Bỏ qua

Các điều kiện kinh tế của nền văn minh1

civil-1

Bảo tàng nghệ thuật Metropolitan

Theo một nghĩa chính yếu, “người man rợ” cũng là người văn minh, vì họ cẩn thận truyền lại cho con cháu di sản của bộ lạc—phức hợp các thói quen và thể chế kinh tế, chính trị, tinh thần và đạo đức mà bộ lạc đã phát triển trong nỗ lực duy trì và thụ hưởng trên trái đất. Chẳng thể khoa học hoá ở đây được; vì khi gọi những con người khác là “man rợ” hoặc “mọi”, chúng ta có thể chẳng biểu lộ sự thật khách quan nào, mà chỉ thể hiện sự yêu thích mãnh liệt của chúng ta đối với bản thân và sự nhút nhát rụt rè của chúng ta trước những cách thức xa lạ. Không nghi ngờ gì nữa, chúng ta đã đánh giá thấp những dân tộc giản dị này, những người có rất nhiều điều để dạy chúng ta về lòng hiếu khách và đạo đức; nếu liệt kê các điều kiện và yếu tố cấu thành nền văn minh như ở trên, chúng ta sẽ thấy rằng các quốc gia trần trụi này đã phát minh ra hãy đạt được tất cả trừ một trong số đó, và không để lại gì cho chúng ta thêm vào ngoại trừ những thứ tô điểm thêm và chữ viết. Có lẽ họ cũng đã từng là người văn minh, và từ bỏ nó như một sự phiền toái. Chúng ta phải sử dụng một cách tiết kiệm các thuật ngữ như “man rợ” và “mọi” khi đề cập đến “tổ tiên đương thời” của chúng ta. Tốt nhất chúng ta nên gọi tất cả các bộ lạc là “nguyên thủy” nếu họ có ít hay không có dự trữ cho những ngày không năng suất, và sử dụng ít hay không sử dụng chữ viết. Ngược lại, người văn minh có thể được định nghĩa là những người dự trữ biết chữ.

I. Từ săn bắn cho đến cày cấy

Sự thiếu thốn nguyên thủy—Khởi đầu của việc cung ứng—Săn bắt và đánh cá—Chăn nuôi—Thuần hóa động vật—Nông nghiệp—Thực phẩm—Nấu ăn—Ăn thịt đồng loại

“Ba bữa ăn một ngày là một chế độ ăn rất tiên tiến. Người man rợ ăn lẫn nhau hay nhịn đói.” Các bộ lạc hoang dã hơn trong số người da đỏ Mỹ coi đó là yếu đuối và không thích đáng khi bảo quản thức ăn cho ngày hôm sau. Người bản địa Úc không có khả năng làm bất kỳ công việc nào mà kết qủa thưởng không đến ngay lập tức; mọi người Hottentot đều là quý ông của sự nhàn rỗi; và với người Bush ở Mrica, lúc nào cũng “hoặc là tiệc tùng hoặc là nạn đói”. Có một sự khôn ngoan thầm lặng trong sự thiếu cân nhắc này, giống như trong nhiều cách “man rợ” khác. Khoảnh khắc con người bắt đầu nghĩ đến ngày mai , anh ta bước ra khỏi Vườn Địa đàng và đi vào thung lũng lo âu; sự lo lắng nhợt nhạt bao trùm lấy anh ta, lòng tham trở nên sắc bén, (sở hữu) tài sản bắt đầu, và sự vui vẻ của người bản xứ “vô tư” biến mất. Người da đen Mỹ đang thực hiện quá trình chuyển đổi này ngày hôm nay. “Anh đang nghĩ gì vậy?” Peary hỏi một trong những người hướng dẫn Eskimo của mình . “Tôi không phải suy nghĩ”, là câu trả lời; “Tôi có rất nhiều thịt”. Không suy nghĩ trừ khi chúng ta phải suy nghĩ—có nhiều điều đáng nói ở đây như một tổng kết cho sự khôn ngoan.

Tuy nhiên, vẫn tồn tại những khó khăn trong sự vô tư này, và những sinh vật vượt qua nó sở hữu một lợi thế đáng sợ trong cuộc đấu tranh sinh tồn. Con chó chôn xương mà ngay cả một sự thèm ăn của giống răng nanh cũng không cản được, con sóc thu thập hạt cho một bữa cỗ sau, những con ong lấp đầy tổ bằng mật ong, những con kiến tích trữ đồ dự trữ cho ngày mưa—đây là những người đầu tiên sáng tạo ra nền văn minh. Chính chúng, hoặc những sinh vật tinh tế khác giống chúng, đã dạy cho tổ tiên chúng ta nghệ thuật chuẩn bị cho ngày mai từ sự dư thừa của ngày hôm nay, hay chuẩn bị cho mùa đông vào thời điểm mùa hè sung túc.

Những tổ tiên đó đã khéo léo tìm ra thức ăn từ đất liền và biển cả, vốn là nền tảng những xã hội giản đơn của họ! Họ đào bới những thứ ăn được từ lòng đất bằng tay không; họ bắt chước hoặc sử dụng móng vuốt và ngà của động vật, và chế tạo công cụ từ ngà voi, từ xương hoặc đá; họ làm lưới và giăng bẫy sập bằng sậy hay sợi, và nghĩ ra vô số thủ đoạn để đánh bắt và săn bắt con mồi. Người Polynesia có lưới dài hàng nghìn ell, chỉ một trăm người mới có thể xử lý được; theo cách đó, sự cung ứng kinh tế phát triển song song với tổ chức chính trị, và việc tìm kiếm thức ăn thống nhất đã giúp tạo ra nhà nước. Người đánh cá Tlingit đội trên đầu một chiếc mũ giống như đầu hải cẩu, và giấu mình giữa những tảng đá, phát ra tiếng động như hải cẩu; hải cẩu tiến về phía anh ta, và anh ta đâm chúng bằng lương tâm trong sáng của một cuộc chiến tranh nguyên thủy. Nhiều bộ lạc ném thuốc mê vào các dòng suối để làm cho cá mê mẩn hợp tác với những người đánh cá; ví dụ người Tahiti cho vào nước một hỗn hợp gây say được chế biến từ hạt huteo hoặc cây hora ; cá say sẽ nổi lềnh bềnh trên mặt nước và bị bắt ngay theo ý muốn người câu cá. Người bản địa Úc, bơi dưới nước trong khi thở qua ống sậy, kéo chân những con vịt xuống dưới mặt nước, và nhẹ nhàng giữ chúng ở đó cho đến khi chúng hết giãy giụa. Người Tarahumara bắt chim bằng cách xâu hạt vào những sợi cứng được chôn một nửa dưới lòng đất; những con chim ăn hạt, và người Tarahumara ăn những con chim.

Đối với hầu hết chúng ta, săn bắn giờ đây là một trò chơi, mà sự thích thú dường như dựa trên một số ký ức huyền bí, trong da thịt, về thời xa xưa khi cả việc đi bắn cũng như bị săn đều là vấn đề sống còn. Vì săn bắn không chỉ đơn thuần là tìm kiếm thức ăn, mà còn là cuộc chiến giành an ninh và quyền làm chủ, một cuộc chiến mà tất cả các cuộc chiến tranh đã được ghi lại trong lịch sử đều chỉ là một tiếng ồn nhỏ. Trong rừng, con người vẫn chiến đấu để sinh tồn, mặc dù hầu như không có con vật nào tấn công anh ta trừ khi nó tuyệt vọng vì thức ăn hoặc bị dồn vào chân tường trong cuộc săn đuổi; nhưng không phải lúc nào thức ăn cũng dành cho tất cả, và đôi khi chỉ có chiến binh hay người nuôi chiến binh sĩ mới được phép ăn. Chúng ta thấy trong các bảo tàng của mình những di tích của cuộc chiến tranh giữa các loài trong những con dao, gậy, giáo, mũi tên, thòng lọng, bẫy dây thừng, mồi nhử, bẫy sập, boomerang và ná mà với chúng những người nguyên thủy đã giành được quyền sở hữu đất đai, và chuẩn bị truyền lại cho thế hệ vô ơn sau này món quà an ninh khỏi mọi loài thú trừ con người. Ngay cả ngày nay, sau tất cả những cuộc chiến tiêu diệt này, có bao nhiêu quần thể khác nhau đã di chuyển trên trái đất! Đôi khi, trong lúc đi dạo trong rừng, người ta kinh ngạc trước sự đa dạng của các ngôn ngữ được nói ở đó, bởi vô số loài côn trùng, bò sát, động vật ăn thịt và chim; người ta cảm thấy rằng con người là kẻ xâm nhập vào cảnh tượng đông đúc này, rằng anh ta là đối tượng của nỗi sợ hãi chung và sự thù địch vô tận. Một ngày nào đó, có lẽ, những loài bốn chân huyên náo này, những con rết đang lách tách này, những vi khuẩn lén lút này, sẽ nuốt chửng con người và tất cả các tác phẩm của hắn, và giải phóng hành tinh khỏi loài hai chân cướp bóc này, những vũ khí bí ẩn và không tự nhiên này, những đôi chân bất cẩn này!

Săn bắn và đánh cá không phải là những giai đoạn phát triển kinh tế, chúng là những phương thức hoạt động được định sẵn để tồn tại thành những hình thái cao nhất của xã hội văn minh. Đã từng đã là trung tâm của cuộc sống, chúng vẫn là nền tảng ẩn giấu của nó; đằng sau nền văn học và triết học, nghi lễ và nghệ thuật của chúng ta, là những kẻ giết người to lớn thấy trong bảo tàng Packingtown. Chúng ta săn bắn bằng cách ủy nhiệm, không có bụng dạ để giết chóc thực sự trên các cánh đồng; nhưng ký ức của chúng ta về cuộc săn bắt vẫn còn đọng lại trong cuộc truy đuổi vui vẻ của chúng ta đối với bất kỳ thứ gì yếu đuối hay trốn chạy, và trong trò chơi của con cái chúng ta—thậm chí trong trò chơi chữ. Xét cho cùng, nền văn minh dựa trên nguồn cung cấp thực phẩm. Nhà thờ lớn và tòa nhà quốc hội, bảo tàng và phòng hòa nhạc, thư viện và trường đại học là mặt chính, mặt sau là những đống đổ nát.

Sống bằng nghề săn bắn không phải là bản chất ban đầu; nếu con người chỉ giới hạn mình vào nghề đó thì họ sẽ chỉ là một loài ăn thịt khác. Họ bắt đầu trở thành con người khi thoát khỏi cuộc săn bắn không chắc chắn, họ phát triển được sự an toàn và tính liên tục lớn hơn của cuộc sống chăn thả. Vì điều này liên quan đến những lợi thế có tầm quan trọng lớn: thuần hóa động vật, chăn nuôi gia súc và sử dụng sữa. Chúng ta không biết quá trình thuần hóa bắt đầu khi nào hoặc như thế nào—có lẽ khi những con non yếu ớt của những con thú bị

giết được tha và mang đến trại như đồ chơi cho trẻ em. Con vật tiếp tục bị ăn thịt, nhưng không phải ngay lập tức; nó giống như một gánh nặng khó chịu, nhưng lại được chấp nhận theo cách gần như dân chủ vào xã hội loài người; nó trở thành đồng chí của con người, và cùng con người hình thành một cộng đồng lao động và cư trú. Phép màu sinh sản đã được kiểm soát, và hai con vật bị giam cầm đã được nhân lên thành một đàn. Sữa động vật giải phóng phụ nữ khỏi việc cho con bú kéo dài, giảm tỷ lệ tử vong ở trẻ sơ sinh và cung cấp một loại thực phẩm mới và đáng tin cậy. Dân số tăng lên, cuộc sống trở nên ổn định và trật tự hơn, và quyền làm chủ của kẻ mới nổi nhút nhát đó—con người—trở nên an toàn hơn trên trái đất.

Trong khi đó, phụ nữ đã có khám phá kinh tế vĩ đại nhất về tất cả sự phong phú của đất đai. Trong khi đàn ông đi săn, họ lục lọi trong lều hay nhà gỗ để tìm bất kỳ thứ gì có thể ăn được nằm sẵn trong tay họ trên mặt đất. Ở Úc, người ta hiểu rằng trong thời gian người bạn đời của mình vắng nhà lúc đi săn, người vợ sẽ đào rễ cây, hái quả và hạt từ cây, và thu thập mật ong, nấm, hạt và ngũ cốc tự nhiên. Ngay cả ngày nay, ở một số bộ lạc của Úc, các loại ngũ cốc mọc tự nhiên từ đất được thu hoạch mà không cần bất kỳ nỗ lực nào để tách và gieo hạt; người da đỏ ở Thung lũng sông Sacramento chưa bao giờ tiến xa hơn giai đoạn này. Chúng ta sẽ không bao giờ khám phá ra khi nào con người lần đầu tiên nhận ra chức năng của hạt giống và chuyển từ thu thập sang gieo hạt; những khởi đầu như vậy là những bí ẩn của lịch sử, mà chúng ta có thể tin và đoán, nhưng không thể biết. Có thể là khi đàn ông bắt đầu thu thập các loại ngũ cốc chưa trồng, hạt rơi dọc đường giữa cánh đồng và lều trại, rồi sau cùng đưa ra giả thuyết về bí mật vĩ đại của sự phát triển này. Người Juangs đã ném những hạt giống xuống đất, để chúng tự tìm cách vươn lên. Người bản địa Borneo đặt hạt giống vào những cái hố mà họ đào bằng một cây gậy nhọn khi họ đi trên các cánh đồng. Nền văn hóa đơn giản nhất được biết đến trên trái đất là với cây gậy này hoặc “người đào đất”. Ở Madagascar cách đây năm mươi năm, du khách vẫn có thể nhìn thấy những người phụ nữ được trang bị những cây gậy nhọn, đứng thành hàng như những người lính, và sau đó, khi có hiệu lệnh, họ lấy gậy đào xuống mặt đất, lật đất lên, ném hạt giống vào , dậm đất cho phẳng và tiếp tục cày một luống khác. Giai đoạn thứ hai trong sự phức tạp là văn hóa với chiếc cuốc: cây gậy đào được gắn xương và được lắp một thanh ngang để chịu áp lực của bàn chân. Khi những người Conquistadores đến Mexico, họ phát hiện ra rằng người Aztec không biết công cụ cày nào khác ngoài cái cuốc. Với việc thuần hóa động vật và rèn kim loại , một công cụ nặng hơn có thể được sử dụng; cái cuốc được mở rộng thành một cái cày, và việc cày đất sâu hơn đã tiết lộ sự màu mỡ của đất đã thay đổi toàn bộ sự nghiệp của con người. Các loài thực vật hoang dã đã được thuần hóa, các giống mới đã được phát triển, các giống cũ đã được cải thiện.

Cuối cùng, thiên nhiên đã dạy cho con người nghệ thuật dự trữ, đức tính thận trọng, khái niệm về thời gian. Khi quan sát chim gõ kiến cất giữ quả sồi trên cây, và ong cất giữ mật ong trong tổ, con người đã hình thành—có lẽ sau hàng thiên niên kỷ man rợ thiếu dự trữ —khái niệm dự trữ thức ăn cho tương lai. Anh ta tìm ra cách bảo quản thịt bằng cách hun khói, ướp muối, đông lạnh; tốt hơn nữa, hơn xây dựng những kho thóc an toàn khỏi mưa, ẩm ướt, sâu bọ và trộm cắp, và tích trữ thực phẩm vào đó cho những tháng ít lương thực trong năm. Dần dần, người ta nhận ra rằng nông nghiệp có thể cung cấp nguồn thực phẩm tốt hơn và ổn định hơn so với săn bắn. Với nhận thức đó, con người đã thực hiện một trong ba bước dẫn từ loài thú đến nền văn minh—lời nói, nông nghiệp và chữ viết.

Không thể cho rằng con người đột nhiên chuyển từ săn bắn sang cày cấy. Nhiều bộ lạc, như người da đỏ Mỹ, vẫn luôn bình lặng trong quá trình chuyển đổi—đàn ông săn bắn, phụ nữ cày cấy đất đai. Sự thay đổi này không chỉ diễn ra dần dần mà còn không bao giờ hoàn tất. Con người chỉ bổ sung thêm một cách mới để kiếm thức ăn; và đối với hầu hết mọi người, trong suốt lịch sử của mình, họ thích thức ăn cũ hơn thức ăn mới. Chúng ta hình dung con người thời kỳ đầu thử nghiệm hàng ngàn sản phẩm của trái đất để tìm ra—mặc dù phải trả giá rất nhiều bằng sự dễ chịu bên trong—loại nào có thể ăn được một cách an toàn; trộn chúng ngày càng nhiều với các loại trái cây và hạt, thịt và cá mà họ đã quen, nhưng luôn khao khát chiến lợi phẩm từ cuộc săn đuổi. Những người nguyên thủy rất thích thịt, ngay cả khi họ chủ yếu sống bằng ngũ cốc, rau và sữa. Nếu họ tình cờ thấy xác của một con vật mới chết , kết quả có thể là một cuộc ăn chơi trác táng. Rất thường không lãng phí thời gian vào việc nấu nướng; con mồi được ăn sống, với những hàm răng tốt có thể xé và nuốt chửng nó; chẳng mấy chốc chẳng còn gì ngoài xương. Người ta đã biết cả bộ lạc ăn tiệc trong một tuần trên một con cá voi bị ném lên bờ. Mặc dù người Fuegians có thể nấu ăn, nhưng họ thích ăn thịt sống; khi họ bắt được cá, họ giết cá bằng cách cắn vào sau mang , sau đó ăn từ đầu đến đuôi mà không cần nghi lễ gì thêm. Sự không chắc chắn về nguồn cung cấp thực phẩm đã khiến những người sống trong thiên nhiên này gần như ăn tạp theo nghĩa đen: động vật có vỏ, nhím biển , ếch, cóc, ốc sên, chuột, nhện, giun đất, bọ cạp, bướm đêm, rết, châu chấu, sâu bướm, thằn lằn, rắn, trăn, chó, ngựa, rễ cây, chấy, côn trùng, ấu trùng: trứng của loài bò sát và chim—không có một trong số những thứ này nhưng ở đâu đó đã từng là món ngon, hoặc thậm chí là một phần của sự kháng cự, đối với người nguyên thủy. Một số bộ lạc là những thợ săn kiến chuyên nghiệp; những bộ lạc khác phơi khô côn trùng dưới ánh nắng mặt trời rồi cất chúng để làm tiệc; những bộ lạc khác bắt chấy từ tóc của nhau và ăn chúng một cách thích thú; nếu có thể bắt được một số lượng lớn chấy để làm một loại nồi thức ăn, chúng sẽ bị ăn thịt trong tiếng reo hò sung sướng, như kẻ thù của loài người. Thực đơn của các bộ lạc săn bắn cấp thấp hầu như không khác gì so với thực đơn của các loài vượn cấp cao hơn.

Việc phát hiện ra lửa đã hạn chế điều này sự tham lam vô độ, và việc hợp tác với nông nghiệp để giải phóng con người khỏi sự săn đuổi. Nấu ăn phá vỡ màng cellulose và tinh bột của hàng ngàn loại thực vật không tiêu hóa được ở trạng thái thô, và con người ngày càng chuyển sang ngũ cốc và rau quả như nguồn sống chính của mình. Đồng thời , nấu ăn, bằng cách làm mềm các loại thực phẩm cứng, làm giảm nhu cầu nhai và bắt đầu quá trình sâu răng, một trong những dấu hiệu của nền văn minh.

Đối với tất cả các loại thực phẩm đa dạng mà chúng tôi đã liệt kê, con người đã thêm vào món ăn tinh tế nhất của tất cả—đồng loại của mình. Ăn thịt đồng loại đã từng là một thói quen phổ biến; nó đã được tìm thấy ở hầu hết các dân tộc nguyên thủy và sau này như người Ireland, người Iberia, người Picts và người Đan Mạch thế kỷ thứ mười một. Trong số nhiều bộ tộc, thịt người là mặt hàng chủ lực trong thương mại, và không có đám tang. Ở Thượng Congo, đàn ông, phụ nữ và trẻ em sống được mua và bán một cách công khai như những mặt hàng thực phẩm; trên đảo New Britain, thịt người được bán trong các cửa hàng giống như thịt của người bán thịt được bày bán giữa phố; và ở một số đảo Solomon, nạn nhân là con người, tốt nhất là phụ nữ, được vỗ béo để làm tiệc như lợn. Người Fuegians xếp phụ nữ cao hơn chó vì họ nói rằng chó có vị như rái cá. Ở Tahiti, một tù trưởng Polynesia già đã giải thích chế độ ăn uống của mình với Pierre Loti: “Người da trắng, khi nướng chín, có vị như chuối chín.” Tuy nhiên, người Fiji phàn nàn rằng thịt của người da trắng quá mặn và dai, và thịt một thủy thủ châu Âu hầu như không thể ăn được; thịt một người Polynesia có vị ngon hơn.”

Nguồn gốc của tập tục này là gì? Không có gì chắc chắn rằng tập tục này xuất hiện, như trước đây người ta vẫn cho là, do thiếu hụt thức ăn khác; nếu có, thì hương vị đã hình thành sẽ tồn tại qua sự thiếu hụt, và trở thành sở thích nồng nhiệt. “Máu của con người ở khắp mọi nơi trong tự nhiên được coi là một món ngon—không bao giờ biết ghê sợ; ngay cả những người ăn chay nguyên thủy cũng thích thú. Máu người thường được các bộ lạc khác uống một cách tử tế và hào phóng; đôi khi như một loại thuốc, đôi khi như một nghi lễ hoặc giao ước, thường với niềm tin rằng nó sẽ tăng thêm sức sống cho người uống. Không có sự xấu hổ nào khi thích thịt người; con người nguyên thủy dường như không nhận ra sự khác biệt về mặt đạo đức giữa việc ăn thịt người và ăn thịt các loài động vật khác. Ở Melanesia, tù trưởng nào có thể mời bạn bè mình một đĩa thịt người nướng thì được xã hội tôn trọng. “Khi tôi giết được kẻ thù”, một tù trưởng–triết gia người Brazil giải thích, “thì chắc chắn là ăn thịt hắn còn hơn là để hắn lãng phí... Điều tệ nhất không phải là bị ăn thịt mà là chết; nếu tôi bị giết thì dù kẻ thù trong bộ lạc của tôi có ăn thịt tôi hay không cũng vậy. Nhưng tôi không thể nghĩ ra bất kỳ con mồi nào ngon hơn hắn … Người da trắng các người thực sự quá kén ăn.”

Chắc chắn phong tục này có một số lợi thế xã hội nhất định. Nó dự đoán trước kế hoạch của Dean Swift về việc sử dụng những đứa trẻ thừa thãi, và nó cho người già một cơ hội để chết một cách hữu ích. Có một quan điểm cho rằng tang lễ có vẻ là một sự xa hoa không cần thiết. Đối với Montaigne, việc tra tấn một người đến chết dưới vỏ bọc của lòng mộ đạo, như cách thức của thời đại ông , có vẻ man rợ hơn là nướng và ăn thịt người đó sau khi người đó đã chết. Chúng ta phải tôn trọng ảo tưởng của nhau.

II. Cơ sở của nền công nghiệp

Lửa—Công cụ nguyên thủy—Dệt và đồ gốm—Xây dựng và vận chuyển—Thương mại và tài chính

Nếu loài người bắt đầu bằng tiếng nói, và nền văn minh bắt đầu bằng nông nghiệp, thì công nghiệp bắt đầu bằng lửa. Con người không phát minh ra nó; có lẽ thiên nhiên đã tạo ra điều kỳ diệu cho con người bằng sự cọ xát của lá cây hoặc cành cây, một tia sét, hoặc sự kết hợp ngẫu nhiên của các chất hóa học; con người chỉ được cứu giúp bởi trí thông minh để bắt chước thiên nhiên và cải thiện trên cơ sở đó. Con người đã sử dụng điều kỳ diệu này vào hàng ngàn mục đích. Đầu tiên, có lẽ người ta đã biến nó thành ngọn đuốc để chế ngự kẻ thù đáng sợ của mình—bóng tối; sau đó, người ta sử dụng nó để sưởi ấm và di chuyển tự do hơn từ vùng nhiệt đới bản địa đến những vùng ít gây suy kiệt hơn , dần dần biến hành tinh này thành hành tinh của con người; sau đó, người ta ứng dụng vào vào kim loại, làm mềm chúng, tôi luyện chúng và kết hợp chúng thành những dạng bền chắc và dễ uốn hơn so với hình thái ban đầu. Thật là hữu ích và kỳ lạ khi lửa luôn là một phép màu đối với con người nguyên thủy, xứng đáng được tôn thờ như một vị thần; người ta đã dâng cho nó vô số nghi lễ sùng kính, và biến nó thành trung tâm hay tiêu điểm (tiếng Latin có nghĩa là lò sưởi) của cuộc sống và ngôi nhà của mình; người ta mang nó theo mình một cách cẩn thận khi di chuyển từ nơi này sang nơi khác trong những chuyến phiêu lưu, và không muốn để nó lụi tàn. Ngay cả người La Mã cũng trừng phạt bằng cái chết đối với nữ tu sĩ Vestal bất cẩn đã để ngọn lửa thiêng bị dập tắt.

Trong khi đó, giai đoạn đầu của săn bắt, chăn thả và nông nghiệp luôn rộn rã các phát minh, và bộ não nguyên thủy đang tự mình tìm kiếm câu trả lời cơ học cho những bài toán kinh tế của cuộc sống. Ban đầu, con người hình như chấp nhận những gì thiên nhiên ban tặng cho mình—trái cây của trái đất làm thức ăn, da và lông thú của động vật làm quần áo, hang động trên sườn đồi làm nhà. Sau đó, có lẽ (vì hầu hết lịch sử là phỏng đoán, và phần còn lại là định kiến) con người đã bắt chước công cụ và kĩ nghệ của động vật: con người thấy loài khỉ ném đá và trái cây vào đầu mình , hoặc đập vỡ các loại hạt và hàu bằng đá; con người thấy loài hải ly xây đập, loài chim làm tổ và lùm cây, loài tinh tinh dựng nên thứ gì đó rất giống túp lều. Con người ghen tị với sức mạnh của móng vuốt, răng, ngà và sừng của chúng, và độ bền của lớp da của chúng; và con người bắt tay vào chế tạo các công cụ và vũ khí tương đồng hay sánh ngang với chúng. Franklin nói rằng con người là loài động vật biết sử dụng công cụ; nhưng điều này, giống như những sự phân biệt khác mà chúng ta tự đề cao, chỉ là sự khác biệt về mức độ.

Nhiều công cụ có tiềm năng trong thế giới thực vật bao quanh con người nguyên thủy. Từ tre, người ta làm cán, dao, kim và bình; từ cành cây, người ta làm kẹp, kìm và ê-tô; từ vỏ cây và sợi, người ta dệt dây thừng và quần áo đủ loại. Trên hết, người tự làm cho mình một cây gậy. Đó là một phát minh khiêm tốn, nhưng công dụng của nó lại rất đa dạng đến nỗi con người luôn coi nó như một biểu tượng của sức mạnh và thẩm quyền, từ cây đũa phép của các nàng tiên và cây gậy của người chăn cừu đến cây gậy của Moses hay Aaron, cây gậy ngà của viên lãnh sự La Mã, cây lituus của các nhà tiên tri, và cây chùy của quan tòa hay nhà vua. Trong nông nghiệp, cây gậy trở thành cái cuốc; trong chiến tranh, nó trở thành cây giáo hoặc lao hoặc giáo mác, thanh kiếm hoặc lưỡi lê. Một lần nữa, con người sử dụng thế giới khoáng vật, và tạo hình những viên đá thành một bảo tàng về các dụng cụ và đồ dùng: búa, đe, ấm đun nước, cái nạo, đầu mũi tên, cưa, máy bào, nêm, đòn bẩy, rìu và máy khoan. Từ thế giới động vật, con người làm ra muôi, thìa , bình hoa, bầu, đĩa, cốc, dao cạo và móc từ vỏ sò trên bờ biển, và những công cụ cứng hoặc tinh xảo từ sừng hay ngà voi, trừ răng và xương, lông và da của thú vật. Hầu hết những đồ vật được chế tác này đều có tay cầm bằng gỗ, gắn vào chúng theo những cách khéo léo, được tết bằng những bím sợi hoặc dây gân động vật, và đôi khi được dán bằng hỗn hợp máu kỳ lạ. Sự khéo léo của những người nguyên thủy có lẽ ngang bằng—có lẽ là vượt trội hơn—so với người hiện đại điển hình; chúng ta khác họ ở sự tích lũy kiến thức, vật liệu và công cụ xã hội, chứ không phải ở sự vượt trội bẩm sinh của bộ não. Thật vậy, những người sống trong tự nhiên thích thú khi làm chủ được những đòi hỏi trong một tình huống bằng trí thông minh sáng tạo. Một trò chơi yêu thích của người Eskimo là đi đến những nơi khó khăn và vắng vẻ, cạnh tranh với nhau để tìm ra cách đáp ứng nhu cầu của một cuộc sống thiếu thốn và trần trụi...

Kỹ năng thô sơ này thể hiện một cách đầy tự hào trong nghệ thuật dệt. Ở đây, loài vật cũng chỉ đường cho con người. Mạng nhện , tổ chim, sự giao thoa và kết cấu của sợi và lá trong nghệ thuật thêu tự nhiên của rừng, đã đưa ra một ví dụ quá rõ ràng đến nỗi rất có thể dệt là một trong những nghệ thuật sớm nhất của loài người. Vỏ cây, lá và sợi cỏ được dệt thành quần áo, thảm trải và thảm trang trí, đôi khi tuyệt vời đến mức không có gì ngày nay có thể sánh kịp, ngay cả với nguồn lực của máy móc hiện đại. Phụ nữ Aleutian có thể dành cả năm để dệt một chiếc áo choàng. Những chiếc chăn và quần áo do người da đỏ Bắc Mỹ làm ra được trang trí lộng lẫy bằng tua rua và lông thêu và sợi gân nhuộm màu rực rỡ bằng nước ép quả mọng; màu sắc chúng “sống động đến nỗi,” như Cha Théodut nói, “mà màu sắc của chúng ta dường như thậm chí không thể sánh bằng." “Nghệ thuật lại bắt đầu từ nơi thiên nhiên đã bỏ lại; xương của chim và cá , và những búp măng non mảnh khảnh của cây tre, được đánh thành kim, và gân của động vật được kéo thành sợi · đủ mỏng manh để xuyên qua lỗ kim tốt nhất ngày nay. Vỏ cây được đập thành thảm và vải, da được phơi khô để làm quần áo và giày dép, thớ sợi được xoắn thành chỉ chắc nhất, và những cành cây mềm mại cùng những sợi chỉ màu được đan thành những chiếc giỏ đẹp hơn bất kỳ hình dạng hiện đại nào.”

Tương tự như nghề đan lát, và có lẽ được bắt nguồn từ nghề này, là nghệ thuật làm gốm. Đất sét được đặt lên đồ đan lát để giữ cho đồ đan không bị cháy, được tôi cứng thành một lớp vỏ chống cháy giữ nguyên hình dạng khi đồ đan được dỡ r;" đây có thể là giai đoạn đầu của một quá trình phát triển sẽ đạt đến đỉnh cao là đồ sứ hoàn hảo của Trung Quốc. Hoặc có lẽ một số cục đất sét, được nung và làm cứng dưới ánh nắng mặt trời, gợi ý về nghệ thuật làm gốm; chỉ cần một bước nữa là lửa có thể thay thế mặt trời, và người ta có thể tạo ra từ đất vô số hình dạng đồ đựng cho mọi mục đích sử dụng—nấu ăn, lưu trữ và vận chuyển, và cuối cùng là đồ xa xỉ và đồ trang trí. Các thiết kế được tạo hình bằng móng tay hay dụng cụ trên đất sét ướt là một trong những hình thức nghệ thuật đầu tiên và có lẽ là một trong những nguồn gốc của chữ viết. Từ đất sét phơi khô, các bộ lạc nguyên thủy đã làm gạch và đất sét nung, và có thể nói là họ sống trong đồ gốm. Nhưng đó là giai đoạn cuối của nghệ thuật xây dựng, gắn kết túp lều bằng bùn của “người man rợ” trong một chuỗi phát triển liên tục với những viên gạch sáng bóng của Nineveh và Babylon. Một số dân tộc nguyên thủy, như người Veddahs ở Ceylon, không hề có nhà ở, và hài lòng sống giữa đất trời; một số, như người Tasmania, ngủ trong những cái cây rỗng; một số, như người bản địa New South Wales, sống trong hang động; những người khác, như thổ dân Nam Phi (Bushmen), dựng đây đó một nơi trú gió bằng cành cây, hay hiếm hơn, đóng cọc vào đất rồi phủ rêu và cành cây lên trên. Từ những nơi trú gió như vậy, khi các mặt bao quanh được dựng thêm, túp lều đã phát triển; người ta đã nhìn thấy trong cuộc sống một số những người bản địa của Úc mọi giai đoạn của nó từ một ngôi nhà nhỏ bằng cành cây, cỏ và đất đủ lớn để che cho hai hoặc ba người, đến những túp lều lớn chứa ba mươi người trở lên. Người đi săn hay người du mục chăn gia súc thích mang theo lều vì họ có thể mang theo lều đến bất cứ nơi nào họ muốn.

Những người sống trong tự nhiên có đòi hỏi cao hơn, như người da đỏ châu Mỹ, xây nhà bằng gỗ; ví như người Iroquois đã xây dựng những ngôi nhà dài hơn 150 mét bằng gỗ vẫn nguyên vỏ cây , để che chở cho nhiều gia đình. Sau cùng, người bản địa ở Châu Đại Dương đã xây dựng những ngôi nhà thực sự bằng những tấm ván được cắt cẩn thận, và quá trình phát triển của nhà gỗ đã hoàn tất.

Chỉ cần ba bước phát triển nữa là con người nguyên thủy có thể tạo ra tất cả những yếu tố cần thiết của nền văn minh có kinh tế: cơ chế vận tải, quá trình thương mại và phương tiện trao đổi. Người khuân vác mang hàng hóa từ một chiếc máy bay hiện đại mô tả những giai đoạn sớm nhất và muộn nhất trong lịch sử vận tải. Vào thời kỳ đầu, chắc chắn con người là loài thồ hàng cho chính mình, trừ khi họ kết hôn; cho đến ngày nay, phần lớn các nơi ở Nam và Đông Á, con người là xe kéo, là lừa, v.v. Sau đó , họ phát minh ra dây thừng, đòn bẩy và ròng rọc; họ chinh phục và chất hàng lên con vật; họ chế tạo chiếc xe trượt tuyết đầu tiên bằng cách cắt cỏ khô cho gia súc của mình kéo những cành cây dài chở hàng hóa của họ trên mặt đất2; họ đặt những khúc gỗ làm con lăn dưới xe trượt; họ cắt ngang khúc gỗ và tạo ra phát minh cơ học vĩ đại nhất trong tất cả các phát minh: bánh xe; họ đặt bánh xe dưới xe trượt và làm xe đẩy. Họ buộc những khúc gỗ khác lại với nhau thành bè hay đẽo thành xuồng; và các dòng suối trở thành những con đường vận chuyển thuận tiện nhất của họ . Bằng đường bộ, trước tiên họ đi qua những cánh đồng và ngọn đồi không có đường mòn, sau đó là đường mòn, cuối cùng là đường bộ. Họ nghiên cứu các vì sao và hướng dẫn đoàn lữ hành của mình băng qua các ngọn núi và sa mạc bằng cách theo dõi lộ trình của mình trên bầu trời. Người ta đã chèo bằng chân, bằng mái chèo hay căng buồm ra khơi một cách dũng cảm từ đảo này sang đảo khác, và cuối cùng đã vượt qua các đại dương để truyền bá nền văn hóa khiêm tốn của mình từ lục địa này sang lục địa khác. Ở đây, các vấn đề chính cũng đã được giải quyết trước khi lịch sử được viết ra.

Vì kỹ năng của con người và tài nguyên thiên nhiên được phân bổ đa dạng và không đồng đều, nên một dân tộc có thể, thông qua sự phát triển của các tài năng cụ thể, hoặc nhờ sự gần gũi của họ với các vật liệu cần thiết, sản xuất một số mặt hàng rẻ hơn so với các nước láng giềng. Từ những mặt hàng đó, họ sản xuất nhiều hơn mức họ tiêu thụ và cung cấp phần thặng dư của mình cho những người khác để đổi lấy phần của họ; đây là nguồn gốc của thương mại. Người da đỏ Chibcha ở Colombia đã xuất khẩu muối đá có nhiều trong lãnh thổ của họ và đổi lại họ nhận được ngũ cốc không thể trồng được trên đất cằn cỗi của mình. Một số ngôi làng của người da đỏ ở Mỹ gần như hoàn toàn dành riêng cho việc làm đầu mũi tên; một số ở New Guinea để làm đồ gốm; một số ở Châu Phi để rèn hoặc làm thuyền hoặc giáo. Những bộ lạc hoặc ngôi làng chuyên môn hóa như vậy đôi khi được lấy tên làm ngành nghề (người Thợ rèn, người Đánh cá, người Làm gốm, v.v.), và những cái tên này theo thời gian được gắn với các gia đình được chuyên môn hóa... Việc buôn bán thặng dư lúc đầu là thông qua việc trao đổi quà tặng; ngay cả trong thời đại chuộng tính toán của chúng ta, một món quà (nếu chỉ là một bữa ăn) đôi khi cũng đi trước hay đánh dấu một giao dịch. Việc trao đổi hàng hóa được thúc đẩy bởi chiến tranh, cướp bóc, cống nạp, tiền phạt và bồi thường; hàng hóa phải được lưu thông! Dần dần, một hệ thống trao đổi hàng hóa có trật tự phát triển, và các trạm giao dịch, chợ và khu chợ được thành lập—thỉnh thoảng, sau đó là định kỳ, rồi cố định—nơi những người có một số mặt hàng dư thừa có thể đổi lấy một số mặt hàng cần thiết.

Trong một thời gian dài, thương mại hoàn toàn là sự trao đổi như vậy, và nhiều thế kỷ đã trôi qua trước khi một phương tiện lưu thông giá trị được phát minh để thúc đẩy thương mại. Một Mã Lai bản địa (Dyak) có thể được thấy lang thang trong nhiều ngày qua một khu chợ, với một cục sáp ong trên tay , tìm kiếm một khách hàng có thể đổi lại cho anh ta thứ gì đó mà anh ta có thể sử dụng có lợi hơn.” Các phương tiện trao đổi sớm nhất là các mặt hàng được ưa chuộng trên toàn thế giới, mà bất kỳ ai cũng có thể lấy để thanh toán: chà là, muối, da, lông thú, đồ trang trí, dụng cụ, vũ khí; trong giao dịch như vậy, hai con dao bằng một đôi tất, cả ba con bằng một tấm chăn, cả bốn con bằng một khẩu súng, cả năm con bằng một con ngựa; hai răng nai sừng tấm bằng một con ngựa con, và tám con ngựa con bằng một người vợ.” Hầu như không có thứ gì chưa từng được một số người sử dụng làm tiền vào một thời điểm nào đó: đậu, lưỡi câu, vỏ sò, ngọc trai, hạt cườm , hạt ca cao , trà, hạt tiêu , cuối cùng là cừu, lợn, bò và nô lệ. Gia súc là một tiêu chuẩn giá trị thuận tiện và là phương tiện trao đổi giữa những người thợ săn và người chăn gia súc; chúng mang lại lợi ích thông qua việc nhân giống, và chúng dễ mang theo, vì chúng tự biết đi lại. Ngay cả trong thời của Homer, con người và đồ vật được định giá theo gia súc: áo giáp của Diomedes có giá trị bằng chín con gia súc, một nô lệ khéo léo có giá trị bằng bốn con. Người La Mã sử dụng những từ tương tự—pecus và pecunia—để chỉ gia súc và tiền bạc, và đặt hình ảnh một con bò trên những đồng tiền đầu tiên của họ. Các từ của chúng ta capital (vốn, tư bản) , chattel (động sản) và cattle (gia súc) có nguồn gốc từ tiếng Pháp đến tiếng Latin capitale, có nghĩa là tài sản: và từ này lại bắt nguồn từ caput, có nghĩa là đầu gia súc. Khi kim loại được khai thác, chúng dần thay thế các mặt hàng khác làm tiêu chuẩn giá trị; đồng, đồng thau, sắt, và sau cùng là bạc và vàng—vì chúng đại diện thuận tiện cho giá trị lớn trong khi có kích thước và trọng lượng nhỏ—đã trở thành tiền tệ của nhân loại. Sự tiến bộ từ hàng hóa tượng trưng sang tiền tệ kim loại dường như không phải do con người nguyên thủy tạo ra; các nền văn minh trong lịch sử đã phát minh ra tiền xu và tín dụng, và do đó, bằng cách tạo điều kiện thuận lợi hơn cho việc trao đổi thặng dư, để tăng thêm sự giàu có và tiện nghi cho con người.”

III. Tổ chức kinh tế

Chủ nghĩa cộng sản nguyên thủy—Nguyên nhân nó biến mất—Nguồn gốc của chế độ tư hữu—Chế độ nô lệ—Các giai cấp

Thương mại là tác nhân gây xáo trộn đáng kể trong thế giới nguyên thủy, vì chỉ từ khi nó xuất hiện, cùng theo tiền bạc và lợi nhuận, thì trước đó không có (sơ hữu) tài sản, và do đó có rất ít sự cai trị. Trong giai đoạn đầu của sự phát triển kinh tế, tài sản chủ yếu giới hạn ở những thứ được sử dụng cá nhân; ý thức về tài sản được áp dụng mạnh mẽ đối với những đồ vật như vậy đến nỗi chúng (kể cả người vợ) thường được chôn cùng với chủ sở hữu; nhưng nó được áp dụng yếu ớt đối với những thứ không được sử dụng cá nhân đến nỗi trong trường hợp này , ý thức về tài sản—vốn không phải là bẩm sinh—đòi hỏi phải được củng cố và thấm nhuần liên tục.

Hầu khắp mọi nơi, giữa những dân tộc nguyên thủy, đất đai thuộc sở hữu của cộng đồng. Người da đỏ ở Bắc Mĩ, người bản địa Peru, các bộ lạc trên đồi Chittagong của Ấn Độ, người Bornean và người dân đảo Nam Thái Bình Dương dường như đã sở hữu và canh tác đất đai chung, và cùng nhau chia sẻ hoa lợi. “Đất đai”, người da đỏ Omaha nói, “giống như nước và gió—là những thứ không thể bán được”. Ở Samoa, ý tưởng bán đất đai không hề được biết trước khi người da trắng đến. Giáo sư Rivers đã tìm thấy chủ nghĩa cộng sản đối với đất đai vẫn còn tồn tại ở Melanesia và Polynesia; và ở nội Liberia, ngày nay người ta còn có thể quan sát thấy điều đó.

Chỉ có chủ nghĩa cộng sản đối với thực phẩm ít phổ biến hơn. Điều thường xảy ra trong xã hội “những kẻ man rợ”: người có thức ăn chia sẻ với người không có, lữ khách được cho ăn tại bất kỳ ngôi nhà nào họ chọn dừng chân trên đường đi, những cộng đồng bị hạn hán quấy nhiễu được hàng xóm của họ hỗ trợ”. Nếu một người ngồi xuống ăn bữa ăn của mình trong rừng, anh ta thường sẽ gọi lớn để ai đó đến ăn cùng trước khi anh ta có thể yên tâm ăn một mình. Khi Turner kể cho một người Samoa về những người nghèo ở London, “kẻ man rợ” đã hỏi trong sự ngạc nhiên: “Thế à? Không có thức ăn? Không có bạn bè? Không có nhà để ở ? Anh ta lớn lên ở đâu ? Bạn anh ta không có nhà sao?” Người da đỏ khi đói chỉ cần xin để có thể nhận được thực phẩm; bất kể nguồn cung nhỏ đến đâu, anh ta vẫn được cung cấp thức ăn nếu anh ta cần; “không ai có thể thiếu thốn khi vẫn còn thức ăn ở đâu đó trong thị trấn.” Trong số những người Hottentot, người có nhiều hơn những người khác có phong tục chia sẻ phần thặng dư của mình cho đến khi tất cả đều bằng nhau. Những du khách da trắng ở Châu Phi trước khi nền văn minh xuất hiện đã lưu ý rằng, một món quà là thức ăn hay những đồ vật có giá trị khác dành cho một “người da đen” sẽ được phân phối ngay lập tức; vì vậy, khi một bộ quần áo được trao cho một trong số họ, người tặng quà sẽ sớm thấy người nhận đội mũ, một người bạn mặc quần dài, một người bạn khác mặc áo khoác. Thợ săn Eskimo không có quyền cá nhân đối với chiến lợi phẩm của mình; nó phải được chia cho cư dân trong làng, và các công cụ và đồ dùng là tài sản chung của tất cả mọi người. Người da đỏ Bắc Mĩ được Đại úy Carver mô tả là “những người xa lạ với mọi sự phân biệt về tài sản, ngoại trừ các vật dụng gia đình... Họ cực kỳ hào phóng với nhau, và bù đắp những thiếu hụt của bạn bè bằng bất kỳ thứ gì thừa thãi của họ.” “Điều cực kỳ đáng ngạc nhiên," một nhà truyền giáo kể lại, “là thấy họ đối xử với nhau bằng sự dịu dàng và chu đáo mà người ta không tìm thấy ở những người dân thường ở các quốc gia văn minh nhất. Điều này, chắc chắn xuất phát từ thực tế là các từ “của tôi” và “của anh”, mà Thánh Chrysostom nói rằng chúng đã dập tắt ngọn lửa từ thiện trong trái tim chúng ta và thắp lên ngọn lửa tham lam, những điều mà những kẻ man rợ này không hề biết đến.” “Tôi đã thấy họ,” một người quan sát khác nói, “chia thịt thú săn cho nhau trong khi đôi lúc họ phải chia thành nhiều phần; và không thể nhớ lại một trường hợp nào họ rơi vào tranh chấp khi phân chia sai lệch hay bị chê trách. Họ thà nằm dài với chiếc bụng đói còn hơn bị buộc tội là đã không đáp ứng nhu cầu của những người thiếu thốn... Họ coi mình là một gia đình lớn.”

Tại sao chủ nghĩa cộng sản nguyên thủy này lại biến mất khi con người vươn lên đến cái mà chúng ta, với một chút thiên vị, gọi là nền văn minh? Sumner tin rằng chủ nghĩa cộng sản đã được chứng minh là phi sinh học, một trở ngại trong cuộc đấu tranh sinh tồn; rằng nó không đủ kích thích cho sự sáng tạo, cần cù và tiết kiệm; và rằng việc không khen thưởng những người có năng lực hơn và trừng phạt những người kém năng lực hơn đã dẫn đến sự cân bằng năng lực, gây bất lợi cho sự tăng trưởng hoặc cạnh tranh thành công với các nhóm khác. Loskiel đã báo cáo rằng một số bộ lạc người da đỏ ở đông bắc quá lười biếng đến nỗi họ không trồng gì cả mà hoàn toàn dựa vào kỳ vọng rằng những người khác sẽ không từ chối chia sẻ sản phẩm của họ với họ.

Vì những người chăm chỉ không được hưởng nhiều hơn thành quả lao động của họ so với những người lười biếng, nên họ trồng ít hơn mỗi năm. Darwin nghĩ rằng sự bình đẳng hoàn hảo giữa những người Fuegian là tai họa cho bất kỳ hy vọng nào về việc họ trở nên văn minh; hoặc, như những người Fuegian có thể đã nói, nền văn minh sẽ là tai họa cho sự bình đẳng của họ. Chủ nghĩa cộng sản mang lại sự an toàn nhất định cho tất cả những ai sống sót sau các bệnh tật và tai nạn do sự nghèo đói và sự thiếu hiểu biết của xã hội nguyên thủy; nhưng nó không đưa họ ra khỏi sự nghèo đói đó. Chủ nghĩa cá nhân mang lại sự giàu có, nhưng nó cũng mang lại sự bất an và chế độ nô lệ; nó kích thích sức mạnh tiềm ẩn của những người đàn ông ưu tú, nhưng nó làm tăng cường sự cạnh tranh của cuộc sống và khiến con người cảm thấy cay đắng về một sự nghèo đói, khi tất cả mọi người đều chia sẻ nó như nhau, dường như không áp bức ai...3

Chủ nghĩa cộng sản có thể tồn tại dễ dàng hơn trong các xã hội mà con người luôn di chuyển, với nguy hiểm và thiếu thốn luôn hiện hữu. Những người đi săn và chăn thả gia súc không cần sở hữu tư nhân về đất đai; nhưng khi nông nghiệp biến thành cuộc sống định cư, người ta sớm nhận ra rằng đất đai được canh tác màu mỡ nhất khi phần thưởng từ việc canh tác chu đáo thuộc về gia đình đã lao động để tạo ra nó. Từ đó, vì có sự chọn lọc tự nhiên của các thể chế và ý tưởng cũng như của các tổ chức và nhóm, nên quá trình chuyển đổi từ săn bắn sang nông nghiệp đã mang lại sự thay đổi từ sở hữu bộ lạc sang sở hữu gia đình; đơn vị sản xuất kinh tế nhất đã trở thành đơn vị sở hữu. Khi gia đình ngày càng mang hình thức gia trưởng, với quyền lực tập trung vào người đàn ông lớn tuổi nhất, tài sản ngày càng trở nên cá nhân hóa, và di sản cá nhân phát sinh. Thường thì một cá nhân năng động sẽ rời khỏi nơi trú ẩn của gia đình, phiêu lưu vượt ra ngoài ranh giới truyền thống và bằng lao động chăm chỉ để đòi lại đất từ rừng rậm, rừng nhiệt đới hay đầm lầy; đất đai ấy anh ta bằng tính đố kị đã bảo vệ như của riêng mình, và cuối cùng được xã hội công nhận quyền sở hữu, và một hình thức sở hữu cá nhân khác bắt đầu... Khi áp lực dân số tăng lên và đất đai cũ cạn kiệt, những sự khai hoang như vậy diễn ra theo một vòng tròn mở rộng, cho đến khi, trong các xã hội phức tạp hơn, quyền sở hữu cá nhân trở thành trật tự xã hội. Sự phát minh ra tiền đã kết hợp với các yếu tố này bằng cách tạo điều kiện thuận lợi cho việc tích lũy, vận chuyển và chuyển giao tài sản. Các quyền và truyền thống bộ lạc cũ đã được tái khẳng định trong quyền sở hữu theo luật đối với đất đai của cộng đồng làng hay của nhà vua, và trong việc phân phối lại đất đai theo định kỳ; nhưng sau một thời kỳ dao động giữa cái cũ và cái mới, chế độ tư hữu đã khẳng định vai trò chắc chắn trong thể chế kinh tế cơ bản của xã hội lịch sử.

Nông nghiệp, trong khi tạo ra nền văn minh, không chỉ dẫn đến sở hữu tư nhân mà còn dẫn đến chế độ nô lệ. Trong các cộng đồng chỉ săn bắn, chế độ nô lệ chưa từng xuất hiện; vợ và con của thợ săn đủ để làm công việc chân tay. Những người đàn ông luân phiên giữa hoạt động săn bắn hay chiến tranh đầy phấn khích, và sự mệt mỏi kiệt sức của sự no đủ hay hòa bình. Sự lười biếng đặc trưng của những người nguyên thủy có nguồn gốc, có lẽ, trong thói quen phục hồi chậm chạp sau sự mệt mỏi của trận chiến hoặc cuộc săn đuổi; đó không phải là sự lười biếng mà là sự nghỉ ngơi. Để biến hoạt động thất thường này thành công việc thường xuyên, cần có hai điều: thói quen cày cấy và tổ chức lao động.

Tổ chức như vậy vẫn còn lỏng lẻo và tự phát khi con người làm việc cho chính mình; khi họ làm việc cho người khác, việc tổ chức lao động phụ thuộc vào sức mạnh khi phân tích đến tận cùng. Sự phát triển của nông nghiệp và sự bất bình đẳng giữa con người đã dẫn đến việc những người mạnh trong xã hội sử dụng những người yếu thế trong xã hội; đến lúc này, người chiến thắng trong chiến tranh mới nhận ra rằng tù nhân tốt nhất là một người còn sống. Nạn tàn sát và ăn thịt người giảm đi, chế độ nô lệ gia tăng. Đó là một sự cải thiện lớn về mặt đạo đức khi con người ngừng giết hoặc ăn thịt đồng loại của mình, và chỉ biến họ thành nô lệ. Một sự phát triển tương tự ở quy mô lớn hơn có thể được thấy ngày nay, khi một quốc gia chiến thắng trong chiến tranh không còn tiêu diệt kẻ thù nữa, mà biến nước ấy thành nô lệ bằng tiền bồi thường. Một khi chế độ nô lệ đã được thiết lập và chứng tỏ phát sinh lợi nhuận, nó đã được mở rộng bằng cách kết án những người vỡ nợ và những tên tội phạm ngoan cố, và bằng các cuộc đột kích được thực hiện cụ thể để bắt nô lệ. Chiến tranh đã góp phần tạo ra chế độ nô lệ, và chế độ nô lệ đã góp phần tạo ra chiến tranh.

Có lẽ qua nhiều thế kỷ nô lệ, chủng tộc chúng ta đã có được truyền thống và thói quen lao động. Không ai sẽ làm bất kỳ công việc khó khăn hoặc dai dẳng nào nếu họ có thể tránh được việc bị trừng phạt về thể chất, kinh tế hãy xã hội. Nô lệ đã trở thành một phần của kỷ luật mà con người được chuẩn bị cho công nghiệp. Nó gián tiếp thúc đẩy nền văn minh, trong chừng mực nó làm tăng của cải và—đối với một nhóm thiểu số—tạo ra sự nhàn rỗi. Sau một vài thế kỷ, con người coi đó là điều hiển nhiên; Aristode lập luận rằng chế độ nô lệ là tự nhiên và không thể tránh khỏi, và Thánh Paul đã ban phước lành cho những gì vào thời của ông được xem là một thể chế do Chúa chỉ định. Dần dần, thông qua nông nghiệp và chế độ nô lệ, thông qua sự phân công lao động và sự đa dạng vốn có của con người, sự bình đẳng tương đối của xã hội tự nhiên đã bị thay thế bằng sự bất bình đẳng và phân chia giai cấp. “Trong nhóm nguyên thủy, chúng ta thấy theo quy luật không có sự phân biệt giữa nô lệ và tự do, không có chế độ nông nô, không có đẳng cấp, và thậm chí là không có sự phân biệt giữa thủ lĩnh và những người ủng hộ.” Dần dần, sự phức tạp ngày càng tăng của các công cụ và nghề đã khuất phục những người không có kỹ năng hoặc yếu đuối trước những người có kỹ năng hoặc mạnh mẽ; mỗi phát minh là một vũ khí mới trong tay những người mạnh mẽ, và tiếp tục củng cố họ trong việc làm chủ và sử dụng những người yếu đuối.2 Sự thừa kế đã thêm vào cơ hội vượt trội cho những tài sản vượt trội, và phân tầng các xã hội từng đồng nhất thành một mê cung của các giai cấp và đẳng cấp. Người giàu và người nghèo trở nên có ý thức phá vỡ sự giàu có và nghèo đói; chiến tranh giai cấp bắt đầu chạy như một sợi chỉ đỏ xuyên suốt toàn bộ lịch sử; và nhà nước xuất hiện như một công cụ không thể thiếu để điều chỉnh các giai cấp, bảo vệ tài sản, tiến hành chiến tranh và tổ chức hòa bình.


  1. Mặc dù có ví dụ điển hình gần đây trái ngược, nền văn minh thế giới sẽ được sử dụng trong tập này để chỉ tổ chức xã hội, trật tự đạo đức và hoạt động văn hóa; trong khi văn hóa sẽ có nghĩa là, theo ngữ cảnh, hoặc là thực hành các phong tục và nghệ thuật, hoặc là tổng thể các thể chế, phong tục và nghệ thuật của một dân tộc. Theo nghĩa sau , từ văn hóa sẽ được sử dụng để chỉ các xã hội nguyên thủy hoặc tiền sử. 

  2. Người da đỏ ở Mỹ, hài lòng với thiết bị này, không bao giờ sử dụng bánh xe. 

  3. Có lẽ một lý do tại sao chủ nghĩa cộng sản có xu hướng xuất hiện chủ yếu vào thời kỳ đầu của nền văn minh là vì nó phát triển mạnh mẽ nhất vào thời kỳ khan hiếm, khi mối nguy chung của nạn đói khiến cá nhân hòa nhập vào nhóm. Khi sự sung túc đến, và mối nguy hiểm lắng xuống, sự gắn kết xã hội giảm đi, và chủ nghĩa cá nhân tăng lên; chủ nghĩa cộng sản kết thúc ở nơi xa hoa bắt đầu. Khi cuộc sống của một xã hội trở nên phức tạp hơn, và sự phân công lao động khu biệt con người vào các nghề nghiệp và ngành mậu dịch khác nhau, thì tất cả các dịch vụ này sẽ ngày càng khó có giá trị như nhau đối với các nhóm. Một cách tất yếu, những người có nhiều khả năng hơn cho phép họ thực hiện các chức năng quan trọng hơn sẽ chiếm nhiều hơn phần chia của họ trong sự giàu có đang gia tăng trong nhóm. Mỗi nền văn minh đang phát triển đều là bối cảnh của sự bất bình đẳng gia tăng; sự khác biệt tự nhiên về năng khiếu của con người kết hợp với sự khác biệt về cơ hội để tạo ra sự khác biệt nhân tạo về của cải và quyền lực; và khi không có luật pháp hay kẻ chuyên chế nào ngăn chặn những bất bình đẳng nhân tạo này, cuối cùng chúng sẽ đạt đến điểm bùng nổ, nơi người nghèo không còn gì để mất vì bạo lực, và sự hỗn loạn của cuộc cách mạng lại đưa con người trở lại thành một cộng đồng bần cùng.

    Do đó, giấc mơ về chủ nghĩa cộng sản ẩn núp trong mọi xã hội hiện đại như một ký ức chủng tộc về một cuộc sống giản dị và bình đẳng hơn; và nơi bất bình đẳng hoặc bất an vượt quá sức chịu đựng, con người hoan nghênh sự trở lại của một điều kiện mà họ lý tưởng hóa bằng cách nhớ lại sự bình đẳng của nó và quên đi sự nghèo đói của nó. Định kỳ, đất đai được phân phối lại, dù có hợp pháp hay không, từ Gracchi ở Rome, Jacobins ở Pháp, cho đến những người Cộng sản ở Nga; của cải được phân phối lại theo chu kỳ, dù là bằng cách tịch thu tài sản một cách bạo lực, hay bằng cách đánh thuế thu nhập và di sản. Sau đó, cuộc đua giành của cải, hàng hóa và quyền lực lại bắt đầu, và kim tự tháp năng lực lại hình thành một lần nữa; bất kể luật nào được ban hành người có năng lực hơn vẫn xoay xở để có được đất đai màu mỡ hơn, nơi tốt hơn, phần lớn; chẳng mấy chốc, anh ta đủ mạnh để thống trị nhà nước và viết lại hoặc giải thích luật pháp; và theo thời gian, bất bình đẳng lại lớn như trước. Về mặt này, toàn bộ lịch sử kinh tế là nhịp đập chậm rãi của cơ thể xã hội, một tâm thu và tâm trương to lớn của sự giàu có tập trung tự nhiên và sự đổi mới bùng nổ tự nhiên.