảng giữa thế kỉ này (hình ngôi sao đỏ), cho thấy xu hướng tăng hiệu suất không thể tiếp diễn lâu hơn10.

Những thành tựu tiến bộ trong quá khứ có thể đánh lừa chúng ta với với suy nghĩ rằng sự thay thế (sang vật liệu khác hay vật liệu tốt hơn) sẽ tiếp diễn trong tương lai. Sau khi đã chứng kiến hàng tá những “trò ảo thuật”, tương ứng với những phát minh trong công nghệ chiếu sáng (Hộp \(\textbf{2.1}\)), chúng ta tự tin rằng những sáng chế mới sẽ tiếp tục nâng cao hiệu suất chiếu sáng. Trên thực thế, điều đó không còn đúng nữa (Hình \(\textbf{2.3}\)). Mỗi phát minh tương ưng với một trò ảo thuật; việc trình diễn thành công đến sáu lần trong lịch sử không có nghĩa là trò ảo thuật sẽ tiếp diễn mãi mãi.

Đối với những người có tài chính vững chắc ở trên top phân phối thu nhập cá nhân, sẽ rất dễ để họ mường tượng và tin tưởng vào sự thay thế sẽ diễn ra trong tương lai. Nhiều thành quả họ đã đạt được từ một đời sống khiêm tốn, thậm chí nghèo khó trước kia, liên tục nâng cấp những cơ ngơi của mình: nhà cửa, phương tiện đi lại, áo quần, thực phẩm, du lịch, v.v. Đối với những người đã giàu có từ nhỏ, cuộc sống của họ được bao quanh bởi những tiện nghi và vật chất; mỗi sản phẩm mới nhất ra đời họ đều có khả năng mua sắm. Nhưng tất cả những khả năng này của giới tài phiệt không thể áp dụng được cho đại đa số dân chúng. Bởi không phải thứ gì cũng nhân rộng được.

Hộp \(\textbf{2.2}\): Số phận của Concorde

Số phận của Concorde—máy bay siêu âm đầu tiên với dịch vụ hành khách vượt qua biển Đại Tây Dương từ năm \(1976\) đến \(2003\)—có thể là một bài học hữu ích: không phải cứ điều gì có thể (như chế tạo máy bay hành khách với vận tốc siêu âm) đều có nghĩa rằng sẽ có đủ người chi trả để thực hiện những chuyến bay vượt biển một cách khả thi về mặt kinh tế. Người tiêu dùng giờ đây không còn có lựa chọn cho những chuyến bay siêu âm nữa, mặc dù nó được cho là tương lai cách đây 50 năm. Đôi khi khi chúng ngược dòng thời gian, những ước mơ một thời không còn phù hợp với thực tại nữa.

Nói chung, có những thời điểm giải pháp tốt nhất và những công nghệ "tiên tiến nhất" đã đến sớm trong lịch sử. Dù có lục tung bảng tuần hoàn hoàn hóa học với kĩ thuật hiện đại, chúng ta cũng không thể tìm ra một chất nào sánh được với nước, \(H_2O\), về mức độ cần thiết cho sự sống11. Những người làm marketing có thể quảng cáo \(H_2O_2\) như một hợp chất tiên tiến, với lợi ích có thêm một nguyên tử oxy đi kèm, nhưng xin các bạn đừng uống hydrogen peroxide (có tên gọi khác là oxy già, dùng để tẩy trắng)! Một vài công nghệ được sử dụng hiện nay vẫn có thể được nhận ra bởi những người sống trong thời kì tiền công nghiệp hóa: bánh xe, dây, bát, kính và quần áo. Không phải lúc nào chúng ta cũng làm ra được những thức tốt hơn. Không phải vật dụng nào cũng trải qua quá trình phát triển mang tính đột phá.

Tóm lại, giảm tính phụ thuộc vào tài nguyên (decoupling) và việc tìm ra sản phẩm thay thế (substitution) thường được xem là cách thức mà tăng trưởng kinh tế không cần thiết phải chậm lại khi năng lượng và các tài nguyên trở nên khan hiếm. Lối tư duy đó như thế này: chúng ta có thể kiếm được nhiều tiền hơn bằng cách sử dụng ít hơn tài nguyên, hay chỉ cần tìm ra sản phẩm thay thế để giải quyết vấn đề. Có nhiều dẫn chứng trong quá khứ để chứng tỏ và giải thích những phát minh trong quá khứ đã thực hiện được những điều đó như thế nào. Sẽ là không khôn ngoan khi cho rằng chúng ta đã phát triển đến điểm tận cùng, và không thể giảm tính phụ thuộc vào tài nguyên hay tìm ra vật liệu thay thế tốt hơn. Những cũng sẽ không khôn ngoan khi cho rằng chúng ta có thể liên tục làm điều đó chỉ để duy trì tăng trưởng kinh tế.

Hộp \(\textbf{2.3}\): Giới hạn hiệu năng

Những tiến bộ về hiệu năng có thể được xem là phương thức hữu hiệu để đương đầu với sự khan hiếm dần tài nguyên năng lượng. Hiệu năng tốt hơn trong khi sử dụng ít năng lượng hơn luôn có vẻ hấp dẫn. Đúng là chúng ta cần tăng hiệu năng sử dụng; nhưng đây không phải là câu trả lời cho nhưng giới hạn tăng trưởng, với nhiều lí do sau đây.

1) Hiện tại, hầu hết các thiết bị đã gần đạt đến hay chỉ cách hiệu năng lí tưởng một phần hai12. Một động cơ hay máy phát vận hành với hiệu suất \(90\%\) sẽ chẳng còn nâng cấp được nhiều hơn nữa. Nếu hiệu năng chỉ nhỏ hơn \(1\%\), chúng ta sẽ còn tìm ra nhiều phương pháp để nâng cao con số này; nhưng không còn thiêt bị nào có hiệu suất thấp như vậy nữa.

2) Nâng cao hiệu suất sử dụng năng lượng đã tăng trưởng với mức \(∼1\%\) một năm13, đôi khi đến \(2\%\) một năm. Thời gian nhân đôi theo đó chỉ khoảng một vài thập kỉ. Điều này kết hợp với lí do ở trên cho thấy chúng ta đã bắt đầu đến ga cuối của quá trình tăng hiệu suất chỉ trong một thế kỉ14.

3) Cải thiện hiệu suất có thể mang lại tác dụng không mong muốn, được gọi là hiệu ứng ngược (rebound effect) hay nghịch lí Jevons (Jevons paradox). Nhu cầu gia tăng khi công nghệ trở nên hiệu quả hơn dẫn đến nhiều hơn nữa nhu cầu đối với tài nguyên. Ví dụ, hiệu suất tủ lạnh tăng dẫn đến việc sản xuất nhiều tủ lạnh hơn và tủ lớn hơn trước15, hệ quả là làm cho nhu cầu năng lượng làm lạnh nói chung tăng. Chúng ta có thể quan sát được thấy năng lượng sử dụng và tài nguyên vật chất toàn cầu tính theo đầu người không ngừng gia tăng trong khi hiệu năng sử dụng đã tăng đáng kể trong thế kỉ vừa qua16.

Nâng cao hiệu năng không thể giải quyết được nhu cầu về tài nguyên ngày càng tăng.

3. Giới hạn vật lí đối với nền kinh tế

Giờ chúng ta hãy tưởng tượng một thí nghiệm, sử dụng Hình \(\textbf{2.4}\) như một hướng dẫn. Chúng ta bắt đầu với với mức tăng trưởng cố định hàng năm của toàn bộ nền kinh tế (điểm 1; đường màu đỏ trên Hình \(\textbf{2.4}\), ở mức \(2{,}3\%\) (con số này rất tiện lợi vì qui mô nền kinh tế sẽ tăng khoảng gấp mười lần qua mỗi thế kỉ—bạn có thể kiểm tra trên đồ thị đường màu đỏ). Trong khi đó, tài nguyên (năng lượng, vật chất) trong nền kinh tế cũng tăng với mức tương tự, bắt đầu ở điểm 2 màu xanh lam. Khoảng cách giữa đường màu đỏ và và xanh lam cho thấy: nền kinh tế (đo bằng giá trị tiền tệ) từ ban đầu không hoàn toàn sử dụng tài nguyên, mà có giá trị lớn hơn tài nguyên (vì những ngành dịch vụ tuy sinh ra nhiều lợi nhuận nhưng không tiêu tốn quá nhiều tài nguyên).

Growth-Transition-Light Growth-Transition-Dark

Hình \(\textbf{2.4}\): Mô hình mô phỏng sự thay đổi của nền kinh tế sau khi tài nguyên đã cạn kiệt. Trục đứng biểu diễn qui mô nền kinh tế theo thang logarit với mỗi vạch chia lần nhân 10 lần. Đường màu xanh là qui mô của nên kinh tế thuần túy dựa trên tài nguyên. Đường màu đỏ là qui mô tổng thế của nền kinh tế, với mức tăng trưởng cố định hàng năm là \(2{,}3\%\) một năm. Đường màu tím là tỉ lệ phần trăm dịch vụ hóa của nền kinh tế (với thang đo ở trục đứng bên tay phải), đường màu đỏ đứt khúc biểu thị qui mô tổng thể của nền kinh tế gần thực tế hơn khi tài nguyên đã cạn kiệt. Các mũi tên có màu chỉ hướng đi của các đường gần với thực tế hơn. Mô hình này được xây dựng chỉ nhằm mục đích trình bày những đặc điểm chung mà không mang tính chính xác về mặt tính toán. Thời gian hay các đại lượng không nên được sử dụng ngoài mục đích này.

Tiến đến điểm 3 khi tài nguyên vật chất không còn tăng trưởng như cũ. Chương 1—dựa trên cơ sở năng lượng và nhiệt động học—đã cho thấy chúng ta không thể kì vọng tăng trưởng kinh tế tiếp tục mãi mãi, cùng lắm chỉ kéo dài vài thế kỉ17. Trong viễn cảnh này, qui mô sử dụng năng lượng của xã hội sẽ là đường gần đi ngang (điểm 4).

Nếu chúng ta đòi hỏi tăng trưởng kinh tế trong bối cảnh năng lượng có hạn, sự không phụ thuộc (decoupling) càng trở nên bức thiết, được thể hiện bằng khoảng cách giữa hai đường màu đỏ và màu xanh trên Hình \(\textbf{2.4}\). Nói cách khác, nếu tổng sản phẩm quốc nội (GDP, một chỉ số tổng kết các hoạt động kinh tế) muốn tiếp tục tăng18 (điểm 5), thì độ thâm dụng năng lượng (tính bằng năng lượng sử dụng trên mỗi đơn vị tiền tệ) cần phải tăng lên không ngừng. Để điều này xảy ra, các hoạt động tiêu tốn ít năng lượng hơn cần chiếm nhiều tỉ trọng hơn trong nền kinh tế. Cho đến giờ, các nhà kinh tế học vẫn còn đồng ý với điều này—đó chính là lí do tại sao họ đòi hỏi sự gia tăng các hoạt động kinh tế mà không phụ thuộc vào tài nguyên—là một cách để thoát khỏi những hạn chế của thế giới vật chất. Người ta có thể mong đợi có nhiều hơn các hoạt động về dịch vụ, những trải nghiệm ảo, giao dịch các tác phẩm nghệ thuật: những hoạt động không đòi hỏi nhiều sự tiêu dùng năng lượng, hay thậm chí ít hơn cả đối với nền kinh tế trước đây. Bằng cách này, qui mô nền kinh tế có thể tiếp tục tăng trong khi mức tiêu thụ tài nguyên vẫn giữ nguyên.

Nếu nền kinh tế tiếp tục mở rộng dựa trên các hoạt động ít phụ thuộc vào tài nguyên, một phần lớn trong số các ngành kinh tế sẽ tập trung vào dịch vụ. Điều đó có nghĩa dòng chảy tiền tệ sẽ hỗ trợ chủ yêu các hoạt động ít ảnh hưởng đến khai thác tài nguyên. Trên thực tế, thu nhập của một người phần lớn sẽ đến từ các hoạt động không cần nhiều vật chất. Như chúng ta thấy ở điểm 6, Hình \(\textbf{2.4}\), nền kinh tế phi vật chất chiếm \(25\%\): không phải là chủ đạo những cũng không phải là nhỏ. Đường màu tím cần phải tăng khi khoảng cách giữa hai đường màu đỏ và màu lam ngày càng lớn, cho đến điểm 7, khi nó gần chạm tới ngưỡng \(100\%\) và tiếp tục tiệm cận ngưỡng này gần hơn.

Trong quá trình này, một hệ quả tất yếu là những lĩnh vực đòi hỏi nhiều năng lượng và vật chất—như vận tải, lương thực, sưởi ấm, chế tạo— sẽ chiếm một tỉ trọng ngày càng nhỏ trong nền kinh tế; hay đối với cá nhân, nó chỉ chiếm phần nhỏ trong chi tiêu hàng tháng của một người. Nói cách khác, giá của các hoạt động này ngày càng rẻ.

Giờ đây, trong viễn cảnh tăng trưởng kinh tế không ngừng, sự liên tục của cấp số nhân lấn át tất cả cho đến mức các sản phẩm hàng hóa vật chất trở nên vô cùng rẻ và chỉ chiếm một phần nhỏ trong tiêu dùng cá nhân. Cho đến thời điểm chúng ta tiến đến phía bên phải của Hình \(\textbf{2.4}\), qui mô tổng thể của nền kinh tế đã lớn gấp \(1.000\) lần so với bộ phận cần tài nguyên vật chất, hay nói cách khác, qui mô kinh tế vật chất chỉ bằng \(0{,}1\%\) tổng qui mô nền kinh tế. Bảng \(\textbf{2.2}\) minh họa quá trình tăng trưởng nền kinh tế liên tục ở mức \(2{,}3\%\) một năm. Nếu vào năm \(2000\), một cá nhân dành \(50\%\) thu nhập của mình (tương đương với một nửa số giờ lao động của cá nhân đó) cho các sản phẩm vật chất, thì sau 400 năm, một cá nhân chỉ cần làm \(6\) phút một năm để thụ hưởng cùng số lượng sản phẩm vật chất như thời điểm trước: bao gồm tất cả thực phẩm, quần áo, phương tiện giao thông, hệ thống sưởi, nấu ăn và các đồ dùng khác.

Nếu điều này bắt đầu trở nên hão huyền và không thực tế, thì trực giác của bạn đã đúng. Làm sao những sản phẩm vật chất vốn vô cùng thiết yếu và cần thiết, thậm chí không thể đổi chác được, vốn được dùng để đảm bảo sự sinh tồn của con người và có tính hữu hạn, có thể dần trở thành miễn phí được? Ý tưởng này trái ngược với một nguyên tắc kinh tế căn bản về qui luật cung cầu. Một nguồn tài nguyên vốn hữu hạn và thiết yếu cho con người luôn có một giá trị nhất định, nếu không muốn nói là giá trị cao. Nguồn cung cấp hữu hạn trong khi nhu cầu về nó gần như bất biến (như cơm ăn, áo mặc), quyết định một mức giá cơ bản cho mặt hàng đó (khác \(0\) hay không thể quá nhỏ).

Hộp \(\textbf{2.4}\): Độc quyền

Để hiểu rõ sự lố bịch của viễn cảnh này: trong bối cảnh những sản phẩm vật chất vốn có hạn nhưng thiết yếu cho sự sống trở nên quá rẻ mạt, một cá nhân có thể mua tất cả những nhu yếu phẩm đó và bán lại cho mọi người với một cái giá “trên trời”. Đơn giản là chúng ta không thể sống trong hoàn cảnh những tài nguyên quí giá và hữu hạn trở nên vô cùng rẻ. Tương tự, nếu người ta chỉ cần làm việc một giờ một năm để chi trả cho tất cả các nhu yếu phẩm, như vậy sẽ có rất ít công việc thực sự được thực hiện, kéo theo sự giảm năng suất lao động cũng như kìm hãm sự tăng trưởng.

Một khi mức giá cơ bản được thiết lập, chi phí các tài nguyên thiết yếu không thể nào thấp hơn nữa. Điều này diễn ra rất sớm ngay sau khi tài nguyên vật chất bắt đầu ngừng tăng trưởng. Thật vậy, theo tác giả, sẽ rất khó để tài nguyên vật chất thiết yếu cho sự sống chỉ chiếm dưới \(10\%\) tổng qui mô nền kinh tế, một bối cảnh sẽ diễn ra trong một thế kỉ nếu chúng ta tiếp tục tăng trưởng ở mức \(2{,}3\%\) một năm. Điểm 8 trong Hình \(\textbf{2.4}\) biễn diễn một viễn cảnh thực tế hơn đối với nền kinh tế (đường gạch đỏ) tương ứng với sự suy giảm về tài nguyên. Trong trường hợp này, nền kinh tế tổng thể sẽ tiếp tục tăng trưởng nhanh hơn một chút so với nền kinh tế vật chất, những rồi cũng đi dần vào giai đoạn ngừng tăng trưởng.

Từ đó chúng ta có một quá trình phát triển logic hơn, sau một vài thế kỉ tăng trưởng kinh tế cuối cùng cũng dừng lại. Qui luật của Nhiệt động học giới hạn việc chúng ta có thể tăng trưởng ở Trái Đất chỉ trong vài thế kỉ, giả sử với mức chỉ vài phần trăm một năm. Tăng trưởng kinh tế sau đó sẽ dừng lại trong những thế kỉ tiếp theo. Trên thực tế, sự tăng trưởng này sẽ dừng lại sớm hơn nhiều trước khi chạm đến những điểm giới hạn lí thuyết.

4. Thế giới không tăng trưởng

Những luận điểm trên đã dẫn chứng cho việc không thể tiếp diễn tăng trưởng mãi mãi—trái ngược với những giả định phổ biến. Khi một mô hình toán học đưa ra những kết quả vô lí—như những ví dụ chúng ta đã thấy khi cố tình để tăng trưởng tiếp diễn trong thời gian dài—không có nghĩa là toán học đã sai, mà đơn giản nó đã bị áp dụng sai cách hay có những giả định sai trong phương trình. Trong trường hợp này, sự phân tích giúp chúng ta chỉ ra rằng giả định về sự tăng trưởng không ngừng mãi mãi không thể đạt được.

Cỗ máy tăng trưởng đã ăn sâu vào trong cơ cấu xã hội toàn cầu. Tại sao lại không chứ? Chúng ta đã tận hưởng những lợi ích và thành quả của nó qua nhiều thế hệ. Chúng ta tán dương những lợi thế mà nó tạo ra, vì vậy sắp đặt những định chế kinh tế và chính trị của chúng ta xung quanh việc bảo vệ nó. Lên kế hoạch cộng đồng, lãi suất, đầu tư, cho vay, vai trò của ngân hàng, hệ thống bảo hiểm an ninh xã hội19, kế hoạch nghỉ hưu tất cả đều phụ thuộc vào giả định tăng trưởng liên tục20. Những làn sóng khủng hoảng gây ra bởi những giai đoạn suy thoái (cho dù là trong ngắn hạn), nói lên tầm quan trọng của tăng trưởng kinh tế đối với các định chế xã hội con người. Nhưng cần phải nhấn mạnh một lần nữa vào thông điệp này: chúng ta không thể kì vọng vào sự tiếp tục kiên trì theo đuổi mục tiêu tăng trưởng—ám chỉ rằng sẽ phải có rất nhiều thay đổi.

Trở lại gốc rễ của lí thuyết kinh tế, những học giả sớm nhất—Adam Smith, David Ricardo, Thomas Malthus, John Stuart Mill—có nền tảng trong triết học tự nhiên (natural philosophy)21 và cho rằng tăng trưởng chỉ là giai đoạn tạm thời, chắc chắn sẽ bị giới hạn bởi tài nguyên vật chất: như đất đai. Vào thời đó, đất đai được nắm giữ như là chìa khóa cho nông nghiệp, lâm nghiệp, khai khoáng và các trò giải trí—từ đó định hướng phát triển kinh tế. Những nhà kinh tế học tiên phong đã không lường trước được sự khám phá ra nhiên liệu hóa thạch (fossil fuels), và sự phát triển công nghệ vượt bậc nhờ của sự khai thác bùng nổ nguồn năng lượng này.

Giờ đây, chúng ta đang ru mình bằng sự tự mãn: do đã tự cứu mình thoát khỏi tiên toán về ngừng tăng trưởng (end-of-growth) của những nhà kinh tế ngày trước, chúng ta rất dễ kết luận rằng họ luôn sai22, và con người có thể vượt qua những giới hạn về tài nguyên thiên nhiên. Đây là một tư duy nguy hiểm. Rút cuộc, tự nhiên không quan tâm đến việc chúng ta nghĩ mình thông minh đến đâu. Nếu thực sự thông thái, chúng ta đã bắt đầu suy nghĩ về một thế giới mà ở đó không phụ thuộc vào tăng trưởng, và học cách sống tương thích với những giới hạn của hành tinh. Chương 19 sẽ bàn về vấn đề này, sau khi những chương khác đã làm rõ hơn bức tranh tổng thể về những giới hạn năng lượng.

5. Kết luận: Tăng trưởng kinh tế sẽ ngừng lại

Công thức cho việc kết thúc tăng trưởng kinh tế đáng để nhắc lại dưới dạng tóm tắt, như trong Hộp \(\textbf{2.5}\). Hãy đảm bảo bạn hiểu rõ logic và những liên hệ từ điểm này đến điểm tiếp theo—mà không cần phải học thuộc như những sự kiện rời rạc.

Hộp \(\textbf{2.5}\): Giới hạn tăng trưởng kinh tế

1) Những tài nguyên vật chất (năng lượng trong ví dụ của chúng ta) cuối cũng cũng ổn định ở một mức độ cố định hàng năm.

2) Những ngành phi vật chất của nền kinh tế để giữ vững tăng trưởng cần phải đóng vai trò chủ chốt.

3) Thành phần chủ chốt trong nền kinh tế là những ngành phi vật chất.

4) Những ngành vật chất ngành càng chiếm một tỉ trọng nhỏ hơn trong nền kinh tế, và gần như biến mất nếu tăng trưởng theo hàm số mũ tiếp tục.

5) Trong viễn cảnh này23, hàng hóa vật chất (năng lượng cũng ở trong số đó) trở nên cực rẻ, chỉ đòi hỏi thu nhập từ một tuần làm việc, rồi một này, một giờ, một phút, một giây.

6) Tình trạng này là bất khả và không tôn trọng qui luật cung cầu: một nguồn tài nguyên thiết yếu nhưng có hạn sẽ không thể trở nên quá rẻ trong một hệ thống thị trường.

7) Vào một lúc nào đó, những tài nguyên vật chất sẽ không thể giảm hơn nữa tỉ trọng của mình trong nền kinh tế, đó cũng là thời điểm tài các ngành phi vật chất bắt đầu dừng tăng trưởng.

Dù có thể chỉ ra những ví dụ chính đáng về sự không phụ thuộc (decoupling) của nền kinh tế vào tài nguyên hay những câu chuyện về sự thay thế (substitution) đã diễn ra trong lịch sử, điều đó cũng không có nghĩa là toàn bộ nền kinh tế có thể tăng trưởng mãi mãi. Thể chất của con người trong thế giới vật lí đòi hỏi những nhu yếu căn bản không thể thiếu để sinh tồn. Những hoạt động và hàng hóa cần thiết để hỗ trợ con người không thể tăng trưởng vĩnh viễn, và cũng không thể trở nên quá rẻ một khi chúng đạt chạm những giới hạn vật lí của mình. Tài nguyên hữu hạn của thế giới đảm bảo cho sự tồn tại của những giới hạn, mà ở đó ngăn chặn sự tăng trưởng kinh tế mãi mãi. Chẳng có gì có thể thoát ra được thế giới vật lí.

Vì thế, mặc dù công nhận sự tăng trưởng trong quá khứ đang mang lại vô vàn lợi ích cho đời sống con người, chúng ta cần phải tự hỏi: Nếu sự tăng trưởng kinh tế chắc chắn sẽ chấm dứt, tại sao tất cả các hoạt động của chúng ta lại đang thuộc vào nó?


Tác giả: T.W. Murphy, Jr. ©2022; Creative Commons Attibution-NonCommercial 4.0 International License; Tải miễn phí tại: https://escholarship.org/uc/energy_ambitions.

Dịch giả: Team Sống bền vững


  1. Đọc thêm về cuộc đối thoại với nhà kinh tế học 

  2. Cuộc sống hóa ra là nỗ lực chống lại qui luật nhiệt động lực học. 

  3. Người ta có thể ví Hóa Kì lúc đó giống như A-rập-xe-út của hiện tại. 

  4. Một điều quan trọng cần lưu ý: đó không phải thời kì "vàng son" đối với tất cả mọi người. 

  5. Đây dù sao cũng là một niềm hi vọng. 

  6. Các dịch vụ, như sửa ống nước, báo chí hay marketing đều nằm ở giữa thang đo này, với việc sử dụng tài nguyên vật chất ở một mức độ nào đó, nhưng không nhiều bằng các ngành công nghiệp nặng. 

  7. Nhưng dịch vụ này có thể bao gồm: lớp học thanh nhạc, định hướng cuộc sống, khóa trị liệu tâm lí, tài chính cá nhân và các hoạt động khác cần tiêu thụ ít tài nguyên. 

  8. Thu nhập bình quân đầu người ở Hoa Kì là \(\$65.000\) một năm so với \(\$2{,}100\) của Ấn Độ. 

  9. Nghiên cứu 

  10. Tham khảo Lighting Technologies, Jevon's Paradox 

  11. Một cách tương đối, bảng tuần hoàn hóa học chứa một số hữu hạn các nguyên tố, có thể in ra dễ dàng chỉ trên một trang giấy. Chúng ta không có vô hạn những nguyên tố hay hợp chất thay thế. Những đo lường trong thiên văn học đã cho thấy: tất cả vật chất trong vũ trụ đều giới hạn trong các nguyên tố đó. 

  12. Chương 6 sẽ nói về giới hiệu năng lí tưởng đối với các nguồn năng lượng nhiệt như năng lượng hóa thạch (fossil fuels

  13. ...có nghĩa hiệu suất \(30\%\) nay trước sẽ thành \(30.3\%\) năm sau (không phải là \(31\%\), tương ứng với tỉ lệ tăng \(∼3\%\) một năm 

  14. ...tương tự như công nghệ chiếu sáng, đã đề cập ở Hộp \(\textbf{2.1}\)Hình \(\textbf{2.3}\) 

  15. ... ví dụ, để đặt trong tầng hầm, ga-ra hay văn phòng 

  16. Nghịch lí Jevons 

  17. Giả thiết (một cách tích cực) rằng chúng ta luôn có thể tìm ra nguồn nhiên liệu tái tạo thay thế để thỏa mãn nhu cầu không ngừng nghỉ trong một thời gian rất dài. Nếu không, vấn đề còn trở nên tệ hơn và chúng ta bị buộc phải giảm quy mô của các ngành sử dụng nhiều tài nguyên, theo buộc đường màu lam trong Hình \(\textbf{2.4}\) phải đi xuống trong những năm kế tiếp. 

  18. ... dựa trên giá trị thực, mà không phải là do lạm phát 

  19. Ở Hoa Kì, An sinh xã hội và hệ thống Medicare là những ví dụ. 

  20. Tăng trưởng lực lượng lao động và đầu tư là những thành phần chính của giả định này, mọi cá nhân đều mong đợi được trả nhiều hơn trong tương lai so với những đóng góp của mình trong quá khứ (ví dụ như phúc lợi hay hương hưu). 

  21. ...ngành này gần với vật lí hiện đại hơn là kinh tế học ngày nay vì nghiên cứu từ thế giới tự nhiên 

  22. Một ví dụ kinh điển về Thomas Malthus, người đã cảnh báo từ cách đây \(200\) năm về những giới hạn của tài nguyên vật chất trước khi nguồn nhiên liệu hóa thạch được khám phá, khiến cho những dự báo này tan thành mây khói. Nhưng ảnh hưởng của nó kéo dài rất lâu: nhắc đến Malthus đồng nghĩa với những dự báo sai lầm. Hệ quả là những cảnh báo vô cùng chính đáng bị nghị ngờ và bỏ qua. Bài học được rút ra cũng đến câu chuyện ngụ ngôn về cậu bé chăn cừu liên tục cảnh báo về sự xuất hiện của chó sói (“the boy who cried wolf”), cho dù cậu ta nhiều lần không thành thật, đến cuối cùng, chó sói vẫn thực sự xuất hiện. 

  23. ...trong thực tế, chúng ta đã cho thấy rằng những viễn cảnh này không thể xảy ra