Sự hoài nghi ngày càng tăng đối với năng lượng tái tạo (I)
Lời dẫn
“Giấc mơ năng lượng xanh mang tính huỷ hoại ghê gớm, chúng ta cần phải có một kế hoạch mới”
Walter Youngquist, tác giả “Hành tinh bị đánh cắp”:
“Một lúc nào đó trong thế kỉ này, nhiều khả năng tài nguyên cạn kiệt của thế giới sẽ buộc chúng ta phải tái tổ chức toàn bộ cấu trúc kinh tế và xã hội, đôi khi bằng một cách thức tàn nhẫn”
Chúng ta cần phải thu nhỏ giấc mơ về tương lai, nơi chúng ta dự định sẽ thay thế hạ tầng nhiên liệu hóa thạch đã tồn tại hơn 150 năm bằng “năng lượng sạch” vào năm 2050.
Đó là thông điệp trong nhiều cuốn sách và báo cáo gần đây. Nó nhấn mạnh những vấn đề với ảo tưởng vào năng lượng tái tạo, bao gồm sự phức tạp trong triển khai, tính độc hại của việc khai thác đất hiếm (rare earth mining) và sự khan hiếm nguồn khoáng chất (minerals) thiết yếu.
Tác giả, là những người theo hiện chủ nghĩa hiện thực (realists), bao gồm nhà báo Pháp Guillaume Pitron và nhà địa chất học Simon Michaux, đều truyền tải ba thông điệp cơ bản:
- Có những giới hạn cho việc tăng trưởng
- Sự thật hay thực tế cho thấy không tuân theo tuyến tính, hay tuần tự (linear)—ví dụ, các hiện tượng thời tiết cực đoan diễn ra bất ngờ, sự sụp đổ của hệ sinh thái và đa dạng sinh học tại một địa phương diễn ra rất nhanh chóng.
- Thế giới cần có phương án tốt hơn để chống lại sự sụp đổ toàn cầu, không phải bằng cách thay thế hệ thống nhiên liệu hóa thạch không bền vững bằng một hệ thống khai thác tài nguyên khác thậm chí còn tiêu tốt nhiều năng lương hơn. Nói cách khác, điện khí hóa (electrification) tàu Titanic sẽ không làm tan những tảng băng trên hành trình phía trước.
Đầu tư vào sai lầm
Bằng lí tưởng của mình, những nhà chuyển đổi (transitionists) (sang năng lượng tái tạo) và những người cổ vũ công nghệ xanh đã trình bày quá trình này như một con đường bằng phẳng mà không có chướng ngại nào.
Bằng cách đó, họ đã bỏ qua những kiến thức căn bản về địa chất học, vật lí năng lượng hay kể cả địa chính trị. Hệ quả là nhiều người đã tưởng tượng ra việc xây dựng hàng triệu pin nhiên liệu trữ điện, tua-bin gió, tấm pin năng lượng mặt trời, đường truyền dẫn điện và những công nghệ kèm theo; nhưng họ đã đánh giá thấp những tính toán cần thiết cho việc khai thác đồng (copper), thiếc (nickel), cô-ban (cobalt) và những loại quặng hiếm mà có lẽ bạn chưa bao giờ nghe như dysprosium và neodymium.
Một trong những dối trá của xã hội công nghệ hiện đại đó là sự vô tận của nguồn khoáng sản. Những người tiêu dùng ở thành thị, vốn có rất ít kiến thức về thực tế năng lượng giúp mình tồn tại, đã cả tin rằng những món đồ chơi công nghệ và sự tự động hóa sẽ thoát li xã hội khỏi thế giới vật chất và cho phép chúng ta tiêu thụ nhiều hơn với ít tài nguyên hơn, dẫn đến sự phi vật chất hóa của xã hội.
Nhưng điều viễn tưởng này từ lâu đã vạch trần bởi những chuyên gia về năng lượng cũng là nhà sinh thái như Vaclav Smil hay nhà địa chất học quá cố Walter Youngquist. Một công dân điển hình của Bắc Mĩ không chỉ tiêu thụ 1,3 triệu kg khoáng chất, kim loại và nhiên liệu trong đời mình, mà nhiều khi họ còn không biết chúng được khai thác thế nào và trị giá bao nhiêu.
Dấu vết của ngành khai khoáng (mining footprint) toàn cầu đã trở nên “thiếu bền vững” (unsustainable), một loại ngôn từ hoa mĩ điển hình (vì không biết mô tả cụ thể bản chất và hệ quả của việc “thiếu bền vững” là như thế nào). Trong cuốn sách Khai thác đến diệt vong (Extraction to Extinction), nhà địa chất học người Anh David Howe nhã nhặn ghi chú rằng những hoạt động khai thác hiện nay đã trở thành sức mạnh địa chất (geological force) thực sự: việc đào xới, phân loại, thu gom đất đá trầm tích còn mạnh mẽ hơn so với tất cả những dòng sông, ngọn gió, mưa và sông băng trên thế giới. Nhưng chúng ta không thể sản xuất được tấm pin mặt trời, tua-bin gió hay xe điện mà không khai thác nhiều hơn đồng, lithium, sắt và nhôm cùng với kim loại từ đất hiếm vốn chỉ chiếm một hàm lượng rất nhỏ khi tuyển quặng (concentration). Điều đó cũng đồng nghĩa với sự tàn phá vô cùng khốc liệt khi nạo vét và đào xới lòng đại dương (oceans), rừng nhiệt đới (rainforest) và lãnh nguyên (tundra) với một qui mô chưa từng thấy đối với hầu hết cách nhà hoạt động môi trường.
Trên thực tế, cỗ máy công nghiệp toàn cầu đã bồi đắp nên những cửa hàng và trung tâm thương mại, với lượng tài nguyên và kim loại khai thác nhiều hơn sinh khối (biomass) của toàn bộ sinh vật sống trên trái đất. Nói cách khác, khối lượng tất cả những cỗ máy của chúng ta, điện thoại thông minh, các tòa nhà, xe cộ, nhựa đường, đường xá, bê tông, nhựa, sỏi đá và gạch đã bắt đầu vượt quá toàn bộ khối lượng của thực vật, nấm, động vật và vi khuẩn vào năm 2020. Nếu chúng ta tiếp tục quá trình khai thác này, lượng khoáng sản con người đào lên từ hành tinh đang rên xiết này sẽ gấp ba lần tổng sinh khối vào năm 2040.
Sẽ còn có ý nghĩa gì không nếu chúng ta đạt được mức phát thải ròng bằng không (net-zero) bằng cách tận diệt những di sản cuối cùng của đa dạng sinh học? Nhà vật lí học Hoa Kì Tom Murphy đã hỏi như thế trong một bài viết gần đây. Ông cho rằng việc ngăn chặn biến đổi khí hậu bằng cách khai thác tài nguyên vô độ để hỗ trợ ngành công nghiệp sản xuất công nghệ năng lượng tái tạo là một phương thức nguy hiểm.
Tom Murphy
“Đó là sự đầu tư vào những điều sai lầm: dựng lên và tăng tốc những cỗ máy ăn mòn hành tinh này. Tiếp tục khai thác để phục vụ nền năng lượng tái tạo có lẽ là điều cuối cùng những công dân địa cầu có thể tán thành, và cũng là một trong những quyết định mang tính hủy diệt mà chúng ta đưa ra”.
Murphy không hề đơn độc trong những nhận định trên. Sau khi một học giả Hoa Kì, Alice Friedemann, xây dựng bảng tính toán chi phí cho việc khai thác khoáng chất cần thiết cho năng lượng tái tạo, bao gồm những hồ chứa chất cặn khổng lồ, nguồn nước ngầm bị ô nhiễm, chất thải phóng xạ và những xung đột địa chính trị, cô đã kết luận rằng: “Quá trình chúng ta theo đuổi mô hình tăng trưởng bền vững hơn đã tạo ra sự khai thác ngày càng trầm trọng trên vỏ trái đất để tuyển quặng—những kim loại hiếm—với hệ quả môi trưởng bị tàn phá có khi nghiêm trọng hơn nhiều so với việc khai thác dầu mỏ”.
Lợi nhuận khổng lồ
Nhiều năm về trước, sử gia và nhà công nghệ Hoa Kì Lewis Mumford cho rằng: sự phụ thuộc của nền văn minh nhân loại vào hoạt động khai thác cường độ cao đã làm thay đổi giá trị của quá trình này. Khi kinh doanh khoáng sản trở nên quan trọng hơn với các đế chế, nó đã ăn sâu vào tư duy kinh tế, với đặc tính tập trung vào việc phá hủy hơn là bồi đắp cho sự sống. Trong khai khoáng, mục đích luôn biện hộ cho phương thức. Và trong một xã hội công nghệ, mọi thứ đều cần phải khai thác, từ đất đá cho đến hành vi con người trên mạng internet.
Vào năm 1934 Mumford đã mô tả hệ quả của đặc tính hủy diệt này: “Những người thợ mỏ làm việc, không phải vì sự đam mê hay vì thực phẩm, mà để ‘làm giàu’. Lời nguyền của vua Midas (động vào thứ gì cũng biến thành vàng) có lẽ là đặc tính chủ yếu của cỗ máy hiện đại: nó chạm vào đâu thì biến thứ đó thành vàng, hay thành sắt; và nó chỉ tồn tại được ở những nơi lấy vàng và sắt là nền tảng”.
Khi bạn đã bỏ qua toàn bộ những lời nói hoa mĩ và viển vông mô tả về tình hình hiện tại, bạn sẽ nhận ra sự nhiệt tình ủng hộ cho kỉ nguyên năng lượng tái tạo là một viễn cảnh ở đó tạo ra nhiều cơ hội kiếm tiền. Ở Canada, những công ty khai khoáng đang “thèm thuồng” chuẩn bị cho 50 dự án khai thác quặng đất hiếm. Liên hiệp khai khoáng Canada tuyên bố không mang tính châm biến rằng: “có một sự phối hợp tự nhiên giữa các dự án khai khoáng” và cái gọi là “năng lượng sạch”. Nhưng khai khoáng hay công nghệ cao chẳng xanh cũng chẳng sạch.
Ở Úc, những nhà địa chất giờ đây bộc lộ một cách trơ trẽn rằng, “Chúng ta sẽ cần nhiều mỏ khai khoáng hơn để cứu hành tinh này”. Nhưng nhiều mỏ khai thác hơn sẽ có hiệu ứng ngược: nhiều cảnh quan hơn bị tàn phá, lưu vực sông bị cạn kiệt và những cộng đồng nông thôn phải di dời. Tất cả để duy trì sự phụ thuộc công nghệ cao vào tài nguyên.
Một chiếc điện thoại thông minh điển hình chứa ít nhất 40 nguyên tố từ bảng tuần hoàn hóa học bao gồm cô-ban và sáu nguyên tố đất hiếm giúp màn hình phát sáng. Một chiếc xe điện bình quân cần nhiều hơn gấp sáu lần khoáng chất thiết yếu so với một chiếc xe chạy xăng. Một nhà máy điện gió trên đất liền cần chín lần nhiều hơn tài nguyên khoáng sản so với nhà máy nhiệt điện chạy bằng khí ga tương đương. Một chiếc xe đạp chạy điện cần nhiều tài nguyên hơn so với một chiếc xe đạp thường, vân vân và vân vân. Năng lượng tái tạo không chỉ tăng tốc nhu cầu đối với tài nguyên đất hiếm mà còn với nhiều kim loại thiết yếu tảng như đồng, bạc và cô-ban.
Chuyên gia về xung đột khai khoáng Olivia Lazard
“Chúng ta có thể sẽ đánh mất tương lai nhân loại bằng cách cố gắng cứu nó thoát khỏi biến đổi khí hậu. Thật là một sự trớ trêu phải không?” «Video trên có phụ đề tiếng Việt».
Trung bình một chiếc xe hơi điện chứa khoảng 75 kg đồng, nhiều gấp 3 lần xe hơi chạy xăng dầu. Một tua-bin điện gió được làm từ 500 kg thiếc, khoảng 100 tấn thép được luyện từ than đá. Mỗi tấm pin mặt trời làm bằng tinh thể silicon chứa khoảng 20 gam bột bạc. Để sản xuất 1 GigaWatt (1 tỷ Watt) từ năng lượng mặt trời sẽ cần 80 tấn bạc này (tương đương với công suất của 9.000 xe hơi chạy điện Nissan Leafs).
Nhu cầu được dự đoán sẽ tăng mạnh. Một báo cáo của Anh gần đây về khoáng sản thiết yếu đã ước tính rằng: “Nhu cầu toàn cầu đối với khoáng sản trong pin xe điện (lithium, graphite, cô-ban, thiếc) được dự đoáng sẽ tăng từ 6 đến 13 lần vào năm 2040 theo các chính sách hiện thành, vượt quá khả năng cung cấp của các nguồn sơ cấp và thứ cấp hiện đang được khai thác.”
Sự thật không dễ nghe từ những tính toán
Simon Michaux là một nhà địa chất sinh ra ở Úc hiện đang làm việc ở Hội Địa chất Phần Lan. Trong những năm qua, Michaux đã viết những báo cáo rất toàn diện, thách thức giả định về việc có đủ năng lượng và khoáng sản cần thiết để thay thế động cơ đốt trong bằng bằng động cơ điện hay năng lượng hóa thạch bằng những dạng năng lượng khác “xanh” hơn.
Gần đây Michaux đã đưa ra những tính toán quan trọng về việc thay thế hệ thống, cơ sở hạ tầng hiện đại của nhiên liệu hóa thạch bằng những nguồn năng lượng “tái tạo” dựa vào số liệu tiêu thụ năm 2019. Qui mô của sự chuyển dịch này thực sự ngoài sức tưởng tượng. Để thay thế 46.423 nhà máy điện chạy bằng than đá, dầu mỏ, khí đốt và năng lượng hạt nhân sẽ cần phải xây dựng 586.000 cơ sở chạy bằng năng lượng gió, năng lượng mặt trời và hydrogen. Nói cách khác hệ thống mới sẽ có qui mô lớn gấp 10 lần hệ thống hiện tại vì mật độ năng lượng thấp (low power density) của các nguồn năng lượng tái tạo.
Việc xây dựng cơ sở hạ tầng lớn như thế sẽ đòi hỏi khối lượng kim loại và khoảng sản đất hiếm với qui mô khai khoáng khổng lồ. Vì thế, chẳng có gì ngạc nhiên khi các nhà tỉ phú nói đến việc khai thác các tiểu hành tình (asteroids), sao Hỏa hay đáy đại dương.
Từ năm 400 trước Công nguyên đến trước năm 2020, nhiều nền văn minh con người đã khai thác khoảng 700 triệu tấn kim loại (từ đồng cho đến uranium). Michaux đã tính toán rằng: cuộc chuyển dịch sang năng lượng “xanh” sắp tới sẽ cần lượng khoáng sản tương đương 700 triệu tấn vào năm 2040 (chỉ tính riêng trong năm này). Câu chuyện về đồng đặc biệt nghiêm trọng (điện thoại thông minh hay tua-bin gió sẽ không chạy được nếu thiếu đồng). Trữ lượng đồng hiện tại dừng ở mức 880 triệu tấn, tương đương với gần 30 năm khai thác. Nhưng các ngành công nghiệp sẽ cần đến 4,5 tỷ tấn đồng chỉ để xây dựng thế hệ đầu tiên của công nghệ năng lượng tái tạo—gấp 6 lần lượng đồng đã được khai thác trong lịch sử.
Thế hệ công nghệ tái tạo này sẽ cần được thay thế bởi các thế hệ tiếp theo, và thường sớm hơn so với dự đoán. Trung bình một tua-bin gió hay một tấm pin mặt trời cần phải được thay thế mỗi 25 năm. Đó cũng là lí do nhà phân tích năng lượng Nate Hagens gọi đó là “năng lượng tái xây dựng” hơn là năng lượng tái tạo.
Trữ lượng toàn cầu của kim loại dùng trong pin dự trữ như lithium—vốn tốn nhiều nước để sản xuất— ở Châu Mĩ La-tinh và những mỏ cô-ban sử dụng lao động như nô lệ ở Công-gô mang đến rất nhiều vấn đề. Nhưng chúng chỉ chiếm 5% những gì cần cho cuộc chuyển dịch năng lượng. Vì thế, như Michaux đã nhấn mạnh trong nghiên cứu của mình, xã hội con người sẽ cần phát triển nhưng nguyên liệu khác dành cho pin dự trữ hơn là lithium, hay “... chúng ta sẽ cần một kế hoạch khác cho tương lai”—Michaux nói trong một bài nói chuyện.
Sự giảm sút chất lượng quặng (ore quality) làm vấn đề phức tạp hơn nữa. Những cỗ máy công nghiệp của thế giới đã khai thác những nguồn trữ lượng tài nguyên dễ tiếp cận nhất. Hệ quả là khối lượng đất đã để chế biến vàng đã tăng từ 20% đến 50% từ năm 2000 đến 2009 trong khi sản lượng quặng giảm 11% hoặc không thay đổi. Chi phí sản xuất, trong khi đó, tăng không ngừng. Hiệu suất lợi nhuận giảm dần (diminishing returns) đang là nỗi ảm ảnh của cả ngành công nghiệp khai khoáng.
Chi phí cộng với giá năng lượng tăng trong khi chất lượng quặng giảm dần. Những nghiên cứu gần đây cho thấy hạng trung bình của quặng (ore grade)—hàm lượng quặng trong đất đá—đã giảm 25% chỉ trong 10 năm. Điều đó đồng nghĩa với việc khi khai thác cần sử dụng nhiều năng lượng và với khối lượng đất đá nhiều hơn. Hệ quả: tổng năng lượng tiêu thụ dành cho việc khai khoáng đồng tăng nhanh hơn tốc độ sản xuất.
Gia tăng cường độ năng lượng (energy intensity) làm gia tăng khí thải nhà kính và giảm lợi nhuận. Kết hợp với vấn đề chất lượng giảm dần của các quặng kim loại thiết yếu cho công nghệ năng lượng tái tạo, chúng ta sắp chứng kiến một cuộc khủng hoảng toàn cầu. Michaux ước tính rằng dấu vết các-bon (carbon footprint) của ngành công nghiệp khai khoáng trên toàn cầu sẽ sớm vượt qua ngành nông nghiệp.
Mục tiêu giảm dần sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch bằng cách dùng công nghệ năng lượng tái tạo vấp phải một vấn đề nữa: địa lí. Khai khoáng không phải là một phần mềm ứng dụng mà chúng ta có thể tải qua đêm. Trong 1.000 mỏ quặng tiềm năng, chỉ có một hay hai mỏ được khai thác, mang lại hiệu quả kinh tế. Trung bình để triển khai khai thác mỏ cần 10 đến 20 năm. Thêm vào đó, sự biến động của thị trường gia tăng có thể đóng cửa hai trong số 10 mỏ hiện đang hoạt động.
Khai thác kim loại dùng trong các ngành công nghệ không chỉ tiêu tốn năng lượng mà còn phát thải nhiều khí nhà kính. Ngay cả Cơ quan Năng lượng Quốc tế IEA (International Energy Agency) gần đây cũng thừa nhận trong một báo cáo về khoáng sản: “Khai thác khoáng sản cho chuyển dịch năng lượng (tái tạo) có thể dẫn đến gia tăng lớn về khí thải nhà kính. Những khoáng sản này thường cần nhiều năng lượng để khai thác trên một đơn vị sản xuất hơn các loại hàng hóa khác, theo đó gia tăng cường độ phát thải (emission intensity)”.
Để đáp trả lại những nghiên cứu của Michaux và báo cáo của IEA, một nhóm các nhà nghiên cứu không có chuyên môn về địa chất đã viết bài cho tạp chí Joule khẳng định rằng mọi người chẳng có gì phải lo lắng. “Theo lịch sử, những thị trường khoáng sản sẽ tự điều chỉnh để thích nghi với nhu cầu gia tăng trong tương lai”.
Thật không may, bài nghiên cứu này không chú ý đến sự suy giảm tài nguyên, nạn tham nhũng, chiến tranh, sự thiếu hụt nguồn nước sạch và những vấn đề địa chính trị vốn có liên quan mật thiết đến các thị trường khai khoáng toàn cầu. Thêm vào đó, nó bỏ qua những khoáng sản cần thiết cho pin dự trữ và chỉ đề cập đến một phần mười nhu cầu cho chuyển đổi năng lượng.
Thực tế về đất hiếm
Thêm một vấn đề phức tạp nữa với đất hiếm (Rare Earth Elements, REE), bao gồm 17 nguyên tố trong bảng tuần hoàn hóa học. Những kim loại cần thiết cho công nghệ cao này chỉ được tìm thấy trong lớp vỏ Trái đất với số lượng rất nhỏ—đồng nghĩa với việc cần sử dụng nhiều năng lượng hơn để khai thác quặng trong khi đầu ra sản phẩm chứa hàm lượng quặng thấp.
Điều này cũng giải thích tại sao việc các nguyên tố đất hiếm cần thiết cho “công nghệ xanh” cũng như các hệ thống quân sự thải ra 2.000 tấn chất thải độc hại cho mỗi tấn khai thác, bao gồm một tấn chất thải phóng xạ (radioactive waste).
Người Nhật nhắc đến đất hiếm như “Những hạt giống công nghệ” bởi chúng sở hữu các đặc tính độc đáo trong luyện kim, làm chất xúc tác, các phản ứng hạt nhân, điện từ và phát quang. Ví dụ, neodymium và praseodymium dược sử dụng làm nam châm vĩnh cửu, tối quan trọng trong các động cơ điện hay tua-bin gió.Những phương tiện cơ giới chạy bằng động cơ đốt trong không cần những khoáng sản này, nhưng xe điện lại cần khoảng một cân trong mỗi chiếc xe.
Việc khai thác và xử lí kim loại đất hiếm sinh ra nhiều chất thải độc hại. Một báo cáo về môi trường của Canada gần đây là nhấn mạnh rằng đất hiếm không hề “xanh, sạch”, mà “sự ô nhiễm phóng xạ và sự độc hại của đất hiếm mang lại những rủi ro tiềm tàng chỉ có ở đất hiếm so với các loại quặng khai khoáng khác”. Báo cáo này thêm: “Những rủi ro tiềm ẩn này thường được giữ bí mật và có nguy cơ rất lớn ảnh hưởng tới sức khỏe cộng đồng bởi những chiến lược phòng ngừa bệnh tật có hiệu quả chưa đưa chú trọng ở Canada để giảm thiểu những ảnh hướng xấu”.
Hiện nay ở Canada chưa có những tiêu chuẩn chất lượng về nguồn nước và những hướng dẫn xử lí đất hiếm.
Một trong những lí do mà hầu hết nhưng người tiêu dùng hiện đại và những nhà hoạt động cổ vũ năng lượng tái tạo ít biết về sự tàn phá của sự khai thác này (nhằm cùng cấp nguyên liệu cho xe điện và điện thoại thông minh với đất hiếm) nằm ở chính sách của Trung Quốc.
Nhiều thế kỉ trước, nhà nước này đã đưa ra quyết định chiến lược về việc tập trung sản xuất đất hiếm như một tham vọng thống trị. Để chi phối thị trường cầu (mà đến nay đã thành công), chính phủ nước này đã bỏ qua phần lớn những chi phí môi trường khủng khiếp, như lời của Guillaume Pitron trong cuốn Cuộc chiến kim loại đất hiếm: Mặt tối của năng lượng sạch. Hệ quả là Trung Quốc đã cung cấp lượng đất hiếm cần thiết cho các thiết bị công nghệ tiêu dùng mà người dân ở Bắc Mỹ không ngừng sử dụng trong đời sống hàng ngày. Chuỗi cung ứng nằm ở xa và việc Trung Quốc thiếu minh bạch đã che dấu chi phí môi trường ở vùng nông thôn Trung Quốc, khiến cho người tiêu dùng trên toàn cầu cho rằng những chiếc xe điện và điện thoại thông minh là những sản phẩm “xanh sạch”.
Như Pitron đã nêu bật những hệ quả trong cuốn sách của mình: “Việc che dấu nguồn gốc của những kim loại từ Trung Quốc đánh bóng danh tiếng cho những công nghệ số và công nghệ xanh. Đây có lẽ là một trong những ví dụ về sự “tẩy xanh” (greenwash)—hành vi đưa ra những tuyên bố sai lệch về vấn đề môi trường của các tổ chức, nhằm đánh bóng cho hoạt động vốn không hề “xanh”—trong lịch sử”. Một “điểm mù” nữa đã được đề cập: “trái với nền kinh tế các-bon, với khí thải không thể chối cãi, nền kinh tế mới có vẻ “xanh” này đã che giấu và đứng đằng sau những tuyên bố về trách nhiệm với thế hệ tương lai”.
Cuộc cách mạng xanh đã diễn ra như thế này. Nếu bạn sở hữu một điện thoại di động hay một chiếc máy tính trong vòng 25 năm qua, thiết bị đó của bạn nhiều khả năng đã được lắp ráp bằng các kim loại đất hiếm từ Bayan Obo, mỏ khai thác đất hiếm lớn nhất trên thế giới. Từ một nơi đã từng là ngọn núi linh thiên của Mông Cổ, chính phủ Trung Quốc đã dần xóa sổ nó trên bản đồ địa lí để theo đuổi chiến lược chi phối các thị trường đất hiếm.
Trong 10 năm, dân số với nhiều người bị ung thư ở vùng này đã giảm xuống còn 300 từ 2.000 người. “Đầu tiên, vật nuôi bị bệnh, sau đó đến trẻ con và tất cả mọi người khác”, một người dân cho biết. Có một ngôi làng nằm cạnh cũng nhiễm phóng xạ của khu mỏ này cùng với hồ chứa chất thải được biết đến như “làng chết” bởi dân làng có 60 người tử vong do các căn bệnh về não hay ung thư từ năm 1993 đến 2005. Chất thải phóng xạ, hợp chất florua và asen đã nhiễm độc chuỗi thức ăn và nguồn nước uống.
Nhưng nhà khoa học Trung quốc vốn dè dặt đã cảnh báo “sự thăm dò địa chất ngày càng tăng đối với quặng đất hiếm... gây thiệt hại nặng nề cho môi trường”. Họ cũng “lo lắng rằng sẽ có các cơ sở chất thải với ô nhiễm môi trường nghiêm trọng do nhu cầu ngày càng tăng từ “các ngành công nghiệp xanh công nghệ cao” (green high-tech industries)”.
Quá trình dẫn đến một nền kinh tế khí thải các-bon thấp xem ra thực xấu xí và nguy hiểm khi ở Cộng hòa Công-gô, nơi đàn ông, đàn bà và trẻ em phải khai thác cô-ban. Khoảng 72% nguồn cung cô-ban toàn cầu hoặc đến từ các mỏ sở hữu bởi các công ty Trung Quốc hoặc đến từ các thợ đào địa phương tranh nhau trong những mỏ giống như “địa ngục thực dân” (colonial hell).
Trong cuốn sách Cô-ban đỏ, nhà nghiên cứu người Anh Siddharth Kara đã liệt kê chi tiết những cánh rừng bị san phẳng, lưu vực sông bị ô nhiễm, những cộng đồng bị đói nghèo và di sản của thực dân. Hãy hỏi bất kì thợ đào Công-gô nào và họ sẽ nói với bạn khuôn mặt của cuộc cách mạng năng lượng tái tạo chẳng tốt đẹp cũng chẳng xanh sạch gì. Kara kết luận: “Sự bóc lột đang tiếp diễn với những người nghèo nhất ở Công-gô bởi những thế lực giàu có và quyền lực đã phế bỏ đi những nền tảng đạo đức chính đáng của nền văn minh và kéo nhân loại trở lại thời kì khi giá trị của một con người ở Châu Phi chỉ được tính bằng chi phí thay thế họ”.
Hãy thêm một thực tế tàn nhẫn nữa về địa chính trị của tài nguyên khoáng sản trên hành tinh này. Mỏ khai thác thường tập trung ở Châu Mĩ La-tinh, Châu Phi, Trung Á, Bắc Mĩ và Bắc Âu. Những mỏ này thường nằm ở những vùng mà chính quyền thường tham nhũng, có nhiều thách thức về nguồn nước sạch hay dễ gặp thiên tai do các hiện tượng thời tiết cực đoan. Thực tế, ngành công nghiệp khai khoáng được cho là một trong những ngành có tỉ lệ tham nhũng cao nhất trên thế giới.
Cả Trung Quốc và Nga đề nhận ra rằng: các công nghệ dẫn dắt cuộc sống hiện đại đều cần khoáng sản đất hiếm và họ đang tranh giành để độc quyền các nguồn tài nguyên này ở châu Phi và các khu vực khác. Nhà lãnh đạo các nước này nhận ra việc trở thành chủ sở hữu và tinh chế các khoáng sản quý giá này ở qui mô toàn cầu sẽ có nhiều quyền lực hơn một nhà tiêu dùng toàn cầu (global shopper) như châu Âu. Một trong những lí do Nga xâm lược Ukraine có lẽ vì nơi đây là một trong những nơi giàu tài nguyên nhất ở châu Âu.
Olivia Lazard, một chuyên gia về sinh thái chính trị của xung đột (political ecology of conflict), gần đây đã nhấn mạnh những mặt tối của sự phát triển trong một bài thuyết trình hội thảo TED và trong một bài phỏng vấn sau đó: “Nếu chúng ta tranh giành khoáng sản đất hiếm (và quá trình này đã bắt đầu) thì hàng loạt các chính phủ và doanh nghiệp sẽ tước đoạt những gì còn lại của hành tinh cũng như dưới đáy đại dương và các tiểu hành tinh xa xôi trong quá trình giảm phát thải khí các-bon (decarbonization)”. “Chúng ta có thể sẽ đánh mất tương lai nhân loại bằng cách cố gắng cứu nó thoát khỏi biến đổi khí hậu. Thật là một sự trớ trêu tột cùng phải không?”
Sự trớ trêu tột cùng cũng là một địa ngục tột cùng. Với “con đường dẫn đến nền kinh tế ít khí thải” đòi hỏi sự khai thác khoáng sản độc hại và thiếu bền vững, các chuyên gia đã lẳng lặng lên tiếng về vấn đề này trong nhiều năm. Như Trung tâm Kleinman về Chính sách năng lượng chẳng hạn, đã cảnh bảo năm 2021 rằng “sự chuyển dịch năng lượng xanh sẽ đòi hỏi sự huy động các nguồn lực kinh tế ở một qui mô chưa từng có từ thời cách mạng công nghiệp, làm căng thẳng các hoạt động sản xuất toàn cầu về silicon, cô-ban, lithium, man-gan và hàng loạt các nguyên tố thiết yếu khác”.
Trung tầm này nói thêm rằng sự thất bại trong việc xử lí các chất thải độc hại ở Trung Quốc và Công-gô “sẽ gây tổn hại đến sự bền vững của các công nghệ không tái tạo sử dụng REE và sẽ làm mất đi một phần những lợi ích có được từ việc giảm phát thải”.
“Chúng ta cần một cuộc đối thoại thẳng thắn”
Đây là vấn đề đã được tóm lược lại một cách thuyết phục bởi Michaux.
Trong 150 năm nền văn minh đã xây dựng nên một hệ thống công nghiệp rất phức tạp dựa trên nguồn nhiên liệu hoá thạch giá rẻ. Giá cả phải chăng của các nguồn nhiên liệu này đã tạo nên một hệ thống ngân hàng mạnh và một hệ thống nông nghiệp công nghiệp hoá. Điều này đã thúc đẩy đô thị hoá và toàn cầu hoá. Hơn nữa, năng lượng giá rẻ đã củng cố ảo tưởng rằng các tài nguyên là vô hạn.
Giờ đây khi khí thải nhiên liệu hoá thạch khiến nhiệt độ tăng và phá huỷ đa dạng sinh học, các nhà lãnh đạo không biết sợ hãi của chúng ta lại muốn thay thế toàn bộ hệ thống hiện tại bằng một hệ thống khác còn phức tạp và sử dụng nhiều tài nguyên hơn.
Họ muốn làm như vậy trong thời điểm mà các dòng chảy kinh tế đang chậm lại bởi chi phí nhiên liệu hoá thạch leo thang như xảy ra với khí đá phiến (fracked shale) và khai thác bitumen. Toàn bộ quá trình thay thế một hệ thống đang suy tàn bằng một hệ thống phức tạp hơn dựa trên sự khai khoáng đang diễn ra trong bối cảnh một hệ thống ngân hàng mong manh, các nền dân chủ rối loạn, các chuỗi cung ứng bị phá vỡ, tình trạng thiếu khoáng sản nghiêm trọng và tình hình địa chính trị nhiều thù địch.
Trong khi đó, các hiện tượng khí hậu đang phá huỷ cơ sở hạ tầng và tạo ra làn sóng lớn những lớp người di cư vô gia cư từ những quốc gia suy tàn.
Tất cả những thực tế không thể chối cãi này làm nổi bật thực tế rằng giấc mơ của chúng ta về sự bùng nổ năng lượng tái tạo là hão huyền. Chúng ta cần một cuộc đối thoại khác hơn là phát triển như bình thường (business as usual) hay là Thoả thuận Mới Xanh (Green New Deal).
Michaux đã đề nghị: “Chúng ta cần đối thoại thẳng thắn về các loại khoáng sản mà chúng ta cần so với những gì chúng ta đang có”, trong một cuộc phỏng vấn rất hay với Nate Hagens trên podcast The Great Simplification. “Và rồi chúng ta sẽ nhận ra rằng những gì chúng ta đang có không thể đáp ứng được kế hoạch hiện giờ”.
Một cách căn bản, chúng ta cần nói về một tương lai mà qui mô kinh tế thu nhỏ lại.
Xã hội sẽ tạo ra những sản phẩm đơn giản mà bền, có thể dễ dàng tái chế. “Và chúng ta sẽ cắt giảm nhu cầu của mình, xã hội sẽ đơn giản hoá lại”, Michaux nói thêm.
Đây là cuộc đối thoại mà chúng ta cần ngay bây giờ. Một cuộc đối thoại mà giờ chúng ta vẫn tiếp tục tránh né.
Tác giả: Andrew Nikiforuk, (sinh năm 1955) là một nhà báo và tác giả người Canada. Bài viết của ông xuất hiện trên nhiều trang báo, bao gồm Saturday Night, Maclean's, Alberta Views, Alternatives Journal, và các tờ báo quốc gia. Ông đã giành được nhiều giải thưởng Tạp chí Quốc gia cho những bài viết của mình.