Các Yếu Tố Tinh Thần Của Nền Văn Minh (tiếp theo)
Văn minh Lưỡng Hà, Bảo tàng Anh
III. Nghệ thuật
Ý nghĩa của cái đẹp—Về nghệ thuật—Cảm thức nguyên thuỷ về cái đẹp—Vẽ lên cơ thể—Mỹ phẩm—Xăm trổ—Rạch da—Trang phục—Trang sức—Đồ gốm—Hội hoạ—Điêu khắc—Kiến trúc—Khiêu vũ—Âm nhạc—Tổng kết về sự chuẩn bị nguyên thuỷ cho nền văn minh.
Qua năm mươi ngàn năm nghệ thuật, nhân loại vẫn tranh cãi về nguồn gốc khuynh hướng bẩm sinh và lịch sử của nó. Cái đẹp (beauty) là gì? Vì sao ta ngưỡng mộ nó? Tại sao ta muốn tạo ra nó? Vì không có chỗ cho sự đàm luận về tâm lí, ta tạm trả lời ngắn gọn và bấp bênh rằng: cái đẹp là bất kỳ phẩm chất nào khiến vật thể hay hình hài làm hài lòng người chiêm ngưỡng. Về bản chất và khởi nguyên, vật thể không đẹp vì tự thân nó mang vẻ đẹp, mà được gọi là đẹp bởi nó thỏa mãn con người. Bất cứ vật nào thoả mãn khao khát có lẽ đều được coi là đẹp— đối với kẻ đói, thức ăn thì đẹp trong khi tiếng Thái Lan thì không. Thứ làm hài lòng có thể chẳng giống như người ngắm nhìn: trong sâu thẳm, không hình hài nào sánh bằng chính ta, và nghệ thuật bắt đầu từ việc tô điểm cho cơ thể mình. Hoặc đối tượng ấy có thể là người tình được khao khát; và rồi cảm thức thẩm mỹ—cảm nhận về cái đẹp—hòa với sự mãnh liệt và óc sáng tạo về tình dục, phủ hào quang cái đẹp lên mọi thứ liên quan đến người yêu: tất cả hình dáng tương đồng, màu sắc điểm tô cho nàng, làm thoả mãn nàng hay gợi nhớ đến nàng, tất cả trang sức và áo quần đều trở thành nàng, tất cả hình dạng và chuyển động đều liên tưởng đến vẻ cân đối và duyên dáng của nàng. Cũng có thể hình dáng làm thoả mãn là một người đàn ông đáng khao khát; và từ cái thu hút khiến cái yếu đuối tôn thờ cái cường tráng, sinh ra cảm thức hùng vĩ—sự toại nguyện trước quyền năng—tạo nên những tác phẩm nghệ thuật vĩ đại nhất. Cuối cùng, thiên nhiên tự mình—với sự hợp tác của con người—cũng có thể trở nên vừa cao cả vừa xinh đẹp; vì nó không chỉ mô phỏng sự dịu dàng của phái nữ hay sức mạnh nam tính, mà còn là nơi ta phóng chiếu cảm xúc và số phận mình, tình yêu của ta dành cho người khác và cho chính bản thân—ở đó ta thích thú những ký ức tuổi trẻ, tận hưởng sự tĩnh lặng như lối thoát khỏi bão tố cuộc đời, cùng đồng hành qua các mùa gần như mang tính người: xuân xanh, hạ cháy, thu “trù phú ngọt ngào”, đông lạnh lẽo—và mơ hồ nhận ra nó như người mẹ ban cho ta sự sống rồi sẽ đón nhận ta trong cái chết.
Nghệ thuật (art) là sự sáng tạo cái đẹp. Nó là một cách biểu đạt tư tưởng hay cảm xúc thông qua hình thức có vẻ đẹp hay cao thượng, từ đó khơi dậy trong ta tiếng vọng của niềm hoan lạc nguyên sơ mà nữ dành cho nam, hay nam dành cho nữ. Tư tưởng ấy có thể là bất kỳ sự thấu hiểu nào về ý nghĩa cuộc sống, còn cảm xúc có thể xuất phát từ sự thức tỉnh hay giải phóng những căng thẳng trong đời sống. Hình thái [nghệ thuật] làm ta thoả mãn bằng nhịp điệu—dễ chịu như hơi thở luân phiên, như nhịp đập máu huyết, chu kỳ bất tận của mùa đông và mùa hạ, thủy triều lên và xuống, đêm và ngày. Hay nó cũng có thể làm ta say mê qua sự đối xứng—thứ nhịp điệu tĩnh tại phản ánh sức mạnh và nhắc nhở về tỷ lệ cân đối ở thực vật, động vật, hay hình hài nam giới và phụ nữ. Hay nó có thể làm ta vừa lòng bằng màu sắc, giúp tô điểm tâm hồn hay thổi bừng sức sống. Và cuối cùng hình thái [nghệ thuật] có thể làm ta vui thích trong khi sự chân thực—bởi nó mô phỏng tự nhiên hay thực tại một cách trong sáng và minh bạch bằng khả năng nắm bắt vẻ yêu kiều trần thế của động thực vật, và giữ nó đứng yên cho ta lai rai thưởng thức hay cho ta thong thả nắm bắt. Từ những nguồn mạch này, những thứ xa xỉ cao quý của nhân loại đã nảy sinh: ca múa (song and dance) và nhạc kịch (music and drama), làm gốm (pottery) và hội họa (painting), điêu khắc (sculpture) và kiến trúc (architecture), văn học (literature) và triết học (philosophy). Và triết học là gì nếu không phải là một thứ nghệ thuật—một nỗ lực nữa để phủ lên mớ hỗn độn của trải nghiệm cái “hình thái đầy ý nghĩa”.
Trong xã hội nguyên thủy, cảm thức về cái đẹp thường mờ nhạt bởi sự thỏa mãn tức của khao khát tình dục chẳng dành thời gian cho trí tưởng tượng thăng hoa vốn góp phần lớn tạo nên vẻ đẹp cho đối tượng. Người nguyên thủy ít khi chọn bạn đời theo tiêu chuẩn nhan sắc mà thiên về tính hữu ích, và chẳng bao giờ mơ mộng mà từ chối một người vợ với đôi tay mạnh khoẻ bởi vẻ xấu xí của cô. [Chẳng hạn] tù trưởng da đỏ khi được hỏi bà vợ nào của ông duyên dáng nhất, đã xin thứ lỗi vì chẳng bao giờ nghĩ đến vẫn đề này. “Mặt mũi có thể hơn kém nhau”, ông nói với với trí tuệ chín chắn của một [Benjamin] Franklin, “nhưng về các phương diện khác, đều giống nhau.” Nếu quan niệm thẩm mỹ tồn tại nơi người nguyên thuỷ, nó đôi khi vượt quá sự hiểu biết của ta vì quá khác biệt. “Tất cả các tộc người da đen mà tôi biết,” Reichard nói, “đều cho rằng người phụ nữ đẹp không có vòng eo bó, và thân hình từ nách đến hông có độ rộng bằng nhau—‘giống như cái thang,’ người da đen ở duyên hải nói vậy.” Đôi tai to như voi và chiếc bụng mỡ nhô ra trở thành nét quyến rũ nữ tính đối với một số đàn ông châu Phi; và trên khắp châu Phi, người phụ nữ có thân hình đẫy đà mới được xem là xinh đẹp nhất. Ở Nigeria, Mugo Park nói, “mập mạp và sắc đẹp dường như là những thuật ngữ gần như đồng nghĩa. Một phụ nữ dù chỉ có tham vọng vừa phải cũng phải là người không thể bước đi mà không có nô lệ đỡ dưới mỗi cánh tay; và một mỹ nhân hoàn hảo là gánh nặng cho một con lạc đà. Briffault nói, “Phần lớn người nguyên thủy đều ưa chuộng những đặc điểm mà chúng ta coi là kém hấp dẫn nhất ở phụ nữ—cụ thể là bộ ngực dài, chảy xệ.” Darwin nói, “Ai nấy đều biết với nhiều phụ nữ Hottentot, phần sau cơ thể nhô ra một cách kỳ lạ... Ngài Andrew Smith khẳng định đặc điểm này được đàn ông vô cùng ngưỡng mộ. Ông từng thấy một người được coi là mỹ nhân có phần mông phát triển đến mức khi ngồi trên mặt đất bằng, cô ta không thể tự đứng lên mà phải lết đến chỗ dốc mới nhấc mình được... Theo Burton, đàn ông Somali chọn vợ bằng cách xếp các cô gái thành hàng và chọn người có phần mông (a tergo, nguyên nghĩa Latin “phía sau”—ND) nhô ra xa nhất. Không gì ghê tởm hơn với người da đen bằng hình dáng trái ngược.”
Thực tế, rất có thể nam giới nguyên thủy đánh giá cái đẹp dựa trên tiêu chuẩn của chính họ hơn là phụ nữ; nghệ thuật khởi nguồn từ việc làm đẹp bản thân. Đàn ông nguyên thủy cũng phù hoa không kém gì nam giới hiện đại, điều này có vẻ khó tin với phụ nữ. Ở các dân tộc sơ khai, như trong thế giới động vật, đàn ông mới là giới đeo trang sức và chỉnh sửa cơ thể vì cái đẹp. Ở Úc, Bonwick nói: “Đồ trang sức hầu như được độc quyền bởi đàn ông”—hiện tượng tương tự xuất hiện ở Melanesia, New Guinea, New Caledonia, New Britain, New Hanover và các bộ lạc Da đỏ Bắc Mỹ. Ở vài tộc người, việc tô điểm cơ thể chiếm nhiều thời gian hơn bất kỳ công việc nào khác. Rõ ràng hình thức nghệ thuật đầu tiên là tô màu nhân tạo lên cơ thể—đôi khi để quyến rũ phụ nữ, đôi khi để dọa kẻ thù. Thổ dân Úc, giống các quý cô Hoa Kì hiện đại, [các anh] luôn mang theo sớn trắng, đỏ, vàng để thỉnh thoảng tút lại nhan sắc. Khi nguồn cung cạn kiệt, họ sẵn sàng thám hiểm nơi xa xôi và nguy hiểm để bổ sung. Vào ngày thường, họ hài lòng với vài đốm màu trên má, vai và ngực; nhưng dịp lễ hội, họ cảm thấy trần trụi đến mất mặt nếu không sơn kín toàn thân.
Một số bộ lạc dành độc quyền vẽ (paint) cơ thể cho đàn ông, số khác cấm phụ nữ đã có chồng tô cổ. Tuy nhiên, phụ nữ không lâu sau đã nắm bắt nghệ thuật cổ xưa nhất—trang điểm (cosmetics).Thuyền trưởng Cook khi lưu lại New Zealand nhận thấy thủy thủ trở về từ bờ biển có mũi đỏ hay vàng do nhân tạo; [chính là] lớp son của các nàng Helen bản địa đã dính vào họ. Phụ nữ Fellatah ở Trung Phi dành nhiều giờ mỗi ngày cho việc trang điểm: họ nhuộm ngón tay và ngón chân thành màu tím bằng cách bọc chúng trong lá cây lá móng (henna) suốt đêm; lần lượt nhuộm răng màu lam, vàng và tía; họ tô tóc bằng chàm, và kẻ mắt bằng sunfua antimon. Mỗi quý cô Bongo đều mang theo trong hộp trang điểm của mình nhíp nhổ lông mi và lông mày, kẹp tóc hình lưỡi dao, vòng và chuông, cúc và khóa cài.
Tâm hồn nguyên thủy, giống người Hy Lạp thời Pericles, bất mãn với tính phù du của hội họa nên phát minh ra thuật xăm mình (tattoo), rạch da (scarification) và áo quần như những vật trang điểm lâu bền hơn. Ở nhiều bộ lạc, cả phụ nữ lẫn đàn ông đều xỏ kim nhuộm màu, không hề nhăn mặt cả khi xăm môi. Tại Greenland, các bà mẹ xăm hình cho con gái từ sớm để chúng chóng có chồng. Tuy nhiên, thường thì xăm mình vẫn bị coi là thiếu nổi bật, nên nhiều bộ lạc khắp các châu lục tạo vết sẹo sâu trên da để tăng vẻ quyến rũ với đồng loại hoặc khiến kẻ thù nản lòng. Như Theophile Gautier nhận xét: “Không có quần áo để thêu thùa, họ thêu lên chính da thịt.” Đá lửa hay vỏ trai được dùng để rạch da, và một cục đất thường được đặt vào vết thương để làm phình sẹo. Người eo biển Torres mang những vết sẹo lớn như quân hàm; dân Abeokuta tự cắt để tạo hình sẹo giống thằn lằn, cá sấu hay rùa. Georg khẳng định: “Không bộ phận cơ thể nào thoát khỏi việc tô điểm, làm đẹp, biến dạng, sơn phết, tẩy trắng, xăm trổ, cải tạo, kéo dãn hay nắn bóp vì lòng tự phụ hay khát khao trang sức”. Người Botocudos lấy tên từ chiếc chốt (botoque) cắm vào môi dưới và tai lúc lên tám, liên tục thay bằng nút to hơn cho đến khi lỗ đạt đường kính 10 cm. Phụ nữ Hottentot luyện cho môi âm hộ (labia minora) dài dị thường, tạo ra “tạp dề Hottentot” được nam giới sùng bái. Khuyên tai và khuyên mũi là vật bắt buộc—thổ dân Gippsland tin rằng kẻ chết không đeo khuyên mũi sẽ chịu cực hình kinh hoàng ở kiếp sau. Quý bà thời nay chê bai những tập tục man rợ này trong khi xỏ lỗ tai đeo khuyên, tô son môi và má, nhổ lông mày, uốn mi, đánh phấn trên mặt, trên cổ và trên cánh tay, và bó chân lại. Thủy thủ xăm trổ tỏ vẻ thương cảm những “kẻ mọi rợ” anh ta từng gặp; sinh viên châu Úc kinh hãi trước việc cắt xẻo nguyên thuỷ trong khi khoe những vết sẹo danh dự của mình.
Trang phục (clothing) dường như ban đầu chỉ là hình thức trang sức, thứ yểm bùa và bài trừ dục vọng chứ không phải đồ chống lạnh hay xấu hổ. Cimbri có thói quen ở trần trượt tuyết. Khi Darwin thương cảm trước cảnh trần truồng của thổ dân Fuegia, ông tặng họ tấm vải đỏ để chống rét, nhưng người này xé vải thành từng mảnh để dùng làm đồ trang sức. Đúng như Cook từng nhận xét, họ “hài lòng với sự trần truồng, nhưng khát khao làm đẹp”. Tương tự, phụ nữ Orinoco cắt những tấm vải mà các Cha Dòng Tên tặng thành từng tấm; từ đó họ tạo thành dải ruy-băng và quàng chúng quanh cổ, khẳng định “mặc quần áo là điều đáng xấu hổ.” Một sử gia cổ mô tả người bản địa Brazil hầu thường xuyên trần truồng, và nói thêm “Giờ đây rõ ràng một số người đã mặc quần áo nhưng họ coi nhẹ chúng—họ mặc theo mốt hơn là vì đức hạnh, và chỉ vì bị bắt buộc phải mặc; ... [người ta] thường thấy một số người ra đường đôi khỉ chỉ khoác tấm vải che đến rốn, chẳng mặc thêm gì nữa hay đội mỗi một chiếc mũ trên đầu và để áo quần còn lại ở nhà”. Khi không còn là đồ trang trí thuần túy, trang phục một phần đánh dấu tình trạng hôn nhân của người vợ, một phần tôn lên hình dáng và vẻ đẹp của phụ nữ. Đòi hỏi của đại đa số phụ nữ nguyên thủy hoàn toàn tương tự như đòi hỏi của với phụ nữ hiện đương đại—trang phục không chỉ nên che kín cơ thể mà phải tôn vinh nét quyến rũ. Vạn vật đều thay đổi, trừ đàn ông và phụ nữ.
Từ thuở sơ khai, cả hai giới chuộng đồ trang sức hơn quần áo. Thương mại nguyên thủy hiếm giao dịch nhu yếu phẩm, mà xoay quanh đồ trang sức hay đồ chơi. Trang sức (jewelry) là một trong những yếu tố văn minh cổ nhất—các ngôi mộ 20.000 năm tuổi đã lộ diện vòng cổ làm bằng vỏ sò hay răng [thú]. Từ những khởi đầu giản dị, những điểm trang ấy sớm đạt đến những qui mô ấn tượng, và giữ một vai trò ngất ngưởng trong đời sống. Phụ nữ Galla đeo nhẫn nặng 2,7 cân (6 pounds); một số phụ nữ Dinka mang đồ trang sức nặng 25 cân. Một mỹ nhân châu Phi đeo vòng đồng— trở nên nóng dưới nắng—, phải thuê người che nắng hay quạt mát. Nữ hoàng Wabunias ở Congo đeo vòng cổ đồng thau nặng 9 cân (20 pounds); cô buộc phải nằm nghỉ liên tục. Những phụ nữ nghèo thật không may chỉ có đồ trang sức nhẹ, cẩn thận bắt chước từng bước các quý bà mang theo gánh nặng cao cả của trang sức phô trương.
Cội nguồn đầu tiên của nghệ thuật gần gũi với việc khoe màu sắc và bộ lông của con đực trong mùa giao phối; nó nảy sinh từ khát khao tô điểm và làm đẹp cơ thể. Và cũng như tình yêu bản thân và tình yêu đôi lứa trào dâng, tuôn trào tình cảm dư thừa ra tự nhiên, xung lực thẩm mỹ từ đó lan tỏa từ cá nhân ra thế giới bên ngoài. Tâm hồn tìm cách biểu đạt cảm xúc khách quan qua màu sắc và hình khối—nghệ thuật thực sự khởi phát khi con người đảm nhận việc làm đẹp cho sự vật. Có lẽ ngoại phương tiện ban sơ là đồ gốm (pottery). Bàn xoay gốm thuộc về nền văn minh lịch sử như chữ viết và nhà nước; nhưng ngay cả khi chưa có nó, người đàn ông nguyên thủy—hay đúng hơn là phụ nữ—đã nâng kỹ nghệ cổ xưa này lên tầm nghệ thuật; chỉ với đất sét, nước và đôi tay khéo léo, họ tạo ra những dạng thức đối xứng đáng kinh ngạc—minh chứng là đồ gốm được tạo hình bởi của người Baronga (Nam Phi) và dân Da đỏ Pueblo.
Khi nghệ nhân gốm phủ hoa văn màu lên bề mặt chai lọ họ nặn ra, họ đã sáng tạo hội họa (painting). Thời nguyên thủy, hội họa chưa phải là một nghệ thuật độc lập—nó tồn tại như phụ trợ cho gốm và tạc tượng. Người nguyên thủy chế màu từ đất sét, người Andaman tạo ra màu dầu bằng cách trộn đất son (orchre) với dầu hay mỡ. Những màu này được dùng để trang trí vũ khí, công cụ, bình, y phục, và công trình. Nhiều bộ lạc săn bắn ở châu Phi và Châu Đại Dương vẽ hình sinh động lên tường hang động hay tảng đá lân cận các hình vẽ sặc sỡ về các loài thú họ theo đuổi trong cuộc săn.
Điêu khắc (sculpture), giống như hội hoạ, có lẽ đã bắt nguồn từ đồ gốm: nghệ nhân gốm nhận ra mình không chỉ tạo vật dụng mà còn nặn hình tượng mô phỏng có thể phục vụ ma thuật bùa hộ mạng, và sau này tự thân nó trở thành tác phẩm nghệ thuật. Người Eskimo chạm khắc gạc tuần lộc và ngà hải mã thành tượng động vật và người. Người nguyên thủy còn tìm cách khắc hình lên lều, một dạng cột totem, hay lên mộ phần với một vài hình ảnh biểu thị vật tổ hay người đã khuất. Ban đầu người ta chỉ khắc khuôn mặt trên cột, rồi nguyên cả đầu, sau đó khắc cả cột. Và qua việc khắc dấu trên mộ phần mang tính hiếu đạo, điêu khắc đã trở thành nghệ thuật. Thổ dân đảo Phục Sinh xưa dựng tượng nguyên khối khổng lồ trên mộ; hàng chục pho tượng cao 6 mét (20 feet) đã được phát hiện ở đó; có một vài pho tượng đổ nát [được tìm thấy] ngày nay cao đến 18 mét (60 feet).
Còn kiến trúc (architecture) đã bắt đầu như thế nào? Ta khó có thể áp dụng thuật ngữ hoành tráng này cho việc xây dựng túp lều nguyên thủy, vì kiến trúc không đơn thuần là một công trình mà [phải] là công trình đẹp. Nó bắt đầu khi người đàn ông hay phụ nữ nào đó nghĩ đến cả vẻ ngoài lẫn công năng của nơi ở. Nỗ lực làm đẹp hay làm thăng hoa kiến trúc dường như trước hết hướng đến mộ phần sau đó mới đến nhà cửa; khi cột tưởng niệm phát triển thành tượng đài, ngôi mộ trở thành đền thờ. Vì trong tư duy nguyên thủy, người chết quan trọng và quyền năng hơn kẻ sống. Hơn nữa, người chết ở yên một chỗ, trong khi kẻ sống nay đây mai đó để có lí do xây nhà kiên cố.
Ngay từ thủa hồng hoang, và có lẽ rất lâu trước khi nghĩ đến điêu khắc hay xây mộ, con người đã tìm thấy lạc niềm vui trong nhịp điệu (rhythm), dần phát triển tiếng hú hét và líu lo, sự vênh váo và chải chuốt của động vật thành bài ca (song) và khiêu vũ (dance). Có lẽ cũng như động vật, họ hát trước khi biết nói, và nhảy múa từ thuở mới cất tiếng ca. Thực tế, không nghệ thuật nào đặc trưng và bộc lộ con người nguyên thủy bằng điệu múa. Họ phát triển nó từ sự giản dị sơ khai đến độ phức tạp vượt mọi nền văn minh, biến hóa thành muôn hình vạn trạng. Lễ hội lớn của các bộ lạc được tổ chức chủ yếu bằng điệu múa của tập thể và cá nhân; các cuộc chiến vĩ đại được khai mạc bằng bước diễu hành và thánh ca; nghi lễ tôn giáo lớn là sự hòa quyện của ca–vũ–kịch. Những gì ta coi là trò chơi ngày nay có lẽ là nghi thức nghiêm túc với người xưa: họ múa không chỉ để thể hiện bản thân, mà còn gửi thông điệp đến tự nhiên hay thần linh; ví dụ, việc kích thích sinh sản định kỳ được thực hiện chủ yếu qua thôi miên của vũ điệu. Spencer cho rằng khiêu vũ múa bắt nguồn từ nghi thức đón thủ lĩnh chiến thắng về nhà từ cuộc chiến; Freud xem nó là biểu hiện tự nhiên của khát khao dục tính và kỹ thuật kích thích ham muốn của tập thể. Nếu ai đó khẳng định, bằng [nhãn quan] hẹp hòi tương tự, rằng vũ điệu sinh ra từ nghi lễ thần thánh và trò diễn, và rồi hợp nhất ba lý thuyết trên, chúng ta giờ đây hẳn có thể hình dung rõ hơn nguồn gốc của khiêu vũ.
Từ khiêu vũ, ta có thể tin rằng kế đó nhạc cụ (instrumental music) và kịch nghệ (drama) đã phát sinh. Việc sáng tác nhạc xuất phát từ mong muốn đánh dấu nhịp vũ điệu bằng âm thanh, tăng cường sự phấn khích cần thiết cho lòng yêu nước hay việc sinh sản qua các nốt [cao] lanh lảnh và có tiết tấu. Nhạc cụ nguyên thủy hạn chế trong dải cao độ và thành tựu nhưng vô cùng đa dạng: tính khéo léo tự nhiên đã được khai thác cạn kiệt trong những chiếc sừng, kèn, cồng, chiêng, phách, lúc lắc, đập nhịp (castanets), sáo và trống được chế tác từ sừng, da, vỏ ốc, ngà, đồng thau, đồng đỏ, tre và gỗ; và tất cả được trang trí bằng màu sắc và chạm khắc tinh vi. Dây được căng trở thành tổ tiên của hàng trăm nhạc cụ từ đàn lia nguyên thủy đến vĩ cầm Stradivarius và dương cầm (pianoforte) hiện đại. Ca sĩ, cũng như nghệ sĩ múa chuyên nghiệp xuất hiện ra đời trong các bộ lạc; và các thang âm mơ hồ (chủ yếu giọng thứ) đã được phát triển.
Kết hợp ca–vũ–nhạc, “người man rợ” đã tạo ra kịch và opera cho nhân loại. Vũ điệu nguyên thủy thường tập trung vào mô phỏng; đơn giản nhất, nó bắt chước động tác của thú vật và người, và sau đó trình diễn bằng hành động và sự kiện mô phỏng đã ra đời. Ví dụ, bộ tộc Australia trình diễn điệu múa tình dục quanh hố được trang trí cây cỏ tượng trưng âm hộ, rồi sau cử chỉ đê mê và gợi tình, họ ném giáo tượng trưng vào hố. Các bộ lạc vùng tây bắc sống cùn g trên đảo trình diễn vở kịch về cái chết và sự phục sinh, chỉ khác với kịch bí ẩn thời trung cổ và khổ hình của chúa thời hiện đại ở mức độ giản đơn: những vũ công từ từ hạ mình xuống đất, giấu đầu dưới cành cây mang theo, giả chết; rồi thủ lĩnh ra hiệu, họ bỗng đứng phắt dậy trong điệp khúc và vũ điệp chiến thắng cuồng nhiệt báo tin linh hồn tái sinh. Hàng ngàn hình thức kịch câm (pantomime) tương tự đã mô tả sự kiện trọng đại trong lịch sử của bộ lạc, hay hành động hệ trọng trong cuộc đời cá nhân. Khi nhịp điệu biến mất khỏi những màn trình diễn này, vũ điệu chuyển hóa thành kịch nghệ, và một trong những hình thức nghệ thuật vĩ đại nhất ra đời.
Theo cách này, những người tiền văn minh đã tạo ra các hình thái và cơ sở của nền văn minh. Nhìn lại khảo sát vắn tắt này về văn hóa nguyên thủy, ta thấy mọi yếu tố của nền văn minh trừ chữ viết và nhà nước đã hiện diện. Tất cả phương thức kinh tế đều đã được phát minh: săn bắn và đánh cá, chăn nuôi và cày cấy, vận tải và xây dựng, công thương và tài chính. Tất cả các cơ cấu chính trị sơ khai đã được chuẩn bị: thị tộc, gia đình, cộng đồng làng, bộ lạc; tự do và trật tự —hai cực đối nghịch mà ở đó nền văn minh xoay vần theo—tìm thấy sự điều chỉnh và hoà thuận đầu tiên; luật pháp và công lý bắt đầu. Nguyên tắc đạo đức căn bản được thiết lập: giáo dục trẻ em, điều tiết quan hệ giới tính, vun đắp danh dự và lễ nghi, cách cư xử và lòng trung thành. Các cơ sở cho tôn giáo được hình thành, dùng hy vọng và nỗi sợ cổ vũ đạo đức và củng cố tập thể. Lời nói được phát triển thành ngôn ngữ phức tạp; y học và phẫu thuật xuất hiện; và sự khoa học, văn học, nghệ thuật đã bắt đầu manh nha. Về tổng thể, đây là một bức tranh về sức sáng tạo kinh ngạc, về các hình thái nảy sinh từ hỗn mang, về các con đường lần lượt được mở ra từ thú tính đến trí tuệ. Không có những “người man rợ” này cùng hàng trăm ngàn năm thử nghiệm và mò mẫm, văn minh không thể tồn tại. Ta thừa hưởng gần như mọi thứ từ họ—như một thanh niên may mắn hay cũng có thể suy đồi thừa kế những phương tiện của văn hóa, an ninh, tiện nghi qua mồ hôi tổ tiên thất học.
Tác giả: Will Durant, một nhà sử học, triết gia Hoa Kì, được biết đến rộng rãi bởi tác phẩm gồm 11 cuốn, Câu chuyện của nền văn minh (The Story of Civilization). Ông đấu tranh cho việc trả lương công bằng, quyền bầu cử của phụ nữ và các điều kiện làm việc tốt hơn cho người lao động Mỹ (theo Wiki). Ông đã tìm cách thống nhất và nhân bản hóa khối lượng kiến thức lịch sử đồ sộ, vốn đã trở nên đồ sộ và bị phân mảnh thành các chuyên ngành bí truyền, và làm cho nó trở nên sống động để ứng dụng vào thời đại ngày nay. Nhờ thành công của mình, ông và vợ đã cùng được trao Giải thưởng Pulitzer cho tác phẩm phi hư cấu năm 1968 và Huân chương Tự do của Tổng thống năm 1977 (theo Will Durant Foundation)
Sự thành lập nền văn minh, Quyển 1: Di sản phương Đông của chúng ta, Câu chuyện của nền văn minh