Bỏ qua

Các Yếu Tố Tinh Thần Của Nền Văn Minh

civil-10

Phiến gốm của Hy Lạp thời kỳ Mycenae có niên đại từ 1300 đến 1250 TCN. Nguồn: malevus.com

I. Chữ viết

Ngôn ngữ—Nguồn gốc động vật của nó—Nguồn gốc từ loài người—Sự phát triển của nó—Hệ quả của nó—Giáo dục—Khởi nguyên—Chữ viết—Thơ ca

Ban đầu là ngôn từ (word), bởi nhờ nó con người trở thành con người. Nếu không có những âm thanh kỳ lạ gọi là danh từ chung (common nouns), tư duy sẽ bị giới hạn vào các đối tượng cá biệt hoặc trải nghiệm cảm tính—chủ yếu là hình ảnh được ghi nhớ hoặc tưởng tượng. Có lẽ tư duy không thể nghĩ về chủng loại tách biệt khỏi sự vật riêng lẻ, hay phẩm chất tách biệt khỏi vật thể, hoặc vật thể tách biệt khỏi phẩm chất của chúng. Không có từ ngữ làm tên gọi chung, người ta có thể nghĩ về người này, người kia, hoặc người nọ; nhưng không thể nghĩ về Con Người, bởi mắt ta không thấy Con Người mà chỉ thấy những cá nhân riêng lẻ, không thấy chủng loại mà chỉ thấy những thứ cụ thể. Buổi bình minh của nhân loại bắt đầu khi một vài kẻ dị biệt hay quái gở, nửa người nửa thú, ngồi xổm trong hang động hoặc trên cây, vắt óc phát minh ra danh từ chung đầu tiên—ký âm đầu tiên biểu đạt một nhóm vật thể tương đồng: “nhà” để chỉ mọi ngôi nhà, “người” để chỉ mọi con người, “ánh sáng” để chỉ mọi thứ ánh sáng chiếu rọi trên đất liền hay biển cả. Từ khoảnh khắc đó, sự phát triển trí tuệ của loài người mở ra một con đường mới vô tận. Bởi ngôn từ đối với tư duy cũng như công cụ đối với lao động; thành quả phụ thuộc phần lớn vào sự tiến hóa của công cụ.

Vì mọi nguồn gốc đều là phỏng đoán và ta không tranh cãi về nguồn gốc (de fontibus non disputandum—), trí tưởng tượng được tự do phác họa khởi nguyên của ngôn ngữ. Có lẽ hình thức đầu tiên của ngôn ngữ—được định nghĩa là giao tiếp thông qua các dấu hiệu (sign)—là tiếng gọi tình yêu giữa động vật với nhau. Theo nghĩa này, rừng rậm, cánh đồng và thảo nguyên tràn đầy tiếng nói. Tiếng kêu cảnh báo hoặc khiếp sợ, tiếng gọi đàn con của mẹ, tiếng ríu rít của hân hoan hay đê mê sinh sản, “nghị trường” râm ran từ cây này sang cây khác—tất cả cho thấy sự chuẩn bị kỹ lưỡng của giới động vật cho ngôn ngữ oai vệ của loài người. Một cô gái hoang dã được tìm thấy sống giữa động vật trong rừng gần Châlons, Pháp, chỉ phát ra những tiếng gào thét kinh dị. Đối với đôi tai quê mùa của chúng ta, những âm thanh “sống động” này của rừng già này dường như vô nghĩa. Chúng ta chẳng khác nào chú chó xù thích triết lý Riquet khi nhận xét về ông Bergeret: “Mọi âm thanh ta phát ra đều có ý nghĩa, còn lời chủ nhân toàn là vô nghĩa!” Whitman và Craig đã khám phá ra mối liên hệ kỳ lạ giữa hành động và tiếng kêu của bồ câu; Dupont phân biệt được 12 âm thanh đặc trưng ở gia cầm và chim bồ câu, 15 âm ở chó, 22 âm ở gia súc có sừng; Garner phát hiện rằng khỉ dùng ít nhất 20 âm thanh kết hợp cử chỉ để liên tục buôn chuyện. Từ những “từ vựng” khiêm tốn ấy, chỉ vài bước tiến hóa nữa đã đưa loài người đến 300 từ đủ dùng cho giao tiếp thô sơ.

Trong giai đoạn sơ khai, cử chỉ (gesture) đóng vai trò chủ đạo trong trao đổi tư tưởng, ngôn ngữ chỉ là thứ yếu; và khi lời nói bất lực, cử chỉ lại lên ngôi. Giữa các bộ lạc Bắc Mỹ bản địa đa phương ngữ, nhiều đôi vợ chồng khác tộc đã duy trì hôn nhân bằng cử chỉ thay vì lời nói; Lewis Morgan đã ghi nhận trường hợp một cặp đôi đã sử dụng kí hiệu câm trong ba năm. Trong một vài ngôn ngữ Da Đỏ, cử chỉ quan trọng đến mức người Arapaho, giống như một vài dân tộc hiện đại, hầu như không thể giao tiếp trong bóng tối. Có lẽ những từ ngữ đầu tiên của loài người là thán từ, sự biểu lộ cảm xúc như ở động vật. Tiếp theo là từ chỉ định đi kèm cử chỉ phương hướng, rồi đến âm thanh mô phỏng dần trở thành tên gọi cho sự vật hay hành động mà chúng bắt chước. Dù trải qua hàng ngàn năm biến đổi phức tạp, mọi ngôn ngữ vẫn lưu giữ hàng trăm từ tượng thanh: om sòm (roar), ào ạt (rush), rì rầm (murmur), run rẩy (tremor), khúc khích (giggle), rên rỉ (groan), rin rít (hiss), rền rĩ (heave), vo ve (hum), cục tác (cackle), v.v…1 Bộ lạc Tecuna (Brazil cổ) có động từ hoàn chỉnh cho hắt hơi: haitschu. Nhà ngôn ngữ Renan rút gọn tiếng Hebrew thành 500 ngữ căn. Học giả Skeat quy nạp gần như toàn bộ từ vựng châu Âu vào khoảng 400 ngữ căn2.

Ngôn ngữ của các dân tộc nguyên thủy không hẳn mang tính thô sơ xét về tính giản đơn. Nhiều ngôn ngữ có từ vựng và cấu trúc đơn giản, nhưng một số khác phức tạp và giàu từ vựng không thua kém ngôn ngữ hiện đại, thậm chí có tổ chức chặt chẽ hơn cả tiếng Trung. Tuy nhiên, gần như tất cả ngôn ngữ nguyên thủy đều giới hạn trong phạm vi giác quan và cụ thể, đều nghèo nàn [khi nói] về tổng quan và thiếu vắng những khái niệm trừu tượng. Ví dụ, thổ dân Úc có từ riêng cho đuôi chó và đuôi bò, nhưng không có từ chung chỉ “đuôi”. Người Tasmania đặt tên riêng cho từng loài cây cụ thể, nhưng không có từ “cây” nói chung. Bộ lạc Choctaw (Bắc Mỹ) phân biệt sồi đen, sồi trắng, sồi đỏ, nhưng không có từ chỉ “sồi”, chứ đừng nói đến “cây”. Phải mất hàng thế hệ, danh từ riêng mới phát triển thành danh từ chung. Ở nhiều bộ lạc không tồn tại từ chỉ màu sắc tách biệt khỏi vật thể mang màu. Không có từ chỉ các khái niệm trừu tượng như: âm sắc, giới tính, chủng loài, không gian, linh hồn, bản năng, lý tính, số lượng, hy vọng, sợ hãi, vật chất, ý thức, v.v… Những khái niệm trừu tượng này dường như phát triển tương hỗ của nguyên nhân và hệ quả với sự mở mang của tư duy, trở thành công cụ tinh tế và biểu tượng nền văn minh.

Từ ngữ, mang lại nhiều món quà cho con người, được coi như một ân huệ và một vật thiêng. Chúng trở vấn đề gắn liền với phương pháp ma thuật, càng vô nghĩa càng được tôn sùng; và chúng vẫn tiếp tục tồn tại như biểu tượng tâm linh: như quan niệm “Ngôi Lời trở thành Xác Phàm” (Word becomes Flesh) trong tôn giáo. Không chỉ thúc đẩy tư duy mạch lạc, từ ngữ còn kết dính xã hội; chúng gắn kết các thế hệ về mặt tinh thần bằng cách làm cầu nối truyền tải tri thức và nghệ thuật; chúng tạo ra một cơ quan giao tiếp mới, từ đó tín điều hay niềm tin đưa một dân tộc vào trong khuôn mẫu đồng đều, thuần nhất. Chúng mở rộng chân trời truyền bá và truyền tải tư tưởng, gia tăng tối đa nhịp độ, và khuếch trương cả phạm vi và nội dung của cuộc sống. Liệu có phát minh nào sánh được vẻ huy hoàng và sức mạnh của danh từ chung?

Bên cạnh việc sự mở rộng tư duy, giáo dục (education) chính là món quà vĩ đại nhất của tiếng nói. Văn minh là kho tàng và tích luỹ của nghệ thuật (arts) và trí tuệ (wisdom), của cư xử (manners) và đạo đức (morals)—từ đó cá nhân, trong quá trình phát triển của mình, rút ra bao nhiêu sự nuôi dưỡng cho đời sống tinh thần. Thiếu đi quá trình tái tiếp nhận có chu kỳ di sản đặc trưng cho chủng tộc qua mỗi thế hệ, nền văn minh sẽ lụi tàn trong chớp mắt. Sự sống còn của nó phụ thuộc vào giáo dục.

Giáo dục trong các dân tộc nguyên thủy không chú trọng hình thức cầu kỳ; đối với họ, giống như đối với động vật, giáo dục chủ yếu là truyền đạt kỹ năng và rèn luyện tính cách; nó là mối quan hệ bổ ích giữa kẻ tập sự và bậc thầy trong cách sống. Sự hướng dẫn trực tiếp này thúc đẩy quá trình trưởng thành nhanh chóng ở trẻ em nguyên thủy. Trong bộ lạc Omaha, cậu bé 10 tuổi đã thành thạo hầu hết kỹ năng của cha và sẵn sàng tự lập; trẻ em người Aleut (Bắc Mỹ) thường dựng nhà riêng, thậm chí lấy vợ từ năm 10 tuổi; trẻ em Nigeria từ 6 đến 8 tuổi rời nhà cha mẹ, xây lều, tự kiếm sống bằng săn bắn và đánh cá. Giai đoạn giáo dục thường kết thúc khi bước vào tuổi dậy thì; sự trưởng thành sớm này dẫn đến trì trệ sớm. Trong điều kiện này, một cậu bé 12 tuổi được coi là người lớn, và đã già ở tuổi 25 tuổi. Điều này không có nghĩa “kẻ man rợ” có tâm trí của một đứa trẻ, mà chỉ phản ánh rằng họ không có hay không cần có cơ hội của đứa trẻ hiện đại. Họ không tận hưởng tuổi thiếu niên kéo dài và được bảo vệ, vốn cho phép sự kế thừa di sản văn hóa và sự thích nghi với môi trường đa dạng và linh hoạt hơn đối với một môi trường nhân tạo và không ổn định.

Môi trường của con người nguyên thuỷ tương đối ổn định; nó không đòi hỏi sự linh hoạt trí tuệ mà cần đến sự can đảm và bản lĩnh. Người cha nguyên thủy đặt niềm tin vào bản lĩnh, giống như giáo dục hiện đại đã đặt niềm tin vào trí tuệ; ông quan tâm đến việc tạo ra không phải những học giả mà là những người đàn ông. Do đó, các nghi thức trưởng thành, thường đánh dấu sự trưởng thành của thanh niên và tư cách thành viên trong bộ tộc nơi các dân tộc nguyên thuỷ, được thiết kế để thử thách lòng dũng cảm thay vì tri thức; chức năng của chúng là chuẩn bị cho giới trẻ đối mặt với những khó khăn của chiến tranh và trách nhiệm của hôn nhân, cùng lúc đó thỏa mãn những người già với niềm vui khi gây ra nỗi đau. Một số bài kiểm tra trưởng thành này “quá khủng khiếp và quá kinh hãi để có thể được nhìn thấy hay kể lại.” Trong những người Kaffir (để lấy một ví dụ nhẹ nhàng), các chàng trai là ứng cử viên cho sự trưởng thành được giao những công việc vất vả ban ngày, và bị ngăn cản không được ngủ ban đêm, cho đến khi họ ngã quỵ vì kiệt sức; và để gia tăng mức độ của bài kiểm tra, họ bị đánh “thường xuyên và không thương tiếc cho đến khi máu bắn ra từ người họ”. Hậu quả là một tỷ lệ đáng kể các chàng trai đã chết; nhưng điều này dường như đã được nhìn nhận một cách triết lý bởi các bậc cao niên, có lẽ như một sự đề phòng bổ sung cho việc chọn lọc tự nhiên. Thông thường, các nghi lễ trưởng thành này đánh dấu sự kết thúc của tuổi vị thành niên và chuẩn bị cho hôn nhân; và cô dâu khăng khăng rằng chú rể phải chứng minh khả năng chịu đựng của mình. Ở nhiều bộ lạc của Congo, nghi thức trưởng thành xoay quanh việc cắt bao quy đầu; nếu thanh niên cảm thấy đau đớn hoặc la lên, thì người thân của anh ta sẽ bị đánh, và cô dâu được hứa hẹn, người đã quan sát kỹ lưỡng lễ nghi, sẽ từ chối anh ta một cách khinh miệt, với lý do rằng cô không muốn một cô gái làm chồng.

Chữ viết (writing) hầu như không có hay rất ít được sử dụng trong giáo dục nguyên thủy. Không có gì làm người nguyên thuỷ ngạc nhiên bằng khả năng của người châu Âu trong việc giao tiếp với nhau, qua những khoảng cách lớn, bằng cách tạo ra những dấu đen trên một tờ giấy. Nhiều bộ tộc đã học viết bằng cách bắt chước những kẻ thực dân văn minh của họ; nhưng một số bộ tộc, như ở Bắc Phi, vẫn không có chữ viết dù đã có năm ngàn năm tiếp xúc gián đoạn với các quốc gia biết chữ. Những bộ tộc chất phác sống chủ yếu tương đối biệt lập, và biết được hạnh phúc của việc không có lịch sử, cảm thấy ít cần chữ viết. Ký ức của họ càng mạnh mẽ hơn khi không có các trợ giúp bằng văn bản; họ học hỏi, ghi nhớ, và truyền lại cho con cái qua việc đọc thuộc lòng, những gì có vẻ cần thiết trong việc ghi chép lịch sử và truyền bá văn hóa. Có lẽ từ chính việc ghi lại những truyền thống và truyền thuyết truyền miệng như vậy, nền văn học đã bắt đầu. Chắc chắn rằng việc phát minh ra chữ viết đã gặp phải sự phản đối lâu dài và từ giới sùng đạo, như một điều gì đó được sắp đặt để làm suy yếu đạo đức và giống nòi. Một huyền thoại Ai Cập kể rằng khi thần Thoth tiết lộ phát hiện của mình về nghệ thuật viết cho vua Thamos, vị vua tốt bụng đã lên án nó như một kẻ thù của nền văn minh. “Trẻ em và thanh thiếu niên,” ông phản đối, “những người đã từng bị buộc phải chăm chỉ học tập và ghi nhớ tất những gì được dạy, sẽ ngừng cố gắng, và sẽ lơ là việc rèn luyện trí nhớ của mình.”

Tất nhiên, chúng ta chỉ có thể suy đoán về nguồn gốc của thứ đồ chơi kỳ diệu này. Có lẽ, như chúng ta sẽ thấy, nó là sản phẩm phụ của nghề gốm, và bắt đầu như những “nhãn hiệu thương mại” trên các đồ vật bằng đất sét. Có lẽ một hệ thống ký hiệu viết đã trở nên cần thiết do sự gia tăng thương mại giữa các bộ tộc, và những hình thức đầu tiên của nó là những hình ảnh thô sơ và thông thường về các đối tượng và tài khoản thương mại. Khi mậu dịch kết nối các bộ tộc có những ngôn ngữ khác nhau, một phương thức ghi chép và giao tiếp mà mọi người có thể hiểu nhau trở nên cần thiết. Có lẽ các con số là những ký hiệu viết sớm nhất, thường có hình dạng của các dấu gạch song song đại diện cho các ngón tay; chúng ta vẫn gọi là ngón tay khi nói về chúng như là các chữ số. Những từ như số 5, five (trong tiếng Anh), fünf (trong tiếng Đức) và pente (trong tiếng Hy Lạp) bắt nguồn từ cùng một gốc có nghĩa là bàn tay; cho nên, các số La Mã chỉ ngón tay, “V” đại diện cho một bàn tay mở rộng, và “X” chỉ đơn giản là hai kí tự “V” nối lại ở đầu nhọn của chúng. Chữ viết ở những ngày đầu—vẫn tương tự như vậy ngày nay ở Trung Quốc và Nhật Bản—là một hình thức vẽ, một nghệ thuật. Như cách con người đã dùng cử chỉ khi họ không thể sử dụng từ ngữ, họ đã dùng hình ảnh để truyền đạt suy nghĩ của mình qua thời gian và không gian; mỗi từ và mỗi chữ cái mà chúng ta biết từng là một hình ảnh, cũng giống như các nhãn hiệu thương mại và các ký hiệu hoàng đạo ** (zodiac) cho đến ngày nay. Những bức tranh nguyên thủy của người Trung Quốc trước khi có chữ viết được gọi là ku-wan—nghĩa đen là “tranh bằng cử chỉ”. Các cột totem là chữ viết bằng hình vẽ; như Mason đã đề xuất, chúng là bút tích của các bộ tộc. Một số bộ tộc sử dụng các que có khía để giúp ghi nhớ hoặc để truyền đạt một thông điệp; những người khác, như người da đỏ Algonquin, không chỉ khía trên que mà còn vẽ hình lên chúng, biến chúng thành những cột totem nhỏ; hay có lẽ những cột này chính là những que có khía ở quy mô vĩ đại. Người da đỏ Peru giữ các ghi chép phức tạp, cả về các con số và ý tưởng, bằng các nút và vòng được làm từ các sợi dây có màu sắc đa dạng; có lẽ về nguồn gốc của người da đỏ Nam Mỹ đã được làm sáng tỏ bởi thực tế là một phong tục tương tự tồn tại trong số người bản địa của quần đảo Đông Nam Á và Polynesia (một trong ba phần chính của Pacific Islands, bao gồm nhiều nhóm đảo ở miền trung và miền nam Thái Bình Dương, trong đó có Hawaii, Samoa và Cook Islands—ND). Lão Tử, kêu gọi người Trung Quốc trở về cuộc sống giản dị, đề nghị rằng họ nên quay trở lại việc sử dụng dây thắt nút từ thời nguyên thủy.

Các hình thức chữ viết tiến bộ hơn xuất hiện một cách rời rạc trong số những người nguyên thuỷ. Người ta đã tìm thấy các ký tự tượng hình trên Đảo Phục Sinh, ở Nam Thái Bình Dương; và trên một trong các đảo Caroline, người ta đã phát hiện một loại chữ viết gồm năm mươi mốt ký hiệu âm tiết, mô tả hình ảnh và ý tưởng. Truyền thuyết cho biết các thầy tu và trưởng làng của Đảo Phục Sinh đã cố gắng giữ cho riêng mình tất cả kiến thức về chữ viết như thế nào, và làm sao người dân tụ tập hàng năm để nghe đọc chữ trên các phiến đá; chữ viết hiển nhiên, ở giai đoạn đầu, là một thứ bí ẩn và thiêng liêng, một hieroglyph (ký tự tượng hình—ND) hay chạm khắc thần thánh. Chúng ta không thể chắc chắn rằng các chữ viết Polynesia không được bắt nguồn từ một số nền văn minh lịch sử. Nói chung, chữ viết là một dấu hiệu của nền văn minh, là một trong những điểm phân biệt ít nghi ngờ nhất giữa người văn minh và người nguyên thủy.

Văn học (literature) ban đầu là những từ ngữ hơn là chữ cái, bất chấp cái tên của nó (thuật ngữ này xuất phát từ tiếng Latin literatura/litteratura, có nghĩa là “học, viết, ngữ pháp”, bắt nguồn từ “dạng viết với kí tự” trong litera/littera, letterND ). Văn học xuất hiện dưới dạng các bài hát lễ giáo hay bùa chú ma thuật, thường được các thầy tu đọc và truyền miệng từ trí nhớ của người này sang người khác. Carmina, như được người La Mã gọi là thơ, có nghĩa bao gồm cả câu thơ và bùa chú; ode, trong tiếng Hy Lạp, ban đầu có nghĩa là một lời nguyền ma thuật; cũng trong như tiếng Anh là runelay, và trong tiếng Đức là Lied. Nhịp điệu và vần, có lẽ được gợi ý bởi nhịp điệu của tự nhiên và đời sống thể chất, dường như đã được các phù thủy hay pháp sư phát triển để bảo tồn, truyền đạt và tăng cường “những lời chú ma thuật trong lời thơ của họ”. Người Hy Lạp cho rằng những vần thơ sáu tiếng đầu tiên do các thầy tu Delphi sáng tạo ra, những người được tin là đã phát minh ra vần thơ để sử dụng trong các lời tiên tri. Dần dần, từ những nguồn gốc tôn giáo này, nhà thơ, nhà diễn giả và nhà sử học đã được phân biệt và thế tục hóa: nhà diễn giả là người tán dương chính thức của vua hay người cầu khẩn thần linh; nhà sử học là người ghi chép các hành động của hoàng gia; nhà thơ là người hát những bài hát linh thiêng thưở ban sơ, người đề xướng và bảo tồn những truyền thuyết anh hùng, và là nhạc sĩ đã đưa những câu chuyện của mình vào nhạc để giáo dục quần chúng và vua chúa. Người Fiji, người Tahiti và người New Caledonia có các diễn giả và người kể chuyện chính thức để phát biểu trong các dịp nghi lễ, đồng thời khích lệ các chiến binh của bộ tộc bằng cách kể lại chiến công của tổ tiên và ca ngợi những vinh quang vô song trong quá khứ dân tộc: những sử gia gần đây cũng đâu khác họ bao nhiêu! Người Somali có những thi sĩ chuyên nghiệp đi từ làng này sang làng khác ca hát các bài ca, giống như các nghệ sĩ hát rong thời trung cổ. Những bài thơ tình chỉ là ngoại lệ hiếm hoi; thường thương thơ đề cập đến anh hùng võ thuật, trận chiến, hay mối quan hệ cha mẹ–con cái. Đây là lời than khóc của người cha bị xa cách con gái bởi số phận chiến tranh, được ghi trên phiến đá Đảo Phục Sinh:

“Cánh buồm của con gái ta, Chưa từng bị kẻ ngoại tộc đánh gãy; Cánh buồm của con gái ta, Không khuất phục trước âm mưu Honiti! Bách chiến bách thắng, Nàng không thể bị dụ uống nước độc Trong ly bằng đá vỏ chai. Muộn phiền của ta sao có thể nguôi ngoai Khi đại dương mênh mông ngăn cách? Ơi con gái ta, hỡi con gái ta! Con đường thủy mênh mông Ta hướng mắt về chân trời, Con gái ta, ơi con gái ta!"

II. Khoa học

Nguồn gốc—Toán học—Thiên văn—Y học—Phẫu thuật

Theo nhận định của Herbert Spencer—chuyên gia bậc thầy về thu thập chứng cứ hậu nghiệm (post judicium)—khoa học (science), giống như văn tự, khởi nguồn từ các giáo sĩ, bắt nguồn từ các quan sát thiên văn để cai quản các lễ hội tôn giáo, và được lưu giữ trong đền thờ và truyền qua các thế hệ như di sản của giáo sĩ. Ta không thể khẳng định chắc chắn, vì những khởi nguyên này vẫn lẩn tránh ta mà chỉ có thể phỏng đoán. Có lẽ khoa học, như văn minh nói chung, bắt đầu từ nông nghiệp (agriculture); hình học (geometry), như tên gọi chỉ rõ, là phép đo đất đai; còn việc tính toán mùa màng và thời vụ—đòi hỏi quan sát các vì sao và xây dựng lịch—có thể đã sinh ra thiên văn học. Hàng hải (navigation) thúc đẩy thiên văn phát triển, thương mại phát triển toán học, còn các ngành thủ công nghiệp đặt nền móng cho vật lý (physics) và hóa học (chemistry).

Việc đếm có lẽ là một trong những hình thức sớm nhất của lời nói, và ở nhiều bộ tộc nó vẫn tồn tại dưới dạng đơn giản dễ chịu. Người Tasmania chỉ đếm đến 2: “Parmery, calabawa, cardia”—tức là “một, hai, nhiều”; người Guaranis ở Brazil tiến xa hơn và nói: “Một, hai, ba, bốn, vô số.” Người New Holland không có từ cho 3 hay 4; 3 họ gọi là “hai-một”; 4 là “hai-hai”. Thổ dân Damara không đổi hai con cừu lấy bốn cây gậy, nhưng sẵn lòng đổi hai lần liên tiếp, mỗi lần một con cừu đổi hai gậy. Cách đã đếm dựa vào ngón tay, từ đó hệ thống thập phân (decimal) ra đời. Có lẽ sau một thời gian, khi quan niệm số mười hai xuất hiện, con số này trở nên được ưa chuộng vì dễ dàng chia hết cho năm trong sáu chữ số đầu tiên; hệ thống thập nhị phân (duodecimal) hình thành và vẫn tồn tại dai dẳng trong hệ đo lường Anh ngày nay: mười hai tháng trong năm, mười hai xu một shilling, mười hai đơn vị thành một tá, mười hai tá thành một gross, mười hai inch bằng một foot. Ngược lại, số mười ba không chia hết [hay là một số nguyên tố], trở thành con số xui xẻo và bị ghét bỏ vĩnh viễn. Việc thêm ngón chân vào ngón tay tạo ra ý niệm về score (số hai mươi); cách dùng đơn vị này còn sót lại trong từ quatre-vingt (bốn lần hai mươi) trong tiếng Pháp chỉ số tám mươi. Những bộ phận cơ thể khác trở thành chuẩn đo lường: bàn tay chỉ “gang tay”, ngón cái (pouce) chỉ inch (trong tiếng Pháp hai từ này đồng nhất), khuỷu tay bằng một cubit, cánh tay bằng một ell, bàn chân bằng một foot. Người ta đã sớm dùng sỏi hỗ trợ đếm cùng ngón tay; sự tồn tại của abacus (bàn tính ) và từ calculus (nghĩa gốc là “viên sỏi nhỏ”) ẩn trong từ calculate (tính toán) cho thấy khoảng cách giữa con người nguyên thủy và hiện đại thật nhỏ bé. Thoreau khao khát sự giản đơn nguyên thủy này, và diễn đạt chính xác một tâm trạng phổ quát: “Một người lương thiện hầu như chẳng cần đếm quá mười ngón tay, trong trường hợp cực đoan có thể thêm ngón chân rồi gộp chung phần còn lại. Tôi cho rằng, hãy để công việc của ta trong vòng [số] hai hay ba, đừng đến trăm nghìn; thay vì triệu hãy đếm [tới] nửa tá, và ghi sổ sách trên móng tay cái.”

Việc đo thời gian qua chuyển động thiên thể có lẽ là khởi nguyên của thiên văn; từ measure (đo lường) cũng như từ month (tháng)—và có lẽ cả từ man (con người—kẻ đo lường)—đều bắt nguồn từ gốc từ chỉ mặt trăng. Loài người đo thời gian bằng tuần trăng từ lâu trước khi tính năm bằng mặt trời; mặt trời, như người cha, là phát hiện tương đối muộn màng; ngay cả Lễ Phục Sinh ngày nay vẫn được tính theo các pha của mặt trăng. Người Polynesia có một bộ lịch gồm mười ba tháng, điều chỉnh theo mặt trăng; khi năm âm lịch của họ lệch quá rõ rệt so với tuần tự các mùa, họ bỏ đi một tháng trăng để khôi phục cân bằng. Nhưng cách ứng dụng thiên văn tỉnh táo như thế là ngoại lệ. Chiêm tinh học (astrology) có trước—và có lẽ sẽ vẫn còn tồn tại [trong thời đại]—thiên văn học (astronomy); những tâm hồn giản đơn quan tâm đến việc tiên đoán tương lai hơn là xác định thời gian. Vô số mê tín nảy sinh xoay quanh ảnh hưởng của các vì sao lên tính cách và số phận con người, phần nhiều trong số đó vẫn tồn tại đến ngày nay3. Có lẽ chúng không phải mê tín, mà chỉ là một dạng sai lầm khác với khoa học.

Con người nguyên thủy không xây dựng vật lý học, mà chỉ thực hành nó; anh ta không thể tính toán quỹ đạo đạn bắn, nhưng ngắm bắn mũi tên rất giỏi; anh ta không có ký hiệu hóa học, nhưng chỉ thoáng nhìn đã phân biệt được cây độc và cây ăn được, và dùng thảo dược tinh vi để chữa bệnh trên thân thể. Có lẽ nên sử dụng [đại từ nhân xưng với] giống khác ở đây, vì những thầy thuốc đầu tiên chắc hẳn là phụ nữ—không chỉ vì họ là người chăm sóc tự nhiên cho nam giới, không chỉ vì họ khiến nghề hộ sinh (chứ không phải mại dâm) trở thành nghề lâu đời nhất, mà còn vì mối liên hệ mật thiết với đất đai giúp họ hiểu biết sâu sắc về thực vật, từ đó phát triển y thuật tách biệt khỏi trò phù phép của tầng lớp tư tế. Từ thuở sơ khai đến tận ngày nay trong ký ức chúng ta, chính phụ nữ là người chữa bệnh. Chỉ khi phụ nữ bất lực, người bệnh nguyên thủy mới tìm đến thầy thuốc và pháp sư (shaman).

Thật đáng kinh ngạc khi các thầy thuốc nguyên thủy đã chữa khỏi nhiều bệnh mặc dù lý thuyết về bệnh của họ [không chính xác]. Với họ, bệnh tật giống như việc thế lực ngoại lai hay linh hồn chiếm hữu cơ thể—quan niệm không khác biệt về bản chất so với thuyết vi trùng đang thống trị y học hiện đại. Phương pháp chữa trị phổ biến nhất là dùng câu thần chú để xoa dịu hoặc xua đuổi ác quỷ. Sự trường tồn của liệu pháp này được thấy qua câu chuyện đàn lợn Gadara (khi chúa Je-su đuổi các ác quỷ ra khỏi một người và nhập vào đàn lợn—ND). Ngay cả ngày nay (thời điểm viết sách—ND), nhiều người vẫn coi động kinh là bị quỷ ám; một số tôn giáo đương đại quy định nghi thức trừ tà để đẩy lùi bệnh tật, và hầu hết mọi người giờ đây vẫn coi cầu nguyện là phương thức hỗ trợ thuốc men. Có lẽ phương pháp nguyên thủy cũng dựa trên sức mạnh chữa lành của ám thị—như các liệu pháp hiện đại nhất. Những thủ thuật của các thầy thuốc sơ khai này kịch tính hơn nhiều so với hậu thế văn minh: họ cố gắng đuổi linh hồn ám ảnh bằng cách đeo mặt nạ đáng sợ, khoác da thú, la hét, điên loạn, vỗ tay, lắc xúc xắc và dùng ống rỗng hút quỷ ra ngoài. Như một ngạn ngữ cổ nói: “Tự nhiên điều trị bệnh còn phương thuốc giải trí cho bệnh nhân”. Người Bororos ở Brazil đã nâng khoa học này lên tầm cao mới khi để người cha uống thuốc thay cho đứa con ốm—kết quả hầu như lúc nào đứa trẻ cũng khỏi bệnh.

Bên cạnh thảo dược trị liệu, trong dược điển đồ sộ của người nguyên thủy còn có đủ loại thuốc an thần nhằm giảm đau hoặc hỗ trợ phẫu thuật. Chất độc như nhựa curare (thường dùng ở đầu mũi tên) và các dược chất như cần sa, thuốc phiện, bạch đàn đã xuất hiện từ thời tiền sử. Một trong những chất gây mê phổ biến nhất của chúng ta bắt nguồn từ việc người Peru dùng lá coca cho mục đích này. Cartier kể lại cách người Iroquois chữa bệnh scorbut (do thiếu vitamin C—ND) bằng vỏ và lá cây độc cần (hemlock). Kỹ thuật phẫu thuật nguyên thủy đã biết đến nhiều phương pháp và dụng cụ đa dạng. Việc đỡ đẻ được xử lý thành thạo; gãy xương và vết thương được băng bó khéo léo. Bằng dao từ đá vỏ chai (obsidian), đá lửa mài nhọn hoặc răng cá, họ trích máu, dẫn lưu ổ áp xe và rạch các mô. Kỹ thuật khoan sọ đã được thực hành từ người Indian Peru cổ đại cho đến người Melanesia hiện đại—với tỷ lệ thành công đạt thời sau này đạt 9/10 ca—trong khi vào năm 1786 ca mổ tương tự kiểu này luôn gây tử vong tại Bệnh viện Hotel-Dieu ở Paris.

Chúng ta mỉm cười trước sự dốt nát của người nguyên thủy trong khi vẫn nóng lòng tuân theo các liệu pháp đắt đỏ thời hiện đại. Như Bác sĩ Oliver Wendell Holmes đã từng viết sau cả đời hành nghề:

“Con người sẵn sàng làm mọi thứ, không từ bất cứ điều gì để hồi phục sức khỏe và cứu lấy mạng sống. Họ chấp nhận bị nhấn chìm trong nước, bị nghẹt thở bởi khí độc, bị chôn vùi tới cằm trong đất, bị nung bởi sắt nóng như nô lệ [chèo thuyền], bị cắt xẻo như cá tuyết, bị kim châm xuyên da thịt, bị lửa đốt trên da, phải nuốt đủ thứ kinh tởm—và trả tiền cho những thứ này như thể bị thui và bỏng là đặc quyền đắt giá, như thể giộp da là phúc lành và cho đỉa hút máu là xa xỉ phẩm.”


Tác giả: Will Durant, một nhà sử học, triết gia Hoa Kì, được biết đến rộng rãi bởi tác phẩm gồm 11 cuốn, Câu chuyện của nền văn minh (The Story of Civilization). Ông đấu tranh cho việc trả lương công bằng, quyền bầu cử của phụ nữ và các điều kiện làm việc tốt hơn cho người lao động Mỹ (theo Wiki). Ông đã tìm cách thống nhất và nhân bản hóa khối lượng kiến ​​thức lịch sử đồ sộ, vốn đã trở nên đồ sộ và bị phân mảnh thành các chuyên ngành bí truyền, và làm cho nó trở nên sống động để ứng dụng vào thời đại ngày nay. Nhờ thành công của mình, ông và vợ đã cùng được trao Giải thưởng Pulitzer cho tác phẩm phi hư cấu năm 1968 và Huân chương Tự do của Tổng thống năm 1977 (theo Will Durant Foundation)

Sự thành lập nền văn minh, Quyển 1: Di sản phương Đông của chúng ta, Câu chuyện của nền văn minh


  1. Những từ tượng thanh kiểu này vẫn là "cứu cánh" trong các tình huống khẩn cấp về ngôn ngữ. Điển hình như trường hợp một người Anh lần đầu dùng bữa ở Trung Quốc, muốn biết loại thịt mình đang ăn, đã trang trọng hỏi bằng tiếng kêu mô phỏng: "Quạc quạc?" (vịt). Người Trung Quốc lắc đầu, tươi cười đáp lại: "Gâu gâu!" (chó) 

  2. Ví dụ: từ divine (thần thánh) bắt nguồn từ Latin divus (thần), có gốc xa hơn từ deus, theos (Hy Lạp), deva (Sanskrit), đều mang nghĩa “thần”. Trong tiếng Di-gan (Gypsy), từ chỉ “thần” lại biến thể kỳ lạ thành devel. Theo lịch sử, ngữ căn Sanskrit vid (biết), [phát triển thành] oida (Hy Lạp), video (“thấy” trong tiếng Latin), voir (“thấy” trong tiếng Pháp), wissen (hiểu biết trong tiếng Đức), wit (trí tuệ trong tiếng Anh); kết hợp các hậu tố -tor (như author, praetor, rhetor), -ic, -al,-ly (= giống như). Tiếp nữa, ngữ căn Sanskrit ar (“cày”) phát triển thành: arare (cày trong tiếng La-tinh), orati (cày trong tiếng Nga), to ear the land (“cày xới đất”), arable (đất canh tác), art (nghệ thuật, nghĩa gốc là “kỹ năng”), oar (mái chèo—dụng cụ có hình dáng như lưỡi cày—, trong tiếng Anh) và thậm chí từ Aryan (người Ấn-Âu) có thể bắt nguồn từ ý niệm “người cày xới đất đai”. 

  3. Trích dẫn từ một quảng cáo trong chương trình của Toà thị chính (New York) ngày 5 tháng 3 năm 1934: “Đoán số tử vi (Horoscopes), từ nhà chiêm tinh ... đến những khách hàng cao quý và chuyên nghiệp nhất của New York. 10 Đô-la một giờ.”