Lời nguyền của Hiệu quả tiêu thụ năng lượng
Công nghệ hiệu quả hơn
... đã xâm chiếm nền kinh tế như cách các con vẹm vằn xâm lấn Ngũ Đại Hồ (Great Lakes) ở Hoa Kì. Ảnh cung cấp bởi NOAA/D. Jude, Đại học Michigan qua Flickr, bản quyền Creative Commons.
Lời dẫn
Công nghệ càng “hiệu quả”, chúng ta càng đi vào vòng xoáy tiêu thụ nhiều tài nguyên hơn dẫn đến thảm hoạ.
Jacques Ellul
“Lịch sử cho thấy rằng mọi ứng dụng kỹ thuật ngay từ khi được phát minh đều cho thấy những tác dụng phụ không lường trước được, những tác động này còn tai hại hơn cả việc thiếu những kỹ thuật này.”
Hiệu quả là giải pháp toàn năng?
Đừng tin vào các chính trị gia hay các nhà bảo vệ môi trường bất cứ khi nào họ ủng hộ việc nâng cao “hiệu năng” như một giải pháp cho những tai ương về khí hậu ngày càng gia tăng.
Tuy nhiên, sự tuyên truyền thông qua truyền thông có thể mang những thông điệp rất hấp dẫn, nếu không nói là thuyết phục. Ví dụ, Cơ quan Năng lượng Quốc tế cho rằng sự kỳ diệu của việc gia tăng hiệu năng có thể cắt giảm được 49% mức giảm phát thải khí nhà kính cần thiết vào năm 2030 để tránh những thay đổi thảm khốc về nhiệt độ toàn cầu.
Kết quả là, chính phủ các quốc gia trên toàn cầu giờ đây coi “hiệu quả năng lượng” như một loại giải pháp toàn năng (“sacred cow”). Bộ trưởng Tài nguyên Thiên nhiên Liên bang Jim Carr (Canada) viết một cách nghiêm túc: “Hiệu quả năng lượng không phải là thứ chỉ ảnh hưởng đến biến đổi khí hậu ở bên lề—nó có thể là giải pháp chính yếu cho vấn đề.”
Trong một báo cáo gần đây, ngài bộ trưởng thậm chí còn nói rằng việc gia tăng hiệu năng hoạt động kỳ diệu như một câu chuyện cổ tích: “Đó cũng là thứ có thể cải thiện sức khỏe của người dân Canada, củng cố nền kinh tế, tạo việc làm và tăng cường an ninh cho nguồn cung cấp năng lượng.”
Liên minh tiết kiệm năng lượng phi đảng phái của Hoa Kỳ tự hào rằng hiệu năng có thể thay đổi thế giới mà không cần bất kỳ sự hy sinh nào từ phía người tiêu dùng năng lượng vì “nâng cao hiệu năng cho phép chúng ta làm được nhiều việc hơn trong khi sử dụng ít năng lượng hơn”.
Vấn đề duy nhất với những tuyên bố hấp dẫn này là chúng không đúng sự thật. Nâng cao hiệu năng là một ảo tưởng công nghệ nhằm đảm bảo và duy trì những gì được cho là quá trình một chiều dẫn đến cạn kiệt tài nguyên và hỗn loạn khí quyển. Trái ngược với quan điểm trong câu truyện cổ tích của Carr, hiệu năng gia tăng thực sự khuyến khích sử dụng nhiều năng lượng và tài nguyên hơn. Như vậy, nó chỉ duy trì tình trạng nguy hiểm hiện nay, cho dù được tô vẽ bởi rất nhiều biển báo kỹ thuật số tiết kiệm năng lượng.
Ngay cả các báo cáo của chính phủ Canada cũng vô tình thừa nhận tính nghiêm trọng của vấn đề trong khi kêu gọi gia tăng hiệu năng. Ví dụ, một nghiên cứu năm 2013 về xu hướng năng lượng than thở rằng “Canada đang tạo ra các giá trị kinh tế hiệu quả hơn” nhưng mỗi hộ gia đình đang sử dụng “số lượng hàng hóa và dịch vụ tiêu thụ năng lượng tính trên đầu người nhiều hơn so với năm 1990”.
Các tác giả của báo cáo với vẻ lo âu nói thêm rằng nhiều năng lượng hơn đã được tiêu thụ “mặc dù thực tế là nhiều mặt hàng điện tử đã trở nên ngày càng tiết kiệm năng lượng kể từ năm 1990.”
Châu Âu cũng rơi vào nghịch lý tương tự. Kris De Decker, người sáng lập Tạp chí Low-Tech, gần đây đã lưu ý rằng tủ lạnh và tủ đá đã trở nên tiết kiệm năng lượng hơn 75% ở châu Âu cùng với các thiết bị khác. Tuy nhiên, việc sử dụng năng lượng trong năm 2015 chỉ thấp hơn một chút so với năm 2000 (1.627 Mtoe so với 1.730 Mtoe, Megaton of Oil Equivalent—triệu tấn dầu tương đương).
Hiệu quả năng lượng, nền tảng nổi tiếng của Thỏa thuận khí hậu Paris, có lẽ giải thích tại sao các quốc gia trên thế giới không đạt được các mục tiêu khí hậu khiêm tốn của họ vì hiệu năng khiến cho chi tiêu năng lượng nhiều hơn và ngoài dự kiến.
Nghịch lí Jevons
Toàn bộ câu chuyện đáng trách này có lẽ bắt đầu từ thế kỷ 14 hoặc 15. Đó là khi từ hiệu năng lần đầu tiên xuất hiện trong tiếng La-tinh khi người châu Âu bắt đầu triển khai nhiều máy móc hơn để thực hiện nhiều công việc hơn.
Đối với một thương nhân thời trung cổ, hiệu quả hay hiệu năng (efficiency) có nghĩa là “sức mạnh để hoàn thành một việc gì đó” bằng máy cày hoặc guồng nước. Đến thế kỷ 18, từ này đã đạt lên một tầm cao mới bằng việc nó mô tả sự đo lường khối lượng công việc cơ học hữu ích so với năng lượng tiêu hao.
Ngày nay, hiệu quả là tiêu điểm của mọi diễn ngôn chính trị, xã hội và kinh tế. Hiệu quả chính trị khiến chúng ta bỏ phiếu cho những kẻ nói dối giàu có, những người tweet không kiểm soát (trên nền tảng xã hội Twitter), trong khi hiệu quả kinh tế khiến chúng ta mua những thứ chúng ta không cần. Hiệu năng cũng tiếp thêm sinh lực cho lối suy nghĩ mang tính công nghệ: chỉ khi nào sử dụng dữ liệu hiệu quả hơn khi chúng ta mới có thể giải quyết mọi vấn đề và thách thức mọi ranh giới. Chúng ta tôn thờ hiệu năng và nguyền rủa sự kém hiệu quả.
Vào những năm 1950, Jacques Ellul, nhà phê bình xã hội Cơ đốc cấp tiến, đã lưu ý rằng: kỹ thuật hay công nghệ hiện đang thống trị cuộc sống hiện đại, theo cách mà tư bản từng định nghĩa cuộc cách mạng công nghiệp.
Lực lượng phi đạo đức (amoral force) của công nghệ, mà Ellul đã hiểu một cách chính xác là tự động (autonomous) và tự tăng cường (self-augmenting), chỉ có một nguyên tắc chỉ đạo: đạt được hiệu quả hay tuân theo “một cách làm tốt nhất” (one best way) trong mọi việc. “Tiến bộ kỹ thuật ngày nay,” ông viết vào năm 1954, “không còn bị chi phối bởi bất cứ thứ gì khác ngoài phép tính hiệu quả của chính nó.”
Nhưng chính Stanley Jevons, một nhà kinh tế về than 29 tuổi tài giỏi, là người đầu tiên phát hiện ra mặt tối của tính hiệu quả và lạm dụng sự kết hợp giữa kinh tế và công nghệ.
Khi động cơ hơi nước trở nên hiệu quả hơn và rẻ hơn, Jevons lưu ý rằng mức tiêu thụ than đã tăng lên một cách triệt để. Ông quan sát thấy rằng tính hiệu quả đã khuyến khích ngành công nghiệp áp dụng công nghệ này vào ngày càng nhiều hoạt động kinh tế hơn từ dệt vải cho đến đập lúa mì.
Mặc dù những động cơ hơi nước mới hơn này đốt ít than hơn, nhưng sự phổ biến của động cơ hơi nước trên khắp Đế quốc Anh chủ yếu sử dụng than đã xóa sạch mọi khoản tiết kiệm năng lượng. Nhiều động cơ hơi nước hơn dẫn đến việc khai thác nhiều than hơn.
Jevons kết luận rằng:
“Thật là nhầm lẫn khi cho rằng việc sử dụng tiết kiệm nhiên liệu tương đương với mức tiêu thụ giảm dần. Điều ngược lại mới là sự thật.”
Ý tưởng cho rằng việc sử dụng nhiên liệu và tài nguyên hiệu quả hơn dẫn đến hủy hoại môi trường lớn hơn được gọi là Nghịch lý Jevons. Các công nghệ chạy bằng dầu và chạy bằng điện đã cường điệu và làm nổi bật lên nghịch lý này.
Các nhà kinh tế học hiện đại không nói nhiều về Nghịch lý Jevons, nhưng họ thừa nhận rằng vấn đề này tồn tại và gọi nó là “sự hồi phục” (rebound) (năng lượng tiết kiệm được mất dần). Ngay khi cho rằng vấn đề đã thực sự giải quyết được, thì điều tồi tệ lại ập đến, điều này đã được họ tính toán bằng các công thức toán học. Khi hiệu năng tăng trong khi 100% năng lượng tiết kiệm được bị xoá sổ, các nhà kinh tế gọi sự hồi phục này là một “phản ứng ngược” (backfire) hoàn toàn.
Mặc dù hầu hết các nhà kinh tế mô tả sự hồi phục là một vấn đề khiêm tốn, họ thừa nhận rằng hiệu quả năng lượng có thể xóa sổ từ 20% đến 50% tiết kiệm năng lượng. Tuy nhiên, họ coi hiện tượng này là một sự kích thích nhẹ không đáng quan tâm nhiều.
Richard York, một nhà xã hội học môi trường tại Đại học Oregon, không đồng ý với đánh giá đó và coi lời nguyền về hiệu quả năng lượng là một sự phát triển làm biến dạng xã hội. Ông lưu ý rằng cách chúng ta tiêu thụ và sản xuất mọi thứ phải phụ thuộc vào công nghệ của chúng ta.
Ông thường giải thích nghịch lý về hiệu quả sinh thái bằng một thí nghiệm bằng tư duy (thought experiment). Hãy tưởng tượng hai thế giới. Trên hành tinh hiệu quả, ô tô có thể đi được 50 km trên một lít nhiên liệu. Nhưng trên hành tinh kém hiệu quả, ô tô ngốn 50 lít nhiên liệu để di chuyển một kilômét. Vậy hành tinh nào con người sẽ tiêu thụ nhiều năng lượng nhất?
Trái đất đã trả lời câu hỏi đó. Một nền văn hóa bị hấp dẫn bởi nhiên liệu giá rẻ và hiệu năng cao sẽ tô điểm cho cảnh quan của nó bằng những con đường, xa lộ, bãi đậu xe, trung tâm thương mại và vùng ngoại ô. Trên một hành tinh với những chiếc xe kém hiệu quả, mọi người sẽ tiếp tục đi bộ. York giải thích: “Hiệu quả năng lượng có hiệu ứng như những gợn sóng (rippling effects) [nối tiếp nhau]”
Nghịch lý Jevons hiện đang gây rắc rối cho hầu hết mọi khía cạnh của đời sống công nghệ hiện đại. Nó được phản ánh trong mọi thứ, từ hệ thống sưởi ấm đến ánh sáng. Nghịch lí này thậm chí còn chế giễu những cố gắng về năng lượng tái tạo.
Hãy bắt đầu với ngành hàng không như một ví dụ nổi bật. Hiệu quả sử dụng nhiên liệu trung bình của máy bay mới đã cải thiện khoảng 1,5% mỗi năm từ năm 1960 đến 2008 trong khi lưu lượng hành khách tăng gần 9%. Các máy bay hiệu quả hơn có giá vé rẻ hơn khi ngành công nghiệp hàng không dùng năng lượng tiết kiệm được để tăng phạm vi đường bay và tốc độ. Kết quả là, hoạt động bay chịu trách nhiệm cho 4,9% khí thải nhà kính gây biến đổi khí hậu do con người tạo ra và ngốn khoảng 5 triệu thùng dầu mỗi ngày. Cơ quan Năng lượng Quốc tế dự kiến nhu cầu nhiên liệu máy bay sẽ tăng hơn 50% lên trên 9 triệu thùng dầu mỗi ngày vào năm 2040.
Jevons hẳn đã có thể nhận ra điều này nếu ông còn sống. Khi hiệu quả sử dụng nhiên liệu trên mỗi chỗ ngồi của máy bay phản lực được cải thiện, kết hợp với giá vé rẻ hơn, thu nhập và dân số ngày càng tăng, đã nâng số lượng người đi máy bay từ hàng triệu người trong những năm 1960 lên 4 tỷ người mỗi năm hiện nay. Gia tăng hiệu năng đã giúp thúc đẩy sự phát triển của ngành hàng không và các kỹ thuật hiệu quả hơn để di chuyển con người cũng như gia súc qua đường hàng không. Nhờ tính hiệu quả này mà “vé máy bay là một trong những hàng hóa gây hại cho môi trường nhất mà tiền có thể mua được”.
Đèn LED cũng làm nổi bật mê cung kinh tế của Nghịch lý Jevons. Sự kì diệu của đèn LED khiến việc sử dụng điện ít hơn từ 70 đến 80 phần trăm so với bóng đèn sợi đốt một thời đã thắp sáng tuổi thơ tôi. Trên thực tế, đèn LED tỏ ra hiệu quả và có tính di động (portable) lớn đến mức xâm chiếm nhiều hơn không gian làm việc và sinh hoạt của chúng ta. Giờ đây, bạn có thể tìm thấy chúng trong máy đọc mã vạch, quần áo, hệ thống chiếu sáng dựa theo tâm trạng (mood lighting system), máy đo khí quyển (atmospheric detectors), chuột máy tính quang học(()) (optical computer mice) và biển báo kỹ thuật số (digital signage)—nhắc nhở chúng ta thường xuyên về tầm quan trọng của việc sử dụng năng lượng hiệu quả.
Giờ đây nếu người tiêu dùng sử dụng công nghệ LED để thực sự sử dụng ít ánh sáng và năng lượng hơn, thì năng lượng sẽ được tiết kiệm. Nhưng đó không phải là cách công nghệ này hoạt động chung với các công nghệ khác. Với vô số ứng dụng của đèn LED và hiện có quá nhiều không gian nữa có thể được sử dụng ánh sáng kỹ thuật số, các nhà nghiên cứu tại Đại học Rutgers gần đây đã kết luận rằng việc chuyển đổi từ đèn sợi đốt sang đèn LED sẽ không mang lại bất kỳ khoản tiết kiệm lâu dài nào: “việc tiêu thụ ánh sáng (ví dụ để thắp sáng) rất có thể sẽ gia tăng nếu các công nghệ chiếu sáng mới được phát triển với hiệu suất phát sáng cao hơn và chi phí ánh sáng thấp hơn”. Nói cách khác, đèn LED đã giải phóng “những cách tiêu thụ ánh sáng mới và không lường trước được”.
Lịch sử là một hướng dẫn đáng tin cậy về chủ đề này. Một số kỹ thuật viên tại Phòng thí nghiệm quốc gia Sandia đã xem xét ý nghĩa kinh tế và năng lượng của ánh sáng đèn LED dựa trên cách con người sử dụng nến (candle), dầu cá voi (whale oil), đèn khí ga (gas lamp) và bóng đèn sợi đốt (incandescent bulbs) trong hơn 300 năm. Trong các bài báo viết vào năm 2010 và một lần nữa vào năm 2012, họ đã kết luận rằng hệ thống chiếu sáng hiệu quả hơn dẫn đến tiêu thụ nhiều ánh sáng hơn và do đó chi tiêu năng lượng tổng thể của xã hội cao hơn. Như các nhà khoa học đã nói, “việc sử dụng năng lượng cho chiếu sáng đã hồi phục (rebound) 100% trên cả năm châu lục và đối với cả năm công nghệ chiếu sáng”. Bài báo thứ hai đã thêm một cảnh báo thú vị về sự phát triển của ánh sáng nhân tạo trong một xã hội công nghệ: “Những lợi ích như vậy tạo ra lợi ích kinh tế mặc dù trên danh nghĩa không có lợi ích về khí hậu”.
Hiệu quả năng lượng cũng có thể không hoạt động theo nhiều cách không lường trước được. Viết trên tờ The New Yorker, David Owen gần đây đã giải thích: hiệu quả của các công nghệ làm mát đã khuyến khích tiêu dùng điều hòa không khí và tủ lạnh nhiều hơn ở khắp mọi nơi, từ đó thay đổi tất cả các khía cạnh của sản xuất thực phẩm. Thực phẩm đông lạnh được di chuyển xa hơn và trở nên sẵn có hơn. Với cuộc cách mạng làm mát, khối lượng thực phẩm lãng phí đã tăng 50% kể từ năm 1974. Vứt bỏ lượng thực phẩm đông lạnh và lãng phí tương đương với việc sử dụng 300 triệu thùng dầu mỗi năm.
Sự hiệu quả giống như một con quái thú (efficiency monster) này cũng có thể được kiểm chứng khi nhìn vào máy tính và các thiết bị kỹ thuật số khác. Bạn có nhớ những bậc thầy công nghệ (tech gurus) đã hứa hẹn về “văn phòng không giấy tờ” (paperless office) và miêu tả máy tính như một thiết bị đáng yêu, tiết kiệm và thân thiện với rừng xanh vào những năm 1980 không?
Nhưng các bậc thầy này đã quên rằng máy tính đã thực sự giúp việc lưu trữ và sắp xếp tài liệu giấy trở nên dễ dàng hơn. Hiệu quả đó có nghĩa là bất kỳ ai cũng có thể in bất cứ thứ gì, ở bất cứ đâu nếu họ có quyền truy cập vào máy in.
Do sự tiện lợi này, việc sản xuất giấy tăng lên không ngừng. Mặc dù để tạo ra một tấn giấy tốn ít năng lượng hơn khoảng ba lần so với năm 1965, nhưng xã hội công nghệ đang tìm ra nhiều cách hơn để tiêu thụ giấy. Mỗi ngày chúng ta sao chép một tỷ tài liệu trong khi số lượng tài liệu giấy của Hoa Kỳ (hiện được xếp chồng lên nhau ở mức bốn nghìn tỷ) tăng 880 tỷ mỗi năm. Đó là tốc độ tăng trưởng 22%.
Chính những người đã hứa hẹn với chúng ta về một thế giới không cần giấy tờ giờ đây cũng đưa ra những tuyên bố tương tự về các dạng năng lượng tái tạo. Họ lập luận rằng gió, mặt trời và địa nhiệt sẽ loại bỏ nhiên liệu hóa thạch, ổn định khí hậu và làm xanh nền kinh tế. Chúng ta sẽ loại nhiên liệu hóa thạch ra khỏi bản đồ bằng cách lắp đặt trên nhiều nơi các trang trại gió và tấm pin mặt trời.
Nhưng nhờ vào nghịch lý hiệu quả sinh thái, một điều gì đó khác biệt đang xảy ra. Vâng, các quốc gia giàu có đã đầu tư rất nhiều vào năng lượng tái tạo nhưng những lợi ích đó không thực sự loại bỏ nhiên liệu hóa thạch hoặc thậm chí giảm lượng khí thải carbon. Trong một nghiên cứu mới năm 2012, Richard York tại Đại học Oregon đã xem xét 132 quốc gia để xem liệu năng lượng tái tạo có thực sự hãm lại việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch từ năm 1960 đến năm 2009 hay không. Kết quả của ông đã gây sốc cho nhiều người. Ông phát hiện ra rằng “mỗi đơn vị điện năng được tạo ra bởi các nguồn phi nhiên liệu hóa thạch (non-fossil-fuel sources) thay thế ít hơn một phần mười đơn vị điện năng được tạo ra từ nhiên liệu hóa thạch”. Không có sự thay thế tương xứng nào diễn ra đối với nhiên liệu hoá thạch. Trên thực tế, phải mất hơn 11 kWh điện sử dụng nhiên liệu phi hóa thạch để triệt tiêu 1 kWh điện tạo ra từ nhiên liệu hóa thạch. York kết luận rằng “ngăn chặn việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch sẽ đòi hỏi những thay đổi khác ngoài những thay đổi kỹ thuật đơn giản như mở rộng sản xuất năng lượng phi nhiên liệu hóa thạch”.
Nước Đức là một ví dụ điển hình về nghịch lý này. Người Đức đã làm rất tốt trong việc tăng cường năng lượng tái tạo, nhưng nguồn cung mới về cấp năng lượng xanh không được sử dụng để thay thế than đá mà để thay thế năng lượng được sản xuất bởi các lò phản ứng hạt nhân đã dừng hoạt động. Đức đang trở nên xanh hơn nhưng cũng sẽ không đạt được bất kỳ mục tiêu nào về biến đổi khí hậu. Trong một nghiên cứu khác được công bố vào năm ngoái, York kết luận rằng “việc sản xuất điện từ các nguồn tái tạo có xu hướng ngăn chặn việc sản xuất điện hạt nhân thay vì giảm sử dụng nhiên liệu hóa thạch ở các quốc gia giàu có”.
Nhà xã hội học người Anh Elizabeth Shove cho biết một phần của vấn đề về hiệu quả năng lượng là tầm nhìn kỹ thuật hạn hẹp của nó. Shove nói, hãy xem xét tình trạng sưởi ấm trong nhà ở Vương quốc Anh. Chính phủ dán nhãn cho các thiết bị sưởi ấm dựa trên hiệu quả của chúng và không có gì phải bàn cãi rằng những nồi hơi (boilers) này đã trở nên hiệu quả hơn. Nhưng trong khi đó, nhiệt độ trung bình trong nhà đã tăng bốn độ. Không giống như những ngôi nhà thế kỷ 19, nơi chỉ có phòng khách và nhà bếp có thể được sưởi ấm, ngôi nhà hiện đại và hiệu quả yêu cầu mọi phòng phải ở mức 18°C cho dù có sử dụng hay không. Hệ thống sưởi trung tâm đã dẫn đến việc sưởi ấm tổng thể nhiều hơn cũng như các bóng đèn hiệu quả đã được triển khai để thắp sáng nhiều nơi có con người hơn.
Điều khiến Shove khó chịu là: Theo các chính sách hiện tại về tính hiệu quả, có một số điều không thể được thảo luận hay đòi hỏi. Điều gì sẽ xảy ra nếu thiết bị sưởi ấm được sử dụng chỉ trong một phòng? Điều gì sẽ xảy ra nếu chính phủ đánh thuế những ngôi nhà lớn và việc sử dụng năng lượng của chúng? Điều gì sẽ xảy ra nếu máy sưởi hiệu quả được sử dụng để giữ nhiệt độ ở mức 16 độ trong khi mọi người mặc áo len? Tại sao một số công nghệ (cách nhiệt, hệ thống sưởi ấm) lại chiếm phần quan trọng trong các đánh giá về hiệu năng trong khi những công nghệ khác, bao gồm quần áo, ghế, thảm, dép và rèm cửa, thì không?.
Shove lập luận rằng “việc theo đuổi hiệu quả năng lượng gặp vấn đề không phải vì nó không mang lại kết quả, hay vì lợi ích bị bù trừ ở những nơi khác, như lập luận hồi phục (rebound) gợi ý, mà vì cách nó hoạt động: để duy trì, có thể làm gia tăng nhưng không bao giờ làm suy yếu... lối sống ngày càng sử dụng nhiều năng lượng hơn”.
Theo nhiều cách, vấn đề về hiệu quả năng lượng thực sự là vấn đề về sự tiện lợi. Trong một bài tiểu luận gần đây của tờ New York Times, tác giả người Mỹ Timothy Wu đã lưu ý rằng sự thuận tiện vừa là mục đích vừa là phương tiện. Ông cung cấp một ví dụ thú vị và đáng chú ý:
“Trong tác phẩm kinh điển năm 1963 của mình, The Feminine Mystique, Betty Friedan đã xem xét lợi ích các công nghệ gia dụng đã mang lại cho phụ nữ và kết luận rằng chúng chỉ tạo ra nhiều nhu cầu hơn. Cô viết: ‘Ngay cả với tất cả các thiết bị mới tiết kiệm sức lao động, người nội trợ Mỹ hiện đại có thể phải dành nhiều thời gian hơn cho việc nhà so với thế hệ bà mình’. Khi mọi thứ trở nên dễ dàng hơn, chúng ta có thể tìm cách lấp đầy thời gian của mình bằng những công việc ‘dễ dàng’ hơn. Tại một thời điểm nào đó, cuộc đấu tranh mang tính quyết định của cuộc sống (life defining struggle) trở thành sự chuyên chế của những công việc lặt vặt và những quyết định vụn vặt.”
Những bằng chứng về hiệu quả năng lượng đã rõ ràng. Jevons đã đúng về nghịch lý. Nếu bạn tạo ra thứ gì đó hiệu quả hơn và hiệu quả đó biến dịch vụ trở nên rẻ hơn, thì công nghệ này sẽ chiếm lĩnh nền kinh tế theo cách loài vẹm vằn (zebra mussels) đã xâm chiếm Ngũ Đại Hồ (Great Lakes). Nâng cao hiệu quả sẽ không làm giảm mức tiêu thụ và do đó sẽ không làm giảm lượng khí thải CO2. Cách duy nhất để giảm tổng mức tiêu thụ năng lượng, chẳng hạn như trong ngành hàng không hay bất kỳ lĩnh vực nào khác, là hạn chế số lượng máy bay, hành khách và sân bay. Giá năng lượng cao hơn và thuế cao hơn sẽ làm điều đó. Nhưng điều đó cũng có nghĩa là một nền kinh tế đang bị thu hẹp và chúng ta phải suy nghĩ lại triệt để về vai trò chủ đạo của công nghệ trong quá trình ra quyết định của chúng ta.
Chừng nào chúng ta còn xác định các vấn đề về môi trường, chính trị và kinh tế về bản chất là kỹ thuật, thì chúng ta sẽ coi hiệu quả năng lượng là giải pháp. Nhưng nếu chúng ta thừa nhận rằng các vấn đề của chúng ta có bản chất tâm linh và chính trị, bị ảnh hưởng bởi dân số và sự thịnh vượng, thì chúng ta sẽ tán thành việc giảm tiêu thụ năng lượng và giảm bất bình đẳng vốn nuôi dưỡng những thói quen tiêu thụ như vậy.
Các chính trị gia sợ sự thay đổi đó. Không có chính trị gia nào còn sống vào lúc này đề xuất thay đổi cách sống thuận tiện hiệu quả nhưng tàn hại chúng ta. Không ai nói rằng chúng ta có thể hạnh phúc hơn khi tiêu thụ ít năng lượng hơn và sở hữu ít nô lệ năng lượng (energy slaves) hơn—mặc dù đó là điều mà các bằng chứng đã cho thấy rõ ràng. Không có đảng phái chính trị nào tuyên bố rằng sự hy sinh và lòng can đảm sẽ đưa chúng ta đến một tương lại tốt đẹp hơn. Không đảng chính trị nào ủng hộ việc người giàu lái xe ít hơn, bay ít hơn, sống trong những ngôi nhà nhỏ hơn hoặc sở hữu ít đồ đạc hơn.
Thay vì đặt câu hỏi về bản chất chuyên chế của xã hội công nghệ, hầu hết mọi đảng phái chính trị trên trái đất đã chọn việc sử dụng năng lượng hiệu quả hơn.
“Alexa (đồ chơi công nghệ điều khiển bằng giọng nói của hãng Amazon), hãy chơi nhiều bản nhạc kiệm năng lượng hơn.”
Việc từ chối thừa nhận sự thật này khiến thế giới chỉ có hai lựa chọn để thay đổi: sụp đổ hay cách mạng.
Chúng ta sẽ có thể sẽ hứng chịu cả hai.
Tác giả: Andrew Nikiforuk, (sinh năm 1955) là một nhà báo và tác giả người Canada. Bài viết của ông xuất hiện trên nhiều trang báo, bao gồm Saturday Night, Maclean's, Alberta Views, Alternatives Journal, và các tờ báo quốc gia. Ông đã giành được nhiều giải thưởng Tạp chí Quốc gia cho những bài viết của mình.