Bỏ qua

Tâm kinh

Tâm kinh Tuệ Giác Qua Bờ

Bồ-tát Avalokiteśvara, trong khi quán chiếu sâu sắc với tuệ giác qua bờ, bỗng khám phá ra rằng tất cả năm uẩn đều trống rỗng, tất cả đều là cái không. Giác ngộ điều ấy xong, bồ-tát vượt qua được mọi khổ đau ách nạn.

“Này Śāriputra, hình hài này chính là cái không và cái không cũng chính là hình hài này. Hình hài này không phải là một cái gì khác với cái không và cái không cũng không phải là một cái gì khác với hình hài này. Điều này cũng đúng với các cảm thọ, tri giác, tâm hành và nhận thức.

“Này Śāriputra, tất cả mọi hiện tượng đều mang theo tướng không, không hiện tượng nào thực sự có sinh, có diệt, có có, có không, có dơ, có sạch, có thêm và có bớt.

“Chính vì vậy mà trong cái không, năm uẩn là hình hài, cảm thọ, tri giác, tâm hành và nhận thức đều không có mặt như những thực tại riêng biệt. Mười tám lĩnh vực hiện tượng là sáu căn, sáu trần và sáu thức cũng đều không có mặt như những thực tại riêng biệt; mười hai khoen nhân duyên cùng sự chấm dứt của chúng, bốn đế là khổ, tập, diệt và đạo cũng không có mặt như những thực tại riêng biệt; tuệ giác và chứng đắc cũng đều như thế.

“Vị bồ-tát khi thực tập phép quán tuệ giác qua bờ không thấy có gì cần được chứng đắc, nên không thấy còn có gì chướng ngại trong tâm. Và vì tâm không còn chướng ngại nên vị ấy vượt thắng được mọi sợ hãi, đập tan được mọi tri giác sai lầm và đạt được nirvāṇa tuyệt hảo.

“Tất cả các Bụt trong quá khứ, hiện tại và vị lai nhờ nương vào phép thực tập tuệ giác qua bờ mà đạt tới chánh giác toàn vẹn.

“Cho nên, này thầy Śāriputra, ai cũng cần biết rằng tuệ giác qua bờ là một linh chú lớn, là linh chú sáng nhất, là linh chú cao nhất, là linh chú không thể so sánh được. Đó là tuệ giác chân thực có khả năng diệt trừ tất cả mọi khổ nạn. Vì vậy ta nên đọc lên câu linh chú sau đây để tán dương tuệ giác qua bờ:

“Gate, gate, pāragate, pārasamgate, bodhi, svaha!”

Bản dịch tâm kinh mới theo kệ 5 chữ

Avalokita
Khi quán chiếu sâu sắc
Với tuệ giác qua bờ,
Bỗng khám phá ra rằng:
Năm uẩn đều trống rỗng.
Giác ngộ được điều đó,
Bồ-tát vượt ra được
Mọi khổ đau ách nạn.(C)

“Này Śāriputra,
Hình hài này là không,
Không là hình hài này;
Hình hài chẳng khác không,
Không chẳng khác hình hài.
Điều này cũng đúng với
Cảm thọ và tri giác,
Tâm hành và nhận thức. (C)

“Này Śāriputra,
Mọi hiện tượng đều không,
Không sinh cũng không diệt,
Không có cũng không không,
Không dơ cũng không sạch,
Không thêm cũng không bớt. (C)

“Cho nên trong cái không,
Năm uẩn đều không thể
Tự riêng mình có mặt.
Mười tám loại hiện tượng
Là sáu căn, sáu trần
Và sáu thức cũng thế;
Mười hai khoen nhân duyên
Và sự chấm dứt chúng
Cũng đều là như thế;
Khổ, tập, diệt và đạo
Tuệ giác và chứng đắc
Cũng đều là như thế. (C)

“Khi một vị bồ-tát
Nương tuệ giác qua bờ
Không thấy có sở đắc
Nên tâm hết chướng ngại.
Vì tâm hết chướng ngại
Nên không còn sợ hãi,
Đập tan mọi vọng tưởng,
Đạt niết-bàn tuyệt hảo. (C)

Chư Bụt trong ba đời
Nương tuệ giác qua bờ
Đều có thể thành tựu
Quả chánh giác toàn vẹn. (C)

“Vậy nên phải biết rằng
Phép tuệ giác qua bờ
Là một linh chú lớn,
Là linh chú sáng nhất,
Là linh chú cao tột,
Không có linh chú nào
Có thể so sánh được.
Là tuệ giác chân thực
Có khả năng diệt trừ
Tất cả mọi khổ nạn. (C)

Vậy ta hãy tuyên thuyết
Câu linh chú qua bờ:
“Gate, gate,
pāragate,
pārasamgate,
bodhi, svaha!” (CC)

Bản Hán dịch của Huyền Trang

Đại tạng kinh Taishō, số hiệu 251

般若波羅蜜多心經

唐三藏法師玄奘譯

觀自在菩薩。行深般若波羅蜜多時。照見五蘊皆空。度一切苦厄。舍利子。色不異空。空不異色。色即是空。空即是色。受想行識亦復如是。舍利子。是諸法空相。不生不滅。不垢不淨不增不減。是故空中。無色。無受想行識。無眼耳鼻舌身意。無色聲香味觸法。無眼界。乃至無意識界。無無明。亦無無明盡。乃至無老死。亦無老死盡。無苦集滅道。無智亦無得。以無所得故。菩提薩埵。依般若波羅蜜多故。心無罣礙。無罣礙故。無有恐怖。遠離顛倒夢想。究竟涅槃。三世諸佛。依般若波羅蜜多故。得阿耨多羅三藐三菩提。故知般若波羅蜜多。是大神咒。是大明咒是無上咒。是無等等咒。能除一切苦。真實不虛故。說般若波羅蜜多咒即說咒曰

揭帝揭帝 般羅揭帝 般羅僧揭帝 菩提僧莎訶

“Không” trong Bát Nhã

“Tự tính của Không là không nằm trên bình diện có không, không nằm trong khuôn khổ các vọng tưởng, không có tướng sinh, không có tướng diệt, và vượt thoát mọi tri kiến. Tại sao thế? Vì tự tính của Không không có vị trí trong không gian, không có hình tướng, không thể khái niệm được, chưa bao giờ từng sinh khởi, tri kiến không nắm bắt được và thoát ly mọi sự nắm bắt. Vì thoát ly được mọi sự nắm bắt nên nó bao hàm được tất cả các pháp và an trú nơi cái thấy bình đẳng không phân biệt.”

(trích Kinh Pháp Ấn, Kinh số 104, Đại tạng Taisho)

“Này các thầy, thế nào gọi là Nghĩa Lý Siêu Việt về Không? Khi con mắt phát sanh, nó không từ đâu tới cả, và khi hoại diệt, nó không đi về đâu cả. Như vậy con mắt phát sanh không phải như một thực thể chắc thật, và khi đã phát sanh thì phải hoại diệt sau đó. Có nghiệp, có báo mà không có tác giả. Uẩn này diệt thì nhường chỗ cho uẩn khác tiếp tục, nhìn kỹ thì các pháp chỉ là những cái giả danh mà thôi. Ðối với tai, mũi, lưỡi, thân và ý, sự thật cũng như thế. Chúng không phải là những thực tại chắc thật mà chỉ là những giả danh”.

“Thế nào là giả danh. Giả danh nghĩa là vì cái này có nên cái kia có, vì cái này sanh nên cái kia sanh. Như vô minh mà có hành, do hành mà có thức, v.v…, cho đến khi cả khối khổ đau phát hiện. Giả danh cũng có nghĩa là vì cái này không nên cái kia không, vì cái này diệt nên cái kia diệt. Như do vô minh diệt mà hành diệt, do hành diệt mà thức diệt, v.v…, cho đến khi cả khối khổ đau hoại diệt”.

“Này các thầy, đó gọi là Nghĩa Lý Siêu Việt về Không”.

(trích Kinh Nghĩa lí siêu việt về Không, Tạp A Hàm, số 335)

“Trong bản dịch Đại Bát-nhã của Huyền Trang, có kể đến 18 hình thức của Không2, và chúng được giải thích kỹ trong luận Đại trí độ của Long Thọ (Nāgārjuna)3. Thực ra lối liệt kê này nói đến khá nhiều ngả đường khác nhau quyết định dẫn tới ý niệm về Không. Mười tám con đường diễn tả Không như sau:

(1) Nội Không (adhyātmā-śūnyatā), Không của các pháp nội tại. “Nội” chỉ cho sáu thức (vijñāna). Khi chúng được nói là Không, có nghĩa tất cả những hoạt động tâm lý của chúng ta không có thần ngã hay tự ngã linh hồn nằm ở sau, như chúng ta ai cũng tưởng vậy. Đây là một lối nói khác của chủ trương thuyết Vô ngã (anātman hay anatta).

(2) Ngoại Không (bahirdhā-śūnyatā) Không của các pháp ngoại tại. “Ngoại” là các đối tượng của sáu thức, tính Không của chúng có nghĩa không có những bản trụ (hay bản thể) của ngã chủ tể nằm ở sau. Cũng như không có tự ngã (ātman) nơi hậu trường của các hiện tượng tâm lý, cũng vậy, không có tự ngã (anātman) nơi hậu trường của ngoại giới. Thuật ngữ gọi đó là “pháp vô ngã”. Phật giáo nguyên thủy dạy cho chúng ta thuyết Vô ngã (Anātman), nhưng người ta nói chính các nhà Đại thừa mới áp dụng thuyết đó luôn cho các đối tượng ngoại giới.

(3) Nội ngoại Không (adhyātmā-bahirdhā-śūnyatā), Không của các pháp nội ngoại tại. Thông thường chúng ta phân biệt ngoại với nội, nhưng vì không có thực tại cho sự phân biệt này nên ở đây nó bị phủ nhận; phân biệt này chỉ là một hình thái của vọng tâm, mối quan hệ có thể bị đảo lộn bất cứ lúc nào, ở đây không có tính thường trụ bất biến. Thử thay đổi vị trí, cái nội thành ra ngoại và cái ngoại là nội. Quan hệ này, đây gọi là Không.

(4) Không Không (śūnyatā-śūnyatā), Không của Không. Khi các pháp ngoại và nội được tuyên bố tất cả là Không, chúng ta tất đi đến nhận thức rằng Không vẫn là một ý tưởng có thực, hay chỉ có cái đó mới là cái khả đắc khách quan. Không của Không cốt hủy diệt chấp trước ấy. Còn giữ một ý tưởng Không tức còn lưu lại một hạt bụi khi đã tạo thành tất cả4.

(5) Đại Không (mahā-śūnyatā), Không lớn. “Không lớn” (đại không) chỉ cho tính bất thực của không gian. Thời trước coi không gian là cái có thực một cách khách quan, nhưng đến các nhà Đại thừa, nó là Không. Các vật trong không gian lệ thuộc các định luật của sinh tử, tức bị điều động bởi nhân quả; tất cả mọi người theo đạo Phật đều nhận điều đó; nhưng họ nghĩ không gian trong tự thể là thường trụ. Các nhà Đại thừa dạy rằng khoảng chân không bao la này cũng không có thực tại khách quan nên ý tưởng về không gian hay trương độ chỉ là ảo tưởng.

(6) Đệ nhất nghĩa Không (paramārtha-śūnyatā), Không của chân lý cứu cánh. “Chân lý cứu cánh” (Đệ nhất nghĩa5) chỉ cho chân thể của vạn hữu, trạng thái tồn tại chân thực của chúng, ngoài tất cả hình thái của chủ quan tính. Đây là cái không bị hủy diệt, không bị gán cho là thế này hay là thế kia, cũng không thứ gì có thể gán vào đó. Vì vậy, chân lý cứu cánh (Đệ nhất nghĩa) là Không. Nếu là có thực, nó là một trong những đối tượng bị chi phối và bị ràng buộc vào định luật nhân quả. Niết-bàn chỉ là một danh tự nói khác. Khi Niết-bàn có chỗ để cho bám được, nó sẽ không là Niết-bàn nữa. Sẽ thấy Không được dùng ở đây có nghĩa hơi khác với ở số (3), khi những đối tượng nội hay ngoại được tuyên bố là Không.

(7) Hữu vi Không (Saṃskṛta-śūnyatā), Không của các pháp hữu vi. (8) Vô vi Không (asaṃskṛta-śūnyatā), Không của các pháp vô vi. Có thể luận chung cả hai. Hữu vi (saṃskṛta) chỉ có những pháp xuất hiện do các điều kiện của tác thành. Vô vi (asaṃskṛta) là những pháp không lệ thuộc tác thành, như không gian chẳng hạn. Nói hữu vi Không là một cách nói khác chỉ cho thế giới ngoại tại cũng như thế giới nội tại đều Không. Hiện hữu đôi khi được chia thành hữu vi và vô vi, đôi khi được chia thành nội và ngoại, đôi khi được chia thành năm uẩn (skandha), v.v…, theo các quan điểm cần thiết cho quá trình suy luận. Tuy nhiên, tất cả những phân biệt này chỉ là tương đối và không có khách thể tính tương đương, và do đó, là Không. Vô vi hiện hữu, vì đối lại với hữu vi. Nếu hữu vi không thực có, vô vi cũng không luôn. Cả hai chỉ là giả danh, là Không.

(9) Tất cánh Không (atyanta-śūnyatā), Không tối hậu. Chỗ này nhấn mạnh ý niệm tất cả các pháp đều Không một cách tuyệt đối. “Tất cánh“ tức “Tuyệt đối”6 phủ nhận thực tại tính khách quan nơi tất cả các pháp ở đây được chủ trương một cách đương nhiên, không điều kiện thắc mắc. “Không của Không”, trên thực tiễn, cũng chỉ cho một cái như nhau. Phòng được quét sạch là nhờ chổi; nhưng nếu còn chổi thì không phải là Không tuyệt đối. Quả vậy, phải gạt sang một bên cái chổi, cùng với người quét, mới mong đạt tới ý niệm về Tất cánh Không (atyanta-śūnyatā). Còn giữ lại dù chỉ một pháp, một vật hay một người, là còn có điểm chấp để từ đó sản xuất một thế giới của những sai biệt rồi kéo theo những ước muốn và đau khổ. Tính Không vượt ngoài mọi quyết định tính có thể có, vượt ngoài chuỗi quan hệ bất tận; đó là Niết-bàn.

(10) Vô tế Không (anavarāgra-śūnyatā), Không không biên tế. Khi nói hiện hữu là vô thủy, người ta nghĩ rằng có một cái như là vô thủy, và bám vào ý niệm này. Để loại bỏ chấp trước ấy, mới nêu lên tính Không của nó. Tri kiến của con người lắc lư giữa hai đối cực. Khi ý niệm về hữu thủy bị dẹp bỏ, ý niệm về vô thủy đến thay, mà sự thực chúng chỉ là tương đối. Chân lý lớn của Không phải ở trên tất cả những đối nghịch này, nhưng không phải ở ngoài chúng. Vì vậy, kinh Bát-nhã dốc sức khai thông con đường giữa dù vậy vẫn không đứng y ở đó; vì nếu thế, hết còn là con đường giữa. Giáo nghĩa tính Không như vậy phải được minh giải từ quan điểm rất thận trọng.

(11) Tán Không (anavakāra-śūnyatā), Không của sự phân tán. Không có thứ gì hoàn toàn đơn nhất trong thế gian này. Mọi vật cuối cùng phải tiến đến chỗ phân tán. Nó hiện hữu coi chừng như một đơn tố, nguyên dạng, nguyên thể, nhưng ở đây không thứ gì lại không thể phân chiết thành những bộ phận thành tố. Chắc chắn nó bị phân tán. Các thứ nằm trong thế giới của tư tưởng có vẻ như không bị tiêu giải. Nhưng ở đây sự biến đổi hiện ra dưới một hình thức khác. Thời gian gây tác động, không có tính vĩnh cửu nào ngự trị. Bốn uẩn—thọ, tưởng, hành và thức—cũng chỉ cho sự phân tán và hoại diệt tận cùng. Nói gì đi nữa, chúng cũng là Không.

(12) Bản tính Không (prakṛti-śūnyatā), Không của bản tính (tự nhiên tính). Prakṛti (bản tính) là cái làm cho lửa nóng và nước lạnh, nó là bản chất nguyên sơ của mỗi vật thể cá biệt. Khi nói rằng nó Không, có nghĩa không có tự ngã (ātman) bên trong nó để tạo ra bản chất nguyên sơ của nó, và ý niệm đích thực về bản chất nguyên sơ là một ý niệm Không. Chúng ta đã ghi nhận rằng không có tự ngã cá biệt nơi hậu cứ của cái chúng ta coi như vật thể cá biệt, bởi vì vạn hữu là những sản phẩm của vô số nhân và duyên, và chẳng có gì đáng gọi một bản chất nguyên sơ nó độc lập, đơn độc, tự hữu. Tất cả là Không triệt để, và nếu có thứ bản chất nguyên sơ nào đó, thì có cách nào cũng vẫn là Không.

(13) Tự tướng Không (svalakṣaṇa-śūnyatā), Không của tự tướng. Lakṣaṇa (tướng) là phương diện khả tri của mỗi vật thể cá biệt. Trong vài trường hợp, lakṣaṇa không khác với bản chất nguyên sơ, chúng liên kết bất phân. Bản chất của lửa có thể biết qua cái nóng của nó, và bản chất của nước qua cái lạnh của nó. Một nhà sư thì hiện bản chất cố hữu của ông ta qua việc tu trì các giới cấm, còn cái đầu cạo và chiếc áo bá nạp là tướng dạng riêng của ông ta. Kinh Bát-nhã nói với chúng ta rằng, những khía cạnh ngoại hiện, khả tri, của hết thảy mọi vật là Không vì chúng là những giả tướng kết quả do nhiều tập hợp của các nhân và các duyên; vì tương đối nên chúng không có thực. Do đó, Tự tướng Không, có nghĩa rằng mỗi vật thể riêng biệt không có những bản sắc thường hằng và bất hoại nào đáng gọi là của riêng.

(14) Nhất thiết pháp Không (sarvadharma-śūnyatā), Không của vạn hữu. Thừa nhận tất cả các pháp (sarvadharma) là Không, cái đó hết sức bao quát, vì chữ pháp (dharma) không chỉ riêng cho một đối tượng của cảm quan mà còn chỉ cho cả đối tượng của tư tưởng. Khi tuyên bố tất cả những thứ đó là Không, khỏi cần bàn luận chi tiết gì nữa. Nhưng kinh Bát-nhã hiển nhiên cố ý không để nguyên trạng tảng đá để đè nặng những người học Bát-nhã một cách triệt để bằng giáo nghĩa tính Không. Theo Long Thọ, tất cả các pháp đều mang các đặc tính này7: Hữu tướng, tri tướng, thức tướng, duyên tướng, tăng thượng tướng, nhân tướng, quả tướng, tổng tướng, biệt tướng, y tướng. Nhưng hết thảy những tướng đó không có thường trụ bất biến; tất cả đều là đối đãi và giả hữu. Người ngu không thể soi tỏ vào bản chất chân thực của các pháp, do đó trở nên chấp thủ ý niệm về một thực tại thường, lạc, ngã, tịnh. Khôn ngoan đơn giản có nghĩa là thoát khỏi những quan điểm tà vạy đó, vì chẳng có gì trong chúng đáng được nắm giữ mà không phải là Không.

(15) Bất khả đắc Không (anupalambha-śūnyatā), Không của cái bất khả đắc. Đây là loại Không Bất khả đắc (anupalambha). Không phải vì tâm không bắt được cái ở ngoài tầm tay, nhưng đích thực chẳng có gì đáng gọi là sở tri. Không, gợi ý không có, nhưng khi được khoác cho đặc tính bất khả đắc, nó không còn là phủ định suông. Bất khả đắc, chính bởi không thể làm đối tượng cho tư niệm đối đãi qua tác dụng của thức (vijñāna). Khi thức được nâng lên để thành trí (prajñā), bấy giờ cái “Không Bất khả đắc” được nhận ra. Kinh Bát-nhã e rằng người nghe phải kinh hãi khi nghe kinh đưa ra khẳng quyết táo bạo rằng tất cả đều là rỗng không, nên kinh nói thêm rằng sự vắng mặt của những ý tưởng sinh ra từ chỗ đối đãi không chỉ cho cái ngoan không, cái không trống trơn; nhưng đơn giản, đó là cái Không không thể bắt nắm được.

Với người trí, Không này là một thực tại. Lúc sư tử cất tiếng rống, những thú vật khác hoảng sợ, tưởng tiếng rống ấy là cái rất phi phàm, gần như một thứ mà chúa tể sơn lâm “đạt được” rất hi hữu. Nhưng đối với sư tử, tiếng rống đó chẳng kỳ lạ gì, chẳng có hi hữu đạt được hay thêm vào. Với kẻ trí cũng vậy, không có “cái rỗng không” trong họ đáng coi như riêng họ bắt được làm đối tượng cho tư tưởng. Chỗ sở đắc của họ là vô sở đắc.

(16) Vô tính Không (abhāva-śūnyatā) Không của vô thể (cái không tồn tại). (17) Tự tính Không (svabāva-śūnyatā), Không của tự tính. (18) Vô tính tự tính Không (abhāva-svabhāva-śūnyatā), Không của vô thể của tự tính (tự tính của cái không tồn tại)8. Những loại này có thể luận chung. Ở đây hiện hữu được nhìn từ quan điểm hữu (astitva) và phi hữu (nāstitva); cả hai, đứng riêng biệt hay tương đối, đều được nói là Không.

Vô tính (abhāva) là phủ định của hữu, cùng một nghĩa với Không. Tự tính (svabhāva) có nghĩa “nó là nó”, nhưng không có cái Nó nào như thế, cho nên Không. Vậy thì, đối nghịch của hữu và phi hữu là thực chăng? Không; nó cũng không luôn, vì mỗi phần tử trong đối lập vốn là Không”.

(trích Bát Nhã và Tính Không, Thiền luận Sáu)


Dịch giả: Thiền sư Thích Nhất Hạnh, Tâm Kinh Tuệ giác qua bờ, bản dịch mới bằng văn trường hàng và kệ 5 chữ.

Các bản kinh, văn nghĩa và chú giải khác:

Tinh tuý Bát Nhã Tâm Kinh, Đức Đalai Lama

...lòng sân hận phá vỡ an lạc nội tại, ngược lại, lòng từ bi tha thứ, tình tương thân tương trợ, tâm ít muốn biết đủ và biết tự chế, đều là căn bản của an vui hòa bình—hòa bình trong nhân loại và hòa bình trong tâm tưởng. Nền hòa bình chân chính lâu dài chỉ có thể phát triển nhờ mỗi người trong chúng ta cố gắng phát huy những đức tính nói trên. Ðây là điều tôi muốn nói khi đề cập đến tiến bộ của tâm linh. Cũng có khi tôi gọi điều này là “giải trừ vũ khí nội tâm”


  1. (C) Chuông khi thực tập 

  2. Hai mươi Không trong Śatasāhasrikā, nhưng không được nêu trong Aṣṭasāhasrikā.—Cf. Hán, Đại Bát-nhã, quyển 402 (T7n220, tr. 8c2): 20 Không. TS 

  3. Đại trí độ, quyển 31, T25n1509, tr. 285b6. TS 

  4. Xem Thiền luận I, tr. 162, “Vô của Triệu Châu.” 

  5. Skt. Paramārtha, Anh dịch: Ultimate Truth; chính xác, nên hiểu, đây chỉ cho “Thực tại Tuyệt đối”. TS 

  6. Skt. Atyanta: tận cùng biên tế, cùng cực biên tế; chỉ thực tại siêu việt mọi giới hạn, mọi biên tế (của tư duy và nhận thức). TS 

  7. Đại trí dộ 31 (T25n1509, tr. 293c21). TS 

  8. Đối chiếu liệt kê của Đại bát nhã, ibid.: 1. 內空 nội không, 2. 外空 ngoại không, 3. 內外空 nội ngoại không, 4. 空空 không không, 5. 大空 đại không, 6. 勝義空 thắng nghĩa không, 7. 有為空 hữu vi không, 8. 無為空 vô vi không, 9. 畢竟空 tất cánh không, 10. 無際空 vô tế không, 11. 散空 tán không, 12. 無變異空 vô biến dị không, 13. 本性空 bản tính không, 14. 自相空 tự tướng không, 15. 共相空 cộng tướng không, 16. 一切法空 nhất thiết pháp không, 17. 不可得空 bất khả đắc không, 18. 無性空 vô tính không, 19. 自性空 tự tính không, 20. 無性自性空 vô tính tự tính không. TS