Lược dịch 7 Chương trong Nội Thiên, Nam Hoa Kinh
I. Tiêu diêu du
a. Hãy sống một cuộc đời huyền hóa với trời đất (đoạn a, b)
Hồn ta hỡi, hãy tiêu diêu,
Tung đôi cánh rộng khinh phiêu chín tầng…
Hãy tung cánh chim bằng muôn dặm,
Cưỡi gió mây bay thẳng về Nam,
Bay về quê cũ giang san,
Hồ trời vùng vẫy miên man thỏa tình.
b. Mặc cho miệng thế dèm pha, chỉ trích (đoạn a, b)
Mặc nhân thế rẻ khinh đàm tiếu,
Óc phàm phu sao hiểu chí nhân…
Vùi thân trong chốn hồng trần,
Họ như ve, sẻ qua lần tháng năm.
Tầm mắt hẹp mà thân ti tiểu,
Kiếp phù du nào hiểu chi đâu,
Thân lươn bao quản lấm đầu,
Cốt sao cho khỏi cơ cầu thì thôi,
Phận sâu bọ, đành rồi sâu bọ,
Thân nấm rêu nào rõ tuần trăng.
Ve sầu nào biết thu xuân,
Minh linh ngoài mấy vạn năm hay gì?
Như Bành tổ có chi là thọ,
Mà chúng nhân quá cỡ tán dương.
c. Hãy sống thoát tục, vươn lên cao đại (đoạn c)
Người vui tước phận lý hương,
Ngươi vui mũ áo xênh xang trị vì.
Kìa Liệt Tử thích đi mây gió,
Cưỡi gió mây đây đó thỏa lòng.
Còn ta khinh khoát vô cùng,
Sánh vai nhật nguyệt, vẫy vùng khinh phiêu.
Quên mình quên hết mọi điều,
Quên tên, quên hết bao nhiêu công trình.1
Sống đời sống thần linh sảng khoái,
Như Hứa Do chẳng đoái công hầu.
Uống ăn nào có chi đâu,
Mà lo với lắng cho rầu lòng ai.
d. Đời sống thần linh không phải là chuyện hoang đường (đoạn d)
Ta chẳng nói những lời phách lối,
Lời của ta đâu nỗi hoang đường.
Lời ta minh chính đường hoàng,
Vì người không hiểu, trách quàng trách xiên…
Kẻ mù tối sao xem mầu sắc,
Người điếc tai sao bắt âm thanh.
Cho nên những kẻ vô minh,
Tối tăm ù cạc, ngọn ngành hiểu chi,
Sao biết được uy nghi sang cả,
Của những người huyền hóa siêu linh.
Đất trời gồm tóm trong mình,
Lồng vào muôn vật sự tình nào hai.
Dẫu sóng cả ngất trời không đắm,
Dẫu nóng nung cũng chẳng làm sao.
Trời mây mặc sức tiêu dao,
Cho dù Nghiêu, Thuấn dễ nào sánh vai…
e. Phải biết lợi dùng hết tầm kích của đời mình (đoạn e, f)
Kiếp sống nọ mấy ai biết dụng,
Biết cách dùng cho đúng, cho hay.
Có dưa năm thạch trong tay,
Bổ ra năm bảy, dưa này vứt đi.
Như nếu biết để y như trước,
Dùng làm phao, sông nước nó băng.
Đổi bất qui thủ lấy vàng,
Ngỡ là đã khéo tính toan lãi lời.
Ai ngờ nó giúp Ngô thắng Việt,
Giúp chủ nhân mãn kiếp vinh quang.
Biết dùng thời thực mênh mang,
Dùng sai, dùng dở oán than nỗi gì.
Nhưng hay nhất là khi vô dụng,
Thoát vòng đời tù túng lợi danh.
Sống trong Vô cực siêu linh,
Xa bề khổ ải, mặc tình nhởn nhơ…
II. Tề vật luận
Ta và trời đất cùng sinh,
Ta và muôn vật sự tình chẳng hai.2
Ta nào biết vắn dài, nhĩ ngã,
Lòng muôn phương, muôn ngả tỉnh say.3
Thênh thang chèo quế buồm mây,
Lòng trời lạc nẻo chốn này là đâu? 4
Nhạc trời tấu vui sầu muôn điệu,5
Bóng quang huy phiêu diễu mung lung,
Nơi đây ta dứt lòng trần,
Bạn cùng thần thánh, muôn phần hân hoan.6
Triều nổi sóng muôn vàn ta mặc,
Lửa ngất trời phần phật ta khinh.7
Ta nay đã thoát điêu linh,
Thoát vòng sinh tử, tử sinh của đời.8
Ta sống giữa lòng trời vĩnh cửu,
Ta sống trong khu nữu muôn loài.9
Vời trông thế sự vần xoay,
Ta nào còn biết bên này bên kia.
Tranh chấp hết, thị phi cũng hết,
Thị với phi phân biệt uổng công.10
Đã vào tới điểm đại đồng,
Trông ta trời đất mênh mông một màu.
Lớn với nhỏ in nhau một lứa,
Sống vắn dài cũng thủa phù sinh.
Sợi lông bát ngát mênh mông,
Mà xem non Thái như tình cỏn con.
Kẻ chết yểu sống hơn trăm kiếp,
Còn Lão Bành yếu triết, tảo vong,11
Ta nay xếp mọi tơ lòng,
Hết niềm nhĩ ngã, sống trong lòng trời.12
Nguồn mạch ấy chẳng vơi, chẳng cạn.
Mà tràn lan, lai láng rạt rào.
Kho trời đã rõ tiêu hao,
Tiêu sao cho hết, dùng sao cho cùng.13
Mặc tôm cá sống cùng tôm cá,
Mặc hươu nai nghĩa gá hươu nai,
Mặc cho khỉ vượn sánh đôi,
Mặc cho trai gái tìm nơi tương phùng.14
Ta tìm Đạo trong lòng vũ trụ,15
Trong lòng ta ta cứ tìm Trời.
Thương cho nhân thế miệt mài,
Lao đao lận đận suốt đời uổng công.16
Những bôn tẩu mơ mòng ảo ảnh,
Khiến cho đời hiu quạnh gian truân.
Nào hay ở giữa lòng trần,
Tấc thành đã sẵn muôn phần quang hoa.17
Nơi chốn ấy chói lòa ánh sáng,18
Cũng là nơi tĩnh lãng siêu nhiên.19
Là nơi sực nức hương tiên,
Rườm rà ta bỏ, tần phiền ta quăng.20
Đừng biện luận nói năng chi nữa,
Biết nói sao, biết tả làm sao? 21
Mênh mông bát ngát rạt rào,
Im hơi lặng tiếng mới cao, mới tài.22
Ta quên hết hình hài ngôn ngữ,
Quên rằng ta còn có hay không.23
Lạ thay phong thái huyền đồng,
Rũ sao cho sạch tơ lòng mới nghe.24
Sống khinh khoát muôn bề khinh khoát,
Cùng trăng sao bát ngát xa chơi.
Lòng mang vũ trụ đất trời,
Cùng chư thần thánh muôn đời sống chung.25
Sống mãi mãi vô cùng, vô tận,
Mặc trời mây chuyển vận quanh ta,
Mặc cho trần thế bôn ba,
Vì ta đã được tinh hoa đất Trời… 26
Thử ướm hỏi đâu nơi dừng gót,
Đâu là nơi cùng tột phải đi?
Ta nay truyền lẽ huyền vi,
Có Trời lập tức hết kỳ bôn ba.
Được Trời, Đạo ấy là đạt đích,
Hết lần mò tầm mịch lăng nhăng.27
Được Trời là được Thiên chân,
Chân nhân phải có Thiên quân đáy lòng.28
III. Dưỡng sinh chủ
Muốn cho đời sống khinh phiêu,
Bớt điều háo hức, bớt điều bon chen.
Chớ lo mua chuốc lời khen,
Cũng đừng đọa lạc tội khiên gông cùm.
Sao cho trong ấm ngoài êm,
Đề huề gia đạo, chu tuyền tấm thân.
Chớ xông vào chỗ gian truân,
Tránh điều tranh chấp, giành phần hơn thua.29
Kìa xem thủ thuật mổ bò,
Cố tìm khớp trống, mới lùa lưỡi dao.
Nơi không chống đối mới vào,
Chỗ nào cứng rắn đâm lao ích gì, 30
Lầu son gác tía mà chi,
Nếu lòng không được mọi bề khinh phiêu.31
Sống đời khinh khoát tiêu diêu,
Buông tay, đắm mắt: cũng điều thiên nhiên.
Có chi mà sợ cùng phiền,
Chết là thoát tục, thành tiên ngại gì.32
IV. Nhân gian thế (Sống trên đời)
Sống đời ở giữa thế gian,
Đừng đem dây rợ buộc ràng mà chi.
Đừng có ỷ sở tri, sở học,
Mà tính toan xoay cuộc cờ đời.
Trước khi muốn cảm hóa người,
Tâm linh trước phải tuyệt vời mới nên.33
Tâm linh phải biết niềm chay tịnh.34
Giữ cho lòng bình tĩnh hư vô,
Nhà không ánh sáng hiện ra,
Lòng không sẽ thấy chói lòa trời cao.35
Kìa Vũ, Thuấn xưa nào có khác,
Nọ Phục Hi cũng trạc thế thôi.36
Còn như đối đãi với đời,
Dẫu rằng quyền biến chớ sai tấc thành.
Đừng nóng nảy lo tranh lo chấp,
Đừng bon chen háo hức, say mê.
Trước sau trang trọng đề huề,
Đừng đem nóng giận hại bề giao du.37
Với người chớ khư khư cố chấp,
Phải lựa chiều tùy bậc tùy nơi,
Dạy người không phải bẻ người,
Mà là uốn nắn lần hồi mới hay.38
Muốn dại dụng chớ say tiểu dụng,
Đừng cho người thao túng đời ta.
«Thao quang, hối đức» mới là,
Thần minh sau trước khôn qua lẽ này.39
V. Đức sung phù
Vương Bài nước Lỗ cụt chân,
Nhưng mà đệ tử đông bằng Trọng Ni.
Thường Quí lạ, mới đi ướm hỏi,
Hỏi Trọng Ni nông nổi trước sau.
Vương Bài nào lạ chi đâu,
Lại thêm tàn tật lẽ nào tiếng tăm.
Trọng Ni đáp: Thánh nhân là thế,
Ngay Khưu này hồ dễ sánh vai.
Ta còn muốn lấy làm thầy,
Hèn chi kẻ kém Khưu này theo chân.
Một nước Lỗ đã rằng chi lạ,
Ta muốn cùng thiên hạ đi theo.
Họ thường gạn hỏi đến điều,
Con người như thế cao siêu thế nào.
Trọng Ni đáp: Biết bao cao cả,
Sống chết kia đâu há quan tâm.
Trời long, đất lở rầm rầm,
Mà Ngài đâu có lộ phần xuyến xao.
Biết tính mạng, tiêu hao gốc ngọn,
Lòng lâng lâng nào bợn trần ai.
Mặc cho muôn vật vần xoay,
Bởi vì chủ chốt trong tay đã cầm.
Thường Quí nói xin phân giải rõ,
Nghĩa huyền vi soi tỏ một phen.
Đáp rằng: Vạn vật biến thiên,
Phải nhìn cho tỏ hai bên dị đồng.
Từ khác biệt mà trông vạn vật,
Thời chia phôi gan mật, Việt Ngô.
Nhưng từ đồng điểm nhìn ra,
Muôn loài là một, phôi pha chưa từng.
Vui sống cõi hòa đồng của Đức,
Xếp một bên nhận thức ngũ quan.
Sá chi mất một chân phàm,
Chẳng qua hòn đất ném tòm khác chi.40
Dùng trí tuệ để suy tâm khảm,
Dùng tâm cơ nhàn lấm thường tâm.41
Đã tìm ra được Thiên quân,
Như hồ trong vắt chiếu cùng trời mây.
Như tùng bách tháng ngày tươi tốt,
Như Thuấn Vương đạo cốt Tiên phong.
Thảnh thơi, điềm tĩnh ung dung,
Oai phong hùng dũng giữa vòng biến thiên.
Vì lòng họ gồm kiêm trời đất,
Lại cưu mang vạn vật sinh linh.
Cũng là tai mắt thân hình,
Mà trong rực rỡ tâm linh huy hoàng.
Họ hiểu biết mênh mông vô tận,
Sống vô cùng, vô hạn từ bao.
Ai theo nào khiến ai nào,
Con người thế ấy, nói sao cho cùng.42
Thiên chân ví ở cõi lòng,
Sá chi lành sất, hình dung bề ngoài.
Tâm linh đường đã vạch rồi,
Sá chi mũ mãng, hán hài, công danh.
Mở lòng rộng rãi mông mênh,
Trời kia đất nọ há dành riêng ai.43
Đừng nên đày đọa hình hài,
Đừng vì danh hão phí hoài tấm thân.
Tại sao tù túng tinh thần,
Hãy nên khôn khéo gỡ lần vấn vương.44
Thái Hòa giữ vẹn «Tâm thường»,
Thất tình chớ để tổn thương tâm thần.
Sự đời chất chưởng thăng trầm,
Lẽ trời đã thế bận tâm làm gì.
Cùng người hoan lạc sầu bi,
Dung nhan ta đổi tùy nghi, tùy thời.
Giữ sao cho vẹn lòng trời,
Đừng cho gió cuốn, sóng trôi tâm hồn.
Thế là giữ được «tài toàn»,
Thế là đức hạnh chứa chan tuyệt vời.45
Dừng chân lòng dạ có nơi,
Ngoại thân nào quản hình hài nhỏ nhen.
Hình người, lòng đã thành tiên,
Tình đời phải trái tần phiền sạch không.
Với người tuy vẫn lộn sòng,
Với Trời kỳ thật hòa đồng từ bao.46
VI. Đại tông sư
Bài Đại Tông sư này gồm ba đề mục chính: a. Chân nhân. b. Đạo. c. Nghệ thuật sống.
Vậy chương này sẽ có ba tiết bàn về những vấn đề trên.
a. Chân Nhân
Biết trời mà biết cả người,
Đó là cái biết tuyệt vời thâm uyên.
Biết trời mới biết căn nguyên,
Biết người mới biết chu tuyền tấm thân.
Chân tri là bậc chân nhân,
Chân nhân mới được thông phần chân tri.
Chân nhân khinh khoát huyền vi,
Há lo tranh chấp, há vì công danh.
Trèo cao lòng cũng chẳng kinh,
Nước trào, lửa cháy, tâm linh chẳng sờn.
Một lòng sau trước sắt son,
Lòng mang Đạo cả nào còn sợ chi.
Chân nhân nằm ngủ chẳng mê,
Còn khi tỉnh thức muôn bề thảnh thơi.
Chân nhân khác biệt người đời,
Niềm tràn phất phới, niềm trời sâu xa.
Tử sinh nào khác chi là,
Đi vào chẳng thích, đi ra chẳng cần.
Nhân tâm chẳng phá đạo tâm,
Ý trời há để lòng trần cản ngang.
Cho nên dáng dấp đàng hoàng,
Tâm hồn bình thản dung quang sáng ngời.
Vui buồn hợp nhất với Trời,
Mênh mông bát ngát, ai người dám so.
Kinh quyền tùy tiện đẩy đưa,
Trời chiều, vả lại người ưa mới là.47
b. Đạo
Đạo trời hữu tính hữu hình,
Vô vi vả lại vô hình mới hay.
Dễ truyền, khó bắt lạ thay,
Giữ thời giữ được, trông rày hẳn không.
Tự sinh, tự bản vô cùng,
Có từ trời đất còn không có gì.
Sinh trời sinh đất ra uy,
Quỉ thần âu cũng là tùy sở do.
Cao cao vô tận, khôn dò,
Cao hơn Thái Cực vẫn cho là thường.
Thẳm sâu sâu mấy ngàn muôn,
Sâu hơn vũ trụ mà nhường không hay.
Lâu lai nào kể tháng ngày,
Trước trời, trước đất, lâu này lâu chi.
Sống từ muôn thuở vẫn y,
Ngàn muôn tuổi thọ, đã gì già nua.
Hi Di, Hoàng đế, Kiên Ngô,
Kham Phi, Chuyên Húc đã nhờ thần thông.
Đạo trời soi sáng cõi lòng,
Mới thành Thần Thánh sống cùng trời mây.
Lão Bành, Phó Duyệt nhờ tay,
Ngung Cường, Vương Mẫu may thay được người.
Mới nên Thần Thánh tuyệt vời,
Ngự nơi Thiếu Quảng, chơi nơi Ngân Hà.
Biết bao thỏ lặn, ác tà,
Hai vầng nhật nguyệt khôn qua Đạo Trời.
Kìa như Bắc Đẩu thảnh thơi,
Cũng nhờ Đạo cả mới ngôi cửu trùng.
Đạo Trời ngẫm thực vô cùng,
Biết bao quyền phép thần thông nhiệm mầu.48
c. Nghệ thuật sống
Ta nên sống thuận mệnh Trời,
Vấn đề sinh tử nên coi là thường.
Hình hài chẳng vấn vương tấc dạ,
Vẻ bên ngoài biến hóa quản chi.
Tồn vong sinh tử cũng y,
Chẳng qua máy tạo huyền vi an bài.49
Đời trần thế là đời mộng ảo,
Tỉnh với mơ lộn lạo khác chi,
Tử sinh như ở với đi,
Như thay hình tướng có chi bận lòng.
Dù Nam, Bắc, Tây, Đông cũng vậy,
Trời bảo sao, ta hãy vui theo.50
Mặc cho ngoại cảnh xoay chiều,
Giữa lòng Tạo Hóa khinh phiêu thỏa tình.
Đem tâm gởi mênh mông bát ngát,
Thời tâm này mất mát làm sao? 51
Muốn tìm ra Đạo chí cao,
Nếu không suy tưởng nhẽ nào tìm ra.
Hãy thâu lượm tinh hoa sử sách,
Hãy khơi tung nguồn mạch đáy lòng.
Hư vô khi đã khai thông,
Rồi ra sẽ được huyền đồng chẳng sai.
Tìm Trời phải quên đời, quên cảnh,
Quên phù sinh, ảo ảnh bên ngoài,
Tâm hồn khi hết pha phôi.
Mới mong rực rỡ ánh trời hiện ra.
Đã thấy Đạo, đâu là kim cổ,
Hết cổ kim vào chỗ trường sinh.
Ham sinh thời lại điêu linh,
Phù sinh chẳng chuộng, thần linh ấy là.52
Hãy cố gắng vượt qua nhân nghĩa,
Hãy quên đi nghi lễ của đời.53
Quên mình, quên cả hình hài,
Thông minh trí huệ, gác ngoài tâm linh.
Hãy hợp với vô hình, vô tượng,
Cùng Đại thông vô lượng sánh đôi.54
Thế là được Đạo được Trời,
Thoát vòng biến hóa muôn đời trường sinh…55
Ai chỉ vẽ sự tình sau trước,
Ấy thầy ta đại lược cho ta.
Thầy ta muôn vật điều hòa,
Mà nào kể nghĩa với là kể ơn.
Ban ân trạch cho muôn thế hệ,
Mà chưa hề lấy thế làm nhân.
Trường tồn đã mấy muôn năm,
Mà chưa hề thấy có phần già nua.
Thầy ta chở cùng che trời đất,
Lại ra tay điêu khắc muôn loài,
Thế mà một mực thảnh thơi,
Chưa hề có bảo là tài, là hay.56
VII. Ứng đế vương (Nghệ thuật trị dân)
Trị dân nước thế nào cho phải,
Làm sao cho quốc thái dân an.
Bên ngoài lo lắng sửa sang,
Hay lo cảm hóa tâm can con người.
Sửa sang nghi thức bên ngoài,
Thực là tính chuyện vá trời đào sông.57
Lấy lòng dân nước làm lòng,
Nhu hòa điềm đạm, như không mới là.
Đừng nên lận đận bôn ba,
Lao tâm khổ tứ cho ra thân tàn.
Phải cho phong độ đàng hoàng,
Rồi ra mới đáng nêu gương cho người.58
Minh vương nghệ thuật tuyệt vời,
Công trùm thiên hạ mà coi như thường.
Đức trời cảm hóa muôn phương,
Há cần dân phải lo lường nài van.
Âm thầm gây dựng mối giường,
Để cho muôn vật an khương thái hòa.59
Riêng mình rũ bỏ phù hoa.60
Vui trong Đạo cả cao xa tuyệt vời.61
Sống trong Vị thủy chơi vơi.62
Cỡi chim «Khinh khoát» ra ngoài lục hư.
Làng Vô hà hữu ngao du,
Sống trong «Vô hữu» lặng tờ tịch liêu.63
Vô vi như thể trời cao,
Vô vi trác tuyệt nói sao cho cùng.
Bao trùm vô tận thinh không,
Mịt mù tông tích ai lùng cho ra.64
Tâm hồn gương sáng sáng lòa,
Chiếu soi muôn vật đâu là riêng tây.65
Vô vi hỗn độn ai hay,
Phẩm tiên chớ để lọt tay phàm trần…66
Tác giả: Bác sĩ Nhân Tử NGUYỄN VĂN THỌ (1921-2014)
Bác sĩ Nhân Tử Nguyễn Văn Thọ sinh ngày 15 tháng 12 năm 1921 tại Chi Long, Hà Nam, Bắc Việt. Tốt nghiệp Đại học Y khoa Hà Nội năm 1952. Phục vụ ngành Quân Y từ năm 1952 đến năm 1965 với cấp bậc Thiếu Tá và giữ chức vụ Chỉ huy Tổng Y Viện Duy Tân (Đà Nẵng) từ năm 1956 đến 1963. Từ năm 1967 cho đến 1975, Bác sĩ là Giáo sư Đại Học Văn Khoa và Minh Đức (Saigon), khoa Triết Học Đông Phương. Năm 1960 tác giả được trao giải thưởng văn chương Tinh Việt Văn Đoàn qua tác phẩm Trung Dung Tân Khảo.
Kể từ năm 1956 Bác sĩ Nguyễn Văn Thọ đã nghiên cứu về Triết học Đông phương, bắt đầu từ Khổng Giáo trong suốt 9 năm liền, sau đó là Lão Giáo, rồi đến Bà La Môn, Phật Giáo và tiếp theo là Thiên Chúa Giáo và các đạo giáo ở Âu Châu.
Năm 1982 Bác sĩ cùng gia đình định cư tại Hoa Kỳ và lấy bằng Bác Sĩ Y Khoa tương đương tại Hoa Kỳ vào năm 1983. Bác sĩ Nguyễn Văn Thọ từng là cộng tác viên của nhiều nguyệt san tại Việt Nam, Hoa Kỳ, Canada, Đức, Úc và đã hoàn tất 18 tác phẩm với khoảng 7000 trang về hai đề tài chính là Triết Học Đông Phương và Tôn Giáo Đối Chiếu. Bác sĩ Thọ chuyên khảo cứu về Chữ Nôm của thế kỷ 17 và đã phiên dịch được hơn 1000 trang Chữ Nôm của Linh Mục Majorica cũng như đã viết và dịch xong 7 cuốn sách về Đạo Lão gồm Phép Tu Tiên hay Tiên Thiên Khí Công như cuốn Lão Trang Giản Lược, Đạo Đức Kinh, Huỳnh Đình Kinh, Tính Mệnh Khuê Chỉ, Tham Đồng Khế, Ngộ Chân Trực Chỉ, Tượng Ngôn Phá Nghi.
Bác sĩ Nhân Tử Nguyễn Văn Thọ tạ thế ngày 07 tháng 01 năm 2014 tại Issaquah, WA, USA, hưởng thọ 93 tuổi.
-
Chí nhân vô kỷ, thần nhân vô công, thánh nhân vô danh. 至人無己,神人無功,聖人無名 (Chương I-c) ↩
-
Thiên địa dữ ngã tịnh sinh, nhi vạn vật dữ ngã vi nhất. 天地與我並生,而萬物與我為一 (Chương 2-d) ↩
-
Ký dĩ vi nhất, thả đắc hữu ngôn hồ 既已為一,且得有言乎 (Chương 2-d)
…Thị cố hoạt nghi chi diệu, Thánh nhân chi sở đồ dã. 是故滑疑之耀聖人之所圖也 (Chương 2-d).
Phương khả, phương bất khả, Phương bất khả, phương khả. Nhân thị, nhân phi. Nhân phi, nhân thị… 方可方不可,方不可方可.因是因非,因非因是 (Chương 2-c) ↩
-
Thục tri bất ngôn chi biện, bất đạo chi Đạo. 孰知不言之辯,不道之道 (Chương 2-e) ↩
-
Nhữ văn địa lại, nhi vị văn Thiên lại phù? 女聞地籟而未聞天籟夫 (Chương 2-a) ↩
-
Thánh nhân ngu truân, tham vạn tuế, nhi nhất thành thuần. 聖人愚芚參萬歲而一成純 (Chương 2-g) Thánh nhân bất tùng sự ư vụ… nhi du hồ trần cấu chi ngoại 聖人不從事於務 [...] 而遊乎塵垢之外 (Chương 2-g) ↩
-
Đại trạch phần nhi bất năng nhiệt, hà hán hộ nhi bất năng hàn. 大澤焚而不能熱,河漢沍而不能寒 (Chương 2-f) ↩
-
Nhi du hồ tứ hải chi ngoại, tử sinh vô biến ư kỷ. 而游乎四海之外,死生無變於己 (Chương 2-f) ↩
-
Bỉ thị mạc đắc kỳ ngẫu, vị chi Đạo khu. Khu thủy đắc kỳ hoàn trung, dĩ ứng vô cùng. 彼是莫得其偶,謂之道樞.樞始得其環中,以應無窮 (Chương 2-c) ↩
-
Thị dĩ thánh nhân hòa chi dĩ thị phi, nhi hưu hồ Thiên quân thị chi vị lưỡng hành. 是以聖人和之以是非而休乎天鈞是之謂兩行 (Chương 2-c) ↩
-
Thiên hạ mạc đại ư thu hào chi mạt, nhi đại sơn vi tiểu. Mạc thọ ư thương tử, nhi Bành tổ vi yểu. 天下莫大於秋毫之末,而大山為小;莫壽於殤子,而彭祖為夭 (Chương 2-e). ↩
-
Vong niên, vong nghĩa, chấn ư vô cảnh, cố ngụ chư vô cảnh 忘年忘義振於無竟故寓諸無竟 (Chương 2-h). ↩
-
Nhược hữu năng tri thử chi vị thiên phủ, chú yên nhi bất mãn, chước yên nhi bất kiệt, nhi bất tri kỳ sở do lai 若有能知此之謂天府注焉而不滿酌焉而不竭而不知其所由來 (Chương 2-d). ↩
-
Viên biên thư dĩ vi thư, mê dữ lộc giao, thu dữ ngư du. Mao Tường, Lệ Cơ, nhân chi sở mỹ dã 猿猵狙以為雌,麋與鹿交,鰍與魚游.毛嬙,麗姬,人之所美也 (Chương 2-e). ↩
-
Thị dĩ thánh nhân hòa chi dĩ thị phi, nhi hưu hồ Thiên quân. 是以聖人和之以是非而休乎天鈞 (Chương 2-c). ↩
-
Chung thân dịch dịch nhi bất kiến kỳ thành công, niết nhiên bì dịch nhi bất tri kỳ sở qui, khả bất ai da? 終身役役而不見其成功,薾然疲役而不知其所歸,可不哀邪 (Chương 2-b). ↩
-
Phù tùy thành tâm nhi sư chi, thùy độc thả vô sư hồ. 夫隨其成誠心而師之,誰獨且無師乎 (Chương 2-b) ↩
-
Hóa thanh chi tương dãi, nhược kỳ bất tương đãi, hòa chi dĩ Thiên nghê 化聲之相待,若其不相待,和之以天倪 (Chương 2-h). ↩
-
Vong niên, vong nghĩa, chấn ư vô cảnh, cố ngụ chư vô cảnh 忘年忘義振於無竟故寓諸無竟 (Chương 2-i). ↩
-
Phù đại Đạo bất xưng, đại biện bất ngôn. 夫大道不稱,大辯不言 (Chương 2-c). ↩
-
Thục tri bất ngôn chi biện, bất đạo chi đạo 孰知不言之辯,不道之道 (Chương 2-d). ↩
-
Thánh nhân bất tùng sự ư vụ, bất tựu lợi, bất vi hại, bất hỉ cầu. 聖人不從事於務,不就利,不違害,不喜求 (Chương 2-g). ↩
-
Nhược nhiên giả, thừa vân khí, kỵ nhật nguyệt nhi du hồ tứ hải chi ngoại, tử sanh vô biến ư kỷ. 若然者,乘雲氣,騎日月而游乎四海之外,死生無變於己 (Chương 2-e)… Bàng nhật nguyệt hiệp vũ trụ vi kỳ vẫn hợp 旁日月,挾宇宙為其吻合 (Chương 2-g). ↩
-
Chúng nhân dịch dịch, Thánh nhân ngu truân, tham vạn tuế, nhi nhất thành thuần. 眾人役役,聖人愚芚參萬歲而一成純 (Chương 2-g) ↩
-
Xem Chương 2-d, từ: « Cổ chi nhân tri hữu sở chí hĩ…» 古之人其知有所至矣 đến « vị thủy hữu thị phi dã.» 未始有是非也 (Đạt Vô cực, hay Thái cực là đạt đích). ↩
-
Thị dĩ thánh nhân hòa chi dĩ thị phi, nhi hưu hồ Thiên quân. 是以聖人和之以是非而休乎天鈞 (Chương 2-c). ↩
-
Tóm đoạn a. Dưỡng sinh chủ. ↩
-
Tóm đoạn b. ↩
-
Tóm đoạn c. ↩
-
Tóm đoạn d. ↩
-
Xem đoạn a, tr.230-235 Wieger, Les Pères du Système Taoiste, (Đoạn này Nguyễn duy Cần bỏ không dịch). ↩
-
Hư thất sinh bạch, cát tường chỉ chỉ, vị tọa trì. Phù tuần nhĩ mục nội thông nhi ngoại ư tâm tri, quỉ thần tương lai xá. 虛室生白,吉祥止止,謂坐馳.夫徇耳目內通,而外於心知,鬼神將來舍 Wieger, (Chương 4: Nhân gian thế), tr.234. ↩
-
Ibid. a, tr. 234. ↩
-
Xem đoạn b, tr. 235. ↩
-
Xem đoạn c, tr. 236-237. ↩
-
Xem d, tr. 238-239. 1, 240-241. ↩
-
Tóm tắt đoạn a, Đức Sung Phù. Xem Nguyễn Duy Cần, Nam Hoa Kinh, tr. 294-297. ↩
-
Dĩ kỳ tâm đắc kỳ thường tâm. 以其心得其常心. Nguyễn Duy Cần, Nam Hoa Kinh, tr. 291. ↩
-
Từ «Trọng Ni viết: Nhân mạc giám ư lưu thủy» 仲尼曰:人莫鑑於流水 đến «dĩ vật vi sự hồ» 以物為事乎 (Nguyễn Duy Cần, Nam Hoa Kinh, tr. 291-292). ↩
-
Phù thiên vô bất phúc, địa vô bất tải, Ngô dĩ phu tử vi Thiên địa. 夫天無不覆,地無不載,吾以夫子為天地 (Ibid, tr. 305). ↩
-
Vô Chỉ viết: Thiên hình chi an khả giải 無趾曰:天刑之,安可解 (Nguyễn Duy Cần, Nam Hoa Kinh, tr. 306-308). ↩
-
Ai Công viết: Hà vị tài toàn?… Thị chi vị tài toàn 哀公曰:何謂才全? [...]: 是之謂才全 (Nguyễn Duy Cần, Nam Hoa Kinh, tr. 314-315). ↩
-
Diểu hồ tiểu tai, sở dĩ thuộc ư nhân dã, ngao hồ đại tai, độc thành kỳ thiên. 眇乎小哉,所以屬於人也,謷乎大哉,獨成其天 (Ibid., tr. 323) ↩
-
Nguyễn Duy Cần, Nam Hoa Kinh, tr. 340-347. ↩
-
Xem đoạn d Đại Tông Sư.- Nguyễn Duy Cần, Nam Hoa Kinh, tr. 358-360. ↩
-
Xem Nguyễn Duy Cần, Nam Hoa Kinh, tr. 351-355. ↩
-
Ibid. tr. 351-355. 362-377. ↩
-
Cố Thánh Nhân tương du ư vật chi sở bất đắc độn nhi giai tồn 故聖人將遊於物之所不得遯而皆存 (Nguyễn Duy Cần, Nam Hoa Kinh, tr. 354). ↩
-
Xem đoạn e, tr. 364-365. ↩
-
Xem i, tr. 385-389. ↩
-
Xem «tọa vong» 坐忘 (tr. 392)… Đọa chí thể, truất thông minh, ly hình, khứ tri, đồng ư đại thông. 墮枝體,黜聰明離形去知同於大通 (Ibid., tr. 393) ↩
-
Đồng tắc vô háo dã, hóa tắc vô thường dã. 同則無好也,化則無常也 (Ibid., tr. 393) ↩
-
Nguyễn Duy Cần, Nam Hoa Kinh, tr. 386-389. ↩
-
Phù thánh nhân chi trị dã, trị ngoại hồ. 夫聖人之治也,治外乎 (Nguyễn Duy Cần, Nam Hoa Kinh, tr. 411) ↩
-
Ibid., tr. 418. ↩
-
Liệt Tử tự dĩ vi vị thủy học nhi qui 列子自以為未始學而歸 (Ibid., tr. 428) ↩
-
Thừa phù mãng diêu chi điểu, di xuất lục cực chi ngoại, nhi du vô hà hữu chi hương, dĩ xứ khoáng lạng chi dã. 乘夫莽眇之鳥以出六極之外,而遊無何有之鄉,以處壙埌之野 (Ibid., tr. 414) ↩
-
Lập hồ bất trắc nhi du ư vô hữu giả dã 立乎不測而遊於無有者也 (Ibid., tr. 418) ↩
-
Vô vi danh thi, vô vi mưu phủ, vô vi sự nhiệm, vô vi tri chủ, thể tận vô cùng, nhi du vô trẩm. 無為名尸,無為謀府,無為事任無為知主,體盡無窮,而遊無朕 (Ibid., tr. 434)
- Chí nhân chi dụng tâm nhược kính, bất tương, bất nghịch, ứng nhi bất tàng. Cố năng thắng vật nhi bất thương. 至人之用心若鏡;不將,不逆;應而不藏.故能勝物而不傷 (Ibid., tr. 434)
-
Xem các đoạn f, g (Ibid., tr. 434-436) ↩