Bỏ qua

Một quan niệm tổng quát về Đạo Phật

Nếu hạnh phúc chỉ là cuộc say sưa kéo dài trong một đời sống, chỉ là một lý tưởng đủ sức hấp dẫn để nắm hết thảy ý nghĩa, lời nói và việc làm của chúng ta cùng chảy một chiều... thì nào chúng ta hãy chọn một lý tưởng cao quí nhất để phụng sự.

Mục đích của đời người: Giải quyết vấn đề sống

Chúng ta cũng phải sợ một cuộc say sưa nửa chừng báo trước một tỉnh giấc bần thần và chán nản, vì hạnh phúc nhất thời ấy chỉ là đau khổ trá hình mà thôi. Đâu là những kẻ tưởng có thể say sưa với lạc thú suốt đời, vì tự cho rằng có đủ tiền tài và danh vọng để mua hết thảy sự kích thích luôn đổi mới.

Nhưng họ không đáng thương hại bằng một hạng người khác mà cả đời chỉ sống là một cơn chết dở, một hạng người không bao giờ biết đặt câu hỏi: “Làm thế nào để đời sống của mình và mọi người tươi đẹp hơn lên”!

Trang Tử nói rằng: “Duy trùng năng trùng, duy trùng năng thiên”, nghĩa là chỉ có loài trùng mới an phận sống mãi mãi đời côn trùng. Đã là người, mà nhất là đã mang tiếng là thanh niên... với một thông minh và sức lực còn nguyên vẹn trong trắng, với cả một tương lai đầy hứa hẹn và còn dài, với tất cả sự mong mỏi của toàn xứ... chúng ta há lại chịu buông tay trôi theo dòng sống cũ kĩ và tầm thường hay sao. Ngoài giờ học ở nhà trường chúng ta nỡ nào đi tìm giải khuây trong ca lâu, trà điếm, hay những buổi chuyện trò vẩn vơ... để làm dơ bẩn một tâm hồn còn trong sạch, sáng suốt, lành mạnh,... và bỏ hoang những thời giờ vàng ngọc của một tuổi xanh mãnh liệt nhất, sung túc nhất.

Hãy xem dấu xe của quá khứ, hãy sống như mọi người chung quanh: câu nói mới tầm thường làm sao. Thái độ thụ động ấy là trẻ trung chăng? Hay đấy chỉ là phản ảnh của những linh hồn nghèo nàn và nô lệ.

Văn minh vật chất: Một cuộc thất bại trước vấn đề sống

Hãy ngó qua Tây phương để tìm một lời giải quyết. Văn minh vật chất bên trời Âu đã tiến đến cực điểm và bắt đầu trình bày hiện tượng suy đồi rõ rệt. Trận thế giới đại chiến ngày nay, phải chẳng là mũi dao cuối cùng để kết liễu một thời đại đang hấp hối. Nếu mục đích của đời người là hạnh phúc thì chúng tôi dám nói rằng, trước vấn đề nhân sinh, văn minh vật chất là một phá sản, một thất bại.

Một giáo sư trường Đại học Pháp, một hôm buồn rầu nói với chúng tôi rằng: “Trong khi người Tây phương đang quay mặt về Đông phương để tìm một nương tựa về tinh thần thì, ngao ngán thay. Các bạn Đông phương lại đổ xô về phía chúng tôi để học một văn minh sắp chết”.

Đã khi nào khoa học gạt được một giọt lệ của đáy lòng sâu kín! Đã khi nào khoa học dám nói vén bức bức màng bí mật của vũ trụ bao la! Ở hai phương diện lý trí và tình cảm, khoa học đã bắt đầu một cuộc thoái lui trật tự. Chúng tôi không chê trách khoa học, vì đấy là một phản ảnh của một nhu cầu hiểu biết rất thiết tha và ai cũng có sẵn và nhiều. Nhưng khoa học phải chịu một phần trách nhiệm của hết thảy cơn khủng khoảng trong thời cận đại về đủ mọi phương diện kinh tế, chính trị, tinh thần, tôn giáo và đạo đức.

Nhà triết học Bergson nói: “Hết thảy cơn khủng hoảng trong thời hiện tại, đều do tinh thần không đuổi kịp vật chất trên con đường tiến bộ nhân loại!” Vì đâu lại có sự mất thăng bằng giữa vật chất và tinh thần nếu khoa học Tây phương không nghiên tầm vật chất, chinh phục vật chất và lợi dụng vật chất.

Ngay từ một thời xưa, nhà triết học Anh Françis Bacon đã lo sợ và than phiền về thể tính xôn xao lay động của tâm hồn. Bacon muốn vén màn bí mật của thế giới bên trong, gieo ánh sáng và những uẩn khúc của tâm lý để cầu một sự thật tuyệt đối. Nhưng Bacon đã thất vọng, vì thấy thông minh của người chỉ là một sáng chập chờn ngắn ngủi, mà thế giới bên trong thì quá sâu kín u huyền. Vì thế Bacon tìm một trường nghiên cứu tỏ rõ và chắc chắn hơn ở những cảnh sắc thô thiển bên ngoài. Cả ba thế kỉ 17, 18 và 19 đều theo gót Françis Bacon, kiến thiết một văn minh vật chất cực kì lộng lẫy mà xưa kia họ tự hào, mà bây giờ họ chán nản.

Ngay trong mấy trang đầu quyển “L’homme, cet inconnu”, bác sĩ Alexis Carrel đã than thở rằng “Nếu các nhà bác học của thế kỷ trước chịu khó nghiên cứu tâm hồn người thì văn minh không có một cục diện khủng hoảng như ngày nay”.

Lời nói của Alexis Carrel có hai ý nghĩa: một mặt thì kết tội văn minh vật chất hiện thời, một mặt thì phô bày tất cả sự kém cỏi của tâm lý học Âu Mỹ. Một tâm lý học còn ở vào thời kỳ phôi thai. Chính Bacon trong quyển “Les deux sources de la Morale et de la Religion” đã không e thẹn mà công nhận như thế.

Triết lý Ấn Độ: một ánh sáng mới

Giữa thế kỉ thứ 19, nhiều sách vở về tâm lý học Phật giáo đã được phiên dịch qua tiếng Đức, tiếng Áo và Anh... Một vài pháp sư Ấn Độ và Trung Hoa, cũng nhận lời thỉnh cầu của Tây phương mà qua diễn thuyết ở những châu thành lớn như Berlin, Luân-đôn, Paris và New York... Chúng ta khó lòng tưởng tượng được ảnh hưởng không ngờ của những cuộc diễn thuyết ấy. Các vị Pháp sư Ấn Độ đã cảm hoá Tây phương không chỉ bằng lời nói mà bằng cả vầng ánh sáng tinh thần cao cả chung quanh mình họ. Bà vợ của một giáo sư Pháp nói với tôi rằng: “Chúng ta đã chấp tay trước ngực mà nghe Tagore”.

Ở Tây phương chưa bao giờ có những cuộc diễn thuyết mà thính giả ngồi chấp tay như nghe lời ban của một thiên thần nào. Và người ta giải tán một yên lặng, một yên lặng còn hùng hồn và thán phục gấp trăm nghìn lần những tràng pháo tay nhiệt liệt.

Các vị pháp sư ấy đã mở cho Tây phương thấy nhiều chân trời mới lạ và thiêng liêng của tâm hồn: hàng thượng lưu trí thức ở Âu, Mỹ đã bắt đầu nhàm chán văn minh máy móc, đời sống huyên náo của thế kỷ 20, và rất nhiều người đã lìa Tổ quốc, xa gia đình, bỏ một quá khứ vật chất lộng lẫy để qua bên Trung Hoa và Ấn để tìm một giải quyết an thoả cho vấn đề sống.

Lòng nhiệt thành của người Tây phương làm chúng ta phải thẹn thùng. Chúng ta, con cháu của Á Đông mà không biết chút gì về triết học Á Đông và buồn nhất là không mong cầu hiểu biết. Chúng ta đợi gì mà không sửa đổi thái độ kiêu hãnh thụ động ấy.

Hãy tìm xem trong giáo lý Lão-Trang Khổng-Mạnh và Phật-đà có những phương châm lợi lạc và cao quý gì cho cuộc sống...

Triết học Lão-Trang: một thú vui tao nhã

Lão-Trang với những bài ngụ ngôn dồi dào ý tứ, lời văn bóng bảy. Chúng tôi chỉ thấy đấy là món ăn tinh thần, đầy hương vị cho một số ít người thuộc về hàng thượng lưu trí thức mà thôi. Họ là những người ở trên cao, thấy rõ đời và bằng một nét chấm phác tuyệt diệu nhưng khó giải, vẽ ra những bức tranh đời linh động!

Để dạy đời chăng? Hay là để đáp lại một nhu cầu lông bông của tâm hồn chẳng? Chúng ta cũng không biết nữa! Ở sách vở họ, hầu hết mọi người chỉ thấy có mực đen và giấy trắng; còn một số ít khác mới tìm thấy một thú vui thanh quí về tinh thần! Trong tâm hồn của Á Đông họ đã khêu lên một tiếng vang tươi trong êm ả... Nhưng ngắn ngủi quá, nhỏ nhẹ quá, không đủ sức mạnh để dội rền vào hết thảy lớp sóng người của mọi bậc thang xã hội.

Giáo lý Khổng-Mạnh đã gần chúng ta hơn bằng những câu nói thiết thực và mặc dù giáo lý ấy đã thu hẹp đời sống của người trong khuôn khổ của một gia đình, một quốc gia, chúng ta có thể khen rằng, Khổng Mạnh đã xây lắp và duy trì một nền đạo đức khả quan mà toàn cõi Viễn Đông được thấm nhuần trong bao nhiêu thế hệ.

Giáo lý Khổng-Mạnh: một khuôn khổ hẹp hòi, nhưng vũng chãi

Lạc thiên, an phận”: Ngài Thái Hư pháp sư đã toát yếu Đạo Nho trong bốn chữ tuyệt diệu. Sống vui vẻ và nhịp nhàng với bản tính của trời phú cho: Khổng tử tưởng đã giải quyết vấn đề nhân sinh với phương châm giản dị ấy. Nhưng trời là gì? Bản tính của người như thế nào? Là thiện chăng? Là ác chăng? Hay là thiện ác xen lẫn? Chỉ có một câu hỏi ấy mà từ nời này qua đời kia, Mạnh Tử, Tuân Tử, Cao Tử, Dương Tử, v.v. đã bàn cãi rất nhiều, mà không ai đem lại một sự trả lời thoả mãn.

Nếu không định rõ bản tính của người như thế nào, thì làm sao sống nhịp nhàng với bản tính! Và câu “Suất tính chi vi đạo” của Trung Dung thật quá ư hồ đồ. Khổng giáo bất quá chỉ là một số nguyên tắc về luân lý, và những nguyên tắc ấy không có một giá trị vĩnh viễn và chỉ có thể chịu thực hành lợi lạc trong một hay vài thời đại và phương sở nào mà thôi.

Đạo Phật: đạo của hết thảy mọi người, trong hết thảy thời đại, dưới hết thảy mọi chân trời.

Với đạo Phật, chúng ta nghe một giọng chuông khác, tuy bao la và mới lạ, những thân mật thế nào... tợ hồ văng vẳng đưa ra tự đáy lòng người.

Nghe đạo Phật, người Tây phương bảo: “Đạo Phật sao mà Tây phương thế!” Đọc đạo Phật, người Á Đông bảo: “Đạo Phật sao mà Á Đông thế!” Nhưng sự thật, đạo Phật không riêng gì Á Đông hay Tây Phương mà của hết thảy mọi người, trong hết thảy mọi thời đại, dưới hết hày mọi chân trời. Đạo Phật khinh thường một sự thật lịch sử (vérité historique) vì sự thật ấy luôn luôn nhịp nhàng theo hoàn cảnh mà thay sắc đổi màu. Vén bức màn lay động của thời gian, đạo Phật muốn tìm ở sự thật tuyệt đối (vérité absolue) và đã tìm thấy.

Bậc vĩ nhân sáng lập ra Phật giáo là Phật-đà.

A. Phật

Tiếng Phạn là Bouddha, Trung Hoa dịch là Giác giả, nghĩa là một đấng đã hiểu biết hoàn toàn khắp cả và cứu cánh. Đứng về phương diện người mà nói thì Phật là đấng đã thành tựu một nhân cách tối cao sau khi thể nhập với toàn thể vũ trụ (s’identifier avec L’infini) và lấy toàn thể vũ trụ làm bản thể của mình. Vì thế chúng ta tin Phật và học Phật là để cầu đạt đến sự hiểu biết hoàn toàn như Phật, để cầu thành tựu một nhân cách tối cao như Phật. Phật không nói rằng: “Ta là Phật, bọn người phải tôn sùng ta, lễ bái ta”, Phật chỉ nói: “Ta là Phật đã thành, các ngươi là những vị Phật sẽ thành, hết thảy mọi loài miễn là có cảm giác hay biết điều sẽ thành Phật trong một mai sau”.

Vì chủ nghĩa như thế, đạo Phật là một đạo rất bình đẳng.

Phật là một đấng đã hiểu biết hoàn toàn khắp cả và cứu cánh.

B. Nguyên lý

Một đạo bình đẳng và thiết thực, vì không đạp vào lòng mê tín của người mà muốn mọi người y theo những phương pháp quan sát và tu hành của Phật đã dạy, để nhận biết bản tương chân thật của vũ trụ. Bản tướng chân thật ấy, đạo Phật gọi là “Pháp nhĩ như thị”, nghĩa là muôn vàn sự vật bản lai như vậy.

1. Trạng thái chuyển biết vô cùng của sự vật

Muôn vàn sự vật chung quanh ta bản lai vẫn trình bày một trạng thái biến chuyển vô cùng: nhỏ như hạt bụi, lớn như thế giới, có tình cảm như người vật, không tri giác như cây đá... bất cứ một sự vật nào có hình tướng, đều có chuyển biến, sinh diệt, không phút nào nghỉ dừng, tựa hồ như vâng theo một nguồn sinh mệnh nào bí huyền và vô tận.

Đời người: một nguồn sinh mệnh tràn đây thời gian vô tận và không gian vô biên.

Hãy đứng về phương diện người mà nói: Một đời người thu hẹp trong vài ba mươi năm, bất quá chỉ là một chấm con trong nguồn sinh mệnh về cùng tận kia. Đạo Phật dạy chúng ta thấy đời tràn đầy vô biên và vì thế cho đời một giá trị tuyệt đối, trong khi nhiều lý thuyết vẩn vơ, trái lại cho đời là không có ý nghĩa, không ý vị. Mà nếu như chỉ thấy đời người cực hạn trong năm, sáu mươi năm, thì những tư tưởng chán nản vô vị kia không phải là thiếu căn cứ, vì thế một ít người thượng lưu trí thức không ngại gì mà kết liễu cuộc đời, trong tự sát hay thi ca và rượu nồng. Một số đông người khác thấp kém và nông nổi hơn, thấy mục đích cuộc đời không ngoài đồng tiền, danh vọng, đàn bà, ăn ngon và ngủ sướng... cho nên họ dùng hết thảy tâm lực để mưu cầu những hạnh phúc đê tiện và giả dối ấy bằng nước mắt và đau khổ của đồng loại.

Nguồn gốc sâu xa của hết thảy chiến tranh thật do sự hiểu lầm về ý nghĩa và giá trị cuộc đời.

Một hạng người nữa, chỉ thấy một góc cỏn con của nguồn sinh mệnh vô tận kia, bèn đặt ngoài giới hạn của sự hiểu biết thông thường, một đấng Tạo hoá làm chủ tể và xuất sinh ra muôn loài. Đấng Tạo hoá ấy cũng là một sinh vật chăng? Nếu phải thì, ai sinh ra sinh vật ấy? Nếu không phải thì, đấng Tạo hoá không có tự thân; mà nếu không có tự thân thì làm thế nào tạo ra muôn loài.

Với một thiết tưởng (concept) nông nổi như thế, phái tôn giáo Thần quyền đã hạ thấp giá trị con người, đã che phủ bản tính sáng suốt con người đi.

Chúng ta nên hiểu rằng muôn vàn sự vật trong thế giới không cần một chủ tể nào tạo tác ra mà đều là những nguồn sinh mạng tràn đầy thời gian vô tận và không gian vô biên. Nếu chúng ta chân thành hiểu biết như thế, thì tâm hồn của chúng ta mới mở rộng ra... bao trùm cả vũ trụ mênh mông: mỗi một ý nghĩ lời nói và việc làm của chúng ta mới có một ý nghĩa cao quí vì đấy là những sợi chỉ dệt tương lai chúng ta có một cách bất tuyệt.

Không những Phật tử mới nên giữ một quan niệm về đời sống cao quí và bao la như thế, mà hết thảy mọi người muốn bảo tồn hay nâng cao nhân cách của mình, đều nên chia sẻ một quan niệm tương tự... Vì sao? Vì nếu sở kiến nông cạn thì những hành vi cũng tuỳ theo đó mà hẹp hòi, mà tương phản với bản thể vô biên của mỗi một người. Sách Nho có câu: “Thuận thiên giả tồn, nghịch thiên giả vong”, nghĩa là thuận theo lý trời thì sống, nghịch lý trời thì chết. Lý trời ấy tức là bản thể vô biên của người. Hiểu biết bản thể chân thật của mình: đấy là một vấn đề sống chết đối với chúng ta vậy.

2. Hết thảy sự vật đều do nhân duyên hoà hợp mà sinh

Muôn vàn sự vật không phải là những cá thể nhất định, riêng biệt, độc lập, mà là những “phần tử” của một khối “toàn thể”. Nhưng phần tử ấy có một tính xã hội triệt để. Sách Phật dùng một danh từ chuyên môn để chỉ tính xã hội ấy tức là tính “Nhân duyên sinh”. Muôn vàn sự vật đều do nhiều nhân duyên hoà hợp mà thành. Nhân là năng lực chủ yếu sinh ra sự vật, còn duyên là những năng lực phụ thuộc.

Vũ trụ: Một khối toàn thể và nhịp nhàng

Với lý nhân duyên sinh, đạo Phật đánh dấu vào sự tương quan mật thiết và sâu xa giữa hết thảy sự vật trong vũ trụ, và vì thế thấy vũ trụ là một khối duy nhất nhịp nhàng, chứ không phải là một trường tranh đấu và bóc lột mà người mạnh đè bẹp người yếu. Nếu Tây phương có cuồng vọng chinh phục vũ trụ bằng sức phá hoại của vật chất thì Á Đông mở rộng hai tay ôm cả vũ trụ vào lòng. Hai thái độ tương phản ấy đã được nói đến trong quyển “Apologie du Bouddhisme” mà tác giả Formenti là một người Ý.

Trạng thái của một xã hội tốt đẹp hay xấu xa, hoà bình hay hỗn loạn không phải là kết quả của tình cờ, mà do sự hoà hợp của rất nhiều nhân duyên, hoặc sâu kín hay thô thiển, hoặc chủ yếu hay phụ thuộc. Sở dĩ công cuộc bài trừ chiến tranh đã thất bại một cách đau đớn là vì người ta không để mắt vào những nhân duyên chủ yếu và sâu xa. Vì một suy xét thiển cận như vậy, người ta bắt buộc phải dùng những phương pháp tạm thời để kéo dài thời kỳ chờ đợi chiến tranh mà thôi, để tăng lòng lo sợ hãi hùng của nhân loại mà thôi.

Đạo Phật thì không thế. Đạo Phật thấy hiện tượng chiến tranh là một phản ảnh trung thành của nhân tâm. Nếu nhân tâm suy đồi, nặng trĩu những tham lam bạo ác, thì bầu không khí của xã hội sẽ nhịp nhàng theo mà thành khó thở, cho đến ngày tan vỡ ra những cuộc chiến tranh khốc liệt và “kinh niên”.

Vì thế công việc của mọi Phật tử, tuy có thể tiến hành trên khắp mọi phương diện như văn chương, chính trị, mỹ thuật, kinh tế,... nhưng chung qui phải xoay quanh một mục đích là nâng cao, nâng cao mãi nhân tâm của quần chúng lên. Bà Gina Lombroso trong quyển “La rançon du machinisme” đã vạch rõ trình độ thấp kém của nhân tâm và dân trí trong thời kỳ cận đại. Nhà văn hào Léon Tolsoi ví người Mỹ sống nhoi nhóc trong các toà nhà chọc trời ở Newyork những những đoàn thú vật. Xem thế thì trận “thế giới đại chiến” ngày nay không phải là ngẫu nhiên mà địa vị đặc biệt của xứ Đông Dương. Một bóng mát hoà bình giữa một thế giới loạn ly, một địa vị đặc biệt như thế cũng không phải là kết quả của một tình cờ vậy.

Chúng ta phải nhận rằng mỗi việc làm, mỗi lời nói cho đến mỗi ý nghĩ của chúng ta đều là những sức mạnh gieo vào bầu không khí của xã hội: hay nói đúng và văn vẻ hơn, là những màu sắc tô điểm cho một bức tranh xã hội chung. Nói bao quát lại, xã hội là một công cuộc mà chúng ta đang kiến thiết với tất cả những việc làm, lời nói và ý nghĩ chúng ta. Tôi muốn đánh dấu mạnh vào sự quan trọng của ý nghĩ, nhất là trong một thời đại như hiện nay mà đời sống dồi dào và chân thành bên trong bị che lấp dưới những lời hô hào trống rỗng, giao xen với những hành vi quảng cáo và sắp đặt trước. Đạo Phật xem ý nghĩ như những sức mạnh vô hình gieo toả xung quanh một người mà kết thành bầu không khí tinh thần riêng biệt của người đó. Mà việc làm hay lới nói là gì? Khi lời nói và việc làm ấy thành thực phát ra từ cõi sâu của tâm hồn. Phải chăng đấy chỉ là những thực hiện của ý nghĩa của tư tưởng (des idées matérialisées). Nói tóm lại chúng ta ảnh hưởng nhiều bằng tư tưởng bằng cảm tình, vì thế triết học Á Đông đã dành cho công phu tu tâm một địa vị đặc biết nếu không là tuyệt đối.

Không đợi đạo Phật là một đạo Duy Tâm triệt để1, các sách Nho đã có những câu tha thiết như sau: “Thi tam bách thiên, nhất ngôn dĩ tệ chi viết: tư vô tà” (Kinh Thi có ba trăm thiên, nhưng một câu có thể bao quát tận cùng: ý nghĩ không tà). Hay câu “Giới thận hồ kỳ sở bất đồ, khủng cụ hồ kỳ sở bất văn”, nghĩa là hãy cẩn thận cái gì mình không thấy, hãy lo sợ cái gì mình không nghe. Hay câu “Thanh ư trung, hình ư ngoại, thi cố quan tử tất thận kỳ độc”, nghĩa là thành thực ở bên trong thì sẽ lộ hình bên ngoài, vì thế người quân tử thận trọng khi ở một mình.

Hết thảy những câu nói trên đều đánh dấu mãnh liệt và giá trị ưu thắng của ý nghĩ trong ảnh hưởng đến thân tâm. Đấy là một điểm của tinh thần Á Đông. Vì ở bên Tây phương bao nhiêu năng lực của tinh thần đều qua ra bên ngoài, suy cứu vật chất, hoặc với lòng tham lợi dùng vất chất để thoả thích nhưng nhu cầu tầm thường, hặc với cuồng vọng tìm trong vật chất... chìa khoá của hết thảy bí huyền trong vũ trụ.

Người Á Đông cười một thái độ như thế, vì cho là nông cạn: hoài bão sung sướng tràn đầy tâm hồn của mỗi người là không có bến bờ mà các bạn Tây phương lại muốn tìm hạnh phúc trong vật chất nhất thời và sinh diệt hay sao? Vật chất là một giả ảnh của tinh thần biến hiện ra, các bạn Tây phương đi tìm chân lý trong vật chất tức là đi tìm sự thực trong giả dối ấy.

Vật chất: giả ảnh của tinh thần, lý cao siêu ấy có thể gọi là tinh hoa của triết học Phật giáo.

Vũ trụ: biến hiện của tinh thần, đứng trước cảnh biến hoá vô cùng và bất tuyệt của muôn vàn sự vật, chúng ta tự hỏi đâu là nguồn sinh lực tiềm tàng cầm đầu sự biết hoá vĩ đại ấy.

Luận Khởi-tín có câu: “Ngôn chúng sinh tâm, tắc nhiếp thế gian, xuất thế gian nhất thiết pháp tận”, nghĩa là tâm của chúng sinh bao trùm hết thảy pháp thế gian và xuất thế gian: muôn vàn sự vật hiển hiện hay vô hình, đồ sộ như biển cả núi ngàn hay nhỏ nhiệm như sợi cỏ vi trần đều phải nương tựa vào tâm chúng ta mà tồn tại, đều do tâm chúng ta biến hiện ra cả.

Với đạo Phật, chúng ta nên xa lìa quan niệm của một tâm hồn chật hẹp, cực hạn trong thân thể người; chúng ta nên nhàm chán sức hiểu biết vụn vặt nông nổi của giác quan và suy tưởng (connaissance sensorielle et connaissance discursive). Trong Kinh Lăng Nghiêm đức Phật đã ví mỗi một chúng ta như trăm nghìn biển cả trong lặng, mà chúng ta vì mê lầm một cách vô ý thức bèn quay lưng với bản thể chân thực và vô biên kia, mà mê chấp cái thân bé nhỏ vô thường này là Ta... không khác gì biển cả vô biên bỗng dưng tự nhận mình trong một đợt sóng nhấp nhô không đáng kể. Đạo Phật không phải khuyên chúng ta phải dập tắc hoài bão sung sướng, đang cháy mãnh liệt và bất tuyệt trong tâm hồn. Đạo Phật chỉ khuyên chúng ta nên cho hoài bão sung sướng ấy một nhu cầu xứng đáng hơn là những khoái lạc thấp hèn như danh vọng, tiền tài, mỹ sắc, ngủ ngon, ăn lạ... Chỉ có vô biên, chỉ có hết cả vũ trụ bao la... chỉ có sự thể nhập với toàn thể vũ trụ vô biên mới xứng đáng với hoài bão hạnh phúc của mỗi một người, trở về vô biên, thấm nhuần mỗi ý nghĩ, mỗi lời nói, mỗi việc làm với màu sắc của vô biên: đấy là lý tưởng tuyệt đối của một người tin và theo đạo Phật một cách chân chính.

Nhà văn hoàn Max Muller đã rất ngạc nhiên vì tìm thấy trong đạo Phật một chân lý thuần tuý quá, thanh cao quá. Có gì đâu, luân lý tươi đẹp ấy chỉ là phản ảnh của một nền triết lý cao siêu, mà hai chữ vô biên là cốt tuỷ.

Trở về vô biên: Lý tưởng của mỗi Phật tử

Thấy bản thể của mình tràn đầy vô biên, bao trùm cả vũ trụ, người Á Đông trái hẳn với bạn Tây phương, vĩnh viễn xa lìa mọi ý tưởng chinh phục và lợi dụng để ôm toàn thể sự vật vào lòng thương không bờ bến của mình. Lòng mến loài vật và cây cỏ của những dân tộc theo Phật giáo là một đặc điểm của tinh thần Á Đông mà nhiều khách du lịch Tây phương phải nức nở cảm thán... và chính trong lòng mến mênh mông và trong sạch ấy, người Á Đông tìm thấy một hạnh phúc êm nhẹ, bền bỉ và chân thực... và họ mỉm cười thương hại những kẻ lấy sức mạnh tàn sát mà xây đắp một sung sướng ghê tởm nhất thời trên xương máu, nước mắt của đồng loại. Đấy là những nô lệ của vật dục thấy đời không quá một gang tay, sống trái ngược với bản thể chân thực của mình.

Trang Tử nói rằng: “Ngô sinh giả hữu nhai, nhi tri vô nhai, dĩ hữu nhai tuỳ vô nhai, đãi hĩ!” Nghĩa là: Đời ta có hạn mà lòng muốn thì vô cùng, lấy có hạn mà tuỳ theo vô cùng: nguy vậy thay!

Hoài bão sung sướng của ta thì vô cùng mà đời sống vật chất của ta với tất cả nhu cầu của nó đều có hạn cho nên nếu ta tìm hạnh phúc mà ta muốn là thường còn trong những vật dục mà thể tính là nhất thời thì ta sẽ đau khổ và diệt vọng.

Hoạt động trong sôi nổi và hoạt động trong vắng lặng

Đấy là cả một quan niệm về hạnh phúc của người Á Đông, một quan niệm bao la quá, cao siêu quá, thực ở trên tâm hiểu biết bồng bột của người Tây phương... Shelley thấy hạnh phúc trong hoạt động, nhưng quan niệm hoạt động của Á Đông và Tây phương thực là hoàn toàn tương phản nhau; một bên thì thấy hoạt động sôi nổi, máu nóng và táo bạo, một bên thì thấy một hoạt động lợi lạc và mãnh liệt trong cảnh hoàn toàn vắng lặng của tâm hồn. Vì thế đạo Phật không nói siêng năng hay chuyên cần mà nói tinh tiến, hay tinh tấn, nghĩa là một sự tiến bộ, trong thì ích lợi cho thân tâm, ngoài thì nhịp nhàng với hoàn cảnh. Nói tóm lại, một sự tiến bộ lợi lạc cả cho mình và cho người.

Hiểu biết bằng hoạt động

Nhà thi hào Shelley thấy hạnh phúc của mình trong hoạt động. Quan niệm ấy rất thích hợp với đạo Phật, một đạo xây hạnh phúc thoàn toàn trên sự hiểu biết chân chính, cùng khắp và rốt ráo. Và sự hiểu biết tuyệt đối ấy không có thể thành tựu bằng sự học hỏi và suy nghĩ mà thôi đâu.

Tuy sách vở nhà Phật dồi dào như rừng bể, nhưng đấy chỉ là một cố gắng thô xuất và tầm thường để biểu thuyết chân lý mà thôi. Kinh Viên Giác nói rằng: “Nhất thiết Tu-đa-la giáo như tiêu nguyệt chỉ”, nghĩa là: hết thảy kinh sách đều như ngón tay chỉ lên mặt trăng. Thưa các bạn, tức là chân lý vô biên và tuyệt đối ở ngoài vòng lời nói, chữ nghĩa và suy tưởng. Vâng, suy tưởng, vì đạo Phật cho rằng một tâm hồn nặng trĩu những tội lỗi, đầy rẫy những ưu phiền, một tâm hồn khi nào cũng băn khoăn xao xuyến, không có đủ sáng láng để soi vào chân lý vô biên và tuyệt đối kia. Đạo Phật không đặt chân lý ở một cõi trời nào xa lạ, mà chính ngay trong tâm hồn của mỗi một chúng ta. Bản thể chân thực của chúng ta là vô biên, là thường còn, là hạnh phúc, là sáng suốt, mà chúng ta vì một sự mê lầm vô lý lại quay lưng với bản thể chân thực ấy để cố chấp một cái thân nhơ bẩn và vô thường: nguyên nhân của mọi đau khổ và tội ác.

Trở về với bản thể chân thật và vô biên, trở về với hạnh phúc cùng ánh sáng: đấy là nguyện vọng tha thiết của những người theo đạo Phật một cách chân chính; muốn đưa nguyện vọng thiết tha ấy đến thực hiện huy hoàng, công việc chúng ta trong bước đầu tiên là đượm nhuần hết thảy ý nghĩ, lời nói và việc làm bằng một tình thương rộng rãi bao trùm mọi người mọi vật: chúng ta hãy xấu hổ nếu phải đau khổ hay sung sướng vì mình: khóc với nước mắt của mọi loài, cười trên môi của mọi loài: đấy là phương châm nên thở của một đời sống có ý nghĩa. Như thế, chúng ta còn hơn 100, 1000 lần những kẻ chỉ đứng ra ngoài mọi sự để công kích mọi người rồi, cuối cùng không chịu làm một việc gì cả. Như thế chúng ta còn hơn 100, 1000 lần những thanh niên già sớm, suốt ngày gục đầu trên sách vở khô như đá, học bài trường như uống dầu thu đủ, ngậm đắng nuốt cay để chờ đợi một tương lai thầy ký.

Như thế cúng ta còn hơn Aristote, vì Aristote nói rằng: “Je suis né dans l’ignorance, j’ai vécu dans l’incertitude je meurs dans le doute”: tôi sinh trong mê muôi, sống trong hồi hộp, chết trong hoài nghi.

Người theo đạo Phật bước vào đời với một lòng tin có sẵn, không phải là một lòng tin mờ ám, hạ thấp mình dưới quyền của một thượng đế nào viển vông; mà là lòng tin sáng suốt căn cứ vào hiểu biết và tỏ rõ trong việc làm; hiểu biết rằng bản thể chân thực của mình tràn đầy vô biên và sẽ chứng thực sự hiểu biết ấy trong hết thảy lời nói, ý nghĩ và việc làm của mình.

Lòng tin Phật nâng giá trị người lên một địa vị không gì hơn.

Thưa các bạn, tin rằng bản thể của mình là sáng suốt hoàn toàn và mênh mông vô tận, tin rằng đạo Phật là con đường nhiệm màu đưa chúng ta trở về bản thể tuyệt đối ấy, một lòng tin như thế không phải hạ thấp... mà nâng cao giá trị con người lên một địa vị không gì hơn. Lòng tin ấy là sự duy nhất của hết thảy năng lực của người quay một chiều về lý tưởng chung cùng và vô thượng. Lòng tin ấy bắt đầu một đời sống rực rỡ màu sắc vị tha, một đời sống kiểu mẫu, lợi lạc với 4 phương châm cao quý của Phật giáo Đại thừa: Bố thí, Ái ngữ, Lợi hànhĐồng sự.

Bố thí: giữ bồi đắp ý muốn diệt trừ đau khổ và gieo rắc vui tươi cho hết thảy mọi người, mọi loài.

Kinh Niết bàn nói rằng: “vô thời bố thí”, nghĩa là không lúc nào mà không bố thí. Mà muốn thế, Phật tử phải luôn luôn bồi đắp và gìn giữ ý muốn, diệt trừ đau khổ và gieo rắc vui tươi cho hết thảy mọi loài. Đức Phật nói rằng: “Hãy cho kẻ nào oán mình nhất, những điều sung sướng nhất”.

Bố thí bằng tiền tài, bằng giáo pháp, bằng sự che chở, bằng sự khuyến khích... bất cứ ở một trường hợp nào, ở một hoàn cảnh nào, chúng ta đều có thể làm việc bố thí cả. Bố thí con kiến một hột cơm, an ủi người ta bằng một nụ cười, hay hay cho kẻ nghèo hàng vạn đồng bạc. Những hành vi ấy tuy có sự sai khác bề ngoài, những nếu phát ra từ một lòng từ bi chân thành và rộng rãi thì đều có giá trị tương đương.

Ái ngữ: lời nói chân thực hoà nhã đối với tất cả mọi người.

Theo phương châm Ái ngữ, Phật tử bao giờ cũng giữ một lời nói chân thực, hoà nhã hoặc để cảnh tỉnh người trong giấc mê lầm, hoặc để làm vui người trong lúc buồn bã.

Phật tử không muốn đem ra ánh sáng những điều lỗi lầm, mà chỉ muốn thấy người dưới những phương diện tốt đẹp nhất của họ. Emerson nói rằng: “Toute personne que je rencontre m’est supérieure en quelque manière”: Bất cứ người nào tôi gặp cũng hơn tôi cách này hay cách kia. Phật tử cũng giữ một thái độ khiêm tốn như thế, nhưng một thái độ không chỉ cực hạn trong phạm vi nhỏ bé của nhân loại mà bao trùm hết thảy vạn sự vạn vật, vì hết thảy mọi loài miễn là có cảm giác hay biết, đều sẽ thành Phật trong mai sau. Khiêm tốn đối với tất cả mọi loài: đấy chỉ là một thái độ tuy cao quý mà thụ động.

Lợi hành: Mãnh liệt thực hành hết thảy công cuộc lợi lạc cho quần chúng và xã hội.

Phật tử còn phải lợi hành, nghĩa là mãnh liệt thực hành hết thảy công việc lợi lạc cho quần chúng và xã hội: Với phương châm lợi hành, sự quan hệ mật thiết giữa đạo Phật và thế gian được đem ra ánh sáng, ở trên mọi nỗi hoài nghi. Bên trong thì Phật tử lúc nào cũng trau dồi tâm hồn cho hết sạch những tư tưởng vị kỷ, bên ngoài thì lúc nào cũng sẵn sàng giúp ích hết thảy mọi người, mọi vật, mặc dầu ở trường hợp nào. Một điều nên chú ý là đạo Phật không đặt giá trị của việc thiện ở bề ngoài mà ở trong tâm hồn. Giúp đỡ một con vật, nếu sự giúp đỡ ấy vâng theo một lòng thường hồn nhiên và rộng rãi tự dưới đáy lòng, nếu sự giúp đỡ ấy là một cố gắng chân thành để quên mình và nghĩ đến người, thì hành vi của chúng ta có một giá trị tuyệt đối, ở trên hết thảy mọi chi tiết về phẩm và lượng, vì đấy là một bước tiến về chân lý, về bản thể vô biên của chúng ta. Kinh Duy Ma Cật có nói rằng: “Hết thảy các pháp đề là Phật pháp cả”. Quý hoá thay một lời nói bao la như thế, và chúng ta không ngạc nhiên khi đức Phật khuyên hàng đệ tử phải học Ngũ minh, tức là:

  • Thanh minh: các thứ tiếng và văn chương
  • Công xảo minh: các kĩ nghệ khéo léo
  • Y phương minh: nghề chữa bệnh, cho thuốc
  • Nhân minh: phép lập luận và bàn cãi
  • Nội minh: giáo lý đạo Phật

Hết thảy những môn học ấy đều là Phật pháp cả, nếu người học thực thà cho đấy là những phương pháp lợi lạc để nâng cao nhân tâm và dân trí của toàn xứ, để mưu cầu hạnh phúc chung cùng của tất cả mọi người. Phật pháp hay ngoại đạo tức là vị tha hay ích kỷ: đấy là phương châm không bao giờ sai để định nghĩa Phật giáo, để cân nhắc xem hành vi của chúng ta có đúng với đạo Phật hay không.

Ngày xưa một vị pháp sư đang dạy học trò bỗng thấy một con hươu mon men lại gần vườn hoa ăn cỏ. Dưới mắt ngạc nhiên của các đệ tử, vị pháp sư đuổi đánh con hươu một cách tàn nhẫn. Con hươu chạy đi xa, học trờ mới hỏi thầy rằng: “Bạch thầy chúng con không hiểu cử chỉ của thầy vì xưa nay chúng con vẫn biết thầy rất điềm đạm, hiền lành và thương yêu loài vật”. Vị pháp sư đáp rằng: “Này các con, các con nên biết rằng chính vì thầy thương yêu con hươu mà phải đuổi đánh nó như vậy. Nếu thầy không giả vờ cư xử tàn nhẫn, thì một mai con hươu sẽ quen đi và đến vườn hoa của người ta mà ăn cỏ. Khi ấy nười ta không xua đuổi như thầy mà sẽ đánh bẫy nó để ăn thịt.

Hành vi bề ngoài có vẻ rất bạo ác của vị pháp sư, sự thực thì vâng theo lòng từ bi mênh mông không bờ bến, một lòng từ bi sáng suốt chứ không phải ám mờ. Người theo đạo Phật khi nào cũng vui vẻ hy sinh những thói quen của riêng mình để sống nhịp nhàng với bất cứ một hoàn cảnh nào. Phật tử phải như hoa sen trắng thơm kia, sống cao thượng giữa chốn bùn lầy mà không quên nghiêng mình để reo rắc hương thơm vào khắp nơi ô uế. Sống nhịp nhàng với hết thảy mọi người để thiết thực lợi ích cho hết hảy mọi người, Phật tử đã hành động đúng theo phương châm “đồng sự” của giáo lý Đại thừa. Tuy Phật tử thấy rõ tất cả giá trị tầm thường của những môn học thế gian, mà Phật tử vẫn siêng năng học tập gọi là đồng sự với mọi người để tiện đường dìu dắt họ vào chính đạo. Lão tử nói rằng: “Hoà quang đồng trần”, nghĩa là dung hoà ánh sáng với trần tục, hay khi nói rằng: “quân tử cư thân ư hậu”: người quân tử đặt mình ở sau mọi người. Lão tử nói câu ấy cũng đã thấy rõ sự cần thiết của một đời sống nhịp nhàng giữa người và cảnh vật xung quanh.

Đồng sự: nhịp nhàng với hoàn cảnh

Vào chùa các bạn thấy hết thảy tín đồ thành kính sụp lạy trước tượng Phật, trong một bầu không khí đầy hương hoa và đạo vị: giữa hàng tín đồ ấy, tuy có một số ít không thấy sự lễ bái là cần thiết để bồi đắp hay giữ vững lòng tin của mình, vì cả đời sống của họ là một tấm gương sáng của hy sinh rồi, là một ca tụng dâng lên đức Phật Thế Tôn rồi, nhưng họ vẫn lễ bái, gọi là để khuyến khích những bạn đồng đạo mà lòng tin dễ bị lay chuyển.

Thưa các bạn, với bốn phương châm: Bố thí, Ái ngữ, Lợi hànhĐồng sự, chúng tôi đã đánh dấu mạnh vào tính cách hoàn toàn vị tha của đạo Phật, chúng tôi đã lật đổ thành kiến sai lầm, vô lý của đạo Phật chán đời, thụ động, một đạo Phật núp bóng dưới cửa chùa chiền và tăng xá, một đạo Phật dành riêng cho một số ít người đầu trọc áo thâm.

Trong thành kiến sai lầm và vô lý kia, các học giả Tây phương phải chịu một trách nhiệm lớn. Với một cuộc du lịch qua Ấn Độ cùng vài ba bó tài liệu góp nhặt đó đây, họ đã viết về đạo Phật như chép tiểu tuyết, và chúng tôi đã phải buồn cười khi đọc những cuốn sách giàu tưởng tượng và thiếu thực thà của họ. Ngày xưa chúng ta vẫn mù quáng đi theo họ để bài xích đạo Phật là eo hẹp, ru ngủ và chán đời, chúng ta vẫn tưởng tượng văn minh vật chất của họ như một con đường ngay thẳng kéo mãi mãi, không bao giờ nghỉ dừng... mà sự thực thì hết thảy văn minh đều uốn theo một vòng tròn, sinh ra rồi tươi nở và tàn tạ, cứ như thế mãi luân chuyển không thôi trong thời gian vô tận. Một văn minh vật chất tiến lên đến cực điểm với một sức mạnh phá hoại ghê gớm, không thể tiến thêm bước nào nữa, nếu thế giới không muốn tan vỡ thành tro bụi. Nó phải nhường chỗ cho một văn minh mới mà hết thảy giá trị về tinh thần sẽ là nền tảng bất diệt của những công cuộc kiến thiết trường tồn.

Trong công cuộc kiến thiết ấy, đạo Phật sẽ là viên đá lớn nhất, nếu không là duy nhất. Với phần lễ bái giản dị và trang nghiệm, đạo Phật sẽ hạ thấp xuống để nâng đỡ những linh hồn dễ cảm và đau thương. Với phần luân lý thanh cao và gọn ghẽ, đạo Phật sẽ khuôn khổ sự giao thiệp giữa mọi người, mọi vật. Bằng một triết lý u huyền, đạo Phật dung hoà hai phương diện lý trí và cảm tình của người cũng như hai phương diện vật chất và tinh thần của vũ trụ, trong một khối tư tưởng nhịp nhàng và hệ thống.

Thưa các bạn, ngoài đạo Phật tìm đâu một sức mạnh để duy nhất tinh thần một xứ? Khoa học thì quá thiên về lý trí, Khổng giáo thì quá trọng về cảm tình, mà cả hai, chỉ là độc quyền của một giai cấp thượng lưu.

Ngoài đạo Phật, tìm đâu một ánh sáng để soi chiếu tận cùng hết thảy chân trời xa kín của tâm hồn chúng ta. Tâm lý học Âu tây thì còn vào thời kỳ ấu trĩ, mà Tính lý học Tàu thì quá thô sơ.

Ngoài đạo Phật tìm đâu được một quan niệm chân chính về vũ trụ bao la: Khoa học thì quá chi ly, Khổng giáo thì quá lãnh đạm và dặt dè. Nói tóm lại tìm đâu được phương châm cao quý để sống nhịp nhàng với tâm hồn bên trong và cảnh vật bên ngoài, vì chỉ trong sự nhịp nhàng hiếm có những phải có ấy, hạnh phúc tuyệt đối của ta và tất cả mọi loài mới có thể thực hiện được.

Chúng ta đau xót nhiều trước cảnh lầm than của đồng loại... và càng đau xót hơn khi thấy những phương pháp thực hành chỉ có một tính cách tạm thời, gọi là kéo dài sự đau khổ mà thôi. Đau xót rồi lại chán nản khi thấy nhiều người mua danh hay làm tiền bằng máu và nước mắt của những kẻ khốn nạn sắp chết. Chán nản rồi lại phẫn uất thì thấy một số ít người vẫn tiêu pha như ông hoàng trong khi một số đông đang đói lả. Chúng ta hỏi rằng: cảnh khủng hoảng nay chỉ là một giai đoạn lịch sử phải trải qua chăng? Chỉ là một hình phạt của Thượng đế chăng? Hay theo đạo Phật, chỉ là phản ảnh trung thành của một nhân tâm suy đồi gần thú vật chăng?

Mà nếu thế, đạo Phật phải chăng là phương pháp cứu cánh, duy nhất để cứu vãn nhân tâm, bắt đầu từ hạng quyền thế, giàu tiền tài, giàu danh vọng, giàu thế lực nhưng rất nghèo tâm hồn, mà sự nghèo nàn về tâm hồn ấy nghĩa là áp chế, bóc lột và lãnh đạm đối với hết thảy mọi người khác trong xã hội.

Đạo Phật, một đạo coi xã hội như một khối toàn thể mà nhịp nhàng: đạo Phật, đạo của lòng thương bao la và sáng suốt, một đạo chan chứa cảm tình mà vẫn dồi dào lý trí... Chúng tôi thành thực tin rằng công việc truyền bá đạo Phật sẽ giúp rất nhiều trong công cuộc kiến thiết một nước Việt Nam mới, vì về phương diện tinh thần, đấy là một sức mạnh duy nhất bao trùm hết thảy mọi giai cấp trong xã hội.

Chúng tôi không dám mong đợi ở các bạn một thực hành tức khắc: bây giờ chúng tôi chỉ đợi ở các bạn một thiện cảm dồi dào và chân thực. Rồi đây thời gian sẽ làm việc, tình thiện cảm kia sẽ tươi vinh và đâm hoa kết quả. Hết thảy các bạn sẽ ghé vai chung sức nâng cao nhân tâm và dân trí của quân chúng dưới ánh sáng dẫn đường của đạo Phật. Các bạn sẽ kiến thiết một nền trật tự mới mà các giá trị về tinh thần sẽ được trả lại một đại vị xứng đáng.

Lúc ấy các bạn mới có thể nói rằng: chúng ta đã sống đời sống bao la của hết thảy mọi người, mọi vật; chúng ta đang mãnh liệt trở về bản thể vô biên của chúng ta.


Tác giả: Huyền Chân, trong Đoàn Phật học Đức dục. Trích trong sách “Đạo Phật”, Phật học đường Tổng hội Phật học.

“Vào khoảng 1940, các hội Phật giáo chú trọng đặc biệt đến giáo dục thanh thiếu niên, nhất là ở Trung Kỳ. Hội An nam Phật Học mở một lớp đặc biệt dạy về Phật học, Lão học và Khổng học cho thanh niên tân học. Sau đó đoàn Thanh Niên Phật Học Đức Dục được thành lập. Dưới sự hướng dẫn của bác sĩ Lê Đình Thám, vừa có tân học, vừa vững chãi về Phật học, đoàn thanh niên này tiến bộ rất mau chóng. Đến đầu năm 1942 báo Viên Âm được giao lại cho đoàn Thanh Niên Phật Học Đức Dục biên tập. Thể tài Viên Âm biến đổi hẳn và Viên Âm trở thành một tập san gần như của giới tuổi trẻ tân học”. Trích Việt Nam Phật Giáo Sử Luận, Thích Nhất Hạnh.


  1. Cần thận trọng không dính mắc vào sự đối lập duy vật-duy tâm ở đây. Năng lực tinh thần và vật chất được biểu hiện cùng một lúc. Phật giáo nhấn mạnh khía cạnh của tâm thức để có thể nhận diện, điều phục tâm trí, thay đổi tư duy và hoàn cảnh sống của con người. Theo đó, Phật giáo vô thần, không duy vật cũng không duy tâm.