Bỏ qua

Thơ Văn Thiền

Trần Thái Tông

trích Khoá Hư Lục:

“Nếu đã là con mắt sáng, kíp nên phản tỉnh hồi quang; cất mình vượt khỏi hố sinh tử, giang tay xé toạt lưới ái ân; nam cũng vậy, nữ cũng vậy, đều có thể tu; trí cũng thế, ngu cũng thế, đều là có dịp. Nếu chưa đạt được tâm Phật ý Tổ, thì trước hãy nương vào phép trì giới niệm kinh. Kíp đến khi đạt được trình độ Phật cũng không mà Tổ cũng không thì còn giới nào trì kinh nào niệm? Ở nơi ảo sắc mà cũng như ở nơi chân sắc; an trú trong phàm thân mà cũng là an trú trong pháp thân. Phá lục tặc làm nên lục thần thông; rong chơi trên biển bát khổ như trên biển tự tại”

Thái Tông nói trong bài Tọa Thiền Luận: “Người học đạo cốt mong kiến tính (thấy được bản tính mình)”. Theo vua Tính là đối tượng của sự tu chứng đạo và là nền tảng của hiện hữu. “Tính là tâm ta, cái Tâm mà Trúc Lâm quốc sư nói là Phật: “Phật không ở trong núi; Phật ở trong tâm người. Tâm tĩnh lặng mà phát sinh trí giác đó mới chính là Phật”. Ðó là bản tính cũng là chân tâm. Trong bài tựa sách Kim Cương Tam Muội Kinh Chú Giải, vua viết: "Bản tính huyền ngưng, chân tâm trạm tịch, dứt tuyệt ý niệm về tròn khuyết; nếu không phải do thánh trí thì không tìm được đến giếng mối của nó; nó không hợp, không tan, không còn, không mất; mắt thấy tai nghe không thể tìm được vang bóng của nó; vì nó không phải hữu cũng không phải vô, không xuất thế cũng không nhập thế, nó ngang nhiên độc tồn, siêu việt, ngoài nó không có gì khác, vì vậy nó được gọi là phát hiện trở lại tự tính siêu việt đó vốn đã bị che lấp bởi vọng niệm”. Vua viết tiếp: “Chỉ vì sự tập hợp huân nhiễm lâu đời của chúng sinh mà phát ra sóng gió tri kiến của thần thức, vì chúng sinh buông mình theo con đường ô trọc che lấp cho nên không biết đem ánh sáng tuệ giác để chiếu soi, khiến cho bốn phương thành xứ. Mơ hồ không biết rõ lối về...” Tu đạo tức là thực hiện sự trở về đó. (Trích Việt Nam Phật giáo sử luận, Thích Nhất Hạnh).

Thứ tự trình bày:

Hán văn, dịch Hán Việt, dịch nghĩa và dịch thơ

初日無常偈
1. Sơ nhật vô thường kệ
夜色初分曉,
晨光漸出空。
暗催新髮白,
漸改舊顏紅。
不覺年花促,
猶爭業果雄。
身如冰見晛,
命似燭當風。
莫作長年客,
終歸早照功。
Dạ sắc sơ phân hiểu,
Thần quang tiệm xuất không.
Ám thôi tân phát bạch,
Tiệm cải cựu nhan hồng.
Bất giác niên hoa xúc,
Do tranh nghiệp quả hùng.
Thân như băng kiến hiện,
Mệnh tự chúc đương phong.
Mạc tác trường niên khách,
Chung quy tảo chiếu công.

Kệ vô thường buổi sớm

Sắc đêm mới vừa hửng sáng,
ánh ban mai hiện dần trên bầu trời.
Ngầm giục mái tóc xanh điểm trắng,
Dần thay vẻ hồng của dung nhan xưa.
Chẳng biết tuổi xuân ngắn ngủi,
Còn tranh nghiệp quả mạnh hùng.
Thân như băng gặp nắng trời,
Mệnh tựa ngọn đèn trước gió.
Chớ làm người khách trọ mãi mãi,
Cuối cùng hãy quay về với công soi rọi sớm.
Sáng giời đêm nửa nhuộm màu
Ánh quang dạn rỡ hiện bầu ban mai
Xuân xanh điểm tóc trắng vai
Hồng nhan xưa đã luống hoài thiên thu
Xuân đi nẻo úa tàn thu
Còn tranh sự nghiệp ngao du với đời?
Thân tan băng giá giữa trời
Đèn đâu hiu hắt gió tơi mệnh mòng
Chớ làm khách trọ long đong
Về công quản sớm thanh lòng tự tâm.
寄清風庵僧德山
2. Ký Thanh Phong am tăng Đức Sơn
風打松關月照亭,
心期風景共凄清。
個中滋味無人識,
付與山僧樂到明。
Phong đả tùng quan nguyệt chiếu đình,
Tâm kỳ phong cảnh cộng thê thanh.
Cá trung tư vị vô nhân thức,
Phó dữ sơn tăng lạc đáo minh.

Gửi sư Đức Sơn am Thanh Phong

Gió đập cổng thông, trăng sáng trước sân,
Lòng hẹn với phong cảnh cùng trong sạch lặng lẽ.
Bao nhiêu thú vị trong đó không ai hay,
Mặc cho nhà sư trong núi vui đến sáng.
Gió đạp cửa thông sáng trăng đình
Cảnh tâm giao thức tuyệt u minh
Mang mang đến sáng chẳng ai biết
Mặc vị sơn tăng thoả chí tình.

Tuệ Trung Thượng sĩ

Vua Trần Nhân Tông viết:

“Thượng sĩ sống giữa lòng thế tục, hòa ánh sáng mình trong cuộc đời bụi bặm; trong mọi cuộc tiếp xúc thượng sĩ luôn luôn giữ thái độ hòa ái nên chưa bao giờ gặp phải những trường phiền nghịch. Do đó, ngài có thể làm tiếp nối được hạt giống chánh pháp, dìu dắt được những kẻ mới học. Ai đến tham cứu tìm học với ngài cũng được ngài chỉ dẫn sơ lược cho thấy phần cương yếu của đạo pháp khiến tâm họ có chỗ nương tựa. Thượng sĩ không bì ràng buộc bởi hình thức; khi thì ẩn tàng, khi thì lộ diện, ngài không chấp vào hình thức và danh từ.”

“Vua Nhân Tông một hôm hỏi về tông chỉ thiền phái của Tuệ Trung. Ý của Nhân Tông là muốn tìm hiểu bí quyết giác ngộ mà Tuệ Trung đã được thiền sư Tiêu Diêu trao truyền,

Tuệ Trung nói:

“Hãy quay về tự thân mà tìm lấy tông chỉ ấy, không thể đạt được từ ai khác”.

Lời nói ấy khiến Nhân Tông thấy được ánh sáng của thiền đạo.”

迷悟不異
Mê ngộ bất dị
迷去生空色,
悟來無色空。
色空迷悟者,
一理古今同。
妄起三途起,
真通五眼通。
涅槃心寂寞,
生死海重重。
不生還不滅,
無始亦無終。
但能忘二見,
法界盡包融。
Mê khứ sinh không sắc,
Ngộ lai vô sắc không.
Sắc không mê ngộ giả,
Nhất lý cổ kim đồng.
Vọng khởi tam đồ khởi,
Chân thông ngũ nhãn thông.
Niết-bàn tâm tịch mịch,
Sinh tử hải trùng trùng.
Bất sinh hoàn bất diệt,
Vô thuỷ diệc vô chung.
Đãn năng vong nhị kiến,
Pháp giới tận bao dung.

Mê ngộ không hai

Lúc mê sinh ra “không” và “sắc”,
Khi ngộ không còn “sắc”, không, mê, ngộ.
“Sắc”, “không”, với “mê”, “ngộ”,
Xưa nay vẫn chung nhau ở một lẽ.
Mê vọng nổi dậy thì ba đường nổi dậy,
Cứ chân thông suốt thì năm mắt đều thông suốt.
Tâm niết-bàn lặng lẽ,
Biển sống chết trùng trùng.
Không sinh mà không diệt,
Không trước cũng không sau.
Nếu quên được hai tà kiến,
Thì bao hàm được cả pháp giới.
Khi mê thấy không sắc
Khi ngộ hết sắc, không
Sắc, không và mê ngộ
Xưa nay một lẽ đồng
Vọng niệm tam đồ hiện
Chân thông ngũ nhãn thông
Tâm niết bàn tĩnh lặng
Biển sinh tử ngàn trùng
Không sinh cũng không diệt
Không thủy cũng không chung
Đập tan hai tà kiến
Thực tại lộ hình dung