Bỏ qua

Sự hoài nghi ngày càng tăng đối với năng lượng tái tạo (II)

Trong một bài tiểu luận gần đây, tôi đã lập luận rằng việc thay thế hệ thống nhiên liệu hóa thạch 150 năm tuổi bằng hệ thống mới chạy bằng điện chỉ trong vòng 25 năm để giải quyết tình trạng khí hậu hỗn loạn sẽ đi kèm với những chi phí sinh thái khủng khiếp.

Tôi cũng đã nói rằng việc đó sẽ không hiệu quả vì biến đổi khí hậu chỉ là một triệu chứng của một cuộc khủng hoảng lớn hơn: sự tiêu thụ quá mức tài nguyên trên một hành tinh hữu hạn (finite planet). Bạn cần phải đọc kĩ vào bài viết đó để đi đến những gì tôi đề xuất chúng ta phải làm thay vì coi “công nghệ sạch” là vị cứu tinh được chọn lựa.

Vì vậy, hãy để tôi đi thẳng vào vấn đề trước khi giải thích thêm: Bất kỳ giải pháp không hoàn hảo nào cho tình trạng khó khăn đe dọa đến nền văn minh hiện tại của chúng ta phải bao gồm việc giảm mức tiêu thụ năng lượng thay vì đưa ra những giải pháp công nghệ cao giúp tăng tốc việc tiêu thụ.

Và điều đó có nghĩa là sự tái khẳng định quyền kiểm soát của con người đối với thế giới công nghệ hiện đang phân mảnh mỗi người trong chúng ta và đặt ra những giới hạn thực sự đối với việc chinh phục tư duy của chúng ta bằng thuật toán.

Những giấc mơ vĩ đại được xây dựng trên sự trớ trêu và nghịch lý

Trong bài viết của mình, tôi đã tóm tắt nghiên cứu của các nhà địa chất, nhà báo, nhà vật lý và chuyên gia năng lượng—bao gồm Simon Michaux, Siddharth Kara, Vaclav Smil, Guillaume Pitron, Alice Friedemann, Nate HagensTom Murphy—những người đã thực hiện các tính toán quan trọng. Nhà sinh thái học William Rees, nhà vật lý học Antonio Turiel và nhà phân tích dầu mỏ Art Berman cũng đã có những đóng góp quan trọng cho cuộc trò chuyện này.

Các tính toán của họ, vốn tôn trọng thực tế và các giới hạn vật lý-sinh học (biophysical limits), cho thấy rằng con người sẽ phải khai thác nhiều kim loại và khoáng chất hơn trong 30 năm tới so với số đã được đào lên suốt 70.000 năm qua để tiến hành quá trình chuyển đổi sang “năng lượng tái tạo”.

Do đó, nền kinh tế toàn cầu không có đủ kim loại, khoáng sản đất hiếm, năng lượng, thời gian hay tiền bạc để thực hiện quá trình chuyển đổi này và chúng ta phải xem xét các hành động khác như cắt giảm triệt để nhu cầu năng lượng và tiêu thụ nguyên vật liệu.

Nhà báo người Pháp Guillaume Pitron đã tóm tắt tình thế tiến thoái lưỡng nan này một cách thuyết phục trong cuốn sách năm 2018 của ông Cuộc chiến kim loại đất hiếm: “Bằng việc tìm cách thoát khỏi nhiên liệu hóa thạch và chuyển một trật tự cũ sang một thế giới mới, trên thực tế chúng ta đang chuẩn bị cho một thế giới mới và sự phụ thuộc mạnh mẽ hơn (vào việc khai thác đất hiếm)”.

Kể từ những năm 1970, xã hội ngày càng nghiện các khoáng chất đất hiếm độc hại (vốn cần thiết để tạo ra nam châm chạy các thiết bị điện tử từ ô tô không người lái đến tên lửa dẫn đường) phần lớn không được các phương tiện truyền thông chú ý. Xã hội công nghệ (và công nghệ xanh là một phần của cỗ máy tự tăng cường (self-augmenting machine) này) hiện đang tiêu thụ khoáng sản đất hiếm theo cách mà động cơ hơi nước đã từng tiêu thụ hàng tấn than.

Trên thực tế, mỗi tiện ích kỹ thuật số (digital gadget), bao gồm cả phương tiện chạy bằng pin, đều kích thích nhu cầu tiêu thụ lớn hơn, một lần nữa chứng minh Nghịch lý Jevons. Cụ thể là, bất cứ khi nào chúng ta tạo ra thứ gì đó tiện lợi và hiệu quả hơn, năng lượng tiết kiệm được sẽ bị mất đi do nhu cầu sử dụng tăng và nhiều ứng dụng hơn.

Nói một cách thẳng thắn, các chuyên gia cũng chỉ ra rằng cái gọi là thế giới xanh sẽ rất giống Trung Quốc, nước đi đầu trong sản xuất và tinh chế đất hiếm và (cái gọi là) công nghệ xanh. Nhưng khi ủng hộ Trung Quốc như một quốc gia tiên phong về công nghệ xanh, các nhà bảo vệ môi trường phương Tây đã bỏ qua những chi phí sinh thái tiềm ẩn: những ngôi làng bị ô nhiễm, những công dân mắc bệnh ung thư và hàng đống rác thải điện tử.

Việc khai thác không chỉ hủy hoại vô số tuyến đường thủy mà còn làm ô nhiễm gần ⅕ diện tích đất canh tác của quốc gia này với kim loại nặng. Trong khi đó, người lái ô tô chạy bằng điện vốn sản xuất bởi than nghĩ rằng họ đang làm cho thế giới trở nên xanh hơn. Tiêu thụ than gần đây đã tăng lên và cung cấp 56% năng lượng của Trung Quốc.

Trung Quốc là bằng chứng sống cho thấy nền văn minh không thể điện khí hóa mọi thứ nếu không khai thác triệt để các mỏ từ lòng Trái đất và các đại dương. Bởi khoáng chất đất hiếm rất phong phú nhưng chỉ chiếm tỷ lệ nhỏ so với toàn bộ lớp vỏ Trái đất, nên chúng rất khó chiết xuất. Để tạo ra một tấn khoáng sản đất hiếm cần để đào thải hơn 2,000 tấn đá mà phần lớn trong đó nhiễm phóng xạ.

Bài báo của tôi không đề cập đến sự mỉa mai mà nhiều nhà nghiên cứu kỹ thuật đã bày tỏ: “Đất hiếm rất cần thiết cho sự phát triển của năng lượng sạch và các công nghệ liên quan như xe điện, nhưng bản thân đất hiếm lại gây nguy hiểm cho môi trường.”

Phản hồi độc giả từ nhiều góc độ

Độc giả chào đón bài báo của tôi với rất nhiều hoài nghi, ngờ vực, lo lắng và phủ nhận. Một độc giả lưu ý rằng chắc chắn những chuyên gia mà tôi đã trích dẫn này là những người được trả lương bởi ngành công nghiệp nhiên liệu hóa thạch (vốn dĩ họ không được trả đồng nào). Những người lái xe chạy điện đã hỏi: Làm thế nào năng lượng tái tạo lại có thể có mặt tối như vậy. Chúng ta có thể tái chế và tiếp tục phát triển công nghệ tái tạo để thoát khỏi cuộc khủng hoảng này không? Các câu hỏi cứ tiếp diễn như thế.

Có những người khác hoàn toàn hiểu sai ý bài báo. Nhà báo Terence Corcoran của tờ National Post đã kết luận rằng nếu việc khai thác khoáng sản đất hiếm cho cái gọi là công nghệ sạch cũng có tính hủy diệt như nhiên liệu hóa thạch, thì có lẽ chúng ta nên nhắm mắt làm ngơ trước những cánh rừng đang cạn kiệt, những lưu vực sông bị suy thoái, sự suy giảm đa dạng sinh học, khủng hoảng khí hậu và tập trung vào việc đáp ứng mức tiêu thụ toàn cầu đang gia tăng bằng mọi cách. Hay như ông ấy nói, “loại bỏ cả phong trào chống nhiên liệu hoá thạch & chống năng lượng tái tạo và tiếp tục cải thiện cuộc sống của con người như bình thường”.

Giống như hầu hết các chính trị gia trên thế giới, Corcoran chấp nhận một kiểu tự ái kinh tế mà bác bỏ mọi giới hạn đối với sự phát triển của con người. Đó là bởi vì ống ấy không muốn tranh luận hay xem xét giải pháp phức tạp và không hoàn hảo mà tôi đã đề xuất: thu hẹp nhu cầu năng lượngthu hẹp quy mô nền kinh tế. Rốt cuộc, có ai muốn hy sinh tiêu thụ hiện tại cho các thế hệ tương lai khi truyền thông hàng ngày quả quyết rằng chúng ta có thể đẩy lùi biến đổi khí hậu bằng cách tăng trưởng nhanh hơn, nhiều phương tiện không người lái hơn và khai thác không ngừng?

Trong một bài báo xuất sắc cho Truthdig, nhà báo Hoa Kỳ Christopher Ketcham gần đây đã giải thích về ác cảm chính trị đối với việc thu nhỏ quy mô của nền kinh tế: “Để giành chiến thắng trong các cuộc thăm dò, Ruy Teixeira, nhà tư vấn có ảnh hưởng của Đảng Dân chủ, cho biết, người ta phải luôn nhớ rằng ‘phản tăng trưởng (degrowth) có lẽ là một ý tưởng tồi tệ nhất... kể từ chủ nghĩa cộng sản’”.

Các chính trị gia thành công phải đưa ra một chương trình lạc quan rằng “công nghệ có thể tạo ra một tương lai thịnh vượng”, rằng “việc chuyển đổi sang nền kinh tế xanh thực sự chỉ có thể thực hiện được trong bối cảnh tăng trưởng cao,” với “sự đổi mới công nghệ và phát triển cơ sở hạ tầng tốn kém”. Ketcham gọi lối suy nghĩ như vậy là tương lai xác sống (zombie future).

Thế nên, hãy tiếp tục cuộc trò chuyện quan trọng này bằng cách giải quyết một số câu hỏi chính của độc giả về quy mô, tái chế và khai thác. Và sau đó chúng ta sẽ tìm hiểu giải pháp thực sự là gì.

Vấn đề quy mô

Mối quan tâm đầu tiên về quy mô và thời gian. Nhiều độc giả đơn giản là không thể hiểu tại sao việc chuyển đổi từ một đoàn tàu toàn cầu chạy bằng động cơ diesel sang chạy bằng pin đất hiếm được hỗ trợ bởi cơ sở hạ tầng mới bao gồm các trang trại năng lượng mặt trời công nghiệp và tua-bin gió lại khó khăn đến vậy—trong khi tất cả đều phụ thuộc vào các công nghệ kỹ thuật số phức tạp bao gồm cả Trí tuệ nhân tạo (AI—Aritificial Intelligence)?

Ví dụ, nhiều người vẫn cho rằng việc loại bỏ động cơ đốt trong để sử dụng ô tô chạy bằng pin đất hiếm sẽ giảm một lượng lớn khí thải carbon vào năm 2050. Nhưng thực tế không phải vậy. Xe chở khách chỉ chiếm 5% lượng khí thải toàn cầu. Những chiếc SUV chạy bằng pin đất hiếm—nếu bạn có đủ khả năng mua một chiếc—có thể thúc đẩy nền kinh tế, nhưng chúng sẽ không giảm phát thải cacbon cho thế giới hay bảo vệ sự đa dạng sinh học, hay văn minh hóa các thành phố khổng lồ của chúng ta.

Trong khi đó, việc sản xuất bốn vật liệu—amoniac, nhựa, thép và bê tông—chiếm ⅕ chi tiêu năng lượng của thế giới và ¼ lượng khí thải nhà kính của thế giới. Hãy thử xây dựng một cối xay gió hoặc trang trại năng lượng mặt trời mà không có chúng.

Trong nhiều năm, nhà sinh thái học năng lượng Vaclav Smil đã kiên nhẫn giải thích rằng quá trình giảm phát khải khí cacbon sẽ không dễ dàng hay đó là một quá trình nhanh chóng, vì nền văn minh của chúng ta vẫn phụ thuộc quá nhiều vào nhiên liệu hóa thạch. Mọi thứ từ công trình xây dựng đến nền nông nghiệp công nghiệp hoá đều phụ thuộc vào “một siêu hệ thống khai thác, chế biến, phân phối, lưu trữ và chuyển đổi nhiên liệu” và “sự thay thế hoàn toàn hệ thống này sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến mọi người và mọi ngành, đặc biệt là việc trồng lương thực và vận chuyển đường dài đối với hàng hoá và con người. Các chi phí sẽ vô cùng lớn”.

Smil lưu ý rằng nhiên liệu hóa thạch chiếm khoảng 86% tổng tiêu thụ năng lượng sơ cấp vào năm 2000. Bất chấp hai thập kỷ khuyến khích về công nghệ năng lượng sạch, nền kinh tế toàn cầu vẫn cần 82% năng lượng từ nhiên liệu hóa thạch.

Vì vậy, có cơ hội nào cho việc giảm phụ thuộc [vào nhiên liệu hoá thạch] từ mức 82% xuống 0% vào năm 2050 khi phải mất 20 năm để giảm 4%, Smil đặt câu hỏi.

Và làm thế nào thế giới có thể thúc đẩy năng lượng mặt trời và điện gió, hiện chỉ chiếm 6% năng lượng sơ cấp của toàn cầu, lên 100% vào năm 2050 mà không thúc đẩy sự khai thác không ngừng được hỗ trợ bởi dầu mỏ?

Quán tính (inertia) là một rào cản bất thành văn khác. Nền văn minh đã sử dụng nhiên liệu hóa thạch để tạo ra một vòng quay khai thác và tiêu thụ lớn, đòi hỏi nhiều năng lượng hơn để tạo ra nhiều hàng hoá và chất thải hơn. Các nhà nghiên cứu gần đây đã kết luận rằng ngay cả khi thế giới ngừng tăng trưởng kinh tế GDP (hiện ở mức khoảng 3%), thì “sự tăng trưởng dài hạn theo quy mô từng thập kỷ (decadal-scale growth) về nhu cầu tài nguyên (resource demand) và sản xuất chất thải (waste production) sẽ tiếp tục tăng tốc”.

Họ nói, “Chỉ bằng cách làm sụp đổ quá trình tích lũy của cải trong lịch sử (historic accumulation of wealth) mà chúng ta được hưởng ngày nay… thì nhu cầu tài nguyên và sản xuất chất thải của chúng ta mới giảm.”

Đó không phải là một thông điệp dễ chịu, nhưng đó là sự thật.

Nghịch lý tái chế

Nhiều độc giả cho rằng chúng ta có thể giải quyết các vấn đề về nhu cầu ngày càng tăng đối với vật liệu và kim loại cho các công nghệ tái tạo bằng tái chế.

Vâng, hãy tái chế các tấm pin mặt trời, tua-bin gió và pin đất hiếm. Hãy cũng sửa chữa và tái sử dụng. Đến đây, chúng ta phải thừa nhận rằng xã hội thậm chí còn chưa bắt đầu tính đến quy mô của vấn đề chất thải.

Quy mô của rác thải điện tử giống như một câu chuyện kinh dị. Nền kinh tế toàn cầu thải ra khoảng 51 triệu tấn thiết bị điện tử độc hại mỗi năm. Bên trong một triệu điện thoại di động là 24 kg vàng, 16.000 kg đồng, 350 kg bạc và 14 kg palladium.

Thật đáng kinh ngạc, chúng ta hiện chỉ tái chế được 20% số chất thải này. Hơn nữa, Vị thần tăng trưởng kinh tế (Gods of Economics Growth) khuyến khích các tín hữu mua ngày càng nhiều tiện ích kỹ thuật số. (Mỗi người Mỹ vứt bỏ trung bình 20 kg rác điện tử mỗi năm). Trong khi đó, các phương tiện truyền thông tràn ngập giác quan của chúng ta với quảng cáo rực rỡ về những đồ vật kỹ thuật số dùng một lần mới nhất và phải có—mọi thứ từ rô-bốt lau nhà đến máy mát-xa cổ và tai nghe.

smart-phone-minerals

Khi chúng ta truyền bá cho thế hệ tiếp theo tiêu thụ nhiều thiết bị điện tử hơn, một số người ủng hộ năng lượng xanh nói rằng việc tái chế sẽ cứu chúng ta. Nhưng hiện tại chúng ta chỉ tái chế một phần nhỏ và theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế, “công nghệ năng lượng xanh” chứa các hợp kim sắt và đồng mới, “mang lại các chức năng ưu việt nhưng thường kèm theo các phương pháp tái chế sử dụng nhiều năng lượng”. Ảnh của Nenad Stojkovic, bản quyền Creative Commons.

Tái chế chất thải điện tử là một vấn đề nan giải vì điện thoại di động có thể chứa tới 50 kim loại và khoáng chất khác nhau. Việc tách những vật liệu đó cần năng lượng, hóa chất và nguồn vốn.

Chẳng hạn, việc tái chế dây đồng và lon nhôm sẽ dễ dàng hơn nhiều vì những kim loại này đã có thị trường và hệ thống tái chế lâu đời.

Cơ quan Năng lượng Quốc tế, “công nghệ năng lượng xanh” chứa các hợp kim sắt và đồng mới, “mang lại các chức năng ưu việt nhưng thường kèm theo các phương pháp tái chế sử dụng nhiều năng lượng”.

Quy mô của vấn đề đặt ra một trở ngại khác. Nhà địa chất học Simon Michaux chỉ ra rằng “phần lớn cơ sở hạ tầng và đơn vị công nghệ cần thiết để loại bỏ dần nhiên liệu hóa thạch vẫn chưa được xây dựng”.

Chúng ta không thể tái chế các sản phẩm khi còn chưa có cơ sở vật chất. Và việc xây dựng một hệ thống để loại bỏ dần nhiên liệu hóa thạch sẽ đòi hỏi một lượng khai khoáng khủng khiếp và chưa từng có.

Tác động khai khoáng so với ngành dầu khí

Một số độc giả cho rằng việc khai thác (cho công nghệ tái tạo) sẽ không có nhiều tác động bằng việc khai thác dầu khí và nếu việc khai thác cho xe điện làm giảm khai thác nhiên liệu hóa thạch thì đó sẽ là một khoản tiết kiệm lớn. Một người nói: “Tôi biết việc so sánh khai thác (kim loại khác) với khai thác dầu khí không phải là dễ dàng, nhưng cũng lưu ý rằng thế giới đã khai thác 4,2 tỷ tấn dầu thô vào năm 2021, gấp 1,6 lần so với kim loại được khai thác nhiều nhất trên thế giới (quặng sắt) và khoảng 40 NGÀN LẦN so với tất cả lithium được chiết xuất.”

Được rồi. Hãy xem xét các con số trên trong ngữ cảnh. Chúng gợi ý rõ ràng rằng chúng ta không thể tách nền kinh tế khai thác dầu khí khỏi khai thác khoáng sản đất hiếm. Chúng được kết nối với nhau và là một phần của cùng một qui trình công nghiệp khổng lồ.

Mỗi năm thế giới khai thác và tiêu thụ 3,2 tỷ tấn kim loại cùng với 4,2 tỷ tấn nhiên liệu hóa thạch. Nền kinh tế của con người sử dụng các kim loại và nhiên liệu đó để khai thác thêm 20 tỷ tấn cây cối, cá và mùa vụ nông nghiệp. Là con người, chúng ta đúng là một loài say sưa khai thác.

Nhưng đó chỉ là một phần nhỏ trong câu chuyện hủy diệt Trái đất. Ngành công nghiệp khai thác di dời và đào lên hàng tỷ tấn đất đá để hình thành các mỏ quặng kinh tế, phá hủy các lưu vực sông và hệ sinh thái. Khai khoáng sau đó tạo ra một dòng chất thải khổng lồ chứa axit, nước ô nhiễm và chất thải. Khối lượng chất thải này tăng theo cấp số nhân khi chất lượng quặng (ore grades) giảm đi.

Đối với mỗi tấn đồng hoặc kẽm được sản xuất, ngành công nghiệp khai khoáng thải ra từ 20 đến 200 tấn đá thải. Chỉ riêng Hoa Kỳ đã tạo ra 1,8 tỷ tấn chất thải khai thác mỏ. Canada tạo ra 800 triệu tấn chất thải rắn khai thác mỏ, trong đó khai thác cát dầu—đòi hỏi phải cạo và nâng cấp nhựa đường từ một lượng lớn đất sét và cát—là tác nhân đóng góp chính.

Trên thực tế, ngành công nghiệp khai khoáng tạo ra chất thải rắn nhiều gấp 30 lần so với toàn bộ chất thải công nghiệp và đô thị cộng lại. Nước axit thoát ra từ mỏ có thể tồn tại hàng ngàn năm. Với việc năng lượng tái tạo chỉ cung cấp 6% năng lượng của thế giới, việc chuyển đổi sang “năng lượng công nghệ sạch” sẽ làm tăng nhu cầu về kim loại và khoáng chất đất hiếm theo cấp số nhân và cùng với chúng là năng lực hủy diệt của ngành khai thác mỏ thế giới.

Trong cuốn sách Extracted của mình, nhà hóa lý học Ugo Bardi đã lưu ý rằng nếu mọi chủ sở hữu ô tô điện phải chứa quặng thải cần thiết cho đồng và cô-ban trong pin xe của họ, thì lối vào nhà của họ sẽ bị bao phủ bởi hàng tấn đá thải.

Vậy câu trả lời là gì? Phản tăng trưởng (Degrowth)

Trước khả năng hủy diệt của việc khai thác dầu hay khoáng sản đất hiếm, nhiều độc giả sau đó đã hỏi, chúng ta phải làm gì? Nếu nhiệm vụ thay thế hệ thống nhiên liệu hóa thạch của chúng ta bằng một hệ thống điện phụ thuộc vào khoáng chất đất hiếm chỉ đơn giản chuyển từ vấn đề này sang vấn đề khác, thì chúng ta đặt nỗ lực của mình vào đâu? Làm thế nào để chúng ta quản trị giảm tải tiêu thụ năng lượng?

Nhà sinh thái học năng lượng Vaclav Smil đã đưa ra một câu trả lời hay trong The Tyee vào năm 2013 nhưng dường như ít người mặn mà với nó.

Có gì sai đâu khi giảm 40% mức tiêu thụ năng lượng và quay trở lại mức sống của những năm 1960, Smil đặt câu hỏi. Ông cũng khuyến khích các nhà lãnh đạo chính trị làm những gì có thể làm được, đó việc là tiêu thụ ít hơn, đi lại ít hơn, xây dựng ít hơn, ăn uống ít lãng phí hơn và thiết kế các thành phố không đòi hỏi thời gian đi lại dài và tôn trọng các giới hạn về quy mô.

Nhưng ít chuyên gia quan tâm đến các giải pháp công nghệ thấp (low-tech solutions) và thay đổi hành vi này. Các chính trị gia thà ủng hộ “các lựa chọn xanh” giúp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và khai thác các nguồn tài nguyên cuối cùng của hành tinh, bao gồm cả nhiên liệu hóa thạch.

Các giải pháp thực tế của Smil cũng bị từ chối vì chúng ám chỉ những giới hạn đáng kể đối với tăng trưởng kinh tế. Những gì tăng trưởng kinh tế gây ra cho hành tinh là những gì mà sự nhân lên của các tế bào ung thư gây ra cho cơ thể con người. Nó áp đảo và phá hủy các hệ thống sống (living systems). Nói một cách thẳng thắn, chúng ta cần một chiến lược năng lượng làm giảm đáng kể hoạt động kinh tế theo thời gian giống như cách hóa trị liệu làm giảm khối u ung thư một cách hiệu quả.

Chúng ta có dám tưởng tượng điều gì xảy ra sau đó không, đó là sự tái định nghĩa mới về cuộc sống có ý nghĩa?

Một nền văn minh thực sự quan tâm đến sự hỗn loạn khí hậu sẽ không cố gắng thay thế từng chiếc (xe) trong số 1,5 tỷ phương tiện trên thế giới bằng những chiếc chạy bằng pin. Nền văn minh này sẽ ủng hộ cho việc ít dùng ô tô hơn, mạng lưới giao thông ngắn hơn và nền kinh tế địa phương (localized economies). Nó sẽ làm cho các thành phố nhỏ hơn và dễ đi bộ hơn. Nó sẽ cấm du thuyền, tàu du lịch, máy bay phản lực tư nhân và xe SUV, cho dù có động cơ chạy bằng pin hay động cơ đốt trong, bởi vì chúng đại diện cho sự lãng phí nguyên liệu và năng lượng.

Một nền văn minh có năng lực cũng sẽ đánh thuế những ngôi nhà khổng lồ mà cá nhân sở hữu. Chúng cũng đại diện cho một vấn đề khác mà không nhà lãnh đạo chính trị nào muốn giải quyết: bất bình đẳng kinh tế (economic inequality) tràn lan.

Một nền văn minh có trách nhiệm cũng sẽ bắt đầu hạn chế triệt để việc đi lại bằng đường hàng không. (Các độc giả của tờ New York Times có thực sự cần phải bay đến Thượng Hải hoặc Barcelona để có những cuộc vui kéo dài 36 giờ không?) Nó cũng sẽ đánh thuế ngành dầu khí đối với mỗi joule (đơn vị đo năng lượng) khí mê-tan rò rỉ vào khí quyển.

Đảng chính trị đang thúc đẩy những thay đổi đầu tiên này hiện đang ở đâu? Các nhà lãnh đạo chính trị đang ủng hộ nhu cầu năng lượng hợp lý hơn đang ở đâu?

Các nhà triết học chê bai chủ nghĩa duy vật của chúng ta ở đâu? Các nhà lãnh đạo bảo vệ sự trung thực, khiêm nhường và sinh kế thích hợp (good livelihoods) với ít năng lượng hơn đang ở đâu?

Tương lai bộ lạc (tribal future)

Nhà địa chất Simon Michaux lưu ý rằng khi đối mặt với nhiều cuộc khủng hoảng, thế giới dường như đang nhanh chóng chia thành bốn phe. Các bộ lạc bao gồm: Cố hữu (Old Schoolers), Vikings, Thực tế (Realists) và Arcadians.

Bộ lạc Cố hữu, ủng hộ việc phát triển như bình thường (business-as-usual) tin rằng chúng ta không cần phải hoảng sợ và sự hỗn loạn đang gia tăng chỉ là một đốm sáng nhỏ. Họ tin rằng sự Bình thường (Normal) chỉ ngồi quanh góc bên cạnh như một con chó ngoan ngoãn.

Ngược lại, người Viking, những kẻ cơ hội sắc sảo, không muốn thay đổi bất cứ điều gì. Họ chỉ muốn tận dụng lợi thế của những gì sắp diễn ra và làm những gì người Viking làm tốt nhất: cướp bóc.

Trong khi đó, bộ lạc Thực tế, những người theo chủ nghĩa hiện thực, đang đặt ra những câu hỏi khó nhằn về cách chúng ta có thể thoát khỏi mớ hỗn độn này và đảm bảo rằng các cộng đồng có đủ lương thực và năng lượng mà họ sẽ cần trong 5 năm tới.

Và sau đó là những người Arcadian có suy nghĩ dài hạn. Họ đang hỏi, làm thế nào để chúng ta học cách sống với ít tài nguyên hơn và làm tốt hơn để ngăn chặn sự cạn kiệt tài nguyên của Trái đất? Làm thế nào để chúng ta thừa nhận các giới hạn vật lí-sinh học (biophysical limits) và giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu như một triệu chứng của cuộc khủng hoảng tiêu thụ quá mức còn trầm trọng hơn? Công nghệ nào phù hợp và công nghệ nào không? Làm thế nào để các cộng đồng chuẩn bị cho sự sụp đổ nếu chúng ta không thể quản lý việc giảm năng lượng?

Như tôi đã lưu ý trong bài luận ban đầu của mình, đó là cuộc trò chuyện khó khăn mà chúng ta cần, và là cuộc trò chuyện mà các nhà lãnh đạo thuộc bộ lạc Cố hữu tiếp tục tránh né.


Tác giả: Andrew Nikiforuk, (sinh năm 1955) là một nhà báo và tác giả người Canada. Bài viết của ông xuất hiện trên nhiều trang báo, bao gồm Saturday Night, Maclean's, Alberta Views, Alternatives Journal, và các tờ báo quốc gia. Ông đã giành được nhiều giải thưởng Tạp chí Quốc gia cho những bài viết của mình.

I Warned Against the Green Energy ‘Boom.’ It Sparked Debate